Những dấu hiệu cảnh báo bệnh trầm cảm

Bài viết được tham khảo từ Chuyên gia tâm lý Trần Anh Vũ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn bác sĩ có chuyên môn để điều trị.


Theo một công bố của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trầm cảm là căn bệnh phổ biến nhất hiện nay. Tuy nhiên trên thực tế, có tới 80% người mắc bệnh trầm cảm không được phát hiện và điều trị. Nguyên nhân là vì triệu chứng của trầm cảm thường dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác, hoặc do tâm lý trầm uất, mất hết động lực và mục đích sống của người mắc bệnh, đồng thời kiến thức về căn bệnh trầm cảm là gì vẫn chưa được phổ biến.

Không có một kết luận chắc chắn nào về nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm, tuy nhiên những nguyên nhân phổ biến nhất bao gồm: Gặp áp lực cuộc sống, các chất hóa học trong não có sự bất thường, hoặc yếu tố về gen di truyền. Dưới đây là những dấu hiệu giúp người đọc có thể đối chiếu và đánh giá về nguy cơ mắc bệnh trầm cảm.

Những dấu hiệu cảnh báo bệnh trầm cảm

Về cảm xúc

  • Cảm thấy buồn bã, chán nản.
  • Mất đi hứng thú trong cuộc sống, kể cả những niềm quan tâm trước đây.
  • Sự buồn chán thể hiện ra bên ngoài, không có hoặc rất ít phản ứng với những thứ bên cạnh.
  • Cực kì nhạy cảm, có thể khóc vì bất cứ lí do gì, hoặc không thể khóc.
  • Cảm thấy cô đơn, trống trải mặc dù có rất nhiều người xung quanh.
  • Cảm thấy bất lực, vô vọng.

Trong tư duy

  • Thấy bản thân mình vô dụng, kém cỏi, cho rằng mình không thể làm điều gì tốt đẹp.
  • Cảm thấy bản thân mình có tội.
  • Có những suy nghĩ tiêu cực, bi quan về bản thân, người khác và cả thế giới.
  • Tuyệt vọng về tương lai, không tìm thấy hướng đi cho bản thân.
tram cam
Người mắc bệnh trầm cảm không tìm thấy hướng đi trong tương lai

Hành vi

  • Không thể làm các công việc bình thường, cơ bản trước đây: Thay quần áo, tắm rửa, giặt giũ, mua đồ ăn, v.v.
  • Chậm chạp, kiệt quệ, mất hết sức lực cho dù không làm gì hoặc chỉ làm những công việc đơn giản.
  • Không cảm thấy đói, không có nhu cần ăn uống hoặc ăn rất nhiều.
  • Mất ngủ, khó ngủ dù đôi khi rất buồn ngủ, hoặc ngủ triền miên.
  • Giảm khả năng tập trung.
  • Trường hợp nặng có những hành vi toan tự sát hoặc hành hạ bản thân.
  • Không chú ý tới vẻ ngoài, ăn mặc lôi thôi.

Cơ thể

  • Có thể có các triệu chứng: Đau đầu, đau nhức cơ thể, buồn nôn v.v.
  • Mệt mỏi: Cảm thấy không có năng lượng và khó hoàn thành ngay cả những công việc đơn giản.
  • Bồn chồn, bất an, lo lắng không rõ nguyên nhân v.v.

Nếu có quá một nửa các triệu chứng bên trên và tình trạng này đã xảy ra mỗi ngày trong vòng hơn 2 tuần, rất có khả năng bạn đang mắc phải căn bệnh trầm cảm.

Xem thêm: Hội chứng trầm cảm cười

Các biện pháp điều trị bệnh trầm cảm

Nhiều người nghĩ rằng trầm cảm giống như khi trải qua áp lực trong cuộc sống. Tuy nhiên trầm cảm thực sự là một bệnh lý. Giống như khi bị gãy tay, bạn không thể nói với cánh tay hãy lành đi là nó sẽ tự lành. Tương tư như vậy, không phải rằng bệnh nhân muốn vui vẻ hơn, muốn thoát ra khỏi sự tiêu cực là có thể thực hiện. Muốn điều trị bệnh cần phải phối hợp tham khảo ý kiến của các chuyên gia, có người bên cạnh đồng hành và nỗ lực của bản thân người bệnh:

Phương pháp điều trị bệnh trầm cảm
  • Điều trị bằng biện pháp tâm lý: Gần gũi, chia sẻ, cảm thông với người bệnh. Tránh dùng những từ như:” Vẫn còn nhiều người khổ hơn bạn”, “Bệnh của bạn thì chỉ có bạn mới giải quyết được”, “Vấn đề của bạn không lớn, do bạn nghĩ nhiều quá thôi”, “Vui lên đi” v.v. vì những lời nói này có thể khiến người bệnh tổn thương và cảm thấy nỗi đau của họ bị phủ nhận. Cách hiệu quả nhất là lắng nghe và đồng cảm với người bệnh.
  • Điều trị bằng chế độ dinh dưỡng: Để cuộc sống trở nên tích cực hơn, chúng ta cần bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt, trong đó có chế độ ăn uống. Ngoài ra việc bổ sung vitamin B vào thực đơn hàng ngày không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn là cách chúng ta chăm sóc tâm hồn.
  • Điều trị khác như vật lý trị liệu: xoa bóp, châm cứu v.v.
  • Đến gặp các bác sĩ, chuyên gia tâm lý để được trị liệu tâm lý và có thể phải uống một số loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không nên tùy tiện sử dụng thuốc.

Không có bất kì ai miễn dịch với căn bệnh trầm cảm. Mặc dù là nguyên nhân của hơn 50% trường hợp tự sát, ước tính mỗi năm có tới 850.000 người chết do hành vi tự sát bởi căn bệnh trầm cảm, nhưng sự chú ý đối với căn bệnh này vẫn chưa thực sự đúng mức. Hãy luôn dành sự quan tâm đối với bản thân cũng như những người quan trọng xung quanh bạn.

Chuyên gia tâm lý và Trung tâm tư vấn uy tín

SHARE được thành lập từ năm 2008 – là một trong những trung tâm điều trị tâm lý đầu tiên tại Hà Nội.

Chuyên gia Trần Anh Vũ đã có 9 năm kinh nghiệm trong việc tham vấn và điều trị tâm lý.

Chuyên gia tâm lý Đoàn Thị Hương là một trong những Thạc sỹ tâm lý lâm sàng đầu tiên trong chương trình hợp tác đào tạo thạc sỹ lâm sàng giữa Trường Đại học giáo dục Hà Nội và Trường Đại học Vanderbilt Hoa Kỳ.


Doctor có sẵn là nền tảng đặt lịch hẹn khám bệnh với các bác sĩ và phòng khám đầu ngành tại Việt Nam.

Tư liệu tham khảo: Mayoclinic

Contact Me on Zalo