Viêm tai giữa ở trẻ là một trong những bệnh nhiễm trùng cấp tính phổ biến. Tai giữa là vùng không gian phía sau màng nhĩ, có các xương tai cực nhỏ. Bệnh dễ tái phát và có nguy cơ gây điếc cho trẻ nếu cha mẹ không kịp thời phát hiện và điều trị dứt điểm cho trẻ. Hãy cùng Docosan tìm hiểu ngay sau đây nhé.
Tóm tắt nội dung
Triệu chứng viêm tai giữa ở trẻ
Đau tai, đặc biệt khi trẻ nằm xuống, là biểu hiện dễ nhận thấy của tình trạng viêm tai giữa ở trẻ. Ngoài ra, trẻ còn có các triệu chứng viêm tai giữa khác như:
- Sốt
- Khó ăn, uống hoặc ngủ.
- Nhai, mút và nằm thì bị đau tai.
- Trẻ nhỏ hay kéo hoặc giật tai.
- Trẻ quấy khóc và khóc nhiều hơn bình thường.
- Trẻ nghe kém hoặc không đáp ứng với âm thanh.
- Trẻ bị mất thăng bằng.
- Tai trẻ tiết dịch bất thường.
Nguyên nhân gây viêm tai giữa ở trẻ
Viêm tai giữa ở trẻ thường do sự hiện diện của vi khuẩn hoặc vi rút trong tai giữa. Sự viêm nhiễm này thường là hệ quả của một bệnh lý khác, làm tắc nghẽn và sưng tấy ở một hoặc cả hai vòi nhĩ. Vòi nhĩ là một ống nhỏ nối tai giữa với phần cao của họng, có vai trò điều hoà áp lực không khí của tai trong, cũng như dẫn lưu dịch từ tai giữa tiết ra xuống họng. Vòi nhĩ bị sưng tấy làm tắc nghẽn đường thoát dịch. Dịch ứ đọng trong tai giữa có thể bị nhiễm trùng và gây ra những triệu chứng của viêm tai giữa.
Cảm lạnh, viêm họng, trào ngược axit hoặc dị ứng có thể làm cho các vòi nhĩ sưng lên, ngăn chất nhầy thoát ra ra. Sau đó, vi rút hoặc vi khuẩn phát triển trong chất nhầy này và tạo ra mủ, tích tụ trong tai giữa.
Có hai dạng chính là viêm tai giữa cấp tính và viêm tai giữa có dịch tiết.
- Viêm tai giữa cấp: Tình trạng viêm nhiễm của dịch ứ đọng ở tai giữa. Bệnh này có thể là nguyên nhân làm tổn thương tai giữa và màng nhĩ, tổn thương kéo dài có thể làm chảy dịch liên tục qua lỗ thủng màng nhĩ.
- Viêm tai giữa tràn dịch là tình trạng tai giữa có dịch nhưng không nhiễm trùng. Bệnh thường không có các triệu chứng cơ năng rõ ràng, đôi khi người bệnh chỉ có cảm giác đầy nặng tai.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường bị viêm tai giữa hơn người lớn bởi vì sự chưa trưởng thành về cấu trúc, chức năng, khả năng miễn dịch của vòi nhĩ ở lứa tuổi nhi đồng, cụ thể là:
- Vòi nhĩ ngắn hơn và nằm hơi ngang hơn, do đó dịch khó thoát hơn. Vòi nhĩ của trẻ cũng hẹp hơn, do đó dễ bị tắc hơn.
- Amidan vòm họng (adenoid hay VA)của trẻ lớn hơn của người lớn có thể cản trở sự mở của các vòi nhĩ.
Một số yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ viêm tai giữa ở trẻ em là
- Trẻ đi nhà trẻ hoặc mẫu giáo: Nhóm trẻ này dễ bị cảm lạnh và viêm tai giữa hơn trẻ ở nhà. Ngoài ra, trẻ đi nhà trẻ hoặc mẫu giáo cũng có nguy cơ viêm mũi họng cao hơn, do đó nguy cơ viêm tai giữa cũng gia tăng.
- Hút thuốc lá thụ động: Trẻ sống trong môi trường có khói thuốc lá có tỷ lệ mắc viêm tai giữa cao hơn trẻ khác.
- Trẻ bú bình: Trẻ bú bình ở tư thế nằm thì sữa từ bình có thể chảy vào ống tai và tích tụ ở tai giữa, trẻ bú bình không có kháng thể chống lại vi khuẩn gây viêm như trẻ bú sữa mẹ.
- Yếu tố thời tiết: Viêm tai giữa thường gặp vào mùa lạnh. Những trẻ bị dị ứng thời tiết hoặc các tác nhân dị ứng xuất hiện theo mùa (phấn hoa, mạt nhà…) cũng có nguy cơ viêm tai giữa cao hơn trẻ bình thường.
Khi nào nên đưa trẻ đi khám?
Những đứa trẻ bị đau tai hoặc có cảm giác đầy tai, đặc biệt là khi có kèm theo sốt, cần được các bác sĩ nhi giỏi khám nếu các triệu chứng không thuyên giảm sau một vài ngày.
- Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Thê – 40 năm kinh nghiệm – Quận Tân Bình
- Bác sĩ Trần Văn Công – Chữa bệnh không dùng thuốc – Quận Bình Thạnh
- BS Lê Hồng Thiện – Quận Thủ Đức
Chẩn đoán và điều trị viêm tai giữa
Sau khi hỏi bệnh và thăm khám tổng quát, các bác sĩ sẽ sử dụng kính soi tai, một dụng cụ nhỏ có đèn pin và kính lúp để kiểm tra khoang tai và màng nhĩ.
Việc điều trị viêm tai giữa ở trẻ phụ thuộc nhiều yếu tố như:
- Tác nhân và mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng tai
- Số lần tái phát của nhiễm trùng tai ở trẻ
- Thời gian phát bệnh viêm tai giữa ở trẻ
- Tuổi của bé
- Các yếu tố nguy cơ: nằm bú bình, khói thuốc lá, môi trường sống, …
Không phải tất cả các loại viêm tai giữa ở trẻ đều cần được điều trị bằng kháng sinh. Hầu hết các bé bị viêm tai giữa nhẹ có thể tự khỏi nên thông thường bác sĩ chỉ kê thuốc giảm đau và theo dõi diễn biến của viêm tai giữa ở trẻ tốt lên hay xấu đi để thực hiện những bước tiếp theo.
Thuốc kháng sinh không được sử dụng cho mọi trường hợp trẻ được chẩn đoán viêm tai giữa bởi vì:
- Thuốc kháng sinh không có tác dụng nếu nguyên nhân gây bệnh là vi rút
- Thuốc kháng sinh có thể gây ra tác dụng phụ
- Lạm dụng thuốc kháng sinh sẽ khiến vi khuẩn kháng thuốc và làm cho bệnh khó điều trị hơn.
Nếu bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh, liệu trình 7 – 10 ngày thường được khuyến nghị. Trẻ em từ 6 tuổi trở lên không bị nhiễm trùng nặng có thể dùng một đợt điều trị ngắn hạn từ 5 đến 7 ngày.
Một số trẻ em, chẳng hạn như những trẻ bị nhiễm trùng tái phát và những trẻ bị mất thính lực kéo dài hoặc chậm nói, có thể cần phẫu thuật . Bác sĩ tai mũi họng sẽ phẫu thuật chèn các ống (được gọi là ống thông vòi nhĩ) để chất lỏng chảy ra từ tai giữa. Ống này giúp cân bằng áp suất trong tai giúp bé giữ thăng bằng cơ thể và cải thiện tình trạng nghe.
Nếu cơn đau tai làm trẻ khó chịu, quấy khóc nhều, cha mẹ có thể cho trẻ dùng thuốc hạ sốt, giảm đau theo hướng dẫn về liều lượng của bác sĩ.
Phòng ngừa viêm tai giữa ở trẻ
Để phòng bệnh viêm tai giữa ở trẻ, cha mẹ cần lưu ý:
- Cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ trong ít nhất 6 tháng đầu đời để giúp ngăn ngừa viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh.
- Nếu trẻ bú bình, hay giữ trẻ ngồi nghiêng, bố trí điểm tựa, không được cho trẻ nằm bú.
- Không cho bất kì ai hút thuốc trong nhà, quanh em bé. Khói thuốc lá là yếu tố nguy cơ và yếu tố tăng nặng viêm tai giữa ở trẻ.
- Cha mẹ và trẻ em nên rửa tay sạch sẽ và thường xuyên để ngăn chặn sự lây lan của vi trùng có thể gây cảm lạnh và do đó, giảm nguy cơ gây viêm tai giữa.
- Tiêm chủng cho bé đẩy đủ tại trạm y tế phường/ xã theo tiêu chuẩn quốc gia
Kết luận
Viêm tai giữa ở trẻ tuy phổ biến nhưng có thể phòng ngừa. Cha mẹ cần kỹ càng trong vấn đề vệ sinh của trẻ, đưa trẻ đến phòng khám nhi nếu có các triệu chứng viêm tai giữa để được điều trị sớm và dứt điểm, tránh các biến chứng.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.
Tư liệu tham khảo: Bộ Y tế- Viện Pasteur TP.HCM