Tràn khí màng phổi là một bệnh nguy hiểm, cần được điều trị ngay lập tức do ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng hô hấp của người bệnh. Vậy tràn khí màng phổi là gì và cách xử trí như thế nào? Hãy cùng Docosan theo dõi bài viết bên dưới.
Tóm tắt nội dung
Tràn khí màng phổi là gì?
Tràn khí màng phổi là hiện tượng không khí bị rò rỉ vào khoang màng phổi, không gian giữa phổi và thành ngực của người bệnh. Lượng khí này đè ép vào phổi và dẫn đến hiện tượng phổi bị xẹp. Tình trạng tràn khí màng phổi có thể khiến phổi bị xẹp hoàn toàn hoặc xẹp một phần.
Nguyên nhân của tràn khí màng phổi
Những nguyên nhân gây ra tràn khí màng phổi có thể là:
- Chấn thương ở ngực: Bất kì những chấn thương nào đâm vào ngực cũng có thể khiến cho người bệnh bị tràn khí màng phổi. Những chấn thương phổ biến như bị đánh vào ngực, tai nạn giao thông, hoặc những tổn thương vô tình xảy ra trong các can thiệp y tế.
- Những bệnh lý ở phổi: Khi phổi bị tổn thương bởi những bệnh lý liên quan trước đó, cũng có thể dẫn đến tràn khí màng phổi. Một số bệnh lý về phổi thường gặp là bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), xơ nang, viêm phổi,…
- Vỡ kén khí trong phổi: Khi những kén khí nhỏ có thể xuất hiện ở trên đỉnh phổi, chúng có thể vỡ ra và gây tràn khí màng phổi.
- Thông khí cơ học: Những bệnh nhân cần đến sự hỗ trợ của máy thở để hô hấp có thể bị tràn khí màng phổi nghiêm trọng. Máy thở có thể gây ra sự mất cân bằng áp suất không khí trong lồng ngực, làm không khí lọt vào trong khoang màng phổi.
Triệu chứng của tràn khí màng phổi
Triệu chứng của bệnh nhân bị tràn khí màng phổi phụ thuộc vào mức độ tràn khí và tình trạng xẹp phổi. Các triệu chứng có thể xảy ra là:
- Đau ngực dữ dội
- Cảm thấy ngột ngạt, khó thở
- Tình trạng ho khan có thể xảy ra với một vài bệnh nhân
- Lồng ngực giảm di động
Nếu tình trạng tràn khí màng phổi diễn biến nặng, một số triệu chứng sẽ xuất hiện là:
- Tình trạng khó thở diễn ra nặng nề hơn
- Nhịp thở nhanh, nông
- Mạch đập nhanh
- Hạ huyết áp
- Trụy tim
- Nặng nhất sẽ là tim ngừng đập, khả năng tử vong rất cao.
Những đối tượng có nguy cơ bị tràn khí màng phổi
Nhìn chung, nam giới có nhiều khả năng bị tràn khí màng phổi hơn phụ nữ. Loại tràn khí màng phổi do vỡ kén khí rất dễ xảy ra ở những người từ 20 đến 40 tuổi, đặc biệt nếu bệnh nhân sở hữu thân hình không cân đối (quá cao nhưng cơ thể lại khá ốm)
Ngoài ra, một số đối tượng cũng có nguy cơ cao mắc bệnh là:
- Những người thường xuyên hút thuốc lá: Nguy cơ tăng theo thời gian và số lượng thuốc lá bệnh nhân hút, cho dù người bệnh không bị mắc bệnh khí phế thũng.
- Yếu tố di truyền: nếu một người có người thân từng bị tràn khí màng phổi thì họ cũng có thể bị bệnh tràn khí màng phổi
- Những người có tiền sử mắc bệnh phổi: đây cũng là đối tượng có nguy cơ cao bị tràn khí màng phổi
- Những người phải nhờ đến máy thở: Như đã đề cập ở trên, khả năng bị tràn khí màng phổi cũng xuất hiện ở những người này.
- Những người đã từng bị tràn khí màng phổi: nguy cơ tràn khí màng phổi cao hơn người bình thường
Hiện tượng tràn khí màng phổi có thể diễn ra nhiều lần. Nếu lỗ dò khiến không khí lọt vào trong khoang màng phổi không được đóng lại, tình trạng rò rỉ vẫn có thể tiếp tục xảy ra.
Điều trị tràn khí màng phổi
Mục tiêu điều trị tràn khí màng phổi là làm giảm áp lực trên phổi để phổi có thể tăng thể tích khi hít vào, đồng thời ngăn chặn tràn khí màng phổi tái phát.
Việc lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào tình trạng lâm sàng của bệnh nhân, cũng như mức độ và nguyên nhân gây tràn khí màng phổi. Không chỉ vậy, bác sĩ cũng sẽ dựa vào việc người bệnh đã từng bị tràn khí màng phổi trước đó hay chưa để lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp nhất
Một số phương pháp điều trị khác như :
Phương pháp phẫu thuật để điều trị tràn khí màng phổi
Điều trị tràn khí màng phổi bằng phương pháp phẫu thuật sẽ được áp dụng trong trường hợp người bệnh bị tái phát nhiều lần, hoặc để điều trị những chấn thương gây tràn khí màng phổi cho bệnh nhân hay sau khi điều trị bằng các phương pháp khác thất bại.
Phẫu thuật điều trị tràn khí màng phổi có thể thực hiện thông qua nội soi lồng ngực. Bác sĩ phẫu thuật sẽ đưa một camera nhỏ qua thành ngực của người bệnh để quan sát trong khi can thiệp. Nội soi lồng ngực có thể giúp bác sĩ phẫu thuật quyết định phương pháp điều trị tràn khí màng phổi tiếp theo, chẳng hạn như: khâu các kén khí, đóng lỗ rò khí hoặc cắt bỏ phần phổi tổn thương.
Nếu tổn thương nhiều hoặc các kén khí lớn, cần phải thực hiện phẫu thuật mở lồng ngực để tiếp cận tổn thương và điều trị hiệu quả hơn.
Phương pháp điều trị tràn khí màng phổi không cần phẫu thuật
Những phương pháp điều trị tràn khí màng phổi không cần phẫu thuật có thể là:
- Quan sát: Trong những trường hợp tràn khí màng phổi ít, không gây khó chịu nhiều cho bệnh nhân, bác sĩ có thể theo dõi chặt chẽ cho đến khi lượng khí trong khoang màng phổi được hấp thu hoàn toàn và phổi có thể hoạt động bình thường trở lại. Quá trình này có thể mất vài tuần.
- Chọc hút kim hoặc đặt dẫn lưu: Nếu bệnh nhân có kèm theo khó thở, bác sĩ có thể chọc hút khí màng phổi hoặc dẫn lưu khí màng phổi. Lưu ý khi dẫn lưu khí màng phổi cho bệnh nhân, bác sĩ cần theo dõi lượng khí cũng như tình trạng giãn nở của phổi trên phim Xquang ngực của bệnh nhân.
- Ngoài ra, bệnh nhân cần được điều trị triệt để nguyên nhân gây tràn khí màng phổi như hen, lao hoặc viêm phổi; đồng thời bác sĩ có thể cung cấp thêm oxy và các thuốc điều trị triệu chứng khác tuỳ thuộc tình trạng của bệnh nhân.
Chú ý: Các phương pháp trên chỉ có tính chất tham khảo. Việc sử dụng phương pháp cụ thể nào tùy thuộc vào bác sĩ và tình trạng của người bệnh
Một số bác sĩ có thể khám và điều trị bệnh tràn khí màng phổi
- Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Khắc Bảo, 20 năm kinh nghiệm, Quận 10, Hồ Chí Minh.
- Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Chân Phương, 15 năm kinh nghiệm, Quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Bác sĩ Chuyên khoa II Lê Hồng Anh, hơn 20 năm kinh nghiệm, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh.
Kết luận
Tràn khí màng phổi là một bệnh nguy hiểm, có thể gây tử vong cho người bệnh. Do đó, khi cảm thấy bản thân có nhưng dấu hiệu bất thường, người bệnh cần nhanh chóng tìm đến các bác sĩ hô hấp gần nhất để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.
Nguồn tham khảo: Mayoclinic.org, Heathline.com