Siêu âm thai là phương pháp giúp mẹ bầu dõi sự phát triển của em bé, phát hiện những bất thường, dự đoán ngày dự sinh, xác định vị trí của nhau thai và giới tính của em bé. Bài viết sau đây của Doctor có sẵn sẽ giúp mẹ bầu tìm hiểu các mốc siêu âm thai mà mẹ cần nhớ, siêu âm bao nhiêu lần thì an toàn với trẻ.
Tóm tắt nội dung
Siêu âm được thực hiện như thế nào?
Quy trình thực hiện siêu âm thai phụ thuộc vào phương pháp siêu âm, thường bao gồm:
- Siêu âm qua ngả bụng: Trước khi siêu âm, mẹ bầu cần phải uống thật nhiều nước. Sau đó thai phụ sẽ nằm trên giường, bác sĩ sẽ thoa gel lên bụng rồi di chuyển đầu dò siêu âm ở nhiều vị trí khác nhau. Hình ảnh được gửi ngay lập tức lên màn hình. Thời gian thực hiện phụ thuộc vào thời điểm người mẹ đến khám thai.
- Siêu âm qua âm đạo: Trong một số trường hợp, ví dụ thai còn quá nhỏ, siêu âm qua ngả bụng không thể cung cấp hình ảnh đầy đủ và rõ ràng. Khi đó, bác sĩ đưa một đầu dò siêu âm qua âm đạo để tiến hành khảo sát thu nhận hình ảnh.
Các mốc siêu âm thai mẹ bầu cần nhớ
Tần số và thời điểm siêu âm có thể thay đổi tùy thuộc vào người phụ nữ, bác sĩ sẽ có những chỉ định phù hợp. Tuy nhiên mẹ bầu có thể tham khảo các mốc siêu âm thai quan trọng dưới đây:
Siêu âm xác định mang thai sớm (thai 6-8 tuần)
Bạn đọc thường có những thắc mắc như “thai 3 tuần siêu âm có thấy không” hoặc “sau bao lâu thì siêu âm biết có thai”. Bạn nên chờ khi thai khoảng 6 đến 8 tuần, tương đương với việc trễ kinh 2 – 4 tuần, lúc này thai nhi đã ổn định trong tử cung và bắt đầu phát triển. Siêu âm trong thời gian sớm hơn sẽ rất khó phát hiện vì phôi thai còn quá nhỏ và chưa có tim thai. =
Lần siêu âm đầu tiên được khuyến khích đặc biệt nếu mẹ bầu có một số nguy cơ cao trong quá trình mang thai, chẳng hạn như chảy máu âm đạo, đau bụng, tiền sử thai dị tật bẩm sinh hoặc sẩy thai không rõ nguyên nhân.
Bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp siêu âm qua âm đạo trong trường hợp xác định mang thai sớm này. Khi thai được 6 tuần tuổi, siêu âm có thể bắt được tín hiệu nhịp tim của phôi thai. Ngoài ra, dựa vào siêu âm qua âm đạo bác sĩ cũng sẽ cho bạn biết ngày dự sinh của bé, đưa ra các mốc thời gian quan trọng để bạn đến khám thai cũng như xem liệu bạn có mang thai ngoài tử cung hay không.
Siêu âm 3 tháng đầu (thai 10-13 tuần)
Thai phụ bỏ qua lần siêu âm đầu ở tuần 6-8 có thể thực hiện siêu âm vào khoảng tuần 10-13 của thai kỳ. Siêu âm này nhằm cung cấp cho cha mẹ thông tin quan trọng như :
- Tuổi thai và ngày dự sinh
- Số lượng bé trong bụng mẹ, số lượng bánh nhau và buồng ối
- Tầm soát một số dị tật thai nhi có liên quan đến nhiễm sắc thể
Siêu âm đo độ mờ da gáy (thai 12 – 13 tuần 6 ngày)
Khi thai được khoảng 12 tuần, mẹ bầu có thể siêu âm đo độ mờ da gáy (nuchal translucency – NT) kết hợp với các xét nghiệm đánh giá nguy cơ dị tật bẩm sinh có liên quan đến nhiễm sắc thể như hội chứng Down và các bất thường nhiễm sắc thể khác.
Những trường hợp thai có nguy cơ mắc cá dị tật này là thai phụ từ 35 tuổi trở lên hoặc có tiền sử gia đình có người mắc một số dị tật bẩm sinh. Nếu da gáy của thai nhi dày hơn bình thường có thể cho thấy nguy cơ mắc các dị tật bẩm sinh như hội chứng Down hoặc bất thường 3 nhiễm sắc thể số 18.
Khảo sát hình thái học thai nhi (thai 18-22 tuần)
Khoảng thời gian từ tuần 18 đến 22 của thai kỳ là khoảng thời gian tốt nhất để đánh giá các bất thường về cấu trúc giải phẫu của thai nhi trước khi trẻ chào đời.
Bác sĩ sẽ đánh giá liệu có những bất thường ở các cơ quan trong cơ thể thai nhi như :
- Hộp sọ và não bộ,
- Hệ tuần hoàn như tim, các mạch máu lớn,
- Hệ tiết niệu như thận, bàng quang,
- Hệ tiêu hóa như gan, ruột,
- Hệ hô hấp như phổi, cơ hoành,
- Hệ cơ xương khớp như chiều dài chi, số lượng ngón,
- Giới tính của bé
- Ngoài ra bác sĩ cũng kiểm tra tình trạng nhau thai và đo lượng nước ối, cũng như đánh giá tình trạng phát triển của bé bằng các chỉ số sinh học đo đạc được trên siêu âm như đường kính lưỡng đỉnh, vòng đầu, chiều dài xương đùi, vòng bụng…
Xem thêm:
- Siêu âm giới tính thai nhi
- Dấu hiệu có tim thai
- Cập nhật bảng giá siêu âm thai tại các bệnh viện, phòng khám
Siêu âm ở ba tháng cuối thai kỳ (thai 30 – 32 tuần)
Trong lần siêu âm trong ba tháng cuối của thai kỳ, bác sĩ sẽ theo dõi sự tăng trưởng của thai nhi, đánh giá tình trạng bánh nhau nước ối, dây rốn cũng như dự đoán cân nặng của bé để tiên lượng cho cuộc sanh sắp tới.
Ngoài ra, bác sĩ có thể đánh giá những bất thường cấu trúc giải phẫu của thai nhi xuất hiện trong giai đoạn muộn như dị tật ở tim, não…
Theo dõi tín hiệu Doppler thai
Theo dõi tín hiệu Doppler thai thường được thực hiện trong các lần siêu âm định kỳ nhằm gián tiếp đánh giá sức khỏe của thai nhi trong bụng mẹ. Bất thường tín hiệu Doppler dây rốn có thể là dấu hiệu cho thấy trẻ đang bị thiếu oxy hoặc chất dinh dưỡng. Hoặc thông qua tín hiệu Doppler các bác sĩ có thể phát hiện những bất thường trên hệ tim mạch của trẻ, chẳng hạn như hở van tim, bất thường mạch máu bẩm sinh…
Siêu âm bao nhiêu lần thì an toàn?
Siêu âm thai sử dụng sóng siêu âm để dựng hình ảnh và quan sát cấu trúc cũng như hoạt động của thai nhi ở trong tử cung. Siêu âm đã được áp dụng hàng thập kỉ nay và chưa có ghi nhận về việc siêu âm gây hại cho thai nhi, mặc dù một số trường hợp siêu âm bằng đường âm đạo có thể gây chảy máu âm đạo.
Bác sĩ tư vấn và thực hiện siêu âm thai
Bạn có thể tham khảo danh sách các bác sĩ sản khoa nổi tiếng trên Docosan.
- BS. Phí Thị Tuyết Nga có gần 30 năm kinh nghiệm. – Q4, TP.HCM.
- BS. Trần Thiện Vĩnh Quân có 30 năm kinh nghiệm. – Q10, TP.HCM.
- Bệnh Viện Đa Khoa Hồng Hà cung cấp gần như toàn diện các dịch vụ thăm khám chữa bệnh với gần 20 chuyên khoa. – Đống Đa, Hà Nội.
Siêu âm thai nên được thực hiện bởi những bác sĩ có chuyên môn cao, nhằm mang lại kết quả chính xác và có những tư vấn phù hợp nhất dành cho mẹ bầu.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.
Nguồn tham khảo: parents.com