Rối loạn ám ảnh cưỡng chế: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế là một dạng bệnh lý tâm thần, thuộc chuyên khoa Tâm thần. Bệnh có thể gây ra nhiều rắc rối trong sinh hoạt hằng ngày và ảnh hưởng đến mối quan hệ xã hội của người bệnh. Vậy rối loạn ám ảnh cưỡng chế là gì và các phương pháp điều trị tình trạng này ra sao? Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu ngay trong bài viết này nhé!

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế là gì?

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (tiếng Anh là Obsessive-compulsive disorder – OCD) là những suy nghĩ không mong muốn và sự sợ hãi, ám ảnh khiến người bệnh thực hiện các hành vi lặp đi lặp lại một cách cưỡng chế. Những ám ảnh và cưỡng chế này gây cản trở các hoạt động thường ngày và gây phiền muộn cho người bệnh.

Hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế là một hiện tượng hiếm gặp, chỉ khoảng 0,05% dân số thế giới gặp phải tình trạng này. Thường thì nữ giới có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn nam giới với tỉ lệ lần lượt là 1,8% và 0,5%.

rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế gây nhiều phiền toái cho người bệnh

Các triệu chứng của rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Tình trạng rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường sẽ tác động đến cả 2 mặt: ám ảnh và cưỡng chế của người bệnh. Nhưng đôi khi người bệnh chỉ có các triệu chứng ám ảnh hoặc cưỡng chế. Người bệnh có thể ý thức được tình trạng ám ảnh hoặc cưỡng chế của mình hoặc không, nhưng các hoạt động này chiếm nhiều thời gian và ảnh hưởng rất lớn với những thói quen hằng ngày của bạn cũng như các mối quan hệ xã hội, ở trường hoặc công sở của bạn.,

Các triệu chứng của rối loạn ám ảnh

Rối loạn ám ảnh là những suy nghĩ, sự thúc giục hoặc hình ành không mong muốn nhưng lặp đi lặp lại dai dẳng trong tâm trí của người bệnh, khiến người bệnh dù không muốn nhưng luôn lo lắng hoặc đau khổ. Bệnh nhân có thể cố gắng không để ý đến các suy nghĩ đó bằng cách thực hiện một hành vi hoặc nghi thức cưỡng chế.

Một vài nỗi ám ảnh có chủ đề cụ thể như là:

  • Sạch sẽ quá đáng, luôn cảm thấy những thứ xung quanh không được vệ sinh kỹ lưỡng
  • Luôn có cảm giác ngờ vực và khó chấp nhận những điều không chắc chắn.
  • Luôn muốn mọi thứ phải theo thứ tự rõ ràng, và đối xứng
  • Hung hăng hoặc suy nghĩ tiêu cực về việc mất kiểm soát và làm hại bản thân hoặc người xung quang
  • Suy nghĩ không mong muốn, chẳng hạn như ý định gây cấn, hay về chủ đề tình dục hoặc tôn giáo
rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Sạch sẽ quá đáng, luôn cảm thấy những thứ xung quanh không được vệ sinh kỹ lưỡng

Một số ví dụ về dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn ám ảnh :

  • Sợ bị nhiễm khuẩn khi chạm vào đồ vật hoặc bị người khác chạm vào mình
  • Nghi ngờ về việc đã tắt bếp hoặc khoá cửa nhà chưa
  • Căng thẳng nghiêm trọng khi các đồ vật không đúng thứ tự hoặc không ngăn nắp
  • Tưởng tượng sẽ lái xe đâm vào đám đông
  • Suy nghĩ sẽ nói tục hoặc cư xử khiếm nhã nơi công cộng

Các triệu chứng của rối loạn cưỡng chế

Rối loạn cưỡng chế là những hành động lặp đi lặp lại mà người bệnh thực hiện để giảm bớt lo lắng về những ám ảnh của bệnh nhân hoặc ngăn chặn một điều xấu xảy ra. Tuy nhiên, những hành động này không mang lại niềm vui mà chỉ giải quyết lo lắng tạm thời của người bệnh.

Đôi khi, người bệnh sẽ tự tạo ra những quy tắc, luật lệ riêng và ép bản thân phải tuân theo để kiểm soát sự lo lắng khi bệnh nhân có những suy nghĩ ám ảnh. Những ép buộc này rất nhiều và thường không liên quan mật thiết đến vấn đề mà họ định khắc phục.

Cũng giống như các ám ảnh, rối loạn cưỡng chế có chủ đề cụ thể, ví dụ như :

  • Lau chùi
  • Kiểm tra
  • Đếm
  • Sắp xếp thứ tự ngăn nắp
  • Tuân thủ thói quen một cách nghiêm ngặt
  • Yêu cầu sự đảm bảo

Một vài triệu chứng của rối loạn cưỡng chế là:

  • Liên tục rửa tay cho đến khi da bị khô ráp
  • Kiểm tra khóa cửa liên tục để chắc rằng cửa đã được khóa một cách kỹ lưỡng
  • Kiểm tra nhiều lần liệu bếp đã được tắt chưa
  • Thì thầm liên tục lặp đi lặp lại một câu nói nào đấy
  • Sắp xếp đồ đạc cho đến khi vừa mắt, theo đúng thứ tự.

Có thể thấy, những hành động trên tưởng như cho thấy sự kỹ lưỡng nhưng thực tế chỉ tốn thêm thời gian, gây nhiều khó khăn cho người bệnh.

rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Việc lo lắng quá mức khiến bản thân rơi vào trạng thái mệt mỏi

Mức độ nghiêm trọng của rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường bắt đầu ở tuổi thiếu niên hoặc thanh niên, nhưng cũng có thể bắt đầu từ thời thơ ấu. Các triệu chứng thường bắt đầu từ từ và có thể trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian. Các triệu chứng cũng có thể trở nên tồi tệ hơn khi người bệnh gặp căng thẳng nhiều hơn.

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường nếu không được điều trị sẽ có thể kéo dài suốt đời.

Các nguyên nhân của rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Cho tới thời điểm hiện tại, nguyên nhân của rối loạn ám ảnh cưỡng chế vẫn chưa được làm rõ. Những giả thuyết của nguyên nhân gây nên rối loạn ám ảnh cưỡng chế bao gồm:

  • Yếu tố sinh học: OCD có thể là kết quả của sự thay đổi chức năng não bộ hoặc thay đổi các chất hóa học tự nhiên trong cơ thể
  • Di truyền học: Rối loạn ám ảnh cưỡng chế có thể là kết quả của di truyền, nhưng cụ thể loại gen nào gây ảnh hưởng vẫn chưa rõ
  • Sự bắt chước: khi trẻ quan sát một thành viên trong gia đình có biểu hiện của OCD cũng có xu hướng bắt chước theo.
rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế có thể là kết quả của di truyền, nhưng cụ thể loại gen nào gây ảnh hưởng vẫn chưa rõ

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển rối loạn ám ảnh cưỡng chế, chẳng hạn như

  • Tiền sử gia đình: Những gia đình có cha, mẹ hoặc một thành viên bị OCD sẽ làm tăng nguy cơ bị OCD ở trẻ nhỏ
  • Căng thẳng trong cuộc sống: Nếu bệnh nhân đã từng bị chấn thương hay căng thẳng, nguy cơ mắc OCD sẽ tăng lên. Vì một số lý do mà phản ứng này có thể kích hoạt những suy nghĩ tiêu cực, cảm xúc trầm cảm đặc trưng của OCD.
  • Những rối loạn sức khoẻ tâm thần khác: OCD có thể có liên quan đến những rối loạn sức khoẻ tâm thần khac, chẳng hạn như rối loạn lo âu, trầm cảm, lạm dụng chất kích thích hoặc rối loạn tic.

Các biến chứng nguy hiểm của rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Một vài biến chứng của rối loạn ám ảnh cưỡng chế có thể kể đến là:

  • Các vấn đề về sức khỏe như viêm da do tiếp xúc với hóa chất từ nước rửa tay thường xuyên
  • Gặp khó khăn khi đi làm hoặc trong các mối quan hệ xã hội
  • Có thể suy nghĩ hoặc hành vi tự sát
  • Mất nhiều thời gian cho những hành động không mang lại hiệu quả
  • Chất lượng cuộc sống rất kém

Cách chẩn đoán rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Để chẩn đoán tình trạng rối loạn ám ảnh cưỡng chế, các bác sĩ sẽ tiến hành bằng các phương pháp sau:

  • Đánh giá tâm lý: Bác sĩ sẽ thảo luận về những suy nghĩ, cảm xúc, triệu chứng và kiểu hành vi của bệnh nhân để chẩn đoán bệnh nhân có những ám ảnh hay hành vi cưỡng chế làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân hay không. Bác sĩ có thể thảo luận thêm với người thân hoặc bạn bè của bệnh nhân.
  • Chẩn đoán theo tiêu chuẩn: Căn cứ Hướng dẫn chẩn đoán và phân tích các rối loạn tâm thần (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders – DSM-5) của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ.
  • Khám tổng quát: Các bác sĩ có thể tiến hành khám sức khỏe tổng quát để chẩn đoán liệu người bệnh có mắc thêm những căn bệnh khác hay không
rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Cách chẩn đoán rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Các phương pháp điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng chế nhằm giúp người bệnh có thể kiểm soát các triệu chứng của bệnh, tránh ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Hiện tại, có hai phương pháp điều trị chính là liệu pháp tâm lý và điều trị bằng thuốc.

Điều trị bằng phương pháp nhận thức hành vi

Đây được đánh giá là phương pháp điều trị hiệu quả đối với bệnh nhân mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân tiếp cận dần dần với những nỗi sợ và học cách quản lý hành vi phản ứng của chính bản thân. Từ đó giúp người bệnh làm quen với những nỗi sợ, giúp cải thiện các triệu chứng của OCD và nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Điều trị bằng thuốc

Một số thuốc an thần có thể có hiệu quả trong việc kiểm soát triệu chứng của OCD. Thông thường, thuốc chống trầm cảm sẽ là chỉ định đầu tiên của các bác sĩ chuyên khoa.

Một số loại thuốc chống trầm cảm có thể được sử dụng là:

  • Clomipramine (Anafranil) cho người lớn và trẻ em từ 10 tuổi trở lên
  • Fluoxetine (Prozac) dành cho người lớn và trẻ em từ 7 tuổi trở lên
  • Fluvoxamine cho người lớn và trẻ em từ 8 tuổi trở lên
  • Paroxetine (Paxil, Pexeva) chỉ dành cho người lớn
  • Sertraline (Zoloft) dành cho người lớn và trẻ em từ 6 tuổi trở lên
rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Điều trị rối loạn cưỡng chế bằng thuốc

Chú ý: những phương pháp điều trị trên chỉ mang tính chất tham khảo, tùy thuộc vào cơ địa và tình trạng bệnh mà các bác sĩ sẽ dụng phương pháp phù  hợp nhất đối với người bệnh.

Kết luận

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là một bệnh lý tâm thần không nên xem thường. Do đó, người bệnh và thân nhân cần tìm đến các bác sĩ chuyên khoa Tâm thần hoặc các chuyên gia Tâm lý gần nhất để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

Một số bác sĩ có thể khám và tư vấn bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế

  • Bác sĩ Chuyên khoa I Đặng Thế Ân, 24 năm kinh nghiệm, Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.
  • Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Thị Mai Thy, trên 13 năm kinh nghiệm, Quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh.
  • Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Quỳnh Nga, hơn 11 năm kinh nghiệm, Quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Nguồn tài liệu tham khảo: Mayoclinic.org

Contact Me on Zalo