Đau bụng khi mang thai không phải là một hiện tượng bất thường, tuy nhiên mẹ bầu không nên vội chủ quan. Việc xác định cơn đau bụng là nhẹ hay nghiêm trọng sẽ giúp mẹ bầu biết được khi nào nên liên hệ với bác sĩ. Hãy cùng Docosan tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này trong nội dung dưới đây.
Tóm tắt nội dung
Các nguyên nhân gây đau bụng khi mang thai
Do tình trạng chướng bụng
Hiện tượng khí tích tụ trong hệ thống tiêu hóa có thể xuất hiện ở một khu vực hoặc di chuyển khắp vùng bụng, lưng, ngực và gây đau bụng đi ngoài.
Theo các chuyên gia, phụ nữ tích tụ nhiều khí hơn hơn khi mang thai do tăng lượng hormone progesterone. Progesterone làm cho cơ ruột giãn ra và kéo dài thời gian thức ăn đi qua ruột. Thức ăn lưu lại trong đại tràng lâu hơn, tạo điều kiện cho nhiều khí phát triển hơn.
Khi thai nhi phát triển, tử cung mở rộng sẽ tạo thêm áp lực lên các cơ quan của bạn, điều này có thể làm chậm quá trình tiêu hóa và tạo điều kiện cho khí tích tụ.
Biện pháp cải thiện
Mẹ bầu hãy thử ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày và uống nhiều nước. Tập thể dục cũng có thể giúp hỗ trợ tiêu hóa. Bên cạnh đó, nhận biết các loại thực phẩm làm tăng hiện tượng tích tụ khí và tránh chúng: Thực phẩm chiên và nhiều dầu mỡ, đậu và bắp cải, đồ uống có ga là những thủ phạm phổ biến.
Đau dây chằng tròn
Có hai dây chằng tròn lớn chạy từ tử cung qua vùng háng, các dây chằng này hỗ trợ tử cung. Khi tử cung căng ra để chứa thai nhi đang phát triển thì các dây chằng cũng vậy.
Tình trạng này có thể gây đau nhói hoặc đau âm ỉ ở bụng, hông hoặc háng và thường xảy ra vào nửa cuối của thai kỳ. Khi mẹ bầu thay đổi tư thế, hắt hơi hoặc ho có thể gây đau dây chằng tròn.
Biện pháp cải thiện
Để giảm thiểu hoặc loại bỏ cơn đau dây chằng tròn, mẹ bầu hãy tập đứng dậy từ từ nếu bạn đang ngồi hoặc nằm. Nếu bạn cảm thấy gần hắt hơi hoặc ho, hãy uốn cong hông của mình. Điều này có thể giúp giảm áp lực lên dây chằng. Bên cạnh đó các phương pháp kéo giãn cơ hàng ngày cũng giúp giảm đau dây chằng tròn hiệu quả.
Do táo bón
Khi mang thai, nội tiết tố của người phụ nữ thay đổi, đồng thời chế độ ăn uống thiếu chất lỏng hoặc chất xơ, lười vận động, uống thuốc sắt hoặc tâm trạng lo lắng đều có thể dẫn đến táo bón. Táo bón có thể gây đau bụng khi mang thai một cách dữ dội.
Biện pháp cải thiện
Hãy thử tăng lượng chất xơ, chất lỏng trong chế độ ăn uống của bạn. Phụ nữ mang thai nên uống ít nhất 8 đến 10 cốc nước mỗi ngày. Thảo luận với bác sĩ nếu bạn đang có ý định sử dụng thuốc làm mềm phân. Một số loại thuốc làm mềm phân không được khuyên dùng trong thời kỳ mang thai.
Cơn gò Braxton-Hicks gây đau bụng khi mang thai
Cơn gò sinh lý Braxton-Hicks xảy ra khi các cơ tử cung co lại trong tối đa hai phút. Các cơn co thắt này không phải là chuyển dạ và xảy ra không thường xuyên, không thể dự đoán trước. Tình trạng này có thể gây đau và áp lực khó chịu, nhưng là một phần bình thường của thai kỳ. Các cơn co thắt Braxton-Hicks thường gây ra đau bụng dưới khi mang thai xảy ra trong quý 3 của thai kỳ.
Hội chứng HELLP
Hội chứng HELLP bao gồm 3 tình trạng kết hợp với nhau: tan máu, men gan cao và tiểu cầu thấp. Đây là một biến chứng đe dọa tính mạng đối với phụ nữ mang thai. Hiện tại các chuyên gia chưa xác định rõ nguyên nhân gây ra HELLP, nhưng một số phụ nữ phát triển tình trạng này sau khi được chẩn đoán tiền sản giật.
Phụ nữ không bị tiền sản giật cũng có thể mắc phải hội chứng này. HELLP phổ biến hơn ở những người mang thai lần đầu.
Các triệu chứng của hội chứng HELLP bao gồm:
- Đau đầu.
- Mệt mỏi và bất ổn.
- Buồn nôn và ói mửa.
- Mờ mắt.
- Huyết áp cao.
- Phù nề (sưng tấy).
- Chảy máu.
Nếu bạn bị đau bụng khi mang thai kèm theo bất kỳ triệu chứng nào ở trên, bạn cần liên hệ ngay lập tức với bác sĩ. Các biến chứng nguy hiểm hoặc thậm chí tử vong có thể xảy ra nếu không được điều trị ngay lập tức.
Các tình trạng khác gây đau bụng khi mang thai
Đau bụng khi mang thai cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý khác nghiêm trọng hơn, bao gồm:
- Sẩy thai.
- Mang thai ngoài tử cung.
- Nhau bong non.
- Tiền sản giật.
Những tình trạng này cần được thăm khám và điều trị ngay lập tức.
Các tình trạng không liên quan trực tiếp đến thai kỳ cũng có thể gây đau bụng, bao gồm:
- Sỏi thận.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTIs).
- Sỏi mật.
- Viêm tụy.
- Viêm ruột thừa.
- Tắc ruột.
- Dị ứng hoặc nhạy cảm với thực phẩm.
- Bệnh viêm loét dạ dày.
- Vi rút dạ dày.
Liên hệ bác sĩ ngay lập tức nếu cơn đau của bạn kèm theo bất kỳ dấu hiệu nào sau đây:
- Sốt hoặc ớn lạnh.
- Chảy máu âm đạo hoặc ra máu.
- Tiết dịch âm đạo.
- Các cơn co thắt lặp đi lặp lại.
- Buồn nôn.
- Cảm giác lâng lâng.
- Đau hoặc rát trong hoặc sau khi đi tiểu.
Khi xem xét liệu đau bụng là do tích tụ khí trong bụng hay có vấn đề nghiêm trọng hơn, bạn cần theo dõi thường xuyên. Cơn đau do tích tụ khí thường tự khỏi trong một thời gian ngắn, không kèm theo sốt, nôn mửa, chảy máu hoặc các triệu chứng nghiêm trọng khác và bạn thường thấy dễ chịu hơn sau khi ợ hơi.
Bác sĩ phụ sản khám & tư vấn về đau bụng khi mang thai
- BS. Phí Thị Tuyết Nga là bác sĩ phụ trách phòng khám Chuyên khoa Phụ sản Hoa sen. Với gần 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản phụ khoa.
- BS. Trần Thiện Vĩnh Quân đã có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản phụ khoa. Hiện đang công tác tại Phòng Khám Đa Khoa Sài Gòn Healthcare.
Đau bụng khi mang thai có thể cảnh báo một số tình trạng nguy hiểm đến cả mẹ và bé. Mẹ bầu nên theo dõi thường xuyên và liên hệ với bác sĩ phụ sản uy tín để chẩn đoán chính xác nguyên nhân cũng như có hướng xử lí phù hợp.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.
Abdominal Pain During Pregnancy: Is It Gas Pain or Something Else? – Healthline