Rối loạn mặc cảm ngoại hình khiến cho người bệnh luôn luôn cảm thấy lo lắng, bất an về ngoại hình của bản thân, dẫn đến những hệ quả tiêu cực như nhịn ăn, xa lánh xã hội, thậm chí tự sát. Rối loạn dạng cơ thể thường bị nhầm lẫn với các chứng bệnh khác. Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin quan trọng về chứng rối loạn mặc cảm ngoại hình.
Tóm tắt nội dung
- 1 1. Rối loạn mặc cảm ngoại hình là gì?
- 2 2. Các triệu chứng của rối loạn mặc cảm ngoại hình
- 3 3. Nguyên nhân gây ra rối loạn mặc cảm ngoại hình
- 4 4. Điều trị rối loạn mặc cảm ngoại hình
- 5 5. Những bệnh lý có nhiều điểm tương tự rối loạn mặc cảm ngoại hình
- 6 Chuyên gia tâm lý và Trung tâm tư vấn uy tín điều trị rối loạn dạng cơ thể
1. Rối loạn mặc cảm ngoại hình là gì?
Rối loạn mặc cảm ngoại hình (Body dysmorphic disorder – BDD) là một bệnh lý tâm thần, trong đó những người mắc bệnh thường xuyên lo lắng về một hoặc một vài khiếm khuyết về ngoại hình của bản thân. Họ tin rằng một khiếm khuyết nhỏ trên cơ thể cũng trở nên nghiêm trọng, đáng xấu hổ và thực hiện các hành động lặp đi lặp lại như soi gương hoặc tìm kiếm sự trấn an.
Rối loạn mặc cảm ngoại hình khiến ngời bệnh luôn trong trạng thái lo âu, căng thẳng. Sự lo lắng có thể cực đoan đến mức người bị ảnh hưởng gặp khó khăn trong hoạt động ở nơi làm việc, trường học hoặc trong các mối quan hệ xã hội, thậm chí có xu hướng tự tử. Các chuyên gia cho rằng từ một đến hai phần trăm dân số có thể bị rối loạn mặc cảm ngoại hình, nam và nữ đều có tỷ lệ mắc bệnh như nhau.
2. Các triệu chứng của rối loạn mặc cảm ngoại hình
Các triệu chứng rối loạn mặc cảm ngoại hình có thể khác nhau tùy theo bộ phận cơ thể (hoặc các bộ phận) mà người đó lo lắng, tuy nhiên các triệu chứng chung của rối loạn dạng cơ thể bao gồm:
- Suy nghĩ về khiếm khuyết của bản thân hàng giờ mỗi ngày.
- Lo lắng về việc bản thân không thể ‘hoàn hảo về ngoại hình’ như các người mẫu và người nổi tiếng.
- Trầm cảm về những khiếm khuyết của bản thân.
- Liên tục hỏi những người mà bệnh nhân tin tưởng về ngoại hình của bệnh nhân, nhưng không tin vào câu trả lời.
- Liên tục nhìn vào gương hoặc cố gắng tránh bắt gặp hình ảnh phản chiếu của bản thân.
- Ăn kiêng liên tục và tập thể dục quá sức.
- Chải chuốt quá mức.
- Tránh mọi tình huống mà người bệnh cảm thấy sẽ gây chú ý đến khiếm khuyết của họ. Trong trường hợp cực đoan, người bệnh có thể không bao giờ rời khỏi nhà.
- Cố gắng rất nhiều để che giấu hoặc ngụy trang ‘khiếm khuyết’.
- Săm soi các nhược điểm trên da trong nhiều giờ liên tục.
- Muốn điều trị da liễu hoặc phẫu thuật thẩm mỹ, ngay cả khi các chuyên gia cho rằng việc điều trị là không cần thiết.
- Muốn phẫu thuật thẩm mỹ nhiều lần.
- Trầm cảm và lo lắng, bao gồm cả ý định tự tử.
Các vùng cơ thể mà người mắc chứng rối loạn mặc cảm ngoại hình thường quan tâm
Các vùng trên cơ thể là mối quan tâm chung của những người bị BDD bao gồm:
- Da mặt.
- Khuôn mặt, bao gồm kích thước hoặc hình dạng của mắt, mũi, tai và môi.
- Kích thước hoặc hình dạng của hầu như bất kỳ bộ phận cơ thể nào, bao gồm mông, đùi, bụng, chân, ngực và cơ quan sinh dục.
- Kích thước tổng thể và hình dạng của cơ thể.
- Sự cân đối của cơ thể hoặc các bộ phận cơ thể cụ thể.
3. Nguyên nhân gây ra rối loạn mặc cảm ngoại hình
Các chuyên gia cho rằng những yếu tố sau đây có thể gây ra chứng rối loạn mặc cảm ngoại hình:
- Có thể do gen di truyền và những áp lực của tuổi mới lớn có thể kích hoạt chứng bệnh này.
- Sử dụng các loại thuốc đặc biệt, chẳng hạn như “thuốc lắc”.
- Sự mất cân bằng các chất hóa học trong não.
- Một người có lòng tự tôn thấp, họ đánh giá một số bộ phận trên cơ thể của họ là xấu xí.
- Các tiêu chuẩn vẻ đẹp của xã hội có thể gây ra chứng BDD ở những người dễ bị tổn thương.
4. Điều trị rối loạn mặc cảm ngoại hình
Các phương pháp điều trị được chứng minh có hữu ích đối với rối loạn mặc cảm ngoại hình bao gồm:
- Liệu pháp nhận thức hành vi (Cognitive behavioral therapy – CBT) – các chuyên gia tâm lý sẽ giúp bệnh nhân thực hiện các thay đổi về thái độ để suy nghĩ và cảm nhận theo những cách khác nhau, bao gồm việc học cách đối mặt với khuyết điểm và không thực hiện các hành vi quá đà liên quan đến các mối bận tâm về ngoại hình, kiểm soát những suy nghĩ tiêu cực, những phản ứng cảm xúc thái quá về ngoại hình của bản thân; đồng thời cải thiện sức khoẻ tâm thần của bệnh nhân để họ suy nghĩ một cách tích cực, lạc quan hơn.
- Thuốc – bao gồm thuốc chống trầm cảm (đặc biệt là thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc – SSRI). Những loại thuốc này giúp giảm thiểu triệu chứng rối loạn dạng cơ thể, bao gồm trầm cảm và lo lắng. Thuốc nên được sử dụng kết hợp với liệu pháp tâm lý.
5. Những bệnh lý có nhiều điểm tương tự rối loạn mặc cảm ngoại hình
Những bệnh lý có nhiều điểm tương tự rối loạn mặc cảm ngoại hình:
- Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (obsessive compulsive disorder – OCD) – Đặc trưng bởi những suy nghĩ và hình ảnh không mong muốn cùng các hành vi liên tục lặp đi lặp lại (ám ảnh). Một số người được chẩn đoán mắc chứng BDD đã từng hoặc đang bị OCD.
- Ám ảnh sợ xã hội (social phobia) – Một dạng rối loạn lo âu, đặc trưng bởi chứng sợ tương tác với mọi người. Một người mắc chứng sợ xã hội có thể lo lắng về việc bị đánh giá, chỉ trích, chế giễu hoặc sỉ nhục. Nếu sự xa lánh này là do những lo lắng về ngoại hình, vấn đề có thể là do rối loạn mặc cảm ngoại hình.
- Ám ảnh sợ khoảng trống (Agoraphobia) – Một loại rối loạn lo âu đặc trưng bởi nỗi sợ hãi về các tình huống hoặc địa điểm mà khó có thể thoát ra. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, một người mắc chứng này thường lựa chọn ở nhà. Tuy nhiên, một người thường ở nhà vì lo sợ bị mọi người thấy khuyết điểm có thể mắc chứng rối loạn mặc cảm ngoại hình thay vì chứng ám ảnh sợ khoảng trống.
- Biếng ăn tâm thần – Rối loạn mặc cảm ngoại hình thường bị chẩn đoán nhầm là biếng ăn tâm thần vì trong cả hai trường hợp bệnh nhân đều quá bận tâm đến ngoại hình. Tuy nhiên, chứng chán ăn tâm thần có đặc điểm nổi bật là bệnh nhân muốn kiểm soát cân nặng của bản thân. Một người có thể mắc cả chứng chán ăn tâm thần và BDD cùng một lúc.
- Hội chứng nghiện giật tóc (Trichotillomania) – Bệnh nhân thôi thúc không thể cưỡng lại được về việc nhổ lông. Nếu hành vi này được kích hoạt bởi những lo lắng về ngoại hình, thì vấn đề có thể là do rối loạn mặc cảm ngoại hình. Sờ hoặc nặn mụn trên da trong nhiều giờ liên tục là một tình trạng tương tự như hội chứng nghiện giật tóc.
Chuyên gia tâm lý và Trung tâm tư vấn uy tín điều trị rối loạn dạng cơ thể
- SHARE được thành lập từ năm 2008 – là một trong những trung tâm điều trị tâm lý đầu tiên tại Hà Nội.
- Chuyên gia Trần Anh Vũ đã có 9 năm kinh nghiệm trong việc tham vấn và điều trị tâm lý.
- Chuyên gia tâm lý Đoàn Thị Hương là một trong những Thạc sỹ tâm lý lâm sàng đầu tiên trong chương trình hợp tác đào tạo thạc sỹ lâm sàng giữa Trường Đại học giáo dục Hà Nội và Trường Đại học Vanderbilt Hoa Kỳ.
Rối loạn mặc cảm ngoại hình không phải là một chứng bệnh tâm thần phổ biến và thường bị chẩn đoán nhầm lẫn với các rối loạn tâm thần có triệu chứng tương tự. Chính vì vậy việc tìm hiểu các bác sĩ thần kinh và chuyên gia tâm lý uy tín, có kinh nghiệm là yếu tố rất quan trọng, giúp người bệnh đạt được hiệu quả trị liệu tốt nhất.
Bài viết được tham khảo từ các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước cùng tham vấn y khoa từ Bác sĩ Trần Bảo Ngọc. Bài viết mang tính chất tham khảo và Docosan khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.
Body dysmorphic disorder (BDD) – betterhealth.vic.gov.au