Nghiện là một tình trạng não bộ mãn tính, phức tạp bị ảnh hưởng bởi gen và môi trường, được nhận biết bởi việc sử dụng chất kích thích hoặc liên tiếp thực hiện một số hành động nhất định bất chấp những hậu quả có hại.
Trong một thời gian dài trước đây, nghiện được định nghĩa là thói quen sử dụng rượu hoặc các chất gây nghiện khác không thể kiểm soát được. Gần đây, khái niệm này được mở rộng để bao gồm một số hành vi, chẳng hạn như cờ bạc, chất gây nghiện và thậm chí bao gồm cả các hoạt động tưởng chừng như bình thường và thiết yếu, chẳng hạn như tập thể dục và ăn uống.
Tóm tắt nội dung
Các chứng nghiện
Mặc dù việc nghiện các chất gây nghiện thường có dấu hiệu rõ ràng, nhưng vẫn có một số tranh cãi về vấn đề chất nào thực sự gây nghiện. Các hướng dẫn trong Cẩm nang chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (DSM-5) – công cụ chẩn đoán được sử dụng để chẩn đoán các loại tình trạng sức khỏe tâm thần khác nhau, chỉ ra rằng hầu hết các chất tác động tâm thần, bao gồm cả thuốc, đều có khả năng gây nghiện.
Rối loạn sử dụng chất gây nghiện
Thuật ngữ nghiện được sử dụng để mô tả việc tiếp diễn hành vi cố tình tìm kiếm chất gây nghiện bất chấp kết quả tiêu cực. Các chứng nghiện được DSM-5 phân loại thành các dạng rối loạn sử dụng chất gây nghiện, bao gồm:
- Rối loạn liên quan đến rượu.
- Rối loạn liên quan đến caffeine.
- Rối loạn liên quan đến cần sa.
- Rối loạn liên quan đến ảo giác.
- Rối loạn liên quan đến opioid.
- Rối loạn liên quan đến thuốc an thần, thuốc ngủ, hoặc lo âu.
- Rối loạn liên quan đến chất kích thích.
- Rối loạn liên quan đến thuốc lá.
Nghiện hành vi
DSM-5 cũng công nhận hai loại nghiện hành vi:
- Nghiện cờ bạc.
- Rối loạn chơi game trên Internet.
Vẫn còn nhiều tranh luận về việc liệu nhiều chứng nghiện hành vi có phải là chứng nghiện “thực sự” hay không. Nghiện mua sắm, nghiện sex, tập thể dục thường được coi là nghiện hành vi nhưng DSM-5 không chính thức công nhận đây là những rối loạn riêng biệt.
Các triệu chứng của chứng nghiện
Các triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Không thể dừng lại việc sử dụng các chất hoặc thực hiện hành vi nhất định bất chấp hậu quả tiêu cực.
- Thay đổi tâm trạng, sự thèm ăn và ngủ nghỉ.
- Cảm thấy lo lắng, nghĩ nhiều đến mức ám ảnh.
- Mất hứng thú với những thứ từng yêu thích.
- Đặt các chất hoặc việc thực hiện một số hành vi lên trên các yếu tố khác của cuộc sống bao gồm gia đình, công việc và một số trách nhiệm khác.
- Sử dụng các chất với số lượng ngày càng nhiều.
- Trì hoãn cai nghiện.
Bị phụ thuộc nghiêm trọng
Cần phân biệt giữa phụ thuộc và nghiện một chất. Khi một người bị phụ thuộc, có thể họ đang gặp vấn đề trong quá trình dung nạp và cai nghiện thuốc:
- Dung nạp có nghĩa là cơ thể đã thích nghi với sự hiện diện của thuốc, cần nhiều thuốc hơn để tạo ra các tác dụng tương tự.
- Cai nghiện thuốc xảy ra khi một người trải qua các vấn đề thể chất và tâm lý nhất định nếu việc sử dụng chất gây nghiện đột ngột bị giảm hoặc tạm dừng.
Một người có thể trở nên phụ thuộc vào thuốc mà không bị nghiện, mặc dù trong nhiều trường hợp hai vấn đề này thường xảy ra cùng nhau.
Chẩn đoán chứng nghiện
Sử dụng chất kích thích không phải lúc nào cũng là dấu hiệu của nghiện. Để chẩn đoán, các chuyên gia sẽ hỏi thân chủ các câu hỏi về hành vi hoặc sử dụng chất kích thích, khám và đánh giá sức khỏe tổng thể, phát triển một kế hoạch điều trị phù hợp nhất với chứng nghiện cụ thể của cá nhân.
Các chất bị lạm dụng có thể dẫn đến nghiện bao gồm:
- Rượu.
- Cocaine.
- Chất gây ảo giác.
- Thuốc hít.
- Cần sa.
- MDMA.
- Methamphetamine.
- Opioid5.
- Thuốc theo toa.
- Steroid.
- Thuốc lá / nicotin.
Một số chất có khả năng gây ra các vấn đề khiến việc cai nghiện trở nên nguy hiểm đến sức khỏe, thân chủ cần được được chẩn đoán chính xác để có được phương pháp điều trị tốt nhất.
Nguyên nhân
Một số yếu tố có thể góp phần gây ra chứng nghiện bao gồm:
- Não bộ: Nghiện dẫn đến những thay đổi trong mạch dẫn truyền cảm giác khoái cảm của não bộ theo thời gian.
- Tiền sử gia đình: Nguy cơ tăng lên nếu có các thành viên trong gia đình cũng bị nghiện.
- Di truyền: Nghiên cứu cho thấy rằng di truyền làm tăng khả năng phát triển chứng nghiện.
- Môi trường: Tiếp xúc với chất gây nghiện, áp lực xã hội, thiếu hỗ trợ xã hội và kỹ năng đối phó tình huống kém.
- Tần suất và thời gian sử dụng: Càng sử dụng nhiều chất kích thích thì càng có nhiều khả năng bị nghiện.
Chứng nghiện cần thời gian để phát triển. Không có khả năng một người bị nghiện sau khi sử dụng chất kích thích chỉ 1 lần, mặc dù điều này có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần hoặc thậm chí tử vong do sử dụng quá liều hoặc một biến chứng khác sau khi sử dụng một số chất.
Điều trị
Một số phương pháp điều trị phổ biến có thể được sử dụng bao gồm:
- Trị liệu tâm lý: Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) có thể được sử dụng để giải quyết các kiểu suy nghĩ và hành vi góp phần gây chứng nghiện.
- Thuốc: Bao gồm thuốc để giúp điều trị các triệu chứng thèm muốn và cai nghiện cũng như các loại thuốc khác để điều trị các rối loạn tâm thần tiềm ẩn như lo âu hoặc trầm cảm.
- Nhập viện: Trong một số trường hợp, một người có thể phải nhập viện để điều trị các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra trong quá trình cai nghiện.
- Nhóm hỗ trợ: Các nhóm hỗ trợ có thể giúp một người học được những phương pháp để đối phó trong quá trình hồi phục.
Cách điều trị phù hợp nhất phụ thuộc vào nhiều yếu tố và được quyết định tốt nhất thông qua việc trao đổi với bác sĩ và chuyên gia tâm lý.
Bài viết được tham khảo từ các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước cùng tham vấn y khoa từ Bác sĩ Trần Bảo Ngọc. Bài viết mang tính chất tham khảo và Docosan khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.
- What Is Addiction? – verywellmind