Trong giai đoạn hưng cảm (Mania), bệnh nhân sẽ cảm thấy hưng phấn vô cớ, tăng động dữ dội và thậm chí ảo tưởng. Sau khi đã loại trừ các nguyên nhân tổn thương thần kinh thực sự hoặc do chất thì giai đoạn hưng cảm được xem là giai đoạn đầu tiên của rối loạn cảm xúc lưỡng cực.
Hưng cảm có thể là một tình trạng nguy hiểm vì một số lý do: Người mắc bệnh có thể không ngủ hoặc ăn trong một thời gian dài, có thể có các hành vi nguy hiểm và gây hại cho bản thân hoặc những người xung quanh. Những người mắc chứng hưng cảm có nhiều nguy cơ bị ảo giác và các rối loạn tri giác khác. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này mời bạn đọc cùng Docosan tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Tóm tắt nội dung
Nguyên nhân gây ra chứng hưng cảm
Những người có cha mẹ hoặc anh chị em mắc bệnh này có nhiều khả năng trải qua giai đoạn hưng cảm hơn. Những người có bệnh lý tiềm ẩn hoặc bệnh tâm thần, đặc biệt là rối loạn cảm xúc lưỡng cực sẽ gặp phải giai đoạn hưng cảm. Bất thường trục hạ đồi – tuyến yên – thượng thận hoặc tuyến giáp; mất cân bằng hoạt động của các chất dẫn truyền thần kinh, đặc biệt là dopamine, cũng làm tăng nguy cơ trải qua giai đoạn hưng cảm ở bệnh nhân
Chụp cắt lớp não cho thấy một số bệnh nhân mắc chứng hưng cảm có cấu trúc hoặc hoạt động của não hơi khác so với người bình thường. Chẳng hạn như những người thiếu hụt lượng tế bào đệm thần kinh hoặc khiếm khuyết về cấu trúc tế bào thần kinh, đặc biệt vùng vỏ trán, sẽ có nguy cơ bị hưng cảm nhiều hơn.
Những thay đổi về môi trường cũng có thể gây hưng cảm, chẳng hạn như những biến cố có tác động tiêu cực và/hoặc các tình huống căng thẳng, đau buồn trong cuộc sống (cái chết của một người thân, căng thẳng tài chính, các mối quan hệ và bệnh tật v.v.).
Các triệu chứng của hưng cảm
Bệnh nhân hưng cảm có biểu hiện hưng phấn dữ dội tột độ, họ có thể hiếu động, gặp ảo giác hoặc ảo tưởng. Một số bệnh nhân cảm thấy bồn chồn và vô cùng lo lắng, tâm trạng có thể nhanh chóng thay đổi từ hưng cảm sang trầm cảm (tình trạng có mức năng lượng cực kỳ thấp).
Các giai đoạn hưng cảm làm cho một người cảm thấy như thể họ có một nguồn năng lượng to lớn, dồi dào, có thể khiến các hệ thống cơ thể tăng tốc độ hoạt động, như thể mọi thứ trên thế giới đang chuyển động nhanh hơn.
Những người mắc chứng hưng cảm có thể có suy nghĩ và nói nhanh, trở nên ảo tưởng, khó ngủ khiến hiệu quả công việc kém. Họ cũng dễ mất tập trung, thực hiện những hành động liều lĩnh, tiêu xài hoang phí, có thể có hành vi hung hăng, lạm dụng ma túy hoặc rượu.
Một dạng hưng cảm nhẹ hơn được gọi là hypomania (bao gồm các triệu chứng trên nhưng ở mức độ nhẹ hơn). Các giai đoạn hưng phấn cũng kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn hơn Mania.
Chẩn đoán hưng cảm
Bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý có thể đánh giá bệnh nhân về chứng hưng cảm bằng cách đặt câu hỏi, đánh giá và thảo luận về các triệu chứng. Theo các tiêu chí từ Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ, để được chẩn đoán là hưng cảm, tình trạng này phải xảy ra trong một tuần, hoặc ít hơn một tuần nếu bệnh nhân nhập viện. Ngoài tâm trạng rối loạn, người bệnh phải gặp ít nhất ba trong số các triệu chứng sau:
- Rất dễ bị phân tâm.
- Coa hành vi mạo hiểm hoặc bốc đồng, bao gồm tiêu xài hoang phí, đầu tư kinh doanh hoặc các hoạt động tình dục.
- Có suy nghĩ hoang tưởng.
- Giảm nhu cầu ngủ.
- Có những suy nghĩ ám ảnh.
Giai đoạn hưng cảm làm gián đoạn cuộc sống của người bệnh và ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ, cũng như công việc hoặc trường học. Nhiều trường hợp được yêu cầu nhập viện để ổn định tâm trạng của bệnh nhân và ngăn ngừa tự làm hại bản thân.
Với một số bệnh nhân, ảo giác hoặc ảo tưởng là một phần của các giai đoạn hưng cảm. Ví dụ: họ có thể tin rằng mình nổi tiếng hoặc có siêu năng lực.
Điều trị hưng cảm
Bệnh nhân có thể cần nhập viện trong trường hợp hưng cảm nặng hoặc kèm theo rối loạn tâm thần. Các phương pháp điều trị phổ biến bao gồm:
Sử dụng thuốc
Bác sĩ có thể kê đơn những loại thuốc giúp cân bằng tâm trạng của bệnh nhân và giảm nguy cơ tự gây thương tích.
Tâm lý trị liệu
Các buổi trị liệu tâm lý có thể giúp bệnh nhân kiểm soát căng thẳng và xác định các yếu tố gây hưng cảm. Các liệu pháp có thể được thực hiện là liệu pháp gia đình hoặc liệu pháp nhóm.
Ước tính 90% người từng trải qua hưng cảm sẽ trải nghiệm tình trạng này hơn 1 lần trong đời.
Chuyên gia tâm lý và Trung tâm tư vấn uy tín điều trị
- SHARE được thành lập từ năm 2008 – là một trong những trung tâm điều trị tâm lý đầu tiên tại Hà Nội.
- Chuyên gia Trần Anh Vũ đã có 9 năm kinh nghiệm trong việc tham vấn và điều trị tâm lý.
- Chuyên gia tâm lý Đoàn Thị Hương là một trong những Thạc sỹ tâm lý lâm sàng đầu tiên trong chương trình hợp tác đào tạo thạc sỹ lâm sàng giữa Trường Đại học giáo dục Hà Nội và Trường Đại học Vanderbilt Hoa Kỳ.
Hưng cảm (Mania) có thể là một tình trạng nguy hiểm. Khi một người bị rối loạn lưỡng cực, họ có thể trải qua giai đoạn hưng cảm với một tâm trạng phấn chấn và cho rằng mình hoàn toàn ổn định, dẫn đến không tìm kiếm các biện pháp điều trị.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.
Nguồn tham khảo: Mania – healthline