Hiện nay, hầu hết chúng ta đều có những lầm tưởng về rối loại lưỡng cực mà không hề hay biết. Tất cả chúng ta đều từng trải qua những thăng trầm trong trong cảm xúc ở những thời điểm nhất định, nhưng những người bị rối loạn lưỡng cực trải nghiệm các thái cực của cảm xúc từ hưng cảm đến trầm cảm một cách mạnh mẽ và dữ dội theo chu kỳ kéo dài từ vài tuần đến vài tháng.
Rối loạn lưỡng cực có xu hướng trở nên trầm trọng hơn nếu không được điều trị. Bài viết sau đây sẽ chia sẻ đến bạn đọc 06 lầm tưởng thường gặp về rối loạn lưỡng cực và sự thật.
Tóm tắt nội dung
- 1 1. Rối loạn lưỡng cực hiếm gặp
- 2 2. Chỉ có một loại rối loạn lưỡng cực
- 3 3. Người mắc chứng rối loạn lưỡng cực chỉ là hay thay đổi tâm trạng
- 4 4. Hưng cảm là tâm trạng chủ yếu của rối loạn lưỡng cực
- 5 5. Hưng cảm là trạng thái vui vẻ và hứng khởi
- 6 6. Có thể ngừng uống thuốc khi chứng rối loạn lưỡng cực được kiểm soát
- 7 Chuyên gia tâm lý và Trung tâm tư vấn uy tín
1. Rối loạn lưỡng cực hiếm gặp
Sự thật: Rối loạn lưỡng cực thực ra phổ biến hơn nhiều người nghĩ. Các chuyên gia chưa kết luận một nguyên nhân duy nhất gây ra rối loạn lưỡng cực mà cho rằng có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển chứng rối loạn lưỡng cực, bao gồm:
- Có người thân như cha mẹ hoặc anh chị em ruột bị rối loạn lưỡng cực.
- Căng thẳng, áp lực tột độ. Chẳng hạn như cái chết của một người thân yêu, bị lạm dụng cảm xúc thời thơ ấu hoặc các sang chấn khác.
- Nghiên cứu đã xác định có những khác biệt trong một số tín hiệu hóa học của não ở người rối loạn lưỡng cực.
- Mắc một số bệnh lý như hội chứng ruột kích thích và hen suyễn.
- Lạm dụng rượu/ chất kích thích.
2. Chỉ có một loại rối loạn lưỡng cực
Sự thật: Theo Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (DSM-5), có bảy loại rối loạn lưỡng cực:
- Bipolar I – có ít nhất một giai đoạn hưng cảm
- Bipolar II – có ít nhất một giai đoạn hưng cảm nhẹ.
- Rối loạn Cyclothymic – chu kỳ hưng cảm và trầm cảm diễn ra nhanh.
- Rối loạn lưỡng cực do thuốc gây ra.
- Lưỡng cực liên quan đến tình trạng bệnh lý khác.
- Rối loạn lưỡng cực được xác định chính xác và Rối loạn có liên quan khác.
- Rối loạn lưỡng cực không xác định chính xác và Rối loạn có liên quan.
3. Người mắc chứng rối loạn lưỡng cực chỉ là hay thay đổi tâm trạng
Sự thật: Mức cảm xúc cao và thấp của chứng rối loạn lưỡng cực rất khác với tâm trạng thất thường. Những người bị rối loạn lưỡng cực trải qua những thay đổi nghiêm trọng về mức năng lượng, hoạt động và giấc ngủ.
Bạn có thể thức dậy một cách vui vẻ, sau đó kiệt sức, cáu kỉnh vào giữa trưa và trở lại vui vẻ vào buổi tối nhưng không có nghĩa là bạn bị rối loạn lưỡng cực. Ngay cả chứng rối loạn lưỡng cực chu kỳ nhanh cũng cần vài ngày liên tiếp có các biểu hiện triệu chứng hưng cảm chứ không chỉ trong vài giờ.
Các mức cao và thấp của rối loạn lưỡng cực mang tính chất cực độ và diễn ra trong thời gian dài, có thể khiến người bệnh suy nhược và thường phải nhập viện.
4. Hưng cảm là tâm trạng chủ yếu của rối loạn lưỡng cực
Sự thật: Rối loạn lưỡng cực bao gồm nhiều rối loạn tâm trạng như hưng cảm, hưng cảm nhẹ và trầm cảm. Không phải tất cả những người bị rối loạn lưỡng cực đều gặp phải các triệu chứng giống nhau. Ngoài ra, trải nghiệm các cảm xúc và mức độ nghiêm trọng có thể khác nhau ở mỗi người.
Theo Từ điển Tâm lý học APA (APA Dictionary of Psychology), hưng cảm (mania) là trạng thái hoạt động, hưng phấn và kích động tâm lý quá mức, chẳng hạn như lớn tiếng với người khác, lạc quan quá mức hoặc suy giảm khả năng phán đoán. Hưng cảm cũng có thể có các triệu chứng loạn thần như ảo giác hoặc ảo tưởng, xa rời thực tế.
Hưng cảm nhẹ (Hypomania) là một dạng hưng cảm ít nghiêm trọng hơn, có tính tăng cường năng lượng, hoạt động và tâm trạng.
Trầm cảm là một trạng thái tâm trạng tồi tệ kéo dài, làm suy giảm mức giảm năng lượng và đình trệ hoạt động.
Người bị Rối loạn lưỡng cực có thể trải qua một giai đoạn bao gồm các trạng thái trên: cảm thấy vô cùng buồn bã, trống rỗng hoặc tuyệt vọng, đồng thời cảm thấy vô cùng tràn đầy sinh lực.
5. Hưng cảm là trạng thái vui vẻ và hứng khởi
Sự thật: Khi một người trải qua giai đoạn hưng cảm, họ có thể cảm thấy dễ chịu, tràn đầy năng lượng và có thể mất ngủ trong thời gian dài. Hưng cảm cũng có thể là một trải nghiệm cực kỳ khó chịu, gây cáu kỉnh, bồn chồn và cảm giác mất kiểm soát, có hành vi cư xử bốc đồng và quyết định liều lĩnh bất chấp hậu quả. Đôi khi hưng cảm cũng đi kèm với các triệu chứng loạn thần, bối rối và căng thẳng.
6. Có thể ngừng uống thuốc khi chứng rối loạn lưỡng cực được kiểm soát
Sự thật: Dùng thuốc điều trị rối loạn lưỡng cực có tác dụng ngăn ngừa các giai đoạn hưng cảm hoặc trầm cảm trong tương lai. Luôn hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu hoặc ngừng sử dụng bất kỳ loại thuốc mới nào.
Ngoài phương pháp điều trị bằng thuốc, các liệu pháp tâm lý, chẳng hạn như liệu pháp hành vi nhận thức, liệu pháp tập trung vào gia đình và liệu pháp giữa các cá nhân đã được chứng minh là giúp giảm các triệu chứng và nguy cơ các đợt bệnh tái phát trong tương lai.
Chuyên gia tâm lý và Trung tâm tư vấn uy tín
- SHARE được thành lập từ năm 2008 – là một trong những trung tâm điều trị tâm lý đầu tiên tại Hà Nội.
- Chuyên gia Trần Anh Vũ đã có 9 năm kinh nghiệm trong việc tham vấn và điều trị tâm lý.
- Chuyên gia tâm lý Đoàn Thị Hương là một trong những Thạc sỹ tâm lý lâm sàng đầu tiên trong chương trình hợp tác đào tạo thạc sỹ lâm sàng giữa Trường Đại học giáo dục Hà Nội và Trường Đại học Vanderbilt Hoa Kỳ.
Sự kết hợp của liệu pháp tâm lý và sử dụng thuốc được chứng minh là phương pháp điều trị rối loạn lưỡng cực lâu dài và hiệu quả nhất. Hãy trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được chẩn đoán chính xác và tìm ra phương pháp điều trị phù hợp.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.
Myths and Facts of Bipolar Disorder – nami.org