Nguyên nhân và cách xử lý khi trẻ bị nghẹt mũi

Trẻ sơ sinh vốn dĩ non nớt thường rất hay mắc các bệnh về đường hô hấp, và một trong các triệu chứng chính là nghẹt mũi. Nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh là thường gặp và cũng là nỗi lo lắng của các bậc cha mẹ. Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu về các nguyên nhân và cách xử trí khi trẻ bị nghẹt mũi ở bài viết dưới đây.

Nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh là gì?

Nghẹt mũi là tình trạng hốc mũi bị tắc nghẽn bởi một yếu tố nào đó, làm hẹp đường di chuyển của không khí khiến việc hít thở trở nên khó khăn.Khi trẻ mới sinh ra, vì các yếu tố môi trường và sinh sản vừa trải qua sẽ làm mũi ứ hay tăng tiết dịch, các chất dịch tiết trong mũi không được lấy ra sẽ gây bít tắc hốc mũi và biểu hiện bằng triệu chứng nghẹt mũi.

Nguyên nhân gây nghẹt mũi

Do không khí khô và lạnh

  • Không khí khô lạnh kéo dài khiến niêm mạc mũi bị khô, niêm mạc mũi sẽ phù nề và tăng tiết nhầy để bù trừ, dẫn đến nghẹt mũi.
  • Đây là nguyên nhân hay gặp, bên cạnh đó không khí khô lạnh còn khiến bé dễ bị cảm và các bệnh lý đường hô hấp.

Viêm nhiễm đường hô hấp

Trẻ sơ sinh rất dễ bị viêm nhiễm đường hô hấp trên, với các bệnh cảnh như cảm lạnh, viêm tiểu phế quản hay viêm phổi, nguyên nhân chủ yếu là do virus.

Sinh non tháng

  • Trẻ sinh non tháng thì hệ miễn dịch còn rất yếu so với các trẻ sinh đủ tháng, khiến chúng dễ mắc các bệnh lý viêm nhiễm.
  • Phổi của trẻ sinh non tháng còn non nớt và chưa đủ tốt để hấp thu được hết các dịch còn lại trong phổi khi vừa sinh ra, có thể gây các cơn thở nhanh thoáng qua sau sinh, thường sẽ tự hết.

Các bệnh lý bẩm sinh

Các bệnh lý xơ nang hay rối loạn lông chuyển nguyên phát: khiến các chất nhày đặc quánh và các lông chuyển trong mũi khó di chuyển để tống chất nhầy đi.

Các bất thường về cấu trú của mũi như hẹp cửa mũi sau, dị dạng vách ngăn và các cuốn mũi,..

Chất lượng không khí xung quanh

Bên cạnh những lí do trên, việc tiếp xúc với môi trường và không khí xung quanh kém chất lượng cũng phần nào khiến cho trẻ bị nghẹt mũi

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị nghẹt mũi

Một số dấu hiệu nhận biết trẻ bị nghẹt mũi là:

  • Thở khò khè, ngủ ngáy.
  • Quấy khóc, bú kém.
  • Thấy mũi bé chảy dịch mũi nhầy.

Các dấu hiệu nguy hiểm cần đưa đến cơ sở y tế

Sốt

Báo hiệu một nhiễm trùng trong cơ thể.

Để đo nhiệt độ cho trẻ, có nhiều vị trí đo, như hậu môn, miệng, dưới nách, và một số vị trí khác. Tuy nhiên, theo Học viện Nhi khoa Hoa kỳ (AAP) khuyên rằng chỉ nên sử dụng dụng cụ đo nhiệt kế điện tử cho trẻ. Trong khi đó, những loại nhiệt kế thủy ngân không nên sử dụng. Bởi vì trẻ rất hay cử động, thay đổi tư thế đột ngột, làm tăng nguy cơ làm bể nhiệt kế. Khi trẻ tiếp xúc trực tiếp với thủy ngân rất dễ bị ngộ độc.

Ngoài ra, ba mẹ nên sử dụng loại nhiệt kế đo ở hậu môn. Bởi vì đây là vị trí cung cấp nhiệt độ chính xác nhất. Khi nhiệt độ đo được từ 38°C trở lên, điều này có nghĩa rằng bé đang sốt. Sốt cao ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể dẫn đến co giật.

Nước mũi thay đổi màu sắc, có màu xanh vàng

Khi bị viêm đường hô hấp do siêu vi, dịch mũi thường có màu trong, bệnh tự giới hạn và bé có thể vượt qua được. Tuy nhiên, cơ thể của em bé sơ sinh khá non yếu, hệ miễn dịch chưa được hoàn thiện và dễ dàng dẫn đến viêm nhiễm đường hô hấp do vi khuẩn, một biểu hiện đó là thay đổi màu sắc dịch tiết mũi và bệnh diễn tiến kéo dài. Các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp thường gặp ở em bé là viêm tiểu phế quản, viêm phổi,..

Thở nhanh

Trẻ sơ sinh bình thường sẽ thở nhanh hơn người lớn, bình thường là khoảng 40-50 lần/phút. Khi thấy bé thở nhanh hơn 60 lần/phút hay quan sát lồng ngực và bụng bé khi bé hít thở thấy có lõm vào các xương sườn thì nên đưa bé đi đến cơ sở y tế ngay.

Quấy khóc, lừ đừ, bú kém hay bỏ bú

  • Khi bé bị nghẹt mũi dẫn đến khi bú sẽ không thở được khiến bé khó chịu, khi bú kém hay bỏ bú có thể dẫn đến bé bị mất nước và các chất dinh dưỡng.
  • Có thể quan sát số lượng tã thay của bé. Trẻ bình thường tiểu ít nhất 6 lần, nước tiểu không vàng sậm, nếu thấy số lượng tã phải thay ít thì có thể cơ thể bé đang không đủ nước.
  • Đây có thể là dấu hiệu báo hiệu những căn bệnh nguy hiểm khác, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh.

Xử trí như thế nào khi trẻ bị nghẹt mũi?

Việc lấy dịch trong mũi ra cho bé là một điều quan trọng, không những giúp bé có đường thở thông thoáng hơn, bú tốt và ngủ ngon hơn mà còn ngăn chặn dẫn đến những căn bệnh khác nguy hiểm, vì nước mũi ứ đọng là môi trường thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh phát triển.

Một số cách cải thiện tình trạng nghẹt mũi cho trẻ:

Cho bú và uống nước đầy đủ

Uống và bú nhiều để cơ thể đủ nước, đàm loãng ra và tiêu đi.

Làm ẩm mũi cho bé

Làm bấc sâu kèn

  • Dùng khăn giấy sạch dai và mềm (có thể thay thể bằng vải xô) xếp dạng bấc sâu kèn, cuốn 1 đầu to, 1 đầu nhỏ, kích cỡ của đầu nhỏ tùy thuộc vào mũi bé.
  • Một tay giữ trán, tay còn lại đưa bấc sâu kèn đầu nhỏ vào một bên mũi bé, khi nước mũi ngấm ướt hết giấy thì kéo nhẹ ra. Thực hiện 2-3 lần hoặc đến khi sạch mũi, thực hiện tương tự với bên mũi còn lại.
  • Trước khi làm có thể làm ẩm mũi bé với bằng cách nhỏ nước muối sinh lý 2-3 giọt vào mũi, chờ khoảng 30 giây, sau đó thực hiện các bước đã mô tả ở trên.

Dùng dụng cụ hút mũi

  • Nên vệ sinh sạch sẽ dụng cụ trước khi sử dụng cho bé.
  • Có thể nhỏ vài giọt nước muối sinh lý trước khi hút để làm loãng nước mũi.
  • Bóp bóng để đẩy tất cả không khí ra, đưa đầu hút vào trong mũi bé rồi từ từ nhả bóng. Lấy giấy sạch lau sạch đầu hút rồi tiếp tục với bên còn lại. Nên thao tác nhẹ nhàng để tránh gây tổn thương cho mũi bé.
  • Vệ sinh sạch sẽ dụng cụ sau khi hút và để nơi khô thoáng.
  • Không nên hút quá nhiều lần trong ngày vì có thể gây kích ứng cho mũi.

Ngoài các cách trên, có thể dùng tăm bông để lấy dịch mũi nhưng ít được khuyến cáo, vì các sợ xơ trên đầu tăm bông có thể rớt vào mũi trẻ, gây dị vậy mũi và nhiễm trùng.

Những điều không nên thực hiện khi trẻ bị nghẹt mũi

  • Không nên dùng miệng để trực tiếp hút dịch nhầy trong mũi của trẻ vì vi khuẩn từ miệng bạn có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh của bé.
  • Không sự dụng các máy xông hơi tinh dầu ( thường có bạc hà, bạch đàn,..), các chất này đã được chứng minh là gây nguy hiểm cho trẻ em dưới 2 tuổi.
  • Không tự ý mua thuốc, vì hầu hết các thuốc điều trị cảm cúm là không an toàn cho trẻ sơ sinh vốn rất non yếu. hãy đến các cơ sở y tế để nhận được sự thăm khám và điều trị thích hợp của các bác sĩ nhi khoa.
trẻ bị nghẹt mũi
Việc sử dụng thuốc xịt mũi phải được bác sĩ chỉ định

Một số bác sĩ khám và điều trị trường hợp trẻ bị nghẹt mũi

  • Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Thê – 40 năm kinh nghiệm – Quận Tân Bình
  • Bác sĩ Trần Văn Công – Chữa bệnh không dùng thuốc – Quận Bình Thạnh
  • BS Lê Hồng Thiện – Quận Thủ Đức

Kết luận

Nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh là thường gặp, thường do tiếp xúc không khí khô lạnh kéo dài và viêm nhiễm đường hô hấp trên. Nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách có thể dẫn đến các căn bệnh khác nguy hiểm, vì vậy cần nhận biết đúng tình trạng và có thái độ xử trí đúng khi bé bị nghẹt mũi, đặc biệt là các trường hợp cần phải đưa đi khám tại các cơ sở y tế.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Vệ sinh mũi an toàn cho bé – Sức khỏe & Đời sống

Nasal congestion: How to clear your baby’s dry, stuffy nose – Aboutkidshealth.ca

How to Treat Nasal and Chest Congestion in a Newborn – Healthline.com

Hỏi bác sĩ nhi đồng – BS. Trương Hữu Khanh

Contact Me on Zalo