Triệu chứng COVID-19: Nhận biết sớm dấu hiệu và xử lý hiệu quả

Nhận biết sớm các triệu chứng COVID là chìa khóa quan trọng trong  việc chẩn đoán, điều trị bệnh kịp thời, tránh xảy ra các biến chứng nguy hiểm. Hãy cùng Docosan tìm hiểu về triệu chứng COVID-19 mới nhất trong bài viết dưới đây nhé!

Giới thiệu về COVID-19

COVID-19 là một trong những trận đại dịch bùng phát lớn nhất trong lịch sử loài người. Đại dịch COVID gây ra bởi virus SARS-CoV-2, dịch xuất hiện lần đầu vào năm 2019 ở Vũ Hán, Trung Quốc, sau đó nhanh chóng lan rộng ra trên toàn thế giới, tạo thành trận đại dịch lấy đi mạng sống của hàng triệu người.

Bệnh lây lan thông qua các giọt bắn nhỏ từ dịch mũi hoặc miệng khi người bệnh hít thở, nói chuyện, ho, hắt hơi,… Bệnh có thể xuất hiện với các triệu chứng nhẹ, thoáng qua như sốt, ho, sổ mũi, mất mùi vị,… tuy nhiên ở người bệnh béo phì, người già, phụ nữ mang thai, người suy giảm miễn dịch,… bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, viêm phổi nặng cần thở máy.

Nhiễm COVID-19 nếu không nhận biết các triệu chứng sớm dẫn đến chậm trễ trong việc điều trị kịp thời có thể đẩy người bệnh vào những tình huống nguy hiểm, thậm chí gây tử vong.

Triệu chứng COVID-19

Triệu chứng nhiễm COVID-19 có thể phân loại thành hai nhóm chính:

Triệu chứng phổ biến: Sốt, ho, mệt mỏi, đau đầu, đau họng, chảy nước mũi, đau nhức cơ thể.

Nhiễm COVID-19 có thể gây ra những triệu chứng khác nhau, thông thường các triệu chứng có thể kéo dài trong khoảng 7 đến 14 ngày. Các triệu chứng thường gặp khi nhiễm COVID có thể kể đến bao gồm:

  • Sốt.
  • Ho.
  • Mệt mỏi.
  • Đau đầu.
  • Đau họng.
  • Chảy nước mũi.
  • Đau nhức cơ thể.

Hầu hết các triệu chứng thường gặp của nhiễm siêu vi đều có mặt trong bệnh nhiễm COVID như sốt cao, đau nhức cơ, đau đầu, đau họng,.. Nếu bệnh diễn ra ở mức độ nhẹ thì các triệu chứng đều đáp ứng với thuốc hạ sốt, giảm ho,… xu hướng cải thiện nhanh chóng, người bệnh có thể khỏi bệnh trong vòng 1 tuần.

Triệu chứng đặc trưng: Mất khứu giác và vị giác, tiêu chảy, khó thở.

Bên cạnh các triệu chứng phổ biến trong nhiễm siêu vi, người bệnh còn xuất hiện một số dấu hiệu COVID đặc trưng khác có thể kể đến:

  • Mất khứu giác và vị giác: Virus SARS-CoV-2 tấn công các tế bào hỗ trợ và các tế bào thần kinh liên quan đến khứu giác, vị giác ở khoang mũi, khoang miệng. Sau khi bị tổn thương các tế bào sẽ hồi phục dần, tuy nhiên thời gian hồi phục có thể kéo dài từ 1 tháng tới 6 tháng. Đây là dấu hiệu COVID mới nhất và đặc trưng nhất gây ra bởi virus Corona.
  • Tiêu chảy: Đây không phải triệu chứng điển hình trong bệnh nhiễm COVID-19, nguyên nhân có thể là do virus tấn công lên hệ tiêu hóa, đặc biệt là các tế bào trong đường ruột.
  • Khó thở: Được xem là một triệu chứng báo hiệu nhận biết bệnh có thể trở nặng. Thông thường, người bệnh sẽ khó thở khi phổi bắt đầu bị tổn thương viêm nhiều hơn, mức độ khó thở càng nhiều thì nguy cơ diễn tiến thành suy hô hấp càng cao hơn.

Trong một số trường hợp COVID-19 diễn ra không triệu chứng, người bệnh mang virus trong dịch tiết, bệnh phẩm tuy không có triệu chứng, không sốt, không ho. Tuy nhiên điều này lại nguy hiểm hơn vì người bệnh không biết mình bị bệnh nhưng lại có khả năng làm lây lan bệnh cho người xung quanh.

Triệu chứng covid rất đa dạng như sốt, khó thở, mất khứu giác,...
Triệu chứng COVID-19 rất đa dạng như sốt, khó thở, mất khứu giác,…

Tiến triển bệnh lý

Hầu hết người bệnh COVID-19 xuất hiện các triệu chứng theo từng giai đoạn khác nhau:

  • Giai đoạn khởi phát: Thời gian ủ bệnh trong vòng 5 đến 7 ngày, khởi phát với những triệu chứng thông thường như sốt, ho, sổ mũi, nghẹt mũi, đau họng, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, khó thở, đau cơ… Tùy vào chủng COVID mắc phải, các triệu chứng có thể đa dạng và khác nhau.
  • Giai đoạn toàn phát: Sau thời gian ủ bệnh khoảng 4 đến 5 ngày, các triệu chứng có thể nặng dần. Triệu chứng COVID trong giai đoạn này bao gồm đau ngực, mệt mỏi, khó thở tăng dần, đo sinh hiệu thấy mạch nhanh, huyết áp tụt, tay chân lạnh. Ngoài ra, bệnh cũng ảnh hưởng lên hệ thần kinh gây các triệu chứng lú lẫn, lơ mơ, không tỉnh táo. Các cơ quan khác trong cơ thể cũng biểu hiện các triệu chứng khác nhau.
  • Giai đoạn hồi phục: Nếu các triệu chứng nhẹ, thoáng qua thông thường sau 5 đến 7 ngày người nhiễm COVID đã có thể hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng nặng, bệnh giai đoạn toàn phát thì thời gian hồi phục kéo dài đến 2 thậm chí 3 tuần.

So sánh triệu chứng COVID-19 với bệnh cúm thông thường

Để phân biệt, so sánh các triệu chứng của COVID-19 với các bệnh cảm cúm thông thường, đầu tiên là những điểm giống nhau. Cả COVID-19 và cúm đều là bệnh lý lây truyền gây ra bởi virus, do đó hầu hết người bệnh đều mắc các triệu chứng nhiễm siêu vi giống nhau như sốt, ho, sổ mũi, nghẹt mũi, đau nhức cơ, chóng mặt, đau đầu,…

Tuy nhiên, có một số đặc điểm khác nhau giúp người nhiễm nhận diện được hai bệnh lý này với nhau. So với cúm, COVID-19 có diễn tiến chậm hơn, các triệu chứng ủ bệnh diễn ra lâu hơn, còn cúm thường diễn tiến đột ngột, triệu chứng nặng có thể xuất hiện ngay trong những ngày đầu mắc bệnh.

Ngoài ra, COVID còn gây các triệu chứng như mất khứu giác, mất mùi vị, khó. Những đặc điểm khác biệt này chỉ mang tính chất tương đối, các xét nghiệm chuyên sâu là phương tiện duy nhất để khẳng định loại virus nào là nguyên nhân gây bệnh.

Cách xử lý khi nghi ngờ mắc COVID-19

Khi nghi ngờ mắc các triệu chứng COVID-19 bạn cần phải tiến hành xét nghiệm ngay để chẩn đoán hoặc loại trừ tình trạng nhiễm COVID để có kế hoạch điều trị thích hợp. Từ thời điểm nghi ngờ mắc đến khi có kết quả xét nghiệm âm tính, người bệnh cần phải cách ly tạm thời để tránh lây bệnh cho người xung quanh.

Khi xác định tình trạng nghi ngờ mắc COVID-19, bạn cần báo cho những người có tiếp xúc thân cận như trò chuyện trực tiếp, người sống chung nhà,… để tiến hành xét nghiệm hoặc cách ly. Ngoài ra, trong các trường hợp cần sự tư vấn từ đội ngũ chuyên gia y tế, bạn có thể liên hệ đường dây nóng của các cơ quan chuyên ngành để được hỗ trợ, tư vấn.

Khi nghi ngờ mắc covid, người bệnh cần tiến hành xét nghiệm chẩn đoán.
Khi nghi ngờ mắc COVID, người bệnh cần tiến hành xét nghiệm chẩn đoán

Điều trị triệu chứng COVID-19

Trong thời gian mắc COVID-19, người bệnh cần nghỉ ngơi, uống đầy đủ lượng nước mỗi ngày. Các triệu chứng nhẹ như sốt, sổ mũi, đau họng, ho,… người bệnh có thể hạ sốt, mua thuốc giảm ho, giảm ngứa mũi sử dụng tại nhà. Ngoài ra, các biện pháp như lau mát khi sốt, rửa mũi họng thường xuyên cũng giúp bệnh tiến triển tốt hơn.

Tuy nhiên ở nhóm bệnh có các yếu tố nguy cơ diễn tiến nặng như người già trên 65 tuổi, trẻ sơ sinh, người béo phì, rối loạn miễn dịch, mắc các bệnh lý mạn tính, ác tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn,… khi xuất hiện các triệu chứng COVID nên tiến hành thăm khám bác sĩ, tránh tự ý điều trị tại nhà.

Một biện pháp điều trị khác không kém phần quan trọng đó là người bệnh cần tự cách ly bản thân với người xung quanh để tránh làm lây lan bệnh. Trong thời gian cách ly, bạn cần ăn uống, nghỉ ngơi đầy đủ, theo dõi diễn tiến của các triệu chứng để thăm khám kịp thời.

Điều trị COVID-19 cần xác định mức độ triệu chứng, trường hợp triệu chứng nhẹ thoáng qua có thể điều trị tại nhà. 
Điều trị COVID-19 cần xác định mức độ triệu chứng, trường hợp triệu chứng nhẹ thoáng qua có thể điều trị tại nhà

Các biện pháp phòng ngừa nhiễm COVID tái phát

Để ngăn ngừa nhiễm COVID tái phát, bạn có thể lựa chọn thời điểm tiêm vaccine nhắc lại phù hợp theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Thông thường, người nhiễm COVID sẽ có lượng đề kháng nhất định với virus, nguy cơ tái nhiễm không cao. Tuy nhiên, với sự bùng lên của đại dịch, các chủng virus đã có những biến đổi cấu trúc bên trong tế bào, chuyển dạng thành các chủng virus mang mã gen khác, lúc này vaccine cũ sẽ không còn hiệu lực.

Ngoài ra, sau khi nhiễm một loại SARS-CoV-2 này bạn có thể mắc một chủng khác, do đó sau khi khỏi bệnh bạn vẫn cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa tiêu chuẩn như đeo khẩu trang khi giao tiếp đặc biệt là với người lạ. Khi nghi ngờ xuất hiện các triệu chứng giống nhiễm COVID bạn cũng cần xét nghiệm ngay để chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ bị bệnh nặng hoặc bản thân người bệnh có các yếu tố nguy cơ bệnh tiến triển nặng nếu mắc phải COVID-19, bạn cần đến thăm khám tại cơ sở y tế ngay.

Các dấu hiệu, triệu chứng bất thường

  • Khó thở kéo dài, đo SpO2 tại nhà giảm <92%.
  • Da, môi hoặc lòng bàn tay nhợt nhạt, nhiệt độ mát.
  • Sốt cao, tri giác lơ mơ.
  • Đau ngực nhiều, khó thở phải ngồi dậy trong đêm, đặc biệt khó thở, đau ngực nhiều khi nằm.
  • Tím tái, hồi hộp tim đập nhanh, chóng mặt.

Các phương pháp xét nghiệm, chẩn đoán bệnh

Phương pháp xét nghiệm COVID thường dùng gồm có test nhanh hoặc test PCR (Polymerase Chain Reaction). Test nhanh dựa trên nguyên lý kháng nguyên, thường có kết quả ngay, giá thành rẻ, tiện lợi, có thể làm tại nhà, tuy nhiên độ chính xác không cao như phương pháp PCR.

Ngược lại, phương pháp PCR có tỉ lệ chính xác gần 99%, có thể đo được tải lượng virus bên trong cơ thể, tuy nhiên giá thành cao, thời gian trả kết quả lâu, người bệnh phải đến các phòng xét nghiệm chuyên sâu để lấy mẫu.

Các bệnh viện chuyên khoa uy tín

Khi mắc các triệu chứng COVID nặng hoặc lo lắng bản thân mắc các yếu tố nguy cơ có thể làm bệnh diễn tiến nặng nề hơn, người bệnh có thể đến khám tại các phòng khám bệnh truyền nhiễm uy tín bên cạnh các bệnh viện chuyên khoa như Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM,…

Khi các triệu chứng covid nặng nề như sốt cao, khó thở, đau ngực, người bệnh cần thăm khám bác sĩ.
Khi các triệu chứng COVID nặng nề như sốt cao, khó thở, đau ngực, người bệnh cần thăm khám bác sĩ

Một số câu hỏi liên quan

Bao lâu sau khi bị nhiễm SARS-CoV-2, tôi sẽ xuất hiện các triệu chứng của COVID-19?

Sau khoảng từ 2 đến 7 ngày sau khi SARS-CoV-2 tấn công vào cơ thể, xuất hiện giai đoạn ủ bệnh, lúc này các triệu chứng của nhiễm COVID-19 sẽ xuất hiện, bắt đầu là các triệu chứng nhẹ như ho, sốt, sổ mũi, đau nhức người. Bệnh có thể diễn tiến mức độ nhẹ hoặc nặng dần lên thành giai đoạn toàn phát.

Nếu tôi bình phục sau khi mắc COVID-19, tôi có thể bị nhiễm lại không?

Thông thường, người bệnh sau khi mắc COVID-19 sẽ có lượng kháng thể bảo vệ, giảm nguy cơ tái nhiễm xuống nhiều lần. Tuy nhiên ở những người bệnh có hệ miễn dịch suy yếu, khả năng tái nhiễm cao hơn nhiều hơn. Đặc biệt, virus có khả năng biến đổi cấu trúc rất nhanh, do đó người bệnh có thể tái nhiễm với chủng virus khác.

Tôi cần phải tự cách ly trong bao lâu nếu tôi đã ở gần người mắc COVID-19?

Thời gian cách ly tương đối trong khoảng 7 đến 10 ngày với các trường hợp triệu chứng thuyên giảm. Trong thời điểm dịch bùng phát, các trường hợp cách ly cần phải đo tải lượng virus hoặc test nhanh âm tính để xem như hoàn thành quá trình cách ly.

Có thể xét nghiệm âm tính với virus Corona nhưng vẫn bị nhiễm bệnh không?

Điều này hoàn toàn có thể xảy ra, đặc biệt là với các trường hợp test nhanh. Các que thử có thể gây sai lệch kết quả hoặc quá trình lấy mẫu dịch tỵ hầu làm xét nghiệm có sai sót, lấy mẫu chưa đúng vị trí làm cho kết quả bị âm tính giả. Lúc này, tuy kết quả là âm tính nhưng người bệnh vẫn có khả năng bị nhiễm bệnh.

Người bệnh COVID cần được cách ly để tránh lây lan mầm bệnh.
Người bệnh COVID cần được cách ly để tránh lây lan mầm bệnh

Xem thêm:

Bài viết đã cung cấp cho các bạn các thông tin xoay quanh triệu chứng COVID và cách nhận biết, biện pháp điều trị, phòng ngừa nhiễm COVID-19. Hãy chia sẻ những kiến thức bổ ích từ bài viết đến cho người thân và bạn bè nhé!

Nguồn tham khảo:

1. COVID-19: Symptoms of COVID-19 – CDC

  • Link tham khảo: https://www.cdc.gov/covid/signs-symptoms/index.html
  • Ngày tham khảo: 01/09/2024

2. Coronavirus disease 2019 (COVID-19) – Mayo Clinic 

  • Link tham khảo: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/coronavirus/symptoms-causes/syc-20479963
  • Ngày tham khảo: 01/09/2024

3. Treating COVID-19 at home: Care tips for you and others – Mayo Clinic 

  • Link tham khảo: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/coronavirus/in-depth/treating-covid-19-at-home/art-20483273
  • Ngày tham khảo: 01/09/2024