Khi gặp phải vấn đề về chấn thương, bác sĩ thường hay chỉ định bạn chụp CT hay chụp cắt lớp vi tính để phát hiện bất thường ở xương hoặc ở mô mềm. Xét nghiệm này sử dụng kỹ thuật chụp X-quang và máy tính để tạo ra hình ảnh chi tiết của cơ thể. Chụp CT là kỹ thuật không gây đau và không xâm lấn. Bạn có thể thực hiện ở bệnh viện, phòng khám hay trung tâm xét nghiệm Vậy hãy cùng Docosan tìm hiểu kỹ hơn về chụp CT là gì qua bài viết dưới đây.
Tóm tắt nội dung
- 1 Giới thiệu về chụp CT
- 2 Ưu điểm và nhược điểm của chụp CT
- 3 Quy trình chụp CT
- 4 Lưu ý khi chụp CT
- 5 Chụp CT ở đâu?
- 6 Một số câu hỏi thường gặp về chụp CT
- 6.1 Chụp CT có hại không?
- 6.2 Chụp CT có cần nhịn ăn không?
- 6.3 Tại sao đôi khi phải chụp CT có tiêm thuốc cản quang?
- 6.4 Chụp CT bao nhiêu tiền?
- 6.5 Khoảng cách giữa 2 lần chụp CT là bao lâu?
- 6.6 Chụp CT và chụp X-quang khác nhau như thế nào?
- 6.7 Chụp CT mất bao lâu?
- 6.8 Chụp CT có an toàn không?
- 6.9 Chụp CT khác gì so với MRI?
- 6.10 Chụp CT có thể phát hiện ung thư không?
Giới thiệu về chụp CT
Chụp CT có thể chụp được gần như tất cả các bộ phận của cơ thể như sọ não, đầu, vai, cột sống, lồng ngực, phổi, vùng chậu. Chụp CT đặc biệt có ích khi kiểm tra khối u, nhiễm trùng, cục máu đông hoặc tình trạng chảy máu trong.
Chụp CT là gì?
Chụp CT (chụp cắt lớp vi tính) là một loại xét nghiệm hình ảnh giống như chụp X-quang. Tuy nhiên thay vì tạo ra hình ảnh phẳng 2D, máy CT di chuyển quanh cơ thể bạn và chụp nhiều góc khác nhau, cho phép chụp hàng chục đến hàng trăm hình ảnh chi tiết của từng cơ quan. Nhờ vào sự rõ ràng và tính chính xác của chụp CT, bác sĩ sẽ xem những hình ảnh mà chụp X-quang thông thường không thể hiển thị.
Chụp CT có cản quang là gì?
Chụp CT bao gồm hai phương pháp là không cần dùng thuốc cản quang hoặc có dùng thuốc cản quang. Thuốc cản quang được uống hoặc tiêm vào cơ thể khi chụp CT. Dung dịch này chứa iod, giúp tăng mức độ tương phản, làm cho cấu trúc bị tổn thương nổi bật và dễ quan sát hơn.
Chụp CT được ứng dụng trong những trường hợp nào?
Chụp CT được ứng dụng rộng rãi và ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực y tế, dùng để chẩn đoán chấn thương hoặc các bệnh lý, hỗ trợ điều trị và theo dõi bệnh. Chụp CT có thể được chỉ định trong các trường hợp:
- Để kiểm tra xương hoặc các cơ quan nội tạng sau một tai nạn.
- Cần tìm hiểu xem các triệu chứng bạn đang gặp phải có phải do một tình trạng bệnh lý nào đó gây ra hay không? Chẳng hạn như ung thư.
- Xem phương pháp điều trị có hiệu quả hay không? Như là kiểm tra kích thước khối u trong và sau quá trình điều trị ung thư
Khi nào bệnh nhân được bác sĩ chỉ định chụp CT?
Chụp CT được bác sĩ chỉ định để phát hiện bất thường trong những trường hợp như:
- Chụp CT có thể phát hiện các vấn đề liên quan đến xương khớp, như gãy xương hay khối u.
- Nếu bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, khí phế quản hoặc khối u ở gan, chụp CT có thể phát hiện và giúp bác sĩ nhìn thấy những thay đổi trên các cơ quan này.
- Các chấn thương nội tạng cũng có thể phát hiện bằng chụp CT.
- Bác sĩ sử dụng kết quả hình ảnh chụp CT để đưa ra kế hoạch điều trị trong phẫu thuật.
- Trong trường hợp ung thư, chụp CT là một trong những công cụ chẩn đoán hữu ích như xác định giai đoạn ung thư, tìm đúng vị trí để sinh thiết và theo dõi phương pháp điều trị có hiệu quả không.
Ưu điểm và nhược điểm của chụp CT
Ưu điểm của chụp CT:
Chụp CT hiện nay được ứng dụng rộng rãi trong y khoa với những ưu điểm sau:
- Chụp CT là phương pháp chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn và không gây đau.
- So với chụp X-quang, Hình ảnh chụp CT cho kết quả chi tiết và rõ nét.
- Thời gian chụp CT nhanh chóng, không tốn nhiều thời gian vì vậy được ưu tiên sử dụng trong các trường hợp cấp cứu hay khó thở thay vì sử dụng MRI.
- Chụp CT được chỉ định thay thế trong trường hợp bệnh nhân có chống chỉ định với MRI như có thiết bị y tế bằng kim loại cấy ghép trong người.
Nhược điểm của chụp CT cắt lớp vi tính
Mặc dù chụp CT là một kỹ thuật xét nghiệm hình ảnh phổ biến với độ chính xác cao, phương pháp này cũng có một số nhược điểm nhất định:
- Nguy cơ tiếp xúc bức xạ khi chụp CT: Khả năng bệnh nhân bị phơi nhiễm nhiều với bức xạ ion hóa được chứng minh làm tăng nguy cơ gây ung thư. Tuy nhiên, rủi ro tiếp xúc với bức xạ từ tia X khi chụp CT trong y tế nhìn chung là không đáng kể. Ngày nay, để hạn chế rủi ro có thể xảy ra đối với bệnh nhân, các nhà sản xuất luôn phát triển công nghệ máy chụp CT giúp thời gian chụp nhanh hơn, giảm liều tia X và điều chỉnh phù hợp với từng đối tượng bệnh nhân cụ thể.
- Nguy cơ phản ứng với chất cản quang khi chụp CT: Chất cản quang sử dụng trong y khoa là an toàn với hầu hết bệnh nhân. Rủi ro xảy ra phản ứng nghiêm trọng là vô cùng hiếm. Nếu bạn có nghi ngờ dị ứng với các chất cản quang bạn cần trao đổi kỹ với bác sĩ trước khi thực hiện xét nghiệm. Các cơ sở y tế khám chữa bệnh luôn có đội ngũ cấp cứu trong các trường hợp sốc với chất phản quang.
Quy trình chụp CT
Chụp CT được thực hiện tại bệnh viện, phòng khám hoặc cơ sở xét nghiệm có thiết bị phù hợp. Quy trình chụp CT gồm những bước cơ bản sau:
- Bệnh nhân được yêu cầu tháo các trang sức, đồng hồ trước khi nằm lên máy quét.
- Trường hợp được chỉ định chụp CT có cản quang, bệnh nhân được uống hoặc tiêm thuốc cản quang vào tĩnh mạch. Một số trường hợp đặc biệt, thuốc cản quang có thể đưa qua đường trực tràng.
- Trong quá trình quét, bệnh nhân cần phải giữ nguyên tư thế vì chuyển động có thể làm mờ hình ảnh dẫn đến sai sót kết quả chụp.
Lưu ý khi chụp CT
Mang thai
Nếu bạn đang mang thai hoặc nghi ngờ mình có thể mang thai, hãy thông báo với bác sĩ trước khi tiến hành xét nghiệm. Chụp CT vùng chậu và bụng có thể ảnh hưởng đến thai nhi đang phát triển vì có nguy cơ tiếp xúc với bức xạ.
Trẻ em
Chụp CT ở trẻ em cần được cân nhắc kỹ lưỡng và sử dụng liều lượng bức xạ nhỏ nhất cần thiết để đưa ra chẩn đoán. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể sử dụng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác như siêu âm hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) để hạn chế trẻ em tiếp xúc với tia X.
Phản ứng dị ứng
Như được đề cập ở trên, chụp CT có cản quang có thể gây phản ứng dị ứng. Vì vậy, bạn cần thông báo cho bác sĩ nếu bạn có tiền sử dị ứng với thuốc cản quang.
Chụp CT ở đâu?
Lựa chọn bệnh viện uy tín, có máy móc hiện đại, đội ngũ bác sĩ chuyên nghiệp:
Hiện nay, chụp CT là một phương pháp xét nghiệm phổ biến, có ở nhiều bệnh viện và phòng khám trên toàn quốc. Tuy nhiên cần lựa chọn địa chỉ uy tín để sử dụng dịch vụ này, một số tiêu chí để lựa chọn bệnh viện, phòng khám đa khoa là:
- Có đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn giỏi, tay nghề cao và kinh nghiệm lâu năm trong ngành y tế.
- Các thiết bị sử dụng để chụp CT là loại mới, sử dụng công nghệ tiên tiến hiện đại. Kết quả chụp cần chi tiết, chính xác cho người bệnh khi thăm khám, điều trị.
- Mức chi phí hợp lý, được niêm yết rõ ràng.
Một số bệnh viện chuyên cung cấp dịch vụ chụp CT chuyên nghiệp, chất lượng cao, với:
Docosan gợi ý một số bệnh viện cung cấp dịch vụ CT chuyên nghiệp, chất lượng cao với đội ngũ y bác sĩ chuyên môn giỏi, thiết bị chụp CT hiện đại:
- Bệnh viện Chợ Rẫy.
- Bệnh viện nhân dân 115.
- Bệnh viện Bạch Mai.
- Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức.
Một số câu hỏi thường gặp về chụp CT
Chụp CT có hại không?
Thông thường chụp CT thường không gây ra tác dụng phụ. Nhưng một số bệnh nhân có thể có các phản ứng phụ nhỏ với chất cản quang như:
Chụp CT có cần nhịn ăn không?
Nhìn chung, không có yêu cầu nhịn ăn trước khi chụp CT, trừ khi phải sử dụng thuốc cản quang. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn trước nếu phải sử dụng thuốc cản quang và nếu bạn cần nhịn ăn uống. Trong trường hợp phải nhịn ăn, bạn sẽ cần phải nhịn ít nhất 4 – 6 giờ trước khi chụp CT, chỉ uống nước, sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng buồn nôn có thể xảy ra do uống chất cản quang.
Tại sao đôi khi phải chụp CT có tiêm thuốc cản quang?
Ngược lại với MRI, kỹ thuật chụp CT thông thường có thể bị cản trở bởi các mô mềm khác nhau, dẫn đến hình ảnh kém tính chính xác hơn. Trong trường hợp này, chụp CT có tiêm thuốc cản quang được ưu tiên giúp nâng cao chất lượng hình ảnh và chẩn đoán chính xác hơn.
Chụp CT bao nhiêu tiền?
Chụp CT là chẩn đoán hình ảnh hiện đại ứng dụng trong y học nên chi phí đầu tư thiết bị tốn kém và phí vận hành đắt đỏ. Do đó, chi phí mỗi lần chụp cho bệnh nhân ở mức cao so với mặt bằng chung ở Việt Nam. Để người bệnh có thêm thông tin về chi phí mỗi lần chụp, Docosan chia sẻ chi phí mỗi lần chụp CT tại một số bệnh viện:
- Bệnh viện Bạch Mai: 19.770.000 VNĐ.
- Bệnh viện Việt Đức: 22.000.000 VNĐ
Lưu ý: Giá trên chỉ mang tính chất tham khảo có thể thay đổi theo thời gian, bạn cần liên hệ trực tiếp với phòng khám, bệnh viện để biết rõ thông tin chi tiết.
Theo Phụ Lục III trong Thông tư Liên tịch số: 37/2015/TTLT-BYT-BTC, của Liên bộ Y tế – Tài chính được ban hành ngày 29/10/2015 đã quy định Trường hợp bệnh nhân có bảo hiểm y tế, sẽ được bảo hiểm y tế chi trả tối đa 20.114.000/ 1 lần chụp.
Ngoài ra, chi phí chụp CT còn phụ thuộc vào một số yếu tố như sau:
- Vị trí chụp.
- Có hoặc không sử dụng thuốc cản quang.
- Thiết bị chụp.
Khoảng cách giữa 2 lần chụp CT là bao lâu?
Chụp CT nhìn chung là một xét nghiệm an toàn, Bộ Y Tế hiện không có quy định cụ thể khoảng cách giữa các lần chụp. Bác sĩ sẽ dựa trên mức độ tổn thương và tình trạng của bệnh nhân để xem xét có cần thực hiện hay không.
Chụp CT và chụp X-quang khác nhau như thế nào?
Chụp X quang cũng là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh phổ biến. Kết quả chụp X-quang được thể hiện dưới dạng hình ảnh 2D, cho phép ghi nhận các cấu trúc của cơ quan với độ tương phản cao giữa mô mềm và xương.
Chụp CT dựa trên kỹ thuật X-quang và kết hợp máy tính, nhờ đó cung cấp kết quả hình ảnh dưới dạng 3D, chi tiết và đa chiều hơn. Trong một số trường hợp, CT giúp chẩn đoán tốt hơn so với chụp X-quang.
Chụp CT mất bao lâu?
Chụp CT thường mất khoảng một giờ, phần lớn là thời gian chuẩn bị, còn thời gian quét CT chỉ khoảng 10 đến 15 phút.
Chụp CT có an toàn không?
Kỹ thuật xét nghiệm hình ảnh CT là một kỹ thuật hiện đại và an toàn. Đối với trẻ em, cần điều chỉnh liều bức xạ ion thấp nhất cần thiết để giảm mức độ tiếp xúc của trẻ với tia bức xạ.
Chụp CT khác gì so với MRI?
Về nguyên lý hoạt động, chụp CT sử dụng tia X để chụp ảnh cơ thể. Trong khi đó, chụp cộng hưởng từ (MRI) sử dụng sóng vô tuyến (radio) và từ trường tạo ra những chuỗi xung để thu được hình ảnh tương tự.
Về ứng dụng trong y học, chụp CT thường được sử dụng trong chẩn đoán một số loại ung thư, gãy xương, chảy máu trong, cục máu đông và chấn thương cột sống và não. Chụp MRI cho thấy một số bệnh mà chụp CT khó phát hiện như ung thư cổ tử cung, tuyến tiền liệt và một số loại ung thư gan. Ngoài ra, chụp MRI được sử dụng để chẩn đoán chấn thương ở mô mềm hoặc khớp và chấn thương ở các cơ quan như tim, não và cơ quan tiêu hóa.
Chụp CT có thể phát hiện ung thư không?
Một số loại ung thư được phát hiện dễ dàng hơn bằng chụp CT. Ví dụ:
- Chụp CT đại tràng là một công cụ chẩn đoán được sử dụng để tìm các khối u và polyp đại tràng lớn.
- Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng chụp CT có hiệu quả trong việc chẩn đoán ung thư phổi.
- Chụp CT cũng có thể tìm thấy ung thư ở dạ dày, bàng quang, thận, buồng trứng và tuyến tụy.
Xem thêm:
- Chụp X quang là gì? Tổng hợp 101 thông tin quan trọng.
- Giá chụp MRI bao nhiêu? Cập nhật bảng giá mới nhất 2024.
- Bệnh viện và phòng khám chẩn đoán hình ảnh.
Chụp CT là một xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh hiện đại với độ chính xác cao, an toàn và dễ thực hiện. Phụ thuộc vào tình trạng của bệnh nhân, bác sĩ sẽ thăm khám và đưa ra những chỉ định phù hợp. Hiện nay, có rất nhiều cơ sở khám chữa bệnh với đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn cao và trang thiết bị hiện đại mà bạn có thể cân nhắc chọn lựa, giúp bạn được chăm sóc sức khỏe tốt nhất. Hy vọng bài viết trên có thể giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về chụp CT, hãy chia sẻ thông tin hữu ích này đến mọi người xung quanh.
Tài liệu tham khảo:
1. CT Scan:
- Link tham khảo: https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/ct-scan/about/pac-20393675
- Ngày tham khảo: 01/9/2024
2. Computed Tomography (CT) Scan:
- Link tham khảo: https://www.hopkinsmedicine.org/health/treatment-tests-and-therapies/computed-tomography-ct-scan
- Ngày tham khảo: 01/9/2024
3. CT (Computed Tomography) Scan
- Link tham khảo: https://my.clevelandclinic.org/health/diagnostics/4808-ct-computed-tomography-scan.
- Ngày tham khảo: 01/9/2024.
4. What is a CT Scan
- Link tham khảo: https://www.webmd.com/cancer/what-is-a-ct-scan
- Ngày tham khảo: 01/9/2024