Giun sán: Dấu hiệu nhận biết, cách điều trị và phòng ngừa

Bệnh giun sán là bệnh lý rất phổ biến tại Việt Nam, là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng của cộng đồng. Bệnh lây truyền qua trứng có trong phân người, từ đó làm ô nhiễm đất ở những khu vực kém vệ sinh. Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu về bệnh giun sán, các dấu hiệu và cách điều trị, phòng ngừa nhiễm giun sán như thế nào qua bài viết dưới đây.

Giun sán là gì?

Giun sán là những sinh vật đa bào, có nhiều loại sống tự do, nhưng một số thì sống ký sinh, thường là ký sinh theo phương thức bắt buộc và ký sinh vĩnh viễn trong cơ thể ký chủ. Đa số giun sán sống ký sinh trong ống tiêu hóa, có thể di chuyển lạc chỗ đến nơi khá trong cơ thể khi có bất thường. Một số giun sán ký sinh ở những cơ quan ngoài ống tiêu hóa như gan, phổi, cơ.

Giun sán
Bệnh giun sán

Giun sán xâm nhập vào cơ thể người qua nhiều đường khác nhau như chui qua da (giun móc, giun lươn) hay qua vết mũi đốt (giun chỉ) nhưng chủ yếu nhất vẫn là xâm nhập qua đường tiêu hóa (gồm giun đũa, giun tóc, giun móc, giun kim, sán lá ruột, sán lá gan, sán dải cá, sán dài heo bò, …).

Đường thải ra của các mầm bệnh giun sán cũng qua nhiều con đường khác nhau nhưng chủ yếu vẫn là qua đường tiêu hóa.

Bệnh giun sán rất phổ biến ở các nước nhiệt đới, trong đó có Việt Nam. Nhờ có khí hậu nóng ẩm nên thuận lợi cho sự phát triển giun sán, kèm theo đó là nguồn động thực vật phong phú ở môi trường sống góp phần giúp giun sán có nhiều ký chủ để lựa chọn hơn.

Chính những điều kiện thuận lợi này kèm theo việc ý thức vệ sinh cá nhân và vệ sinh cộng đồng chưa tốt, nhiều người còn đi tiêu bừa bãi ra ngoại cảnh, bón phân người tươi không qua xử lý hoặc chưa được ủ kỹ vẫn còn chứa đầy trứng giun sán cho thực vật, đã tạo điều kiện cho mầm bệnh giun sán lan tràn rộng rãi.

Dấu hiệu nhận biết bệnh giun sán?

Bệnh trạng của nhiễm giun sán liên quan đến số lượng giun. Những người bị nhiễm giun với số lượng ít (vài con giun) thường sẽ chỉ bị nhiễm nhẹ, triệu chứng lâm sàng rất mơ hồ, thường người bệnh sẽ không chú ý và không biết mình mắc bệnh.

Khi giun tồn tại trong cơ thể với số lượng nhiều, nhiễm nặng chúng sẽ gây ra một loạt các tác hại đáng kể bao gồm rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy có thể kèm máu, đau bụng (đau bụng dưới, thượng vị hoặc đau quanh rốn) xen kẽ táo bón hoặc tiêu chảy, đầy bụng khó tiêu, sôi ruột, ăn không ngon.

Nếu kéo dài gây ra hội chứng kém hấp thu đường tiêu hóa làm người bệnh bị suy dinh dưỡng, thiếu máu (xanh xao, mệt mỏi), suy nhược, giảm phát triển về thể chất, giảm chất lượng cuộc sống, tạo điều kiện cho những bệnh khác dễ xâm nhập. Số lượng giun nhiều quá mức có thể gây ra tắc ruột, cần được chỉ định làm phẫu thuật.

Giun sán ký sinh ở người thường làm tăng bạch cầu ái toan trong xét nghiệm công thức máu – đây là triệu chứng gợi ý để nghĩ đến người bệnh đang bị nhiễm giun sán.

Dấu hiệu nhấn biết giun sán ở người lớn và trẻ em đều khá giống nhau, tuy nhiên ở trẻ có thể xuất hiện thêm các triệu chứng như: nghiến răng, quấy khóc vào ban đêm, suy dinh dưỡng, bụng to, chậm lớn, ngứa hậu môn, học kém.

Cách điều trị bệnh giun sán như thế nào?

Có nhiều thuốc điều trị bệnh giun sán, tùy theo loại giun hay sán mà bạn mắc phải, bác sĩ tiêu hoá điều trị sẽ kê cho bạn thuốc điều trị giun hoặc thuốc điều trị sán.

  • Thuốc điều trị giun: gồm có các loại như: thuốc piperazin (diethylen diamin) với tên biệt dược là piperazin citrat, piperal, antepar, piperol …; thuốc levamisol với tên biệt dược là levaris, decaris, solaskil…; thuốc mebendazole với biệt dược: fugacar, vermox, soltric…; thuốc albendazole với: zenben, zentel, alzental…; thuốc pyrantel với: antiminth, combantrin, panatel…; thuốc thiabendazole (mintezol); thuốc diethylcarbamazin với: banocid, DEC, notezin…
  • Thuốc điều trị sán: gồm có các loại như: thuốc niclosamid với tên biệt dược là niclocide, yomesal, tamox…; thuốc praziquantel với: bilcitrid, pratez, cesol…

Xem thêm: Thuốc giun quả núi và những thông tin quan trọng về thuốc

Phòng ngừa bệnh giun sán

Tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần ở trẻ em và người lớn. Sử dụng các loại thuốc tẩy giun sán theo hướng dẫn của bác sĩ. Hiện này theo WHO đề nghị thì có albendazole (400 mg) và mebendazole (500 mg) là hai loại thuốc nên có trong thuốc tẩy giun sán – đây là 2 loại thuốc hiệu quả, rẻ tiền và đã được trải qua thử nghiệm an toàn trên diện rộng, cũng như được sử dụng ở hàng triệu người với rất ít tác dụng phụ.

  • Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Giữ vệ sinh cá nhân như: cắt móng tay, móng chân 
  • Ăn chín, uống sôi, hạn chế ăn đồ tái sống, nếu ăn rau sống thì cần rửa sạch trước khi ăn.
  • Đi giày, dép, găng tay khi tiếp xúc với đất ẩm.
  • Giữ môi trường sống xung quanh an toàn- vệ sinh – sạch sẽ.
  • Giáo dục sức khỏe và vệ sinh, làm giảm sự truyền nhiễm và tái nhiễm bằng cách khuyến khích các hành vi lành mạnh.
  • Nhà nước nên bố trí thêm các nhà vệ sinh công cộng trên đường, tránh tình trạng phóng uế bừa bãi trên đường.
  • Các trường học nên thúc đẩy giáo dục ý thức vệ sinh cá nhân cho học sinh như hoạt động rửa tay, vệ sinh trường học.

Kết luận

Giun sán là những sinh vật đa bào ký sinh gây bệnh cho người, tùy theo vị trí và cách thức đào thải mầm bệnh ra môi trường mà mỗi loại giun sán có những dấu hiệu bệnh nhận biết riêng biệt. Cấu trúc giữa giun và sán có những điểm khác biệt cơ bản nên trong điều trị cũng có những loại thuốc điều trị đặc hiệu riêng cho nhóm giun và nhóm sán.


Bài viết được tham khảo từ các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước.

  • Bộ Y tế – Những điều cần biết về bệnh giun sán và cách phòng chống
  • Trungtamytequan11 – Cách nhận biết bị nhiễm giun sán
  • Sách Ký sinh trùng y học – trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Có thể bạn quan tâm

Contact Me on Zalo