Rối loạn tuần hoàn não thường xuất hiện nhiều ở lứa tuổi trung niên trở lên, nhưng tỉ lệ mắc bệnh này đang ngày càng trẻ hóa, việc rối loạn tuần hoàn não ở người trẻ tuổi ngày đang càng phổ biến. Qua bài viết dưới đây hãy cùng Docosan tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị bệnh như thế nào.
Tóm tắt nội dung
Nguyên nhân gây rối loạn tuần hoàn não là gì?
Có rất nhiều nguyên nhân gây rối loạn tuần hoàn não, bệnh rối loạn tuần hoàn não liên quan tới một loạt bệnh hoặc các bất thường khác.
- Do thuyên tắc từ tim:
- Huyết khối hình thành trong thành của tâm thất hoặc tâm nhĩ, hoặc các van của buồng tim trái. Các cục huyết khối, sau đó, đi vào tuần hoàn hệ thống, và đi vào tuần hoàn não, có thể ly giải nhanh chóng gây ra các cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua.
- Các nguyên nhân thường gặp: rung nhĩ không do bệnh van tim hậu thấp, nhồi máu cơ tim, van tim cơ học, bệnh van tim hậu thấp, bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ.
- Do bệnh lý xơ vữa động mạch lớn: Hay gặp nhất là do xơ vữa động mạch làm hẹp lòng ống chứa máu và vận chuyển. Mảng xơ vữa có thể dẫn đến thiếu máu cục bộ do làm hẹp dòng chảy, làm cho khu vực đó dễ hình thành cục máu đông. Máu đông lớn có thể gây ra thiếu máu do nó cản trở sự lưu thông của máu. Lượng oxy thấp ở não do máu không lưu thông tốt sẽ khiến các triệu chứng của rối loạn tuần hoàn não xuất hiện.
- Do các nguyên nhân ít gặp:
- Thoái hóa cột sống cổ, các mấu gai bên đốt sống có thể gây chèn ép động mạch đốt sống. Đặc biệt một số động tác như quay đầu cổ đột ngột, hoặc gập cổ quá mức có thể chèn ép gây cản trở đường đi của động mạch đốt sống đối bên ở đoạn cổ dẫn đến rối loạn tuần hoàn não.
- Các bất thường bản lề đốt sống cổ C1 và lỗ chẩm cũng là những nguyên nhân hiếm gặp của thiểu năng tuần hoàn não.
- Các u, sùi, bóc tách thành mạch làm hẹp lòng mạch, … gây cản trở các động mạch mang oxy đến não dẫn đến các rối loạn tuần hoàn não
- Thiếu máu hồng cầu hình liềm: hồng cầu hình liềm dễ tạo máu đông hơn so với tế bào máu bình thường và làm cản trở lưu lượng máu đến não.
- Dị tật tim bẩm sinh: có thể gây ra thiếu máu do sự hình thành và liên kết động mạch chưa hoàn chỉnh. Những người bị bệnh tim bẩm sinh cũng có thể dễ bị huyết khối.
Triệu chứng rối loạn tuần hoàn não?
- Nhức đầu: là triệu chứng hay gặp (chiếm 90% trường hợp) đồng thời cũng là triệu chứng xuất hiện sớm nhất. Tính chất đau lan tỏa, có tính co thắt hoặc khu trú vùng chẩm gáy – trán.
- Rối loạn giấc ngủ: mất ngủ, ngủ không ngon.
- Dị cảm: là những cảm giác không thật như cảm giác tê bì ở đầu ngón, cảm giác kiến bò hoặc nghe thấy tiếng ve kêu, cối xay lúa trong tai, tiếng này tồn tại cả ngày lẫn đêm, có khi ảnh hưởng đến mọi sinh hoạt, giấc ngủ và sức khỏe của người bệnh.
- Rối loạn trí nhớ: giảm trí nhớ gần, khả năng sắp xếp lại theo trình tự giảm.
- Chóng mặt: có cảm giác hơi loạng choạng khi đi hoặc đứng, thấy mọi vật xoay vòng vòng, bập bềnh như say sóng, có người cảm thấy hoa mắt, tối sầm mặt lại nhất là khi di chuyển từ tư thế nằm sang tư thế đứng đột ngột.
- Rối loạn cảm xúc: dễ cáu, dễ xúc động, không kiềm chế được.
- Rối loạn chú ý: giảm sự chú ý, mất tập trung, hay đãng trí hoặc chỉ chú ý đến một việc nào đó mà không còn phù hợp với hoàn cảnh nữa.
Ngoài ra còn các triệu chứng khác như ù tai, giảm thính lực một bên hoặc hai bên thoáng qua, rung giật nhãn cầu, hội chứng tiền đình, chóng mặt buồn nôn và nôn…
Rối loạn tuần hoàn não có nguy hiểm không?
Khi tuần hoàn não bị tổn thương do một số tác nhân nào đó, khiến cho lượng oxy và glucose lên não không đủ lượng cần thiết để nuôi sống toàn bộ các tế bào não sẽ gây ra những biến chứng rất nguy hiểm có thể gây tử vong, trong đó nguy hiểm nhất là đột quỷ.
Đột quỵ gồm 2 thể bệnh chính: Đột quỵ thiếu máu não cấp và ĐQ xuất huyết não. Trong ĐQ thiếu máu não cấp thì nhồi máu não là thể bệnh thường gặp hơn, ngoài ra còn có cơn thoáng thiếu máu não.
- Nhồi máu não: tổn thương một vùng nhu mô não do tắc nghẽn động mạch đến nuôi vùng não đó. Động mạch bị tắc nghẽn có thể nằm trong não hoặc từ vùng cổ (ĐM cảnh trong đoạn ngoài sọ).
- Xuất huyết não: chảy máu vào nhu mô não hoặc não thất do vỡ mạch máu não.
- Cơn thoáng thiếu máu não: một đợt rối loạn chức năng thần kinh (thường là yếu/liệt nửa người, méo miệng, nói đớ lưỡi, hoặc nhìn mờ…) do thiếu máu cục bộ một vùng não kéo dài dưới 24 giờ. Điển hình, các triệu chứng kéo dài dưới 1 giờ.
Điều trị rối loạn tuần hoàn não như thế nào?
Bản chất các rối loạn tuần hoàn là do thiếu oxy và glucose đến não làm các tế bào thần kinh bị thiếu hụt năng lượng, gây rối loạn vận chuyển các ion làm tổn thương tế bào thần kinh. Việc điều trị chủ yếu là làm sao cho mạch máu không còn bị hẹp và không gây ra các cục đông vón trong lòng mạch nữa khiến cho dòng chảy của máu không còn bị cản trở.
Tìm ra các nguyên nhân gây nên rối loạn tuần hoàn não để điều trị được tận gốc là việc quan trọng nhất trong điều trị rối loạn tuần hoàn não.
Rối loạn tuần hoàn não uống thuốc gì?
Một số thuốc mà bác sĩ chuyên khoa có thể kê cho người bệnh như:
- Acetyl DL leucin: Uống, nếu nôn nhiều có thể tiêm chậm tĩnh mạch. Thuốc đào thải qua thận và gan cho nên người bị suy thận, bệnh gan không được dùng acetyl DL leucin. Thuốc loại uống làm kích ứng dạ dày, vì vậy, những người bị bệnh dạ dày không dùng loại thuốc này.
- Piracetam: Thuốc tác dụng trực tiếp lên não và hệ thần kinh trung ương, giúp bảo vệ hệ não bộ khỏi tình trạng thiếu hụt ôxy, glucose bằng cách chống lại những rối loạn chuyển hóa do thiếu máu não cục bộ, bảo vệ não, duy trì năng lượng tổng hợp não, tăng cường sự phục hồi tổn thương. Tuy vậy, khi dùng liều cao có thể bị mất ngủ, kích thích, đau đầu, kích động, căng thẳng, mệt mỏi hoặc có thể có hiện tượng dị ứng, khó thở, sưng và sốt, có thể có ảo giác, lo lắng, bồn chồn, hoang mang, bối rối, trầm cảm; sưng da, nổi ban, ngứa.
- Cinarizin: Thuốc có tác dụng chẹn kênh canxi chọn lọc đồng thời làm giảm hoạt tính co mạch của adrenalin, do đó làm tăng lưu lượng máu đến các vùng, giảm thiểu tình trạng thiếu ôxy não, nâng cao sức đề kháng của tế bào thiếu ôxy, cải thiện sự lưu thông vi mạch của não bộ và ngoại vi bị giảm sút. Các tác dụng phụ có thể gặp như buồn ngủ, đau miệng, khô họng, nặng hơn có thể nổi ban dị ứng, ngứa, tức ngực, khó thở, sưng miệng, mặt, môi, mất tiếng, tiểu nhiều, ngất, tim đập nhanh hay không đều, thay đổi tâm trạng hay tâm thần, mệt mỏi dai dẳng.
Thuốc dùng điều trị rối loạn tuần hoàn não dù dễ mua nhưng có nhiều tác dụng phụ chính vì vậy, bạn chỉ nên sử dụng thuốc khi có sự chỉ định và tư vấn của bác sĩ khám bệnh.
Kết luận
Có rất nhiều nguyên nhân gây rối loạn tuần hoàn não, bệnh rối loạn tuần hoàn não liên quan tới một loạt bệnh hoặc các bất thường khác. Các triệu chứng bệnh thường gặp như: nhức đầu, dị cảm, rối loạn cảm xúc, giấc ngủ, … Có thể để lại các biến chứng rất nguy hiểm có thể gây tử vong, trong đó nguy hiểm nhất là đột quỷ nếu không điều trị đúng và kịp thời. Việc điều trị chủ yếu và quan trọng nhất là tìm ra được nguyên nhân làm hẹp mạch máu hoặc cản trở dòng máu lưu thông trong lòng mạch để đưa oxy lên não. Một số thuốc thường dùng như: Acetyl DL leucin, Piracetam, Cinarizin.
- Nhận biết và phòng ngừa thiểu năng tuần hoàn não – soyte.hanoi.gov.vn
- Sức khỏe đời sống – Thuốc trị rối loạn tuần hoàn não