U tuyến yên là gì? Dù chỉ có kích cỡ bằng hạt đậu nhưng tuyến yên lại có vai trò rất lớn trong việc điều hòa hormone thực hiện các chức năng quan trọng trong cơ thể. Bất kỳ biến đổi quá mức nào ở tuyến yên đều có thể gây ra ảnh hưởng đến các cơ quan khác.
Hiện nay, một trong những bệnh lý ảnh hưởng lên tuyến yên thường gặp hiện nay là u tuyến yên, chiếm từ 10% đến 25% các u nội sọ. Việc phát hiện bệnh sớm sẽ hỗ trợ rất nhiều cho quá trình điều trị. Để hiểu rõ hơn về bệnh lý này, mời các bạn theo dõi bài viết sau đây cùng Docosan nhé!
Tóm tắt nội dung
Tổng quan về tuyến yên
Tuyến yên là một tuyến nhỏ nằm ở nền não đóng vai trò như một nhạc trưởng điều hòa các hormone của các tuyến khác trong cơ thể như tuyến thượng thận, tuyến giáp. Ngoài ra tuyến yên còn tham gia bài tiết các hormone quan trọng như hormone kích thích vỏ thượng thận, hormone tăng trưởng, hormone tăng tiết sữa prolactin, hormone kích thích tuyến giáp.
Bệnh u tuyến yên là gì?
Sau khi tìm hiểu qua về vị trí và vai trò quan trọng của tuyến yên trong cơ thể, câu hỏi được nhiều độc giả đặt ra vậy u tuyến yên là gì? Chúng ảnh hưởng ra sao đến cơ thể của chúng ta?
U tuyến yên là tình trạng một nhóm những tế bào tuyến yên phát triển bất thường vượt quá khả năng kiểm soát của cơ thể. Những tế bào này làm tuyến yên tiết quá mức một loại hormone hay gây chèn ép vào mô não và dây thần kinh hay ảnh hưởng lên các tế bào tuyến yên khác khiến chúng không tiết đủ hormone.
Nguyên nhân gây ra u tuyến yên
Cho đến nay, nguyên nhân gây ra u tuyến yên vẫn chưa thực sự được xác định chắc chắn. Một số người thừa hưởng các đột biến gen từ cha mẹ của họ, làm tăng đáng kể nguy cơ phát triển các khối u tuyến yên. Tuy nhiên thông thường, đột biến gen có xu hướng xảy ra trong quá trình sinh sống hơn là do di truyền như các trường hợp tiếp xúc với phóng xạ hay hóa chất gây ung thư.
U tuyến yên có nguy hiểm không?
U tuyến yên có nguy hiểm không là câu hỏi được nhiều bạn đặt ra cho Docosan. Theo thống kê, hầu hết các trường hợp u tuyến yên không phải là ung thư nên không di căn, tỷ lệ ung thư thực sự rất hiếm. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta có thể chủ quan với u tuyến yên. Nếu không được phát hiện và điều trị điều trị kịp thời, khối u vẫn có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng do chèn ép não, dây thần kinh và rối loạn tiết hormone.
Triệu chứng của u tuyến yên là gì?
Triệu chứng u tuyến yên có thể chia làm hai nhóm lớn do hai cơ chế: chèn ép và rối loạn tiết hormone.
Triệu chứng do chèn ép có thể gặp như:
- Đau đầu.
- Rối loạn nhìn: nhìn mờ, nhìn đôi, chỉ nhìn được bên trong hay mù hoàn toàn.
Triệu chứng của rối loạn tăng hay giảm lượng hormone như:
- Mất kinh, kinh nguyệt không đều và chảy sữa ở phụ nữ.
- Giảm nhu cầu tình dục.
- Bệnh to đầu chi: đặc trưng bởi một vài phần của cơ thể đặc biệt là tay, chân và quai hàm to hơn bình thường. Tình trạng này thường diễn tiến trong thời gian dài.
- Hội chứng Cushing: tăng cân, tăng đường máu, xương mỏng và yếu cơ.
- Cường giáp: người bệnh cảm thấy yếu, hay lo lắng và mệt mỏi.
- Bệnh khổng lồ ở trẻ em.
Trong một số trường hợp, đặc biệt là khi kích thước của khối u tuyến yên còn nhỏ có thể chưa xuất hiện triệu chứng. Người bệnh thường chỉ được chẩn đoán thông qua các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh do những nguyên nhân khác.
U tuyến yên cần xét nghiệm những gì?
Khi nghi ngờ u tuyến yên, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm và kiểm tra cần thiết như:
- Xét nghiệm máu, nước tiểu hay nước bọt để đo lường nồng độ các loại hormone khác nhau trong cơ thể.
- Xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh MRI.
- Kiểm tra thị lực.
Cách điều trị u tuyến yên
Những trường hợp u tuyến yên được tìm thấy tình cờ và không có triệu chứng thường không cần điều trị. Tuy nhiên bệnh nhân vẫn sẽ phải theo dõi sự phát triển của u bằng cách làm các xét nghiệm kiểm tra đều đặn.
Với những khối u lớn, phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào loại u tuyến yên mà bệnh nhân mắc cũng như kích thước và triệu chứng của bệnh nhân, tóm tắt như sau:
- Điều trị bằng thuốc: thuốc có thể làm thu nhỏ kích thước khối u và giảm lượng hormone được tạo ra. Tuy nhiên phương pháp này chỉ được áp dụng cho một vài loại u tuyến yên cụ thể.
- Phẫu thuật: phẫu thuật u tuyến yên có thể được áp dụng cho nhiều loại u khác nhau. Để thực hiện, bác sĩ sẽ tạo một đường cắt nhỏ ở sau mũi và sử dụng công cụ đặc biệt để lấy khối u.
- Xạ trị: giúp phá hủy và thu nhỏ khối u. Phương pháp này thường được chỉ định sau khi phẫu thuật để tránh tái phát.
Sau điều trị u tuyến yên, bệnh nhân có thể cần được thực hiện các xét nghiệm cần thiết để theo dõi khối u và đảm bảo không tái phát. Một số trường hợp còn cần điều trị hormone thêm một thời gian để điều chỉnh nồng độ chúng về mức bình thường.
Khi nào cần gặp bác sĩ
Dấu hiệu của u tuyến yên có thể thay đổi tùy từng người do ảnh hưởng và sự phát triển của khối u là không giống nhau. Tuy nhiên, nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm khối u có thể tiến triển nặng hơn gây chèn ép các bộ phận quan trọng trong não hay làm thay đổi bất thường nồng độ hormone gây ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan khác nhau trong cơ thể.
Vì vậy nếu xuất hiện các triệu chứng đã được nêu ở phần trên, bạn có thể đang gặp phải vấn đề liên quan đến tuyến yên và nên đến bác sĩ để được kiểm tra trong thời gian sớm nhất.
Phòng khám chẩn đoán u tuyến yên
- Bệnh viện quốc tế City – City International Hospital – BSCKII Hà Thị Kim Hồng – Q.Bình Tân
- Golden Healthcare International Clinic – BSCKI Trần Duy Viễn – Q. Tân Bình
- Phòng khám đa khoa Saigon Healthcare – ThsBs Võ Tuấn Khoa – Q.10
Kết luận
Tóm lại, u tuyến yên là một trong số những loại u não thường gặp, tuy đa số là lành tính nhưng cũng có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm khi không điều trị kịp thời. Nếu bạn xuất hiện những triệu chứng của bệnh lý u tuyến yên trong bài viết nêu trên, hãy nhanh tay liên hệ với Docosan.com, đội ngũ bác sĩ chúng tôi sẽ đưa đến bạn những tư vấn và điều trị kịp thời.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc và tìm hiểu về khối u tuyến yên tại Docosan. Chúng tôi rất vinh hạnh chào đón và nhận được sự tín nhiệm từ các bạn.
Bài viết được tham khảo bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn tại Docosan để điều trị.