Bé bị loét miệng và sốt là tình trạng gây không ít lo lắng cho các bậc cha me, bởi điều này thường khiến trẻ đau rát, quấy khóc và biếng ăn, thậm chí là gây các biến chứng nguy hiểm khác. Bài viết dưới đây của Doctor có sẵn sẽ giúp cho cha mẹ và những người đang chăm sóc trẻ nhỏ có thêm những kiến thức đúng về tình trạng này, cùng với đó là cách chăm sóc và các dấu hiệu cần đưa trẻ đi khám bác sĩ.
Tóm tắt nội dung
Loét miệng là gì?
Loét miệng là các tổn thương vùng niêm mạc bên trong khoang miệng, có thể là niêm mạc má hai bên, nướu răng, mặt trên lưỡi, vòm họng… Ở rìa xung quanh của vết loét thường bị tấy đỏ và trẻ sẽ rất đau khi chạm vào vết loét hoặc khi ăn uống hoặc khi nói chuyện. Điều này khiến cho đối với các bé nhỏ, chưa biết nói, thường quấy khóc, bứt rứt, bỏ ăn, bỏ bú và không dễ được cha mẹ phát hiện ra các vết loét bên trong khoang miệng trẻ.
Định nghĩa sốt?
Theo Nelson 2016, nhiệt độ cơ thể trẻ em bình thường từ 36.5 – 37.5°C. Trẻ được định nghĩa là sốt khi nhiệt độ trực tràng ≥ 38°C (101.3°F) trở lên (nếu đo ở nách là ≥37.5°C). Đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi, chỉ cần nhiệt độ trực tràng ≥37.5°C thì đã được gọi là sốt.
Để đánh giá đúng nhiệt độ của cơ thể, khi bạn dùng nhiệt kế cặp ở nách, bạn lấy số kết quả hiển thị + 0.5°C. Còn đối với nhiệt độ đo ở hậu môn, bạn không cần cộng thêm, đó chính là nhiệt độ của cơ thể.
Các nguyên nhân khiến bé bị loét miệng và sốt
Có nhiều nguyên nhân khiến cho bé bị loét miệng và sốt. Sau đây là các nguyên nhân thường gặp nhất
Viêm loét miệng ở trẻ
Đây là một bệnh nhiễm trùng thường gặp ở trẻ em. Bệnh thường biểu hiện với những vết loét nhỏ khoảng vài milimet, đứng đơn độc hoặc tập trung thành cụm. Chăm sóc, vệ sinh răng miệng không tốt là một nguyên nhân chính gây viêm loét miệng ở trẻ em.
Bệnh tay chân miệng
Đây là một bệnh lý nhiễm trùng do các virus lây truyền qua đường ruột, có tên là Enterovirus gây nên. Tác nhân gây bệnh thường gặp nhất là Coxsackie virus nhóm A và Enterovirus 71.
Bệnh thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là dưới 3 tuổi. Đường lây chính của bệnh là từ nước bọt, bóng nước và phân của trẻ bị bệnh.
Bệnh tay chân miệng có thể diễn tiến từ nhẹ đến nặng, gây biến chứng nguy hiểm, và hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Sử dụng kháng sinh kéo dài
Việc lạm dụng kháng sinh là điều không nên làm, đối với bất kì lứa tuổi nào, vì nó có thể ảnh hưởng đến khả năng tác động điều trị của kháng sinh trong các lần sử dụng sau này, và bên cạnh đó, là các tác dụng không mong muốn khi sử dụng kháng sinh quá lâu, một trong số đó là loét miệng và sốt
Một số bệnh lý miễn dịch hoặc truyền nhiễm khác
Ngoài viêm loét miệng và tay chân miệng, còn một số bệnh lý truyền nhiễm khác có thể gây vết loét tại miệng và sốt, ví dụ như thuỷ đậu, herpes… và các bệnh lý rối loạn hệ miễn dịch của cơ thể.
Những lưu ý khi chăm sóc bé bị loét miệng và sốt
Loét miệng và sốt gây ra rất nhiều khó chịu và đau đớn cho trẻ, khiến trẻ quấy khóc, biếng ăn, bỏ ăn, bỏ bú… và mệt mỏi, lo lắng cho cha mẹ. Phụ huynh cần biết chăm sóc đúng cách để giảm các triệu chứng của trẻ và giúp đẩy nhanh quá trình khỏi bệnh.
- Cho trẻ ăn uống mọi thứ phải để nguội.
- Cho trẻ ăn các thức ăn mát, có thể giảm đau như sữa chua, mật ong,…
- Hạn chế ăn các món có nhiều gia vị, mặn, chua, cay.
- Có thể dùng các gel trị nhiệt miệng (đối với trẻ 2 tuổi trở lên) để bôi nhẹ nhàng vào các vết loét.
- Giữ vệ sinh răng miệng cho trẻ bằng cách sau mỗi cữ ăn, cữ bú, cho trẻ uống thêm một ít nước sạch để tráng miệng.
- Không mặc quần áo quá chật, gò bó, nhiều lớp khi trẻ sốt, lạnh run.
- Lau mát bằng khăn ẩm, ấm để giúp trẻ hạ sốt.
- Sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.
Chẩn đoán bệnh như thế nào?
Khi bé bị loét miệng và sốt, cha mẹ cần đưa bé đến khám bác sĩ chuyên khoa nhi để thăm khám và chẩn đoán chính xác bệnh, để từ đó có các biện pháp điều trị và theo dõi phù hợp.
Các bác sĩ sẽ hỏi về quá trình bệnh của bé, sự hình thành các vết loét và tình trạng sốt, đồng thời thăm khám các dấu hiệu biến chứng kèm theo.
Một số xét nghiệm sẽ được chỉ định để khẳng định hoặc loại trừ các nguyên nhân gây bệnh, ví dụ như xét nghiệm máu, chất chỉ điểm phản ứng viêm, dịch thắt lưng…
Phân biệt loét do viêm loét miệng và loét miệng trong bệnh tay chân miệng
Đây là cách phân biệt ban đầu giữa hai bệnh viêm loét miệng và tay chân miệng. Tuy nhiên, vì bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm có thể lây, và có thể xuất hiện biến chứng nguy hiểm về não, nên bạn cũng không thể chủ quan và nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay khi có loét miệng và sốt để được thăm khám cẩn thận.
Viêm loét miệng | Bệnh tay chân miệng |
Vết trợt, loét trong niêm mạc miệng, có màu đỏ hoặc kèm them màu trắng ở giữa. Sưng nề xung quanh. | Các bóng nước ở niêm mạc miệng, lưỡi diễn tiến nhanh chóng thành vết loét. |
Có thể kèm sốt. | Sốt thường là triệu chứng khởi phát, có thể sốt nhẹ, vừa hoặc sốt cao. |
Các bóng nước có thể xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, bàn tay, bàn chân, đầu gối…. dạng bóng nước trên nền hồng ban. |
Các biện pháp điều trị khi bé bị loét miệng và sốt
Với tuỳ nguyên nhân gây bệnh thì bác sĩ sẽ có các phương pháp điều trị khác nhau. Đa phần sẽ là giữ vệ sinh răng miệng thật tốt, điều trị làm giảm các triệu chứng khó chịu do vết loét gây ra, bổ sung các vi chất cần thiết cho cơ thể và sử dụng kháng sinh khi có tình trạng nhiễm trùng.
Trong bệnh tay chân miệng, bệnh được chia thành nhiều phân độ, và tuỳ theo mỗi phân độ, người bệnh có thể điều trị ngoại trú (lấy toa thuốc về nhà uống và theo dõi), hoặc điều trị nội trú (nằm viện) ở phòng bệnh thường hoặc phòng bệnh chăm sóc đặc biệt. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh tay chân miệng, vì vậy, biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay là phòng bệnh, phát hiện và điều trị sớm để tránh các biến chứng nguy hiểm do bệnh tay chân miệng gây ra.
Phòng ngừa loét miệng và sốt ở trẻ
Với đa số các bệnh gây loét, viêm vùng răng miệng, thì giữ gìn vệ sinh răng miệng là biện pháp chính và quan trọng. Bên cạnh đó, chúng ta cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, đủ chất, đặc biệt là các vitamin nhóm B, vitamin C có trong thực phẩm hoặc rau củ quả.
Đối với bệnh tay chân miệng, hiện chưa có vắc xin để phòng bệnh. Các biện pháp phòng bệnh tay chân miệng sau đây dựa trên nguyên tắc đường lây chính của bệnh là đường tiêu hoá:
Phòng bệnh tại các cơ sở y tế:
- Cách ly theo nhóm bệnh.
- Bác sĩ, điều dưỡng, người chăm sóc trẻ cần mang khẩu trang, rửa, sát khuẩn tay trước và sau khi chăm sóc.
- Khử khuẩn bề mặt, giường bệnh, buồng bệnh với Cloramin B 2%.
- Xử lý chất thải, quần áo, khăn trải giường và dụng cụ chăm sóc bệnh nhân đúng cách.
Phòng bệnh ở cộng đồng:
- Giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh răng miệng cho trẻ
- Rửa tay bằng xà phòng đối với người chăm sóc trẻ, đặc biệt sau khi thay tã, quần áo, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt của trẻ.
- Rứa sạch đồ chơi, vệ sinh nhà cửa.
- Đối với trẻ bệnh: cần cách ly tại nhà. Không để trẻ đến trường học, nhà trẻ, nơi tập trung đông nhiều trẻ khác trong 10-14 ngày đầu của bệnh.
- Báo trạm y tế, trung tâm y tế địa phương khi trẻ mắc bệnh.
Các bác sĩ có thể khám và điều trị khi bé bị loét miệng và sốt
Tham khảo các bác sĩ nhi khoa giỏi ở TP.HCM:
- Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Thê – 40 năm kinh nghiệm – Quận Tân Bình
- Bác sĩ Trần Văn Công – Chữa bệnh không dùng thuốc – Quận Bình Thạnh
- BS Lê Hồng Thiện – Quận Thủ Đức
Lời kết
Loét miệng và sốt là các triệu chứng thường gặp ở trẻ em. Nó có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý khác nhau, trong đó cần chú ý đến căn bệnh tay chân miệng rất phổ biến ở lứa tuổi nhỏ, vì nó lây lan và có thể dẫn đến tử vong vì những biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, khi có các dấu hiệu loét miệng và sốt ở một đứa bé, hãy đến các cơ sở y tế để được thăm khám và đưa ra điều trị phù hợp. Bên cạnh đó, hãy luôn vệ sinh răng miệng cho bé sạch sẽ.
Xem thêm: Thuốc cho trẻ biếng ăn
Bài viết được tham khảo từ Bác sĩ Trần Bảo Ngọc và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.