Bệnh á sừng: Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán, điều trị

Bệnh á sừng là một bệnh da liễu rất phổ biến. Bệnh dễ bị nhầm lẫn với nhiều căn bệnh da liễu khác và hiện tại chưa có thuốc điều trị dứt điểm. Bài viết dưới đây của Docosan sẽ giúp bạn biết được nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị bệnh á sừng như thế nào.

Bệnh á sừng là gì ?

Bệnh á sừng là một bệnh da liễu thường gặp. Bệnh thuộc nhóm viêm da cơ địa và dễ bị nhầm lẫn với nhiều căn bệnh da liễu khác. Bệnh á sừng xảy ra khi lớp sừng trên bề mặt da chưa chuyển hóa hoàn thiện, còn sót lại phần nhân và nguyên sinh chưa chuyển hóa sẽ khiến da bị khô, nứt nẻ, nhất là những phần rìa và bong ra từng mảng, xù xì hoặc sưng đỏ. Các triệu chứng này có thể xuất hiện tại một vị trí bất kỳ nhưng cũng có nhiều trường hợp xảy ra cùng lúc tại nhiều vùng da khác nhau làm tăng sự khó chịu cho người bệnh. Các mảng da bong tróc chủ yếu xuất hiện tại các vị trí như đầu ngón tay, ngón chân, kẽ chân, gót chân…

bệnh á sừng
Á sừng là bệnh ngoài da thường gặp

Nguyên nhân gây bệnh á sừng

Nguyên nhân gây bệnh á sừng vẫn chưa được các nhà khoa học xác định chính xác. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã chứng minh rằng, các yếu tố nguy cơ sau góp phần thúc đẩy bệnh á sừng xuất hiện, gia tăng nguy cơ làm các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn, bao gồm:

  • Cơ địa dị ứng: Bệnh nhân thường là những đối tượng có cơ địa nhạy cảm, dễ dị ứng với các tác động từ môi trường, thời tiết hay các yếu tố khách quan khác.
  • Cơ địa tiết nhiều mồ hôi: Cũng là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra bệnh á sừng do làn da của bệnh nhân luôn trong tình trạng ẩm ướt rồi khô đi, lặp lại nhiều lần như vậy sẽ khiến da mất đi sự cân bằng và gây nứt nẻ. 
  • Di truyền: Những người có người thân bị bệnh á sừng như ông, bà, cha, mẹ, anh, chị thường có nguy cơ mắc bệnh khá cao. 
  • Việc tiếp xúc với một số chất tẩy rửa, chất hóa học: như nước rửa bát, nước tẩy quần áo, dung dịch tẩy rửa nhà, … trong sinh hoạt hàng ngày hoặc trong nghề nghiệp như công nhân làm việc ở nhà máy sản xuất thuốc tẩy, xà phòng, người nội trợ, thợ giặt,…cũng là yếu tố làm gia tăng khả năng hình thành bệnh và tái phát do các chất độc hại có trong nhóm sản phẩm kể trên khi tiếp xúc trực tiếp với làn da sẽ gây tổn thương da.
  • Thời tiết: Nhiều bệnh nhân mắc á sừng ghi nhận rằng các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn vào mùa đông hoặc mùa khô. Vào mùa đông, không khí quá lạnh, khô hanh, độ ẩm thấp khiến da liên tục mất nước, trở nên khô ráp, bệnh xuất hiện hoặc tái phát và trở nên nặng hơn. Vào mùa nóng, mồ hôi tiết ra nhiều cũng là một trong những yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Những người có thói quen thường xuyên cọ xát tay, chân hoặc do thực hiện lặp lại liên tục các cử động như cọ xát gót chân hay ngón chân vào giày trong lúc di chuyển. 
  • Chế độ ăn uống không hợp lý: Đối với những người từng bị á sừng nếu ăn nhiều thức ăn dễ dị ứng như: Hải sản, thịt bò, thịt gà, hành tỏi, củ cải… bệnh có thể sẽ bùng phát lại. Đối với những ai chưa mắc bệnh á sừng nhưng có chế độ ăn mất cân bằng như chỉ ăn thịt cá, thức ăn vặt mà không thích ăn rau xanh, hoa quả dẫn đến thiếu hụt các dưỡng chất quan trọng như vitamin A, E, D, C… từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh á sừng.
bệnh á sừng
Cơ địa toát nhiều mồ hơi cũng chính là nguyên nhân gây bệnh á sừng

Bệnh á sừng có nguy hiểm không ?

Bệnh á sừng thực chất không phải là một căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng con người. Tuy nhiên, nếu không thăm khám khi triệu chứng ngoài da xuất hiện có thể khiến cho bệnh ngày càng diễn tiến nghiêm trọng, kéo dài khó trị khỏi dứt điểm. 

Các triệu chứng của bệnh á sừng gây ra nhiều khó chịu và ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt, công việc hằng ngày cũng như làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bên cạnh đó nếu không điều trị thì sẽ có nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm như:

  • Bội nhiễm, hoại tử da: khi bề mặt da bị tổn thương, các lỗ chân lông bít tắc, mồ hôi tồn đọng trong lỗ chân lông gây ra tình trạng ngứa ngáy, khó chịu, bứt rứt, người bệnh sẽ phải gãi liên tục để giảm ngứa và chính hành động này có thể gây tổn thương da, tạo điều kiện để vi khuẩn như tụ cầu vàng hay vi khuẩn mủ xanh xâm nhập vào bên trong da gây bệnh trên nền da đang mắc bệnh á sừng, khiến làn da bị tổn thương nghiêm trọng. Nếu không được điều trị kịp thời tổn thương da diễn tiến nguy hiểm hơn có thể gây hoại tử.
  • Nhiễm trùng máu: bề mặt da bị á sừng, tổn thương và suy yếu khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào trong cơ thể thông qua các vết trầy xước đó và đi vào máu gây ra tình trạng nhiễm trùng máu, có thể gây tử vong nếu không điều trị kịp thời.
bệnh á sừng
Bệnh á sừng không sớm điều trị có khả năng cao khởi phát biến chứng nguy hiểm

Bệnh á sừng có lây không ?

Bệnh á sừng là bệnh lý da liễu khá phổ biến tuy nhiên nó không có khả năng lây nhiễm từ người bệnh sang người thường. Vì vậy, người bị bệnh á sừng hoàn toàn có thể sinh sống bình thường với những người khác.

Á sừng là bệnh lý không lây nên đừng kỳ thị, xa lánh người bệnh mà hãy chia sẻ, đồng cảm với người bệnh hơn.

bệnh á sừng
Bệnh á sừng không có khả năng lây truyền từ người sang người

Dấu hiệu bệnh á sừng để chẩn đoán bệnh

Bất cứ bệnh lý nào cũng có những triệu chứng tiêu biểu, sau đây là các biểu hiện đặc trưng nhất của bệnh á sừng:

  • Da khô, bong tróc, nứt nẻ: Quá trình hình thành tế bào da bị dở dang do đó cấu tạo của lớp da trở nên khô ráp, dày sừng nên bong tróc ra ngoài không hoàn toàn ở bất kì vùng da nào trên cơ thể (thường gặp nhất là lòng bàn tay, lòng bàn chân và gót chân), nứt nẻ, sưng tấy đỏ, rát, ngày một lan rộng ra nhiều hơn, tạo nên những đường rãnh nông hoặc sâu trên da.
  • Đau rát, chảy máu: chính vì da dẻ nứt nẻ, bong tróc và tạo nên các đường nứt quá sâu, hậu quả là gây chảy máu, đau rát và nhức nhối
  • Ngứa ngáy: Cảm giác ngứa ngáy, khó chịu xuất hiện ngay tại vị trí da bong tróc, nếu bạn càng gãi mạnh liên tục thì càng gây tổn thương nặng, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây bệnh. 
  • Mất vân tay, vân chân: liên tục bong từng lớp từng lớp sẽ khiến da mỏng đi, hệ lụy tất yếu là nhiều người bệnh mất cả vân tay, vân chân.
  • Nếu bị á sừng ngay vào mùa hè, khí hậu nóng bức thì vùng da đỏ rát bong tróc đó có thể xuất hiện thêm những mụn nước li ti. Còn nếu bị vào mùa đông thì tình trạng nứt da diễn ra nặng hơn, đôi khi da bị nứt, toét ra rướm máu khiến người bệnh đau đớn và khó khăn trong sinh hoạt.
  • Xung quanh móng tay, móng chân thường nổi những lỗ nhỏ li ti, sần sùi kèm theo cảm giác ngứa rát. Màu sắc móng tay cũng bị chuyển sang vàng và phần da dưới móng dần bị rộp, tách rời khỏi phần nền của móng.
  • Những vùng da mắc bệnh thường dễ bị tổn thương và gia tăng nguy cơ bị nhiễm khuẩn, nhiễm nấm.
bệnh á sừng
Dấu hiệu nhận biết bệnh á sừng

Điều trị bệnh á sừng như thế nào ?

Bệnh á sừng hoàn toàn không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng bệnh lý này có thể gây nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Điều trị bệnh sớm sẽ giúp thiết lập lại cân bằng cho da. Ngược lại, những trường hợp không can thiệp sớm sẽ khiến bệnh chuyển biến nặng nề và nguy cơ tái phát thường xuyên. 

Nhằm điều trị bệnh á sừng cũng như ngăn không cho bệnh tái phát thì cần đạt được những mục tiêu sau:

  • Cải thiện triệu chứng
  • Ngăn ngừa biến chứng
  • Ngăn ngừa tái phát

Khi sử dụng thuốc cần phải có sự chẩn đoán chính xác về mức độ bệnh của các bác sĩ da liễu để có liều lượng thích hợp. Không nên tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định dễ dẫn tới tác dụng phụ không mong muốn.

bệnh á sừng
Dùng thuốc bôi ngoài điều trị á sừng theo sự chỉ dẫn của bác sĩ

Để chữa bệnh á sừng hiệu quả và ngăn ngừa tình trạng tái phát, bác sĩ cần xác định nguyên nhân gây bệnh hoặc các yếu tố nguy cơ. Dựa trên những triệu chứng lâm sàng, bác sĩ sẽ đưa ra những chẩn đoán ban đầu và cách chữa bệnh á sừng phù hợp. Hầu hết những biểu hiện của bệnh đều xuất hiện trên da nên phương pháp điều trị phổ biến nhất vẫn là sử dụng thuốc dạng kem để bôi lên những vùng da bị bệnh và kết hợp uống thuốc kháng sinh như:

  • Dùng các loại thuốc bôi bạt sừng bong vảy, làm bong lớp da sừng như mỡ salicyle.
  • Thuốc bôi chống viêm nhiễm chẳng hạn như mỡ kháng sinh hoặc mỡ corticoid có thêm kháng sinh.
  • Có thể phải dùng mỡ corticoid
  • Kem dưỡng ẩm giúp làm mềm da, đặc biệt là lớp á sừng xù xì bên trên da nhằm hạn chế tình trạng căng da, gây nứt nẻ, chảy máu.

Nếu bệnh nhân bị ngứa dữ dội hoặc có nguy cơ nhiễm trùng da, cần phải sử dụng thuốc uống toàn thân như :

  • Kháng histamin
  • Kháng sinh chống nhiễm khuẩn
  • Corticoid

Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc hoàn toàn không có tác dụng nếu bệnh nhân không chủ động bảo vệ da. Do đó, người bệnh cần lưu ý một số điều dưới đây trong quá trình chữa bệnh á sừng:

  • Tránh làm tổn thương da :
    • Khi bị bệnh á sừng, người bệnh cần tránh các yếu tố nguy cơ làm tổn thương vùng da bị sừng hoá, giữ cho các lớp mụn nước, lớp á sừng hay vết nứt tạo rãnh không bị tổn thương thêm, tuyệt đối không chà xát mạnh lên vùng da bị tổn thương, không dùng tay hay vật nhọn cậy hoặc bóc vảy da, không nên dùng bàn chải hoặc bất kì vật dụng nào chà, kì cọ vùng da bị á sứng vì sẽ dễ khiến vết thương lở loét và lan rộng, da bị trầy xước, vi khuẩn xâm nhập gây viêm nhiễm và kéo dài thời gian điều trị.
    • Đảm bảo luôn giữ cho vùng da bị bệnh được sạch sẽ, khô ráo và cắt ngắn móng chân, móng tay.
    • Có thể sử dụng thuốc Acrylate dạng bôi hoặc dạng xịt trực tiếp lên vết nứt để giảm đau, giảm ngứa nhanh chóng, bảo vệ các vết nứt trên da
  • Tránh để da ngâm nước quá lâu: Sau khi tắm hoặc rửa tay, rửa chân thì người bệnh nên dùng khăn sạch để thấm khô nước trên cơ thể, ở mọi ngóc ngách, nhất là ở các kẽ chân, kẽ tay rồi hay bôi kem dưỡng ẩm để đạt kết quả tốt nhất. Không ngâm tay chân với nước muối bởi nước muối tuy là dung dịch có tính sát khuẩn cao nhưng đồng thời nó cũng có đặc tính ưu trương sẽ hút hết nước trong tế bào làm da bị khô, tình trạng nứt nẻ nghiêm trọng thêm.
  • Tránh tiếp xúc với các chất kích ứng da :
    • Trong quá trình điều trị, bệnh nhân không được tiếp xúc với hóa chất, đặc biệt là các loại chất tẩy rửa. Những công việc như giặt giũ, rửa chén hoặc lau nhà cũng nên hạn chế hoặc đeo găng tay nhựa để đảm bảo vết thương không tiếp xúc với các chất có nguy cơ kích ứng khiến vùng da bệnh tổn thương nhiều hơn. Các lớp sừng trên vùng da bị á sừng càng ẩm ướt thì càng dễ bở giúp vi khuẩn tấn công lên da.
    • Đối với những bệnh nhân làm việc, sinh sống trong môi trường tồn tại hóa chất thì nên cân nhắc thay đổi chỗ ở, địa điểm làm việc.
    • Khi nấu ăn nên hạn chế tiếp xúc với các loại gia vị có tính kích ứng, điển hình như ớt, muối vì có thể khiến vùng da bị bệnh trở nên sưng, nóng.
  • Chế độ dinh dưỡng hợp lý :
    • Ăn nhiều rau quả tươi, những loại rau có màu xanh, các loại quả có màu cam và thực phẩm họ đậu như rau xanh, rau ngót, cam, bưởi, cà rốt… để bổ sung thêm nhiều loại vitamin có lợi như C, D, E. 
    • Uống nhiều nước: Da khô chính là nguyên nhân góp phần vào việc khiến làn da trở nên yếu ớt, suy giảm chức năng bảo vệ nên dễ gây ra bệnh á sừng. Vì vậy, người bệnh nên thường xuyên uống nước, trung bình ít nhất mỗi ngày 2 lít để vừa đủ nước cho cơ thể hoạt động vừa giúp cấp nước cho da thêm khỏe mạnh.
    • Không nên sử dụng các loại thức ăn dễ gây dị ứng như tôm, cua, ghẹ…
  • Dưỡng ẩm da: sử dụng các loại kem dưỡng ẩm có khả năng làm dịu da, ẩm da, mềm da hoặc dầu oliu để thoa lên tay, chân, những nơi da đang bị nổi vảy, khô ráp hoặc bôi toàn thân để đạt hiệu quả tốt hơn. Đặc biệt là vào mùa đông, làn da càng trở nên căng cứng, thô ráp và nứt nẻ. Do đó, việc sử dụng kem dưỡng ẩm cho da là rất cần thiết để bảo vệ làn da của mình. 

Bệnh á sừng hoàn toàn có thể trị khỏi sớm nếu bạn biết cách chăm sóc cho vùng da bị tổn thương, thực hiện đúng liệu trình điều trị bác sĩ đặt ra, không bỏ ngang cuộc điều trị hay tự điều trị theo cách riêng tại nhà.

Phòng bệnh á sừng như thế nào ?

Ăn nhiều rau quả tươi, những loại rau có màu xanh, các loại quả có màu cam và thực phẩm họ đậu như rau xanh, rau ngót, cam, bưởi, cà rốt… để bổ sung thêm nhiều loại vitamin có lợi như C, D, E. 

Uống nhiều nước: nên thường xuyên uống nước, trung bình ít nhất mỗi ngày 2 lít để vừa đủ nước cho cơ thể hoạt động vừa giúp cấp nước cho da thêm khỏe mạnh. 

Nên đeo bao tay khi giặt đồ, rửa chén, lau dọn… tránh tiếp xúc thường xuyên với hóa chất, các đồ vật dễ gây dị ứng.

Khi trời lạnh thì nên đeo thêm găng tay, ở trong nhà nên đi tất, mang dép trong nhà giúp bảo vệ phần gót chân không bị nứt nẻ.

Dưỡng ẩm da để duy trì độ ẩm: sử dụng các loại kem dưỡng ẩm có khả năng làm dịu da, ẩm da, mềm da hoặc dầu oliu để thoa lên tay, chân, những nơi da đang bị nổi vảy, khô ráp hoặc bôi toàn thân để đạt hiệu quả tốt hơn. Nên chọn loại kem dưỡng da có chiết xuất thiên nhiên như nha đam vì vừa có tác dụng dưỡng ẩm lại chứa nhiều thành phần kháng khuẩn, chống viêm.

bệnh á sừng
Đeo găng tay khi tiếp xúc với chất tẩy rửa, chất hóa học

Kết luận

Bệnh á sừng là một bệnh da liễu rất phổ biến, xảy ra khi lớp sừng trên bề mặt da chưa chuyển hóa hoàn thiện, còn sót lại phần nhân và nguyên sinh chưa chuyển hóa sẽ khiến da bị khô, nứt nẻ da nhất là những phần rìa và bong ra từng mảng, xù xì hoặc sưng đỏ. Nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được biết rõ. Bệnh á sừng không nguy hiểm đến tính mạng con người và không lây lan cho người khác. Tuy nhiên bệnh lý này có thể gây nhiều khó khăn trong sinh hoạt, gây mất thẩm mỹ của bệnh nhân. Điều trị bệnh sớm sẽ giúp cân bằng da và phục hồi vết thương nhanh chóng, tránh tái phát.


Bài viết được tham khảo bác sĩ Trần Bảo Ngọc và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn tại Docosan để điều trị.

Tài liệu tham khảo

  • medlatec – Nguyên nhân và cách chữa bệnh á sừng hiệu quả
  • suckhoedoisong – Đối phó với bệnh á sừng
  • trungtamytetamky – Bệnh á sừng là gì? Những điều cần biết về bệnh á sừng
Contact Me on Zalo