Chuột rút rất phổ biến, đó là những đợt co cơ khó đoán trước và không do chủ ý của chúng ta. Vậy nguyên nhân của hiện tượng này là do đâu? Chúng có gây hại không? Mời quý độc giả tham khảo bài viết này của Docosan để hiểu rõ hơn về chuột rút cơ và cách xử lý khi bị hiện tượng này.
Tóm tắt nội dung
Chuột rút là gì?
Chuột rút cơ (muscle cramp), hay vọp bẻ, là một cơn co thắt đột ngột và không chủ ý của một hoặc nhiều cơ. Bạn không kiểm soát được cơn co cơ này và thư giãn cơ như những hoạt động co cơ bình thường.
Đây là một hiện tượng phổ biến, thường gây đau và có thể ảnh hưởng bất kỳ cơ nào trên cơ thể. Những vị trí thường gặp bao gồm đùi, bắp chân, bàn chân, tay và bụng.
Cơn đau có thể làm bạn thức giấc giữa đêm hoặc làm bạn khó đi lại. Triệu chứng thường gặp là một cơn đau đột ngột, cường độ có thể khác nhau tùy trường hợp, từ cảm giác khó chịu, đau nhẹ vùng cơ vọp bẻ đến đau dữ dội. Cơn đau kéo dài từ vài giây đến 15 phút. Đôi khi thấy được khối cơ phồng lên bên dưới da.
Mặc dù cơn đau gây khó chịu và làm bạn tạm thời không cử động bằng khối cơ chuột rút được, nhìn chung những cơn vọp bẻ không gây hại. Nhưng bạn cũng cần biết rằng trong một số trường hợp, sự co cơ không chủ ý này có thể là biểu hiện của một vấn đề sức khỏe trong cơ thể.
Chuột rút ở chân
Chuột rút ở chân xảy ra với các cơ ở bắp chân, bàn chân và đùi. Đến 75% chuột rút ở chân xảy ra vào ban đêm. Do đó hiện tượng này có thể làm bạn thức giấc và khó ngủ lại được.
Chuột rút ở chân vào ban đêm có thể xảy ra ở bất kỳ ai, nhưng phổ biến nhất ở người lớn tuổi. Khoảng 33% người trên 60 tuổi bị vọp bẻ chân vào ban đêm ít nhất một mỗi hai tháng. Gần như toàn bộ người trên 50 tuổi đều trải qua nó ít nhất một lần.
Khoảng 7% trẻ em cũng gặp phải. Còn đối với phụ nữ có thai, khoảng 40% trường hợp bị chuột rút chân ban đêm. Lý do được cho là các nhóm cơ chân của các sản phụ phải chịu thêm sức nặng của thai trong một thời gian dài.
Dấu hiệu báo trước của chuột rút là gì?
Đáng tiếc là chuột rút xuất hiện rất đột ngột. Không có dấu hiệu cảnh báo. Tuy nhiên, bạn có thể biết được một số yếu tố nguy cơ của chuột rút như mang thai, tác dụng phụ một số thuốc.
Nguyên nhân chuột rút
Nhiều trường hợp không xác định được nguyên nhân. Nhưng sau đây là một số yếu tố được cho là nguyên nhân của chuột rút cơ:
- Không kéo giãn cơ đủ
- Cơ bị quá tải
- Tập thể dục trong nhiệt độ cao
- Mất nước
- Mất các chất điện giải (muối và khoáng chất như kali, magie, calcium)
- Hạn chế nguồn máu nuôi
- Stress
- Những xung thần kinh không chủ ý
- Tập luyện cường độ cao quá mức
Một số nguyên nhân khả dĩ của chuột rút chân ban đêm bao gồm:
- Ngồi trong khoảng thời gian dài
- Sử dụng quá mức một số cơ
- Đứng hoặc làm việc lâu trên nền đất cứng
- Ngồi không đúng tư thế
Trong một số trường hợp, một bệnh lý hoặc tình trạng y khoa nào đó có thể là nguyên nhân gây ra cơn vọp bẻ, bao gồm:
- Nghiện rượu
- Chèn ép thần kinh gai sống
- Mang thai
- Suy thận
- Suy giáp
8 bước xử trí khi bị chuột rút
Bạn cần xử lý ngay khi cơn chuột rút vừa bắt đầu xuất hiện. Chuột rút chân là vị trí rất thường gặp và có thể gặp phải khi đang ngủ hay khi đang tập thể dục. Những lúc như vậy, bạn sẽ không có liều thuốc nào giúp giảm đau tức thì được. Sau đây là 8 bước bạn có thể làm ngay khi có một cơn vọp bẻ chân:
- Kéo giãn cơ: Duỗi thẳng chân và gấp cổ chân lại, kéo các ngón chân lên trên hướng về cổ chân để kéo giãn các cơ ở bắp chân, đùi và bàn chân.
- Xoa bóp: Dùng tay hoặc bánh lăn để xoa bóp cơ.
- Đứng dậy: Hãy đứng dậy và giữ cho bàn chân phẳng trên sàn nhà.
- Đi bộ: Chậm rãi bước đi, bạn có thể giữ tư thế kéo giãn cơ trong lúc đi bộ.
- Chườm nóng: Dùng một bao đệm chứa nước ấm hoặc tắm nước ấm.
- Chườm lạnh: Dùng khăn trùm lấy nước đá và chườm lên vùng chuột rút.
- Thuốc giảm đau: Bạn có thể dùng ibuprofen hoặc acetaminophen để giảm đau.
- Nâng cao chân: Bạn có thể nâng chân lên khi cơn đau bắt đầu giảm.
Cách trị chuột rút
Khi cơn chuột rút xảy ra, bạn có thể áp dụng các bước ở trên. Nếu chuột rút chân xảy ra thường xuyên và làm ảnh hưởng giấc ngủ của bạn kéo dài, việc tham vấn bác sĩ là cần thiết. Bác sĩ có thể kê cho bạn một số loại thuốc giãn cơ để ngừa chuột rút cơ trong đêm.
Việc kiểm soát các nguyên nhân có thể giúp bạn cải thiện tần suất và triệu chứng các cơn chuột rút. Ví dụ, bác sĩ có thể khuyên bạn dùng một số thực phẩm bổ sung nếu lượng calcium và kali trong máu thấp là nguyên nhân gây ra chuột rút. Một số chuyên gia còn tin rằng bổ sung vitamin B12 mỗi ngày có thể giúp ích.
Bị chuột rút nhiều lần khám ở đâu?
- Phòng khám đa khoa Nhân Hậu – Q.10
- Phòng khám đa khoa Quốc tế Timec – Q. Bình Tân
- Phòng khám đa khoa Singapore Indochina Healthcare Group – Q. 7
Bạn có nên đến cấp cứu vì bị chuột rút?
Thông thường chuột rút không kéo dài quá lâu và không gây hại. Mặc dù nó có thể gây đau dữ dội, nó không được xem là một tình trạng khẩn cấp y khoa. Tuy nhiên, nếu cơn đau không chịu được hoặc kéo dài, hoặc bắt đầu sau khi bắt tiếp xúc với một chất nào đó, đó có thể là tình trạng ngộ độc hoặc nhiễm trùng. Đây là trường hợp cần đến phòng cấp cứu.
Phòng tránh chuột rút
Cách đơn giản nhất là ngăn các cơ của bạn hoạt động quá mức hoặc hạn chế các bài tập thể dục cường độ cao quá sức chịu đựng của cơ. Ngoài ra, bạn nên thực hiện các điều sau để ngăn ngừa:
- Căng cơ, kéo giãn cơ, khởi động trước khi tập luyện thể thao
- Không luyện tập thể dục ngay sau ăn
- Hạn chế thức ăn, thức uống chứa caffeine, như cà phê, chocolate
- Uống đủ nước để tránh mất nước, uống nhiều nước hơn khi tập thể dục
- Tăng tiêu thụ calcium và kali bằng cách uống sữa, nước cam và ăn chuối
- Tham vấn bác sĩ về thực phẩm bổ sung vitamin của mình để đảm bảo cơ thể có đủ chất dinh dưỡng và khoáng chất
Tổng kết
Chuột rút cơ rất phổ biến và gặp ở mọi độ tuổi, thường gặp nhất là ở người lớn tuổi. Nguyên nhân thường do các cơ bị quá tải do các hoạt động hằng ngày hoặc trong tập luyện thể thao. Chuột rút nhìn chung vô hại, tuy gây đau nhưng không kéo dài lâu. Nhưng một số trường hợp chuột rút có thể là biểu hiện của một số vấn đề sức khỏe. Hãy tham vấn bác sĩ của mình nếu bạn lo lắng về tần suất xuất hiện và mức độ các cơn chuột rút của mình.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.