Viêm amidan hốc mủ là một tình trạng viêm mạn tính thường gặp của amidan. Bên cạnh những phiền toái người bệnh gặp phải như đau rát họng hay hơi thở có mùi hôi, viêm amidan hốc mủ còn có thể tiến triển thành những biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị đúng cách. Docosan mời quý đọc giả tham khảo bài viết này để biết rõ hơn về các nguyên nhân và cách chữa trị viêm amidan hốc mủ.
Tóm tắt nội dung
Viêm amidan hốc mủ là gì?
Viêm amidan (tiếng Anh: tonsilitis) là khi có sự viêm do nhiễm trùng của tuyến amidan, hai khối mô ở thành sau hai bên của họng. Hai tuyến amidan bình thường to bằng đầu ngón tay và có thể nhìn thấy được khi há miệng to. Tuyến amidan thuộc loại mô lymphô và có chức năng như một bộ lọc của đường hô hấp trên khi cấu trúc nhiều hốc của tuyến cho phép bắt lấy các tác nhân (như vi khuẩn, virus) gây hại trước khi chúng đi vào đường hô hấp. Tuyến amidan còn tạo ra kháng thể giúp chống lại các tác nhân này.
Amindan thường xuyên tiếp xúc với bụi bẩn và thức ăn. Đôi khi, tuyến này bị quá tải với sự xâm nhập của một lượng virus hay vi khuẩn nhất định, làm amidan sưng to và gây đau (viêm amidan). Tình trạng viêm này nếu kéo dài hoặc lặp đi lặp lại có thể tạo điều kiện cho sự hình thành các khối mủ ở giữa các hốc của tuyến amidan. Các hốc mủ này bản chất là mô viêm hoại tử và xác vi khuẩn, có thể nhìn thấy bằng mắt thường với hình ảnh những chấm trắng, xám, nhỏ bằng nửa hạt cơm. Người ta gọi đây là tình trạng viêm amidan hốc mủ.
Viêm amidan hốc mủ là một trong những thể mạn tính phổ biến nhất của viêm amidan và có thể gặp ở mọi độ tuổi, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Tình trạng này nếu không được điều trị đúng cách có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như áp-xe amidan, viêm tấy quanh amidan, áp-xe thành bên họng, viêm phế quản, viêm thận, viêm khớp, viêm tim và nhiễm trùng máu.
Triệu chứng thường gặp của viêm amidan hốc mủ
Sau đây là một số triệu chứng điển hình của viêm amidan hốc mủ:
- Đau nhẹ, có cảm giác vướng họng
- Ho khan hoặc có đờm
- Khạc ra cục mủ có màu trắng xám và có mùi hôi
- Khàn tiếng hoặc mất tiếng
- Khi khám nội soi hay đè lưỡi sẽ thấy các cục mủ trong các khe của tuyến amidan. Cục mủ có thể rơi ra khi dùng cây đè lưỡi chạm vào tuyến amidan.
Đôi khi viêm amidan hốc mủ có thể hình thành trong một đợt viêm amidan cấp. Khi đó, người bệnh có thể đau họng nhiều, sốt, ho, amidan sưng đỏ.
Nguyên nhân của viêm amidan hốc mủ
Nhiễm vi khuẩn hoặc virus là nguyên nhân chủ yếu của viêm amidan hốc mủ. Một tác nhân phổ biến là vi khuẩn liên cầu Streptococcus, cũng gây ra viêm họng. Một số tác nhân khác bao gồm:
- Adenovirus
- Virus cúm
- Parainfluenza virus
- Enterovirus
- Herpes simplex virus
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm amidan hốc mủ như:
- Độ tuổi: Trẻ em bị viêm amidan nói chung nhiều hơn người lớn. Trẻ em độ tuổi từ 5 đến 15 có nguy cơ viêm amidan do nhiễm vi khuẩn. Viêm amidan do virus thường gặp ở những trẻ nhỏ hơn. Người lớn tuổi cũng là một nhóm tuổi nguy cơ. Điều này được giải thích bởi sự phát triển chưa toàn diện (ở trẻ em) hoặc sự suy yếu (ở người lớn tuổi) của mô lymphô ở tuyến amidan.
- Tiếp xúc với tác nhân gây bệnh: Một tình huống phổ biến là trẻ em thường bị viêm amidan do tiếp xúc lâu với bạn bè ở trường học hoặc các sân chơi. Người lớn tiếp xúc lâu với các trẻ viêm amidan cũng có thể mắc bệnh, chẳng hạn giáo viên ở trường học.
- Yếu tố môi trường: Thời tiết thất thường tạo ra sự thay đổi về nhiệt độ và độ ẩm, điều kiện thuận lợi cho sự xâm nhập của vi khuẩn và virus ở người có sức đề kháng yếu (như trẻ em và người lớn tuổi). Môi trường sống hoặc nơi làm việc bị ô nhiễm, chứa nhiều bụi bẩn, vi khuẩn và virus cũng được xem là một nguy cơ.
- Lối sống không lành mạnh: Những người có thói quen uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá, dùng chất kích thích, ăn nhiều thức ăn dầu mỡ, cay nóng… có thể nhạy cảm hơn với các tác nhân gây viêm amidan. Tương tự, việc vệ sinh răng miệng không sạch sẽ cũng là một yếu tố quan trọng.
Một nguyên nhân quan trọng khác dẫn đến sự hình thành của viêm amidan hốc mủ chính là điều trị không dứt điểm đợt cấp của viêm amidan.
Chẩn đoán viêm amidan hốc mủ
Chẩn đoán viêm amidan hốc mủ dựa vào khai thác các triệu chứng, mức độ và thời gian kéo dài của chúng. Người bệnh được kiểm tra thân nhiệt để phát hiện sốt. Bác sĩ sẽ cần khám amidan với một que đè lưỡi, thường quan sát được các hốc mủ màu trắng trên bề mặt các tuyến amidan sưng to.
Bác sĩ cũng có thể khám tai và mũi để tìm kiếm các dấu hiệu nhiễm trùng. Đây là những vị trí thường gặp của sự lan tỏa ổ nhiễm trùng từ vùng amidan vì sự thông thương giữa họng, tai và mũi.
Người bệnh có thể được lấy máu ở tĩnh mạch cánh tay để kiểm tra dấu hiệu nhiễm trùng toàn thân. Phết họng để tìm tác nhân gây viêm amidan đôi khi cũng được thực hiện.
Khám viêm amidan hốc mủ ở đâu?
- Bệnh viện Quốc tế City – Q. Bình Tân
- Bệnh viện Tân Hưng – Q.7
- Phòng khám Tai mũi họng Thành Đông – Q. Tân Bình
Cách chữa trị viêm amidan hốc mủ như thế nào?
Viêm amidan hốc mủ thường tiến triển từ các đợt viêm amidan cấp không được điều trị thích hợp. Do đó tùy vào giai đoạn bệnh mà người bệnh nên chọn phương thức chữa trị đúng để tránh những biến chứng của viêm amidan hốc mủ.
Tùy tình trạng viêm amidan, người bệnh có thể lựa chọn giữa các mẹo dân gian, điều trị nội khoa và phẫu thuật cắt amidan. Tuy nhiên, chúng tôi khuyên người bệnh nên tham vấn bác sĩ tai mũi họng để tìm được cách chữa trị thích hợp nhất, đặc biệt là những trường hợp viêm amidan kéo dài hay tái phát nhiều lần.
Một số mẹo dân gian
Phương thức này thích hợp với những trường hợp viêm amidan cấp tính, chưa diễn tiến nặng. Người bệnh có thể áp dụng những cách sau:
- Súc miệng bằng nước muối. Nước muối có tác dụng sát khuẩn rất tốt, giúp hạn chế tình trạng viêm, giết chết các tác nhân và giảm hôi miệng. Người bệnh có thể mua nước muối hoặc tự pha ở nhà, và nên súc miệng với nước muối ít nhất 3 lần một ngày, nhất là sau bữa ăn. Người bệnh không được uống nước muối.
- Mật ong và gừng. Đây là hai nguyên liệu không những giúp kháng viêm tốt mà còn rất dễ nấu và dễ uống. Cách chế biến là đun cách thủy mật ong với vài lát gừng sẽ tạo thành hỗn hợp thuốc, uống 2-3 lần một ngày giúp giảm viêm rất hiệu quả.
- Lá húng chanh. Đây cũng là một lựa chọn tốt để giảm viêm amidan. Người bệnh có thể đun cách thủy lá húng chanh với đường phèn và uống tương tự như mật ong và gừng.
Điều trị nội khoa
Dựa vào chẩn đoán, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp với phác đồ. Người bệnh cần lưu ý không được tự ý mua thuốc đặc trị và tự điều trị. Vì việc lựa chọn loại thuốc, liều lượng và thời gian dùng là rất quan trọng, cần được thực hiện bởi bác sĩ. Bác sĩ cũng giúp đánh giá những tác dụng phụ của thuốc có thể gặp phải, tùy vào tiền sử bệnh lý của từng người.
Một số thuốc có thể được sử dụng bao gồm:
- Thuốc kháng sinh
- Thuốc kháng viêm, giảm đau, hạ sốt
- Thuốc sát khuẩn, súc họng.
Cắt tuyến amidan
Đôi khi, tình trạng viêm amidan tái phát nhiều lần hoặc không đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị khác. Đây là thời điểm để cân nhắc cắt tuyến amidan. Bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn những lợi ích và nguy cơ khi thực hiện phẫu thuật cắt tuyến amidan. Có thể nói, cắt tuyến amidan là phương pháp điều trị cuối cùng, được chỉ định khi bệnh gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe chung của người bệnh. Cụ thể như sau:
- Những biến chứng nghiêm trọng xuất hiện như áp-xe amidan, viêm xoang, viêm tai giữa, viêm thận, viêm tim, viêm khớp,…
- Amidan sưng to gây tắc nghẽn đường thở, cản trở việc ăn uống gây khó thở, khó nuốt, ngưng thở khi ngủ, ảnh hưởng chung đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người bệnh.
- Amidan tích tụ nhiều mủ gây hôi miệng, khó nuốt.
- Khi nghi ngờ khối u ác tính ở amidan. Việc cắt bỏ và quan sát mẫu mô dưới kính hiển vi sẽ giúp xác định chính xác có u ác tính không.
Ngày nay phương pháp cắt amidan bằng công nghệ plasma rất hiện đại, hiệu quả và có tính an toàn cao. Phương pháp này còn nhiều ưu điểm như thời gian phẫu thuật ngắn, giảm chảy máu, giảm nhiễm trùng sau mổ, hạn chế tổn thương mô lành xung quanh nhờ điều chỉnh sóng năng lượng phù hợp với tình trạng viêm.
Viêm amidan hốc mủ nên ăn kiêng gì?
Chế độ ăn uống không lành mạnh là một yếu tố góp phần vào sự tiến triển của viêm amidan thể mạn tính. Khi bị viêm amidan hốc mủ, người bệnh nên đặc biệt kiêng những thức ăn, thức uống sau đây:
- Rượu bia, các thức uống có cồn: không những làm tình trạng viêm trầm trọng hơn, thói quen uống rượu bia còn để lại những hậu quả lâu dài cho sức khỏe nói chung.
- Đồ ăn nhiều dầu mỡ, cay, nóng: những thức ăn này sẽ gây kích ứng dữ dội ở mô viêm của tuyến amidan.
- Các thức uống có gas, nhiều đường: làm kích ứng mô viêm nhạy cảm và đường còn là nguồn dinh dưỡng cho các vi khuẩn phát triển mạnh mẽ hơn.
- Các thức ăn không được nghiền nhỏ: làm nặng hơn tình trạng khó nuốt. Thức ăn dai, kích thước lớn còn đòi hỏi động tác nhai mạnh, có thể làm tổn thương thêm amidan đang sưng to.
Thay vào đó, người bị viêm amidan hốc mủ nên thực hiện chế độ ăn uống theo những khuyến cáo sau:
- Uống nhiều nước: giúp cơ thể bồi hoàn nước, thúc đẩy sự trao đổi chất, giúp mau lành bệnh.
- Ăn thức ăn lỏng, dễ nuốt: như cháo, súp, canh…
- Vệ sinh răng miệng, mũi, họng sạch sẽ: đánh răng và súc miệng bằng nước muối thường xuyên. Có thể dùng nước muối sinh lý hoặc các sản phẩm vệ sinh mũi dạng nhỏ giọt để ngăn ngừa sự lan tỏa của nhiễm trùng đến khoang mũi và các xoang lân cận.
Tổng kết
Viêm amidan hốc mủ là một thể mạn tính của viêm amidan. Vi khuẩn và virus là nguyên nhân chủ yếu của bệnh này. Những đợt viêm amidan cấp không được điều trị dứt điểm là tình huống phổ biến dẫn đến viêm amidan hốc mủ. Người bệnh cần tham vấn bác sĩ để áp dụng một trong phương thức điều trị hoặc phối hợp chúng, bao gồm các mẹo dân gian điều trị tại nhà, dùng thuốc kê đơn và cắt bỏ amidan.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc và tìm hiểu chứng vọp bẻ tại Docosan. Chúng tôi rất vinh hạnh chào đón và nhận được sự tín nhiệm từ các bạn.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.