Mọc răng khôn luôn là nỗi sợ hãi của nhiều người vì chúng gây đau đớn, khó chịu. Vậy mọc răng khôn gây đau mấy ngày? Bạn nên giảm đau như thế nào và có phải trường hợp mọc răng khôn nào cũng phải mổ không? Thân mời quý bạn đọc tìm đáp án cho các câu hỏi trên qua bài viết dưới đây của Docosan nhé!
Tóm tắt nội dung
Răng khôn là gì?
Răng khôn là 4 chiếc răng cuối cùng mọc sâu trong góc hàm và còn được gọi là răng số 8. Và răng khôn thường mọc ở độ tuổi thiếu niên đến khoảng 17 – 26 tuổi. Các nha sĩ khuyên rằng nên nhổ bỏ răng khôn càng sớm càng tốt để tránh gây hại cho các răng khác. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, răng khôn lại có lợi và không gây đau đớn gì.
Vai trò của răng khôn trong ăn, nhai
Răng khôn, nếu được mọc đúng cách, sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe răng miệng. Chúng góp phần duy trì cấu trúc tự nhiên của hàm, giúp chúng ta nhai và phát âm tốt hơn. Thế nhưng, răng khôn lại rất dễ gây đau và làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng nếu chúng có xu hướng mọc lệch.
Nguyên nhân gây ra tình trạng mọc răng khôn đau, mọc lệch
Như đã đề cập, răng khôn sẽ mọc vào khoảng thời gian từ 17 – 26 tuổi. Khi răng khôn mọc, chúng thường mọc lệch và khiến bạn bị đau. Dưới đây là một số nguyên nhân:
- Mọc lệch, mọc ngầm: Khoang miệng của chúng ta chỉ đủ chỗ cho 28 chiếc răng bình thường. Khi răng khôn mọc, chúng thường không có đủ chỗ để mọc thẳng hàng như những răng khác, dẫn đến tình trạng mọc lệch hoặc mọc ngầm.
- Viêm nướu xung quanh răng khôn: Răng khôn mọc ngầm dễ khiến vùng nướu xung quanh bị sưng viêm, gây đau đớn và khó chịu.
- Răng khôn bị sâu: Do vị trí mọc ở cuối hàm, răng khôn khó vệ sinh, dễ bị thức ăn mắc vào và tạo điều kiện cho vi khuẩn gây sâu răng.
- U nang/u khối quanh răng khôn: Đây là một túi chứa dịch phát triển trong mô mềm của miệng. U nang thường xuất hiện ở xương hàm trên hoặc tại các răng chưa mọc, đặc biệt là răng khôn.
Mọc răng khôn đau mấy ngày?
Thời gian mọc răng khôn có thể từ vài tháng đến vài năm. Cơn đau do răng khôn gây ra kéo dài mấy ngày phụ thuộc vào vị trí mọc của răng trong khuôn miệng. Bạn có thể phải trải qua cơn đau dai dẳng từ khi răng mọc cho đến khi chúng được nha sĩ nhổ ra.
Các yếu tố ảnh hưởng đến thời gian đau khi mọc răng khôn:
- Hướng mọc răng.
- Vị trí mọc răng.
- Kích cỡ răng.
- Số lượng răng.
- Khoảng cách giữa mỗi lần răng nhô lên.
Cách giảm đau khi mọc răng khôn
Trong thời gian chờ thăm khám với bác sĩ, bạn có thể tham khảo một số cách giảm đau khi mọc răng khôn tại nhà dưới đây:
Chườm đá lạnh
Khi răng khôn bắt đầu mọc, phần hàm của bệnh nhân sẽ có dấu hiệu sưng lên gây khó chịu. Bạn có thể chườm đá lạnh tại vùng má bị sưng để giảm viêm và gây tê tạm thời. Người bệnh nên chườm đá liên tục, mỗi lần chườm tối đa 15 phút, sau đó nghỉ 15 phút và tiếp tục chườm tiếp cho đến khi hết sưng.
Súc miệng bằng nước muối
Răng khôn mọc khiến vi khuẩn tích tụ nhiều trong khoang hàm, làm miệng bị hôi và gây đau. Trong trường hợp này, các bác sĩ đã khuyên rằng bệnh nhân nên súc miệng bằng nước muối thường xuyên (2 – 3 lần/ngày). Nước muối có tác dụng khử khuẩn giúp giảm đau và ngăn ngừa tình trạng viêm, sâu răng khôn.
Sử dụng hành tây
Một nghiên cứu năm 2021 đã chỉ ra rằng hành tây có khả năng kháng viêm và kháng khuẩn. Từ đó, nhiều người tin rằng hành tây có thể là một phương pháp giảm đau tự nhiên cho những ai đang gặp phải vấn đề với răng khôn.
Cách thực hiện:
- Cắt một lát hành tây mỏng.
- Nhai bên phía hàm bị đau do răng khôn trong vài phút.
- Nhai liên tục để dịch từ hành tây thấm vào nướu.
- Nhổ hành tây ra khi cảm thấy đỡ đau.
Lưu ý:
- Nếu bạn đang gặp phải tình trạng đau răng khôn nghiêm trọng, hãy đến gặp nha sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.
- Hành tây có thể gây kích ứng cho một số người. Nếu bạn cảm thấy khó chịu hoặc dị ứng, hãy ngưng sử dụng ngay lập tức.
Việc sử dụng hành tây để giảm đau răng khôn chỉ là một phương pháp hỗ trợ. Bạn cần kết hợp với các biện pháp chăm sóc răng miệng khác và thăm khám nha sĩ định kỳ để đảm bảo sức khỏe răng miệng tốt nhất.
Dùng túi trà
Thành phần chính trong trà, tannin, đã được chứng minh có tác dụng kháng khuẩn và kháng viêm. Do vậy sử dụng túi trà có thể giúp giảm sưng và nguy cơ nhiễm trùng do vi khuẩn tích tụ trong răng khôn gây ra. Bạn có thể dùng túi trà sau khi pha, để nguội và đặt nó vào vị trí đang bị đau trong miệng.
Dùng lá đinh hương
Đinh hương hay dầu đinh hương là một phương pháp giảm đau tại nhà hiệu quả. Thành phần chính của đinh hương là những hợp chất có khả năng giảm viêm, giảm đau như:
- Eugenol: Hợp chất chính trong tinh dầu đinh hương, có tác dụng chống viêm và giảm đau nhẹ.
- Beta-caryophyllene: Có tác dụng chống viêm và giảm đau, cũng được tìm thấy trong một số loại thảo dược khác.
- Các chất chống oxy hóa khác: Có thể giúp bảo vệ cơ thể khỏi tổn thương tế bào và giảm viêm.
Nếu bạn sử dụng lá đinh hương, bạn cần đặt chúng lên vị trí của răng khôn, sau đó ngậm vài phút và phun ra. Còn nếu bạn dùng dầu đinh hương, bạn có thể thấm dầu lên bông gòn, đặt bông gòn vào miệng, đợi đến khi hết đau thì lấy ra ngoài.
Dùng dầu oregano, tinh dầu húng tây, tinh dầu oải hương
Hợp chất carvacrol của dầu oregano (kinh giới), tinh dầu húng tây có khả năng kháng khuẩn, chống oxy hóa. Do vậy chúng có thể giúp giảm tình trạng đau, viêm, sốt khi răng khôn mọc. Công dụng này cũng tương tự đối với tinh dầu oải hương. Bạn có thể chọn 1 trong 2 cách sử dụng tinh dầu để giảm đau sau sao cho thuận tiện nhất:
- Nhỏ một ít dầu ra bông gòn rồi thoa lên răng nướu.
- Nhỏ tinh dầu vào nước ấm, súc miệng thường xuyên trong giai đoạn mọc răng khôn.
Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn
Nếu bạn chưa thể thu xếp thời gian để đến điều trị với nha sĩ, bạn có thể tự mua một số thuốc giảm đau không cần kê đơn tại các nhà thuốc. Các loại thuốc giảm đau phổ biến như Acetaminophen (Paracetamol), Ibuprofen có khả năng giảm tình trạng viêm nướu hiệu quả.
Nhổ răng khôn
Khi nào nên nhổ răng khôn?
Không phải răng khôn nào cũng cần phải nhổ bỏ. Tuy nhiên, hãy đến gặp nha sĩ để tiến hành phẫu thuật nhổ răng khôn nếu bạn gặp một trong các trường hợp sau đây:
- Đau.
- Thức ăn bị vướng lại ở các kẽ hở do răng khôn mọc lên tạo ra.
- Bị nhiễm trùng, viêm quanh thân răng khôn hay nha chu.
- Sâu răng khôn.
- Răng khôn mọc lên xô đẩy, ảnh hưởng đến các răng xung quanh và xương hàm.
- Xuất hiện u nang, u khối quanh răng khôn.
- Niềng răng thẩm mỹ.
Lợi ích của việc nhổ răng khôn
Đau nhức kéo dài do mọc răng khôn có thể cản trở sinh hoạt hàng ngày của bạn. Do vậy, nhổ bỏ răng khôn là điều cần thiết giúp giảm đau và có thể đem lại một số lợi ích như:
- Phòng ngừa được các biến chứng, bệnh tật do răng khôn gây ra.
- Giúp bạn vệ sinh răng miệng dễ dàng, miệng không còn hôi, tránh sâu răng.
- Nhổ răng khôn ở tuổi trẻ sẽ an toàn và hiệu quả hơn so với nhổ răng khi tuổi đã lớn.
Các biến chứng khi nhổ răng khôn không đúng kỹ thuật
Nhổ răng khôn là kĩ thuật đòi hỏi bác sĩ có tay nghề cao vì vị trí mọc răng đặc biệt, có thể ảnh hưởng đến các răng xung quanh, xương hàm và dây thần kinh. Vì vậy, nếu sau khi nhổ, bạn gặp phải hai biến chứng sau thì bạn nên quay lại tái khám ngay lập tức để được chữa trị kịp thời:
- Khô ổ chân răng: Biến chứng này xuất hiện khi máu tại chân răng sau nhổ không đông lại và không hình thành cục máu đông. Điều này sẽ khiến quá trình hồi phục của vết thương chậm lại, gây tê nhức và hôi miệng.
- Dị cảm: Răng khôn thường nằm trong cùng của hàm, gần với các dây thần kinh. Trong quá trình nhổ, các dây thần kinh có thể bị bầm tím và tổn thương dẫn đến việc cằm, môi, lưỡi của bệnh nhân có thể bị tê liệt vài ngày, vài tuần, vài tháng hoặc vĩnh viễn.
Các phương pháp nhổ răng khôn
Tùy theo tình trạng răng khôn mà các bác sĩ sẽ quyết định phương pháp nhổ như thế nào. Hiện nay, có hai phương pháp phẫu thuật răng khôn phổ biến là nhổ răng khôn bằng phương pháp truyền thống và nhổ răng khôn bằng công nghệ sóng Piezotome.
- Phương pháp truyền thống: Bác sĩ dùng dao mổ rạch nướu để lộ răng và xương, sau đó sẽ dùng nhiều thủ thuật khác nhau để lấy răng khôn ra ngoài và thực hiện cầm máu. Bệnh nhân cần phải há miệng trong thời gian dài và dễ bị chảy máu, xuất hiện biến chứng.
- Công nghệ sóng Piezotome: Đây là một dạng sóng siêu âm. Nhờ sự hỗ trợ của loại sóng này, bác sĩ có thể đưa mũi khoan siêu mỏng vào khoang miệng để nhổ răng khôn trong thời gian 10 – 15 phút. Công nghệ này tuy đắt tiền nhưng không để lại biến chứng, giúp vết thương mau chóng hồi phục.
Chế độ ăn uống cho người mới nhổ răng khôn
Sau phẫu thuật nhổ răng, các bác sĩ thường lưu ý bệnh nhân nên điều chỉnh chế độ ăn hàng ngày để tránh ảnh hưởng đến vết mổ. Dưới đây là một số món ăn mà người mới nhổ răng khôn nên và không nên ăn:
Bạn nên ăn:
- Các món ăn mềm, dễ nuốt như cháo, súp: Cháo và súp là những món dễ ăn và không cần nhai quá nhiều. Nhai nhiều sẽ khiến cung hàm bị mỏi, vết mổ lâu hồi phục.
- Rau, củ, quả: Người mới nhổ răng nên bổ sung thêm rau, củ, quả vào chế độ ăn. Rau, củ sẽ cung cấp vitamin, khoáng chất, chất xơ giúp giảm đau và lành thương nhanh hơn.
- Sữa: Uống sữa thường xuyên hỗ trợ bổ sung canxi và protein cho răng chắc khỏe.
Bạn không nên ăn:
- Các món cay, chua, quá nóng hay quá lạnh: Những món này có thể khiến vết mổ bị sưng rát, lâu lành và khó chịu.
- Thực phẩm cứng, dai, dẻo: Khi ăn các món khó nhai, cung hàm sẽ phải hoạt động nhiều, không tốt cho quá trình lành bệnh.
- Thực phẩm có tính nóng (xôi, thịt gà): Chúng khiến vết mổ bị sưng tấy và đau nhức.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Dấu hiệu bất thường
Mọc răng khôn có thể xuất hiện triệu chứng đau hoặc không. Nếu bạn cảm thấy đau, vùng quanh nướu bị sưng, cứng hàm và sốt, bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn loại bỏ răng khôn ngay, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
Sau khi nhổ răng về, người bệnh nên tự theo dõi sức khỏe bản thân. Nếu vết thương lành quá lâu hay xuất hiện dấu hiệu nhiễm trùng, viêm nhiễm thì bạn hãy mau chóng thông báo với bác sĩ để có phương án xử lý kịp thời.
Các xét nghiệm chẩn đoán
Thông thường, các bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh nhân mọc răng khôn qua thăm khám lâm sàng và phim chụp X – quang:
- Hỏi bệnh và khám lâm sàng: Bác sĩ có thể hỏi bệnh nhân đau chỗ nào, xem vị trí bị sưng trong và ngoài miệng để tìm kiếm nguyên nhân.
- Chụp X – quang: Trong các trường hợp mọc răng khôn, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân chụp X – quang để khảo sát vị trí của răng. Nếu răng bạn mọc quá phức tạp, bạn có thể phải chụp thêm CT nhằm kiểm tra chính xác vị trí của răng khôn, tương quan với các răng khác, xương hàm, dây thần kinh. Chụp CT còn có thể phát hiện các nang, u liên quan đến răng khôn.
Một số bệnh viện uy tín
Nhổ răng khôn tuy không nguy hiểm nhưng lại phức tạp. Vì vậy, để đảm bảo quá trình nhổ răng diễn ra thật thuận lợi, bạn hãy chọn lựa các bệnh viện, phòng khám nha khoa uy tín với đội ngũ bác sĩ giàu chuyên môn, tay nghề cao. Bạn có thể nhổ răng tại:
- Bệnh viện: Bệnh viện Răng Hàm Mặt TPHCM, bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương.
- Phòng khám nha khoa: Nha khoa Assuré Dental, nha khoa 2000.
Một số câu hỏi liên quan
Mấy tuổi thì bắt đầu mọc răng khôn?
Răng khôn thường mọc từ 17 – 26 tuổi. Có một số trường hợp có thể mọc sớm hơn hay trễ hơn và điều này là bình thường.
Nhổ răng khôn hết bao nhiêu tiền?
Chi phí nhổ răng khôn phụ thuộc vào vị trí mọc và mức độ phức tạp của chúng. Răng càng khó, chi phí nhổ càng cao. Giá cả nhổ răng khôn sẽ có sự khác nhau giữa các bệnh viện và phòng khám. Dưới đây là bảng giá nhổ răng khôn tham khảo:
- Nhổ răng khôn mọc thẳng: 500.000 – 1.500.000đ.
- Nhổ răng khôn mọc lệch độ 1: 1.500.000 – 2.000.000đ.
- Nhổ răng khôn mọc lệch độ 2: 2.000.000 – 3.000.000đ.
Mọc răng khôn thường sẽ gây khó chịu, đau nhức và mang theo nguy cơ bệnh tật. Vì vậy, bạn nên cân nhắc nhổ răng khôn càng sớm càng tốt để bảo vệ sức khỏe răng miệng nhé!
Xem thêm:
- Răng khôn có cần nhổ không? Nhổ bao nhiêu tiền? – Giá 2023
- Nhổ răng khôn ở đâu uy tín, an toàn, ít đau?
- Cao răng là gì? Nguyên nhân, tác hại và cách lấy cao răng an toàn
Tài liệu tham khảo:
1. Dental Health and Wisdom Teeth
- Link tham khảo: https://www.webmd.com/oral-health/wisdom-teeth
- Ngày tham khảo: 20/08/2024
2. Ways to relieve painful wisdom teeth
- Link tham khảo: https://www.medicalnewstoday.com/articles/319461#home-remedies
- Ngày tham khảo: 20/08/2024
3. Wisdom Tooth Removal
- Link tham khảo: https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/wisdom-tooth-extraction/about/pac-20395268#
- Ngày tham khảo: 20/08/2024