Với sự mở rộng của các lựa chọn mổ lấy thai trong sản khoa hiện đại, các trường hợp sinh mổ chiếm một tỷ lệ khá lớn trong tổng số lần sinh. Vì vậy sản phụ cần được tiếp tục theo dõi và chăm sóc vết mổ sau sinh tốt nhằm hạn chế các biến chứng, giúp sản phụ sớm trở về với hoạt động bình thường sau sinh mổ. Hãy cùng Docosan tìm hiểu những hướng dẫn chăm sóc vết mổ sau sinh trong bài viết sau đây nhé!
Để biết cách so sánh lựa chọn sinh thường hay sinh mổ thì bạn có thể tham khảo tại đây!
Tóm tắt nội dung
Chăm sóc vết mổ sau sinh trong bệnh viện
Trong trường hợp bình thường, băng vết mổ khô, không chảy máu thì không cần thay băng trong ngày đầu tiên. Nếu băng vết mổ thấm máu ướt phải mở ra đánh giá tình trạng chảy máu vết mổ. Nếu chỉ rịn chảy ít có thể xử trí bằng băng ép chặt lại, nếu chảy máu nhiều có thể phải khâu tăng cường lại thành bụng.
Sau 48 giờ mở băng ra để đánh giá tình trạng vết mổ sau sinh. Các triệu chứng nhiễm trùng vết mổ thường xuất hiện vào ngày thứ 3 sau mổ. Cần chú ý quan sát các triệu chứng phù nề, đỏ, nóng, đau quanh vết mổ.
Nếu vết mổ có dẫn lưu, cần thay băng hàng ngày để theo dõi tình trạng ống dẫn lưu và túi dịch dẫn lưu ra. Thường sau 24 giờ nếu ống dẫn lưu không còn tiết dịch hoặc chỉ ra ít dịch trong hay lẫn hồng (chứng tỏ không còn chảy máu) thì nên rút ống dẫn lưu để tránh nhiễm trùng.
Chăm sóc vết mổ sau sinh tại nhà
Sau khi sinh mổ, sản phụ thường sẽ nằm viện theo dõi trên dưới 1 tuần sẽ xuất viện trở về nhà. Thời gian chăm sóc vết mổ sau sinh tại nhà cũng rất quan trọng giúp vết mổ không bị nhiễm trùng hay sưng đau và nhanh chóng hồi phục.
Các cách chăm sóc vết mổ sau sanh tại nhà:
- Bà mẹ có thể tắm rửa vệ sinh bình thường, lau khô cơ thể và vết mổ bằng khăn sạch khô
- Luôn rửa tay sạch sẽ trước khi chạm vào vết mổ và không được gãi hay ma sát vào vết mổ khi có phản ứng ngứa
- Giữ vết mổ sau sinh khô thoáng, có thể sử dụng dung dịch betadin hay povidine 10% để vệ sinh vết mổ
- Lưu ý: không tắm quá lâu hoặc không được ngâm mình trong bồn tắm sẽ làm ướt vết thương và dùng khăn có chất liệu mềm sạch thấm khô vết mổ sau tắm.
Biện pháp hỗ trợ chăm sóc vết mổ sau sinh nhanh hồi phục
Vận động
Khuyến khích sản phụ vận động càng sớm càng tốt. Đối với các sản phụ được gây tê tủy sống nên hạn chế ngồi dậy trong vòng 12 giờ đầu sau mổ (chỉ co duỗi chân, nghiêng người qua lại tại giường) để tránh biến chứng hạ huyết áp tư thế của gây tê tủy sống, hạn chế triệu chứng nhức đầu những ngày sau mổ.
Chế độ ăn
Mổ lấy thai không liên quan đến đường ruột nên khuyến khích sản phụ ăn càng sớm càng tốt. Trong ngày đầu tiên sản phụ có thể uống sữa, ăn súp hoặc cháo loãng. Qua những ngày sau nếu diễn tiến không có gì bất thường có thể ăn uống bình thường như trước khi mổ sinh.
Chăm sóc vú và cho con bú
Sau sinh mổ, sản phụ thường lên sữa muộn hơn sinh thường. Lý do thường gặp do người mẹ bị đau nhiều nên cho bé bú muộn hơn. Thật ra với sự giúp đỡ của người nhà và nhân viên y tế, sản phụ vẫn có thể cho con bú ngay trong đầu tiên.
Tốt nhất là cho con bú ở tư thế nghiêng, vì cho bú sớm giúp tận dụng nguồn sữa non quý báu cũng như giúp kích thích tiết sữa sớm và nhiều hơn cho em bé.
Bao lâu thì hết đau vết mổ sau sinh?
Thông thường vết mổ sau sinh sẽ gây đau nhiều cho sản phụ trong vòng 1 tuần và đau âm ỉ trong khoảng 3 tháng sau. Dù vết mổ đã lành hoàn toàn hay đang lên sẹo thì các bà mẹ vẫn có cảm giác đau khi vận động mạnh.
Vì vậy, các sản phụ cần tuân thủ đúng các biện pháp chăm sóc vết mổ cũng như uống đúng toa thuốc, ăn uống phù hợp, vận động nhẹ nhàng để vết mổ nhanh lành và hạn chế gây đau.
Khi nào cần đến gặp bác sĩ kiểm tra vết mổ sau sinh?
Hiện nay, phần lớn các ca mổ lấy thai được khâu bằng chỉ tự tiêu nên sản phụ thường sẽ không phải quay lại bệnh viện để rút chỉ. Tuy nhiên nếu gặp các dấu hiệu gợi ý nhiễm trùng vết mổ thì sản phụ cần đến gặp bác sĩ để khám ngay:
- Vết mổ sau sinh bị đỏ, sưng tấy, nóng rát, ngứa dữ dội
- Đau vết mổ sau sinh kèm đau bụng dưới tăng dần dù không có đụng chạm vào
- Vết mổ sau sinh bị đau nhói, có dịch mủ chảy ra và có mùi hôi
- Sốt cao trên 38,5 độ và lạnh run
- Sản dịch tiết ra sau sinh có mùi hôi tanh hay có lẫn máu cục.
Phòng khám sản phụ khoa gần bạn
- Phòng khám Sản phụ khoa và hiếm muộn bác sĩ Trương Thị Thành – Q. Thủ Đức
- Phòng khám chuyên Sản phụ khoa – Hiếm muộn 5D – Quận 5
- Phòng khám Sản phụ khoa Marie Stopes – Tân Bình
Kết luận
Chăm sóc vết mổ sau sinh là công việc quan trọng, bởi thời gian để hồi phục hoàn toàn vết mổ sẽ khó khăn hơn và nguy cơ bị nhiễm trùng hậu sản của sản phụ cũng cao hơn. Vì vật các bà mẹ sinh mổ cần chú ý trong việc chăm sóc vết mổ sau sinh và cần thực hiện các biện pháp hỗ trợ thêm để phục hồi sức khỏe và vết mổ mau chóng lành lại. Tuy nhiên nếu gặp phải các dấu hiệu gợi ý sự nhiễm trùng hậu sản thì cần phải đến gặp bác sĩ chuyên khoa ngay để kịp thời đánh giá tình trạng và điều trị kịp thời.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc và tìm hiểu những hướng dẫn chăm sóc vết mổ sau sinh tại Docosan. Chúng tôi rất vinh hạnh chào đón và nhận được sự tín nhiệm từ các bạn.
Bài viết được tham khảo bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn tại Docosan để điều trị.
- Thực hành Sản phụ khoa – Đại học Y Hà Nội, Bộ Y tế
- First week after delivery: How to cope with my wound? – HealthHub
- Postpartum wound care and healing – MONARCH (Maternal and Newborn Health)