Tiêm phòng lao cho trẻ em: Lịch tiêm và những điều cần biết

Tiêm phòng lao (vaccine BCG) giúp trẻ sơ sinh phòng ngừa được bệnh lao, một bệnh lý phổi có thể gây tử vong. Hãy cùng Docosan tìm hiểu về mũi vaccine này trong bài viết dưới đây nhé!

Tiêm phòng lao là phòng ngừa bệnh gì?

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam là quốc gia thuộc vùng dịch tễ của bệnh lao, xếp thứ 15 trên tổng số 30 quốc gia có số bệnh nhân mắc lao cao nhất trên thế giới.

Bệnh lao gây ra bởi vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis hay MTB). Vi khuẩn lao có thể lây truyền qua đường không khí, nói cách khác hít chung bầu không khí với bệnh nhân lao thì nguy cơ mắc lao có thể gia tăng.

Khi người bệnh nhiễm phải vi khuẩn lao, nguy cơ xảy ra các biến chứng ở phổi gia tăng. Các cơ quan khác như hệ thần kinh, tim mạch, cơ xương khớp, hệ bạch huyết cũng có thể bị ảnh hưởng. Khi vaccine phòng ngừa lao chưa được sản xuất, lao được xem như một trong “tứ chứng nan y” vói tỉ lệ tử vong rất cao.

Lao là một bệnh lý rất dễ lây và Việt Nam là vùng dịch tễ của lao với tỉ lệ người mắc bệnh thuộc dạng cao nhất thế giới. Do đó, kể từ năm 1981 vaccine tiêm phòng lao đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Các em bé đáp ứng đủ điều kiện sức khỏe sẽ được tiến hành tiêm phòng lao.

Vaccine phòng lao BCG (bacille Calmette-Guérin) thuộc nhóm vaccine sống giảm độc lực. Vaccinn BCG được chế tạo bằng một loại vi khuẩn gây bệnh lao đã được làm cho yếu đi (bất hoạt) không thể gây bệnh lao cho một cơ thể khỏe mạnh đồng thời giúp hình thành tấm chắn bảo vệ bản thân khỏi căn bệnh lao này.

Vaccine BCG được khuyến cáo chỉ định cho trẻ ở độ tuổi sơ sinh và trẻ nhỏ. Loại vaccine này có vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa các loại lao nguy hiểm. Tiêm phòng lao (BCG) chỉ cần tiêm một liều duy nhất bé đã có khả năng bảo vệ lâu dài.

Tiêm phòng lao bị mưng mủ

Sau khi được tiêm phòng lao, từ 2 tuần đến 1 tháng bé sẽ có tình trạng mưng mủ tại nơi tiêm, sau vài tuần sẽ hình thành vết sẹo có kích thước khoảng 5mm. Tùy theo cơ địa của từng trẻ mà thời gian xuất hiện mưng mủ sẽ có sự khác nhau.

Nếu sau 6 tháng trẻ vẫn không có xuất hiện tình trạng mưng mủ và hình thành sẹo thì hãy đưa trẻ đi làm test Mantoux (hay còn gọi là phản ứng da tuberculin). Tùy vào kết quả của bé mà bác sĩ sẽ có chỉ định tiêm phòng lao cho trẻ không bị mưng mủ này lần 2 hay không.

Nhiều bậc cha mẹ thắc mắc rằng trẻ em tiêm phòng lao có bị sốt không thì sau khi tiêm phòng lao, một số trẻ sẽ có hiện tượng sốt nhẹ, thường tự giới hạn. Tuy nhiên khi trẻ sốt cao > 39 độ C, không đáp ứng thuốc hạ sốt hoặc sốt kéo dài liên tục trên 24 giờ hay sốt sau 12 giờ tiêm chủng thì phải đưa trẻ tới cơ sở khám bệnh gần nhất. Mặt khác, không phải trẻ nào sau khi được tiêm cũng bị sốt.

Tiêm phòng lao cho trẻ khi nào?

Bộ Y tế khuyến cáo tiêm phòng lao cho trẻ một tháng tuổi đến một năm sau sinh kèm theo cân nặng trên 2kg. Trên thực tế, trẻ sinh ra khỏe mạnh, không ghi nhận dấu hiệu sức khỏe bất thường, không cần chế độ chăm sóc đặc biệt thì nên tiêm phòng lao càng sớm càng tốt, có thể trong vòng 24 giờ đầu sau sinh. 

Việc tiêm vaccine chậm trễ cho trẻ sơ sinh có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh lao hơn những trẻ đã được tiêm đúng khuyến cáo; trẻ thậm chí có thể nhiễm lao từ những ngày đầu sau sinh. Do bé không thể khả năng tự bảo vệ cơ thể trước mọi tác nhân xâm nhập vì khi mới sinh ra hệ miễn dịch của bé còn khá yếu ớt – là điều kiện để những vi khuẩn như lao tấn công.

Với những trẻ sau 2 tháng mới tiêm phòng lao cần phải được chẩn đoán không có nhiễm la trước đó. Với những trẻ chưa từng bị nhiễm lao thậm chí có thể tiêm phòng sau 1 tuổi. Đối với những trẻ đã được chẩn đoán nhiễm lao thì không thật sự cần thiết phải tiêm phòng mũi lao cho bé vì nguy cơ gia tăng các phản ứng phụ của thuốc.

Chỉ nên trì hoãn việc tiêm vaccine BCG với những trẻ đang bị nhiễm trùng cấp tính, sốt cao, có bệnh ngoài da diện rộng, suy giảm miễn dịch mắc phải nặng, suy dinh dưỡng nặng, trẻ sanh thiếu cân (dưới 2kg). Trường hợp trẻ sinh non, có vấn đề về sức khỏe cần được theo dõi kĩ lưỡng, cần hỗ trợ y tế như chăm sóc đặc biệt thì phải đợi đến khi trẻ có thể trạng tốt mới được tiến hành tiêm chủng.

Bé tiêm phòng lao cần lưu ý gì?

Khi cho bé đi tiêm vaccine phòng ngừa bệnh lao, phụ huynh cần lưu ý các điểm sau:

  • Phải cho trẻ ăn uống đầy đủ trước khi cho bé tiêm ngừa.
  • Chủ động nói với cán bộ y tế bác sĩ về tình trạng sức khỏe của bé như: có đang bị sốt không, tiền căn sinh non hay dị ứng không, những lần tiêm chủng trước có triệu chứng gì không và chủ động đề nghị bác sĩ kiểm tra sức khỏe của bé trước khi tiêm chủng.
  • Cho trẻ ăn uống bình thường, đủ chất sau khi tiêm.
  • Theo dõi sát sao trẻ sau tiêm: 30 phút tại nơi tiêm và ít nhất 24 giờ tại nhà.
  • Khi sốt có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.
  • Nếu trẻ xuất hiện các dấu hiệu bất thường như sốt cao liên tục không đáp ứng với thuốc hạ sốt, quấy khóc dỗ không nín, bỏ bú, khó thở, tím tái, co giật,… cần đưa trẻ trẻ tới cơ sở y tế gần nhất. Các tác dụng phụ nặng sau tiêm thường ít gặp, nếu xử trí kịp thời sẽ an toàn cho bé.

Với câu hỏi tiêm phòng lao 2 lần có sao không thì vaccine được chế tạo để tạo ra miễn dịch đặc hiệu chủ động, nâng cao sức đề kháng của cơ thể đối với các tác nhân gây bệnh cụ thể. Vaccine đa số được làm từ vi sinh vật đã bị chết hoặc đã bị làm yếu đi (bất hoạt) do đó vaccine không có khả năng gây bệnh cho cơ thể.

Sau khi em bé được tiêm thêm một mũi lão thì tác dụng đều như nhau và gần như không gây ra nguy hiểm gì cho bé. Để chắc chắn thì nên theo dõi bé trong khoảng thời gian sau 2 tuần đến 2 tháng sau tiêm để kiểm tra vùng tiêm có hiện tượng mưng mủ và tạo sẹo không. Và dĩ nhiên phụ huynh cần phải liên hệ bác sĩ và trung tâm tiêm chủng để có kế hoạch theo dõi bé toàn diện, đề phòng bất cứ sự cố nào.

Docosan hy vọng bài viết trên đã giúp cho bạn đọc biết được tiêm phòng lao là gì và lợi ích cũng như thời gian thích hợp để tiêm ngừa mũi lao cho con em.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Nguồn tham khảo: BCG Vaccine, CDC.

Có thể bạn quan tâm

Contact Me on Zalo