Tiêm phòng cho trẻ: 10 mũi tiêm quan trọng mẹ cần lưu ý

Tiêm phòng cho trẻ em là một trong những phương pháp hữu hiệu để phòng tránh nhiều căn bệnh hiện nay. Tuy có nhiều ý kiến trái chiều về việc tiêm vắc-xin nhưng người ta không thể phủ định được lợi ích mà chúng mang lại. Bố mẹ cần biết 10 mũi tiêm phòng cho trẻ sau đây để đưa con đi tiêm đầy đủ theo đúng thời điểm và đúng phác đồ khuyến cáo nhằm đạt được hiệu quả tốt nhất. Mời bạn đọc cùng Docosan tìm hiểu kĩ hơn qua bài viết sau đây.

10 mũi tiêm phòng cho trẻ bà mẹ cần lưu ý

Vắc-xin cần được sử dụng đúng theo quy trình Bộ Y tế đề ra

Bộ Y tế khuyến cáo, trẻ cần được tiêm chủng 10 loại bệnh truyền nhiễm sau đây trong chương trình Tiêm chủng mở rộng để tạo miễn dịch hoàn hảo cho cơ thể: viêm gan B, bệnh lao, bệnh bạch hầu, bệnh ho gà, bệnh uốn ván, bệnh bại liệt, bệnh do vi khuẩn Haemophilus influenzae type b, bệnh sởi, viêm não Nhật bản B, Rubella. Dưới đây là những mũi tiêm phòng cho trẻ được cập nhật mà mẹ có thể áp dụng để tạo hệ miễn dịch tốt cho bé:

Viêm gan B

Trẻ sơ sinh cần được tiêm phòng viêm gan B trong vòng 24 giờ ngay sau khi sinh, đặc biệt điều này giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ lây truyền virus viêm gan B từ mẹ sang con. Hiệu quả thể hiện rõ rệt lên đến 85-90% nếu như trẻ được tiêm mũi 1 trong thời gian quy định trên và sẽ giảm dần nếu trẻ được tiêm những ngày sau đó.

Lịch tiêm chủng phòng ngừa viêm gan B như sau:

  • Mũi 1: tiêm trong vòng 24 giờ sau sinh.
  • Mũi 2: 1 tháng sau mũi tiêm đầu.
  • Mũi 3: 1 tháng sau mũi 2.
  • Tiêm nhắc lại: 1 năm sau mũi 3.

Viêm não Nhật Bản

Bệnh não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương ở cả người lớn và trẻ em do virus viêm não Nhật Bản thuộc nhóm B họ Togaviridae, giống Flavivirus gây ra. Nhóm tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao nhất từ 2-6 tuổi. Hiện nay chưa có thuốc đặc trị, tuy nhiên bệnh có thể được phòng tránh bằng cách tiêm vắc-xin ngừa Viêm não Nhật Bản với lịch tiêm phòng cho trẻ như sau:

  • Mũi 1: Áp dụng cho trẻ trên 12 tháng tuổi.
  • Mũi 2: 1 – 2 tuần sau mũi tiêm đầu.
  • Mũi 3: 1 năm sau mũi tiêm thứ 2.
  • Tiêm nhắc lại: Sau 3 năm kể từ mũi thứ 3, bé cần tiêm liều nhắc lại để duy trì hệ miễn dịch.

Bệnh lao

BCG (bacille Calmette-Guerin) – một loại vắc-xin phòng ngừa bệnh lao (TB) – được các bác sĩ khuyên tiêm phòng cho trẻ trong vòng 30 ngày sau khi sinh càng sớm càng tốt. Thông thường trẻ sẽ được tiêm vắc-xin BCG trước khi mẹ và bé xuất viện sau sinh (trong vòng 24-48 giờ).

Bé chỉ cần tiêm phòng vắc-xin BCG phòng bệnh lao một lần trong đời. Hầu hết trẻ em sau khi tiêm vắc-xin đều có phản ứng tại chỗ tiêm – một loét đỏ trên da với đường kính trung bình khoảng 5mm và có khả năng tự lành để lại sẹo sau 2 tuần – đây là dấu hiệu của việc trẻ đã hình thành hệ miễn dịch phòng ngừa lao.

Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván – Bại liệt – Hib

Trên đây là 5 loại bệnh đặc biệt nguy hiểm thường gặp ở trẻ bởi sau những tháng đầu đời thì lượng kháng thể trẻ nhận từ mẹ sẽ suy giảm đi, tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh tấn công cơ thể bé.

Hiện nay vắc-xin Tetraxim là vắc-xin 4 trong 1 phòng ngừa cùng lúc 4 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván và bại liệt ở trẻ. Bên cạnh đó, còn có các loại HexaximInfanrix Hexa (vắc-xin 6 trong 1), Pentaxim (vắc-xin 5 trong 1) có thể phòng ngừa nhiều bệnh hơn. Tuy nhiên do hai loại trên thường rơi vào tình trạng khan hiếm và tạm hết nên để đảm bảo không trễ lịch tiêm phòng cho trẻ, nhiều bố mẹ thường lựa chọn Tetraxim kết hợp với vắc-xin ngừa viêm gan B và Hib để thay thế cho 5 trong 1 và 6 trong 1.

Lịch tiêm 5 mũi Tetraxim:

  • Mũi 1,2,3: Khi trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi hoặc 2, 4, 6 tháng tuổi
  • Mũi 4: Khi trẻ 16 – 18 tháng tuổi
  • Tiêm nhắc lại: Trẻ từ 4 – 6 tuổi

Tiêu chảy do Rota virus

Rotavirus gây nên bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em, đặc biệt là trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi. Đây là virus có khả năng tồn tại bền vững trong môi trường, có thể sống hàng giờ ở trên bàn tay và trên các bề mặt rắn. Đặc biệt, rotavirus có thể sống ổn định và gây ra bệnh khi sống trong phân 1 tuần. Bệnh có thể dẫn đến nguy cơ tử vong nếu như trẻ không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Vắc-xin ngừa Rotavirus là lựa chọn hàng đầu trong việc phòng ngừa bệnh viêm dạ dày ruột gây ra bởi virus Rota ở trẻ. Đây là loại vắc-xin được dùng bằng đường uống, không tiêm. Do đó trước khi cho trẻ sử dụng mẹ không nên cho bé bú sữa quá no để tránh nôn trớ dẫn đến phải uống lại liều khác. Bé cần thực hiện 2 liều vắc-xin trước 6 tháng tuổi để đạt hiệu quả tốt nhất. Lịch trình sử dụng như sau:

  • Liều 1: Nên cho trẻ tiến hành sử dụng khi trẻ được 6 tuần tuổi.
  • Liều 2: Cách liều đầu tiên 4 tuần.

Phế cầu Streptococcus pneumoniae

Vi khuẩn phế cầu gây ra nhiều bệnh lý khác nhau bao gồm những bệnh nhiễm trùng thường gặp với tần suất cao như viêm tai giữa hoặc viêm xoang, và những bệnh nhiễm trùng nặng và nguy hiểm đến tính mạng như viêm phổi (nhiễm khuẩn ở phổi), nhiễm trùng máu và viêm màng não (màng bao bọc xung quanh nhu mô não).

Loại vắc-xin này được tạo ra nhằm xây nên “khiên miễn dịch” đối với phế cầu của trẻ dưới 1 tuổi để phòng tránh các bệnh nhiễm trùng từ chúng. Hiện nay, vacxin được sử dụng là vacxin Synflorix, được tiêm phòng cho trẻ theo lịch trình như sau:

  • Mũi 1: Khi trẻ được 2 tháng. 
  • Mũi 2: Cách 1 tháng sau mũi tiêm đầu.
  • Mũi 3: Cách 1 tháng sau mũi 2.
  • Mũi 4: Sau 6 tháng kể từ mũi 3.

Viêm màng não do não mô cầu BC

Viêm não mô cầu là bệnh xảy ra do vi khuẩn Neisseria meningitidis (còn gọi là Meningococcus) xâm nhập cơ thể, gây viêm các màng bao bọc hệ thần kinh trung ương. Bệnh lây truyền từ người qua người thông qua đường hô hấp nên dễ bùng phát thành dịch bệnh, đặc biệt là các môi trường tập trung đông đúc, vệ sinh kém.

Viêm màng não do mô cầu tiến triển nhanh và có thể tử vong trong vòng 24 giờ. Hiện nay biện pháp phòng ngừa được cho là hữu hiệu duy nhất là sử dụng vắc-xin ngữa bệnh não mô cầu tiêm phòng cho trẻ dưới 1 tuổi. AC và BC là hai loại vắc-xin được sử dụng để phòng tránh căn bệnh này, tuy nhiên loại BC được sử dụng nhiều hơn.

Lịch tiêm phòng cho trẻ được áp dụng như sau:

  • Mũi 1: Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên.
  • Mũi 2: Cách khoảng 6 – 8 tuần kể từ mũi 1.

Sởi – Quai bị- Rubella

MMR II là loại vắc-xin tam giá phòng ngừa sởi, quai bị và rubella bản chất chứa virus sống giảm độc lực nhằm tạo miễn dịch chủ động cho trẻ. Phản ứng dị ứng của vắc-xin MMR II rất nghiêm trọng, có thể đe dọa đến tính mạng. Do đó khi tiêm phòng cho trẻ, các bậc phụ huynh cần phải lưu ý quy trinh tiêm sau đây:

  • Mũi 1: Tiêm lần đầu trong độ tuổi từ 12 tháng đến 7 tuổi.
  • Mũi 2: Khi trẻ ở lứa tuổi 4 – 6 tuổi, có thể thực hiện sớm hơn nếu có dịch xảy ra. Lưu ý rằng mũi 2 nên được tiêm ít nhất 1 tháng sau mũi tiêm đầu.

Cúm mùa

Cúm là bệnh truyền nhiễm lây lan qua đường hô hấp do virus cúm gây ra, có thể diễn tiến từ nhẹ đến nặng hoặc đôi khi gây tử vong. Ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, đặc biệt là dưới 2 tuổi, là đối tượng có nguy cơ cao bị biến chứng cúm. Vắc-xin cúm mặc dù không hiệu quả 100% nhưng đây vẫn là cách tốt nhất để phòng ngừa cúm nếu được tiêm chủng hằng năm.

Do đặc tính liên tục biến thể với các chủng mới xuất hiện thường xuyên, tiêm phòng cho trẻ vắc-xin cúm được khuyến cáo sử ngay từ khi 6 tháng tuổi và mỗi năm 1 lần từ 9 tuổi trở lên. Khoảng thời gian thích hợp để tiêm vắc-xin cúm là từ 2 tuần – 1 tháng trước khi vào mùa cao điểm. Các gia đình được khuyến khích bắt đầu tiêm vắc-xin từ tháng 9 – tháng 3 hằng năm.

Ung thư cổ tử cung ở bé gái

Ung thư cổ tử cung là loại ung thư xếp thứ 4 sau ung thư vú, ung thư đại trực tràng và ung thư phổi trên thế giới. Virus HPV được coi là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ung thư cổ tử cung ở nữ giới, có thể âm thầm và phát triển trong cơ thể mà không tạo ra bất kỳ triệu chứng nào đặc hiệu. Biện pháp phòng ngừa ung thư cổ tử cung tối ưu nhất hiện nay là tiêm vắc-xin phòng chống virus HPV cho bé gái và phụ nữ từ 9-26 tuổi.

Hiện nay trên thế giới, có 3 loại vắc-xin ngừa HPV chính là nhị giá, tứ giá và cửu giá. Tuy nhiên hiện nay ở Việt Nam chỉ lưu hành hai loại chính là nhị giá (phòng ngừa 2 type HPV 16, 18) và tứ giá (phòng ngừa 4 type HPV 6, 11, 16, 18). Tùy vào sự lựa chọn mà phụ huynh có thể tiêm phòng cho trẻ một trong hai loại trên. Dưới đây là quy trình tiêm chủng cho vắc-xin tứ giá:

  • Mũi 1: là ngày tiêm mũi đầu tiên.
  • Mũi 2: 2 tháng sau mũi đầu tiên.
  • Mũi 3: 6 tháng sau mũi đầu tiên.

Một số lưu ý trước khi tiêm phòng cho trẻ

  • Trước khi tiêm phòng cho trẻ, phụ huynh cần chuẩn bị hồ sơ, phiếu tiêm chủng, theo dõi tình trạng sức khỏe của bé. Thông báo với cán bộ y tế về tiền sử bệnh tật, tiền sử việc sử dụng thuốc của trẻ (nếu có), phản ứng sau tiêm chủng lần thứ nhất.
  • Đồng thời, cha mẹ cần mang theo sổ tiêm chủng cho trẻ và thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình như tiền sử sinh đẻ, bệnh tật, dị ứng thuốc, hóa chất và dị ứng thức ăn nhằm giảm thiểu các nguy cơ phản ứng sau tiêm.
  • Cha mẹ cần vệ sinh thân thể trẻ sạch trước khi đến trung tâm tiêm phòng, điều này sẽ giúp cho trẻ để hạn chế tình trạng nhiễm trùng ngoài da. Ngoài ra, mẹ hãy cho trẻ mặc trang phục đơn giản để giúp bác sĩ dễ thao tác hơn trong quá trình tiêm phòng.
  • Cha mẹ còn cần tránh cho trẻ ăn hoặc bú quá no, tuy nhiên cũng không nên vì vậy mà để trẻ đói nhằm tránh trường hợp khiến trẻ bị hạ đường huyết sau khi tiêm.

Qua những thông tin trên, Docosan hy vọng có thể cung cấp những kiến thức hữu ích cho bậc phụ huynh có thể nắm được phần nào tất cả các mũi tiêm phòng cho trẻ để từ đó giúp nâng cao hệ miễn dịch cho bé, đồng thời tạo hệ miễn dịch cộng đồng để phòng chống dịch bệnh.

Contact Me on Zalo