Trẻ 6 tuổi tiêm phòng mũi gì? Tuy không phải câu hỏi quá phổ biến đối với các bố mẹ đang nuôi dạy con trẻ, nhưng 6 tuổi lại là độ tuổi trẻ bắt đầu đến trường, đến lớp, tiếp xúc nhiều với bạn bè đồng trang lứa hơn nên khả năng lây bệnh chéo của con cũng tăng cao. Chính vì lí do này mà Doctor có sẵn tạo nên bài viết này để giúp cho các bậc Phụ huynh kiểm tra lại xem đã cung cấp cho con mình đủ lớp “áo giáp” để cho trẻ tự ra ngoài xã hội để học tập hay chưa.
Tóm tắt nội dung
- 1 Các mũi tiêm phòng cho trẻ dưới 6 tuổi
- 2 Trẻ 6 tuổi tiêm phòng mũi gì ?
- 2.1 Vắc xin Varivax phòng bệnh thủy đậu
- 2.2 Vắc xin 3 trong 1 MMR-II/MMR phòng bệnh sởi -quai bị – rubella
- 2.3 Vắc xin 4 trong 1 Tetraxim phòng bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván – bại liệt
- 2.4 Vắc xin Vaxigrip phòng bệnh cúm
- 2.5 Vắc xin MENINGOCOCCAL A+C phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu nhóm A và C
- 2.6 Vắc xin Jevax phòng bệnh viêm não Nhật Bản B
- 2.7 Vắc xin TYPHIM Vi phòng bệnh thương hàn
Các mũi tiêm phòng cho trẻ dưới 6 tuổi
Đối với trẻ dưới 6 tuổi việc tiêm vắc xin đúng và đủ là vô cùng cần thiết, chính vì vậy cha mẹ nên lưu ý thật kĩ để đưa trẻ đi tiêm. Trong bài viết này, Docosan sẽ chỉ liệt kê một số mũi tiêm quan trọng mà trẻ nhất định phải tiêm để có thể xây dựng được một hàng phòng vệ vựng chắc bảo vệ trẻ khỏi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Các mũi tiêm quan trọng cho trẻ dưới 6 tuổi:
- Vắc xin phòng bệnh viêm gan B
- Vắc xin 6 trong 1 phòng bện ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và các bệnh viêm phổi, viêm màng não mủ do Haemophilus influenzea tuýp B (Hib) hoặc vắc xin 5 trong 1 phòng các bệnh giống 6 trong 1 trừ bại liệt hoặc viêm gan B (tùy loại vắc xin 5 trong 1), phải tiêm bổ sung mũi viêm gan B hoặc bại liệt.
- Vắc xin uống phòng bệnh tiêu chảy do Rotavirus
- Vắc xin phòng viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa do phế cầu
- Vắc xin 3 trong 1 phòng bệnh sởi – quai bị – rubella
- Vắc xin phòng bệnh cúm
- Vắc xin phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu nhóm A và C / nhóm B và C
- Vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản B
- Vắc xin phòng bệnh thương hàn
Trẻ 6 tuổi tiêm phòng mũi gì ?
Tiêm phòng cho trẻ 6 tuổi gồm những mũi tiêm sau:
- Văc-xin Varivax phòng bệnh thủy đậu.
- Vắc xin 3 trong 1 MMR-II/MMR phòng bệnh sởi, quai bị, rubella.
- Vắc xin TYPHIM Vi phòng bệnh thương hàn.
- Vắc xin Vaxigrip phòng bệnh cúm.
- Vắc xin MENINGOCOCCAL A+C phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu nhóm A và C.
- Vắc xin Jevax phòng bệnh viêm não Nhật Bản B.
- Vắc xin 4 trong 1 Tetraxim phòng bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván – bại liệt.
Vắc xin Varivax phòng bệnh thủy đậu
Vắc xin Varivax của Mỹ, là vắc xin sống, giảm độc lực, được sử dụng để phòng ngừa bệnh thủy đậu – bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên theo một nghiên cứu gần đây cho thấy có đến khoảng 90% người đã tiêm vắc xin thủy đậu có khả năng miễn dịch tuyệt đối với bệnh.
Vắc xin này được chỉ định cho người trên 12 tháng tuổi và những người lớn chưa có miễn dịch phòng bệnh.
Lịch tiêm chủng: Trẻ em từ 12 tháng tuổi đến 12 tuổi tiêm 2 mũi:
- Mũi 1: là mũi tiêm lần đầu tiên (0.5ml).
- Mũi 2: tiêm sau mũi 1 ít nhất 3 tháng (0.5ml).
Vắc xin 3 trong 1 MMR-II/MMR phòng bệnh sởi -quai bị – rubella
Vắc xin 3 trong 1 MMR là một vắc xin sống, giảm độc lực. Vắc xin được tiêm để tạo miễn dịch phòng ngừa 3 bệnh: sởi, quai bị và rubella.
Người lớn và trẻ trên 12 tháng tuổi được khuyến khích tiêm chủng vắc xin 3 trong 1 MMR.
Lịch tiêm phòng 3 trong 1 cho trẻ:
- Tiêm chủng mũi đầu tiên cho trẻ vào khoảng từ 12 -15 tháng tuổi hoặc muộn hơn để tránh tương tác với kháng thể của mẹ truyền sang con.
- Mũi tiêm nhắc lại nên được chủng ngừa vào lúc 4-6 tuổi (độ tuổi đi học), hoặc sớm hơn nếu có dịch xảy ra và tiêm cách liều thứ 1 ít nhất 28 ngày. Mũi tiêm nhắc lại còn có tác dụng tạo ra biến đổi thể dịch cho những trẻ chưa đáp ứng với mũi tiêm lần trước.
Vắc xin 4 trong 1 Tetraxim phòng bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván – bại liệt
Vắc xin 4 trong 1 Tetraxim l phòng ngừa 4 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt ở trẻ em. Các bệnh này đều là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, dễ lây lan và bùng phát thành dịch.
Trẻ từ 2 tháng tuổi đến 13 tuổi được khuyến khích tiêm chủng vắc xin 4 trong 1 Tetraxim.
Lịch tiêm phòng vắc xin 4 trong 1 gồm 5 mũi và nên tiêm Tetraxim từ tháng thứ 2. Hai mũi tiếp theo tiêm cách nhau khoảng 1 đến 2 tháng. Hai mũi nhắc lại được tiêm khi trẻ 16 -18 tháng và 4 – 6 tuổi.
Sở dĩ cần có các mũi tiêm nhắc lại vì đối với một số vắc xin sau khi tiêm đủ liều cơ bản thì kháng thể chỉ có tác dụng bảo vệ trong một thời gian nhất định. Khi lượng kháng thể này giảm đi, cơ thể bé sẽ không có khả năng tự vệ trước sự tấn công của mầm bệnh. Do đó, không chỉ cần hoàn thành đủ 3 mũi tiêm cơ bản của vắc xin 4 trong 1 mà còn cần tiêm nhắc lại để hệ miễn dịch được tăng cường sức bảo vệ.
Vắc xin Vaxigrip phòng bệnh cúm
Vắc xin Vaxigrip là vắc xin phòng bệnh cúm tam giá được chỉ định phòng 3 chủng gồm 2 chủng cúm A là A/(H3N2), A/(H1N1) và 1 chủng cúm B (hoặc chủng Yamagata hoặc Victoria).
Trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn đặc biệt là ở những người có nguy cơ biến chứng cao được khuyến khích tiêm chủng vắc xin Vaxigrip.
Lịch tiêm vắc xin phòng cúm:
- Trẻ từ 6 tháng – dưới 9 tuổi chưa từng tiêm vắc xin cúm:
- Tiêm 2 mũi cách nhau tối thiểu 1 tháng.
- Sau đó tiêm nhắc lại 1 mũi hằng năm.
- Nên tiêm chủng nhắc lại hàng năm hoặc vào đầu các mùa có nguy cơ bùng phát dịch.
Vắc xin MENINGOCOCCAL A+C phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu nhóm A và C
Vắc xin Meningococcal giúp tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh viêm màng não do Meningococcus nhóm A và C.
Lưu ý:
- Vắc xin chỉ có tác dụng bảo vệ đối với Meningococcus nhóm A và C, không có hiệu quả bảo vệ đối với Meningococcus nhóm B.
- Vắc xin cũng không có tác dụng bảo vệ các bệnh viêm màng não do các nguyên nhân khác như: Hib, Streptococcus, Pneumoniae…
Vắc xin này được dùng cho người lớn và trẻ em từ 2 tuổi trở lên.
Lịch tiêm phòng cơ bản:
- Người lớn và trẻ em từ 2 tuổi trở lên đều chỉ tiêm 1 liều.
- Thời gian bảo vệ của vắc xin là 3 năm. Vì vậy sau 3 – 5 năm tiêm nhắc lại nếu cần thiết.
Vắc xin Jevax phòng bệnh viêm não Nhật Bản B
Viêm não Nhật Bản là căn bệnh nguy hiểm, rất khó phát hiện do triệu chứng ban đầu rất giống với các bệnh viêm nhiễm khác. Bệnh có thể gây tử vong chỉ trong 24h. Dù được điều trị kịp thời, bệnh vẫn có thể để lại nhiều di chứng nghiêm trọng như di chứng vận động, thần kinh, hô hấp, có trẻ phải sống nhờ máy móc suốt đời… trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Chính vì vậy phòng bệnh viêm não Nhật Bản bằng cách tiêm vắc xin là biện pháp quan trọng, hiệu quả và khả thi nhất hiện nay.
Người lớn và trẻ em từ 12 tháng tuổi trở lên được khuyến cáo tiêm vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản Jevax .
Lịch tiêm chủng cơ bản:
- Mũi 1: là liều đầu tiên khi tiêm.
- Mũi 2: sau mũi 1 khoảng 2 tuần.
- Mũi 3: sau mũi 2 là một năm.
- Sau 3 năm tiêm nhắc lại một liều để duy trì miễn dịch hoặc những người có thể trạng miễn dịch tốt thì tiêm nhắc lại trước khi có dịch viêm não xảy ra.
Vắc xin TYPHIM Vi phòng bệnh thương hàn
Thương hàn là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Salmonella typhi gây ra. Bệnh lây nhiễm qua đường tiêu hóa và phát triển nhanh thành dịch ở cả trẻ em và người lớn đều có thể trở thành đối tượng mắc bệnh nếu không được phòng bệnh đúng cách.
Bệnh thương hàn rất nguy hiểm với các triệu chứng sốt, đau đầu, rối loạn tiêu hóa, chảy máu cam… thậm chí nếu bệnh trở nặng có thể dẫn đến tử vong với các biến chứng nguy hiểm như: thủng ruột non, xuất huyết tiêu hóa, viêm túi mật, viêm não… Chính vì vậy việc phòng ngừa bệnh này là rất quan trọng.
Vắc xin Typhim Vi được chỉ định để dự phòng bệnh thương hàn cho người lớn và trẻ em trên 2 tuổi và người đi du lịch, dân di cư hoặc nhân viên y tế, quân nhân đi đến các vùng có dịch.
Lịch tiêm vắc xin chỉ cần một liều duy nhất và có tác dụng bảo vệ trong 3 năm.
Các mũi tiêm cho trẻ 6 tuổi là những mũi tiêm quan trọng giúp trẻ có khả năng phòng vệ trước các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm như thủy đậu, thương hàn, viêm màng não do não mô cầu, viêm não Nhật Bản, … Chính vì vậy cha mẹ nên lưu ý kiểm tra lại xem đã giúp con tiêm đủ vắc xin hay chưa nhé!
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.