Mộng thịt là sự tăng sinh kết mạc nhãn cầu mắt, thường xuất hiện ở góc trong hoặc góc bên ngoài của mắt. Căn bệnh này có thể tiến triển chậm trong nhiều năm hoặc tiến triển rất nhanh, một số trường hợp thị lực có thể bị suy giảm. Vậy căn bệnh này có nguy hiểm không và phương pháp điều trị nào là hiệu quả nhất? Tất cả vấn đề này sẽ được Docosan làm rõ trong bài chia sẻ dưới đây.
Tóm tắt nội dung
Mộng thịt là gì?
Mộng thịt (hay còn được gọi là mộng mắt, mộng thịt trong mắt) là một bệnh lý của mắt mà bất kỳ ai cũng đều có khả năng gặp phải. Đây là kết quả của sự tăng sinh kết mạc nhãn cầu ở góc trong hoặc góc ngoài mắt từ rìa hướng vào trung tâm giác mạc.
Về bản chất, mộng thịt là một khối u lành tính, có màu hồng và hơi nhô lên khỏi giác mạc. Đây là một mô mỏng có ranh giới rõ ràng, bao phủ một phần tròng trắng của mắt. Tuy mộng thịt tiến triển nhanh nhưng hoàn toàn không phải là khối u ung thư. Mộng thịt có thể phát triển chậm hoặc dừng lại tại một thời điểm nhất định. Trong trường hợp lan rộng, mộng thịt xâm lấn sâu vào giác mạc có thể che kín đồng tử (con ngươi) làm giảm thị lực.
Theo Cornand, bệnh mộng thịt đã được chia thành 3 cấp độ khác nhau tương ứng với mức độ nguy hiểm tăng dần:
- Cấp độ 1: Mộng thịt vượt ra phần rìa khoảng 1 – 2mm. Đầu mộng gồ lên trên giác mạc, thân mộng không quá dày và có chứa vài mạch máu chạy theo hướng giác mạc;
- Cấp độ 2: Đầu mộng xâm lấn vào giác mạc khoảng 2 – 4mm. Thân mộng dày nhiều mạch máu giãn;
- Cấp độ 3: Là giai đoạn mà mộng thịt đã gia tăng kích thước ở mức tối đa. Đầu mộng đã xâm lấn vào giác mạc vượt 4mm. Đồng thời, thân mộng dày đỏ, mạch máu dày đỏ và giãn rộng. Lúc này, thị lực bị suy giảm.
Mộng thịt thường gặp nhiều ở các đối tượng dành phần lớn thời gian hoạt động ngoài trời, đặc biệt là những người đam mê lướt sóng thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời gay gắt.
Dấu hiệu và triệu chứng của mộng thịt
Một số trường hợp mộng thịt không có biểu hiện gì và không gây khó chịu ở mắt.
Một trong những dấu hiệu nhận biết mộng thịt là sự xuất hiện của một khối trắng phát triển ở góc trong hoặc góc ngoài của mắt, với các mạch máu trên bề mặt khối. Có thể mộng thịt chỉ xuất hiện một bên mắt hoặc một số trường hợp mộng thịt xuất hiện ở cả mắt. Tùy vào mỗi giai đoạn và cơ địa mà kích thước mộng thịt sẽ lớn nhỏ khác nhau.
Một số triệu chứng rõ ràng như:
- Cảm giác trong mắt có một vật lạ gây cộm, xốn
- Đỏ mắt
- Ngứa mắt
- Đau rát vùng mắt
- Khô mắt
- Mắt bị kích ứng
- Sợ ánh sáng
- Thi thoảng chảy nước mắt
Nếu màng của mộng thịt tăng tưởng đi vào giác mạc thì có thể làm thay đổi hình dạng mắt và khiến thị lực bị suy giảm hoặc nhìn đôi.
Các triệu chứng này có thể gia tăng khi mộng thịt ở giai đoạn viêm nhiễm. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn xuất hiện triệu chứng đau tăng lên bởi các ổ loét nhỏ ở trên giác mạc xung quanh đầu mộng. Ở một thời điểm nhất định trong trường hợp bệnh diễn tiến nặng nề, mộng thịt có thể gây mù mắt, hạn chế cử động của mắt.
Nguyên nhân hình thành mộng thịt
Cho đến thời điểm hiện tại, giới y học hiện đại chưa thể đưa ra chính báo cáo chính xác về nguyên nhân gây hình thành mộng thịt. Tuy nhiên, vẫn còn có một số yếu tố nguy cơ được chứng minh có khả năng hình thành mộng thịt như:
Tia cực tím
Theo kết quả một nghiên cứu thống kê gần nhất cho biết, các đối tượng mắc bệnh mộng thịt là những người thường xuyên làm việc hay hoạt động dưới ánh nắng mặt trời, người sống trong vùng khí hậu nhiệt đới hoặc khí hậu khô, nhưng trong đó, tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời vẫn chiếm đa số, nghĩa là có tiếp xúc với lượng lớn tia cực tím.
Các yếu tố nguy cơ khác
Ngoài tia cực tím thì phấn hoa, cát, khói, bụi bẩn, độ ẩm thấp hay các chấn thương lên bề mặt nhãn cầu cũng là yếu tố được giới y học chứng minh có khả năng gây ra mộng thịt ở mắt.
Theo một nghiên cứu khác của thế giới cho biết, mộng thịt cũng có thể là một căn bệnh có tính di truyền, đặc biệt là gia đình có gene di truyền lặn. Tuy nhiê, số lượng tham gia nghiên cứu chưa đủ nhiều nên các nhà khoa học chưa thể đưa ra kết luận mộng thịt có liên quan đến yếu tố di truyền.
Mộng thịt xuất hiện trong mắt có nguy hiểm không?
Theo nhận định từ chuyên gia y tế, mộng thịt không phải là một bệnh lý nhãn khoa nguy hiểm nhưng có khả năng gây ra những triệu chứng khó chịu ở mắt cho bệnh nhân. Sự gia tăng kích thước mộng thịt quá nhanh sẽ khiến người bệnh cảm thấy khó chịu và có cảm giác cộm xốn trong mắt. Đến khi mộng thịt gây ra những triệu chứng nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, họ sẽ cần nhờ đến sự can thiệp của y khoa để loại bỏ chúng.
Ngoài cảm giác khó chịu, mộng thịt còn làm ảnh hưởng đến vấn đề thẩm mỹ. Người bị mộng thịt sẽ cảm thấy tự ti hơn khi tiếp xúc với mọi người. Điều này cũng một phần tác động đến yếu tố tâm lý, từ đó khiến người bệnh suy sụp và bệnh tình chuyển biến nặng nề hơn.
Chẩn đoán bệnh mộng thịt như thế nào?
Để chẩn đoán bệnh mộng thịt, bác sĩ nhãn khoa có thể dựa trên việc khám mắt tổng quát với một đèn khám chuyên dụng. Đây là một loại thiết bị cho phép bác sĩ quan sát tình trạng mắt với sự trợ giúp của việc phóng đại hình ảnh và ánh sáng chuyên dụng. Nếu cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện thêm một số xét nghiệm bổ sung khác như:
- Kiểm tra thị lực: Sử dụng một biểu đồ tiêu chuẩn hóa để bệnh nhân có thể nhìn thấy từ khoảng cách quy định;
- Đánh giá hình dạng giác mạc (Corneal Topography): Là một công cụ chẩn đoán cho phép bác sĩ nhìn nhận đúng về hình dạng giác mạc của bệnh nhân;
- Đo khúc xạ: Bác sĩ sử dụng một dụng cụ để đo các tật khúc xạ của bệnh nhân. Đó có thể là một máy (phoropter) có chứa các thấu kính được điều chỉnh hoặc một thiết bị cầm tay (retinoscope) và sử dụng ống kính cầm tay để xác định tật khúc xạ;
- Đo độ cong giác mạc (Keratometry): Là một dụng cụ cho phép bác sĩ xác định độ cong và độ bằng phẳng của giác mạc.
Dựa vào kết quả của việc đánh giá, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán xác định bệnh và phân chia mức độ của mộng thịt.
Phương pháp điều trị mộng thịt
Trong trường hợp mộng mắt mới xuất hiện, không đi kèm bất cứ triệu chứng nào và không ảnh hưởng đến giá trị thẩm mỹ thì bệnh nhân không cần phải tiến hành điều trị. Ngược lại, khi bệnh xuất hiện triệu chứng ở mức độ nhẹ hoặc trung bình thì cần sớm có những biện pháp khắc phục phù hợp. Bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc nhỏ mắt kết hợp với thuốc uống hoặc cắt mộng mắt đối với trường hợp nặng.
Điều trị nội khoa
Điều trị nội khoa (dùng thuốc) thường được bác sĩ Nhãn khoa chỉ định khi bệnh nhân có triệu chứng đau rát vùng mắt, mắt ngứa khó chịu nhưng chưa giảm thị lực. Thông thường là chỉ định dùng thuốc nhỏ mắt kê đơn hoặc không kê đơn như thuốc nhỏ mắt nôi trơn, nước mắt nhân tạo, thuốc nhỏ lắm làm co mạch, thuốc nhỏ mắt steroid, thuốc mỡ,…
Tuy nhiên, loại thuốc này chỉ có tác dụng giúp mắt đỡ khô và giảm sự khó chịu nhưng không có tác dụng đến sự phát triển của mộng thịt. Lúc này, bác sĩ có thể cân nhắc cho bệnh nhân dùng thuốc uống.
Lưu ý, bệnh nhân không được tự ý sử dụng thuốc Tây y khi chưa có sự cho phép của bác sĩ. Vì điều này có thể gây ra một số tác dụng phụ đến toàn bộ cơ thể, thậm chí khiến bệnh tình về mắt trở nên nghiêm trọng hơn.
Điều trị ngoại khoa
Khi mộng thịt phát triển kích thước và xâm lấn lên bề mặt lòng đen của mắt thì người bệnh cần nhờ đến sự can thiệp y tế. Điều này sẽ giúp bảo toàn thị lực cho mắt và phòng ngừa các biến chứng nặng nề, đặc biệt là mất thị lực vĩnh viễn.
Hiện nay có khá nhiều phương pháp phẫu thuật mộng thịt. Mỗi trường hợp cụ thể sẽ được bác sĩ cân nhắc và đưa ra phương án thực hiện phù hợp. Một số phương pháp điển hình như:
- Cắt mộng đơn thuần hoặc di chuyển hướng đi của mộng
- Cắt mộng có ghép kết mạc hoặc giác mạc lớp
- Cắt mộng thịt có kết hợp thuốc chống chuyển hóa (như 5FU, Mitomycin C, Thiothepa,…)
Trong đó, phương pháp cắt mộng có ghép mảnh kết mạc tự thân được chứng minh hiệu quả hơn hẳn, làm giảm tỷ lệ tái phát nên được đông đảo bệnh nhân lựa chọn.
Để đạt được kết quả tốt cũng như phòng tránh rủi ro không may xảy ra, người bệnh nên tìm đến các bệnh viện hay phòng khám có chuyên khoa mắt uy tín để thực hiện. Thông thường, phẫu thuật mộng thịt sẽ mất khoảng 30 – 45 phút.
Mặc dù cắt mộng thịt được đánh giá là phương pháp điều trị hiệu quả nhưng nó vẫn ẩn chứa một số rủi ro. Sau khi kết thúc phẫu thuật, bạn sẽ có cảm giác khô và kích ứng. Trường hợp xấu hơn là mộng mắt tái phát trở lại sau khi được phẫu thuật cắt bỏ. Lúc này, bác sĩ có thể cân nhắc đến việc kê đơn thuốc giảm đau hay một số loại thuốc khác giúp giảm nguy cơ mộng thịt phát triển trở lại.
Những biện pháp phòng ngừa bệnh mộng thịt
Trên thực tế, mộng thịt không cần điều trị cho đến khi xuất hiện triệu chứng khó chịu. Vì vậy, người bệnh sớm phát hiện và có những phác đồ điều trị bệnh phù hợp. Song song với việc điều trị, người bệnh cần kết hợp với biện pháp chăm sóc đôi mắt hàng ngày. Điều này không chỉ giúp làm nhẹ triệu chứng mà còn ngăn chặn biến chứng xuất hiện. Một số biện pháp phòng ngừa hiệu quả như:
- Nên sử dụng kính mát khi đi ra ngoài nhằm tránh ánh nắng mặt trời, gió bụi, cát mịn và phấn hoa;
- Thường xuyên rửa mắt bằng nước muối sinh lý hoặc nước mắt nhân tạo. Nếu cần thiết, có thể dùng thuốc uống bổ mắt theo sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa;
- Nếu tính chất công việc buộc bạn tiếp xúc thường xuyên với môi trường kích thích như ánh nắng, khói bụi, hóa chất, cát,… cần trang bị một số vật dụng cá nhân để hạn chế tối đa việc tiếp xúc;
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học và điều chỉnh lối sống lành mạnh.
Mộng thịt không phải là căn bệnh của mắt nguy hiểm nhưng nếu không có biện pháp điều trị và biện pháp ngăn chặn phù hợp thì có thể gia tăng triệu chứng khó chịu, thậm chí sinh ra biến chứng nguy hiểm. Tốt hơn hết, bạn cần chủ động thăm khám và điều trị bệnh từ sớm tại các bệnh viện hay phòng khám mắt uy tín.
Bài viết được tham khảo từ các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước cùng tham vấn y khoa từ Bác sĩ Trần Bảo Ngọc. Bài viết mang tính chất tham khảo và Docosan khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.
- Pterygium – healthline.com
- What Is Surfer’s Eye? – webmd.com