U xơ tử cung khi mang thai có nguy hiểm đến mẹ và bé hay không? U xơ tử cung là một bệnh u lành tính ở thành tử cung rất phổ biến ở phụ nữ tuổi sinh đẻ. Do vậy tình huống mẹ bầu có u xơ tử cung khi mang thai không phải là hiếm gặp. Hiểu đúng về bệnh và diễn tiến của bệnh, cũng như hướng xử trí khi mắc phải tình huống này sẽ giúp các mẹ bầu an tâm hơn. Doctor có sẵn mời bạn tham khảo bài viết này để tìm hiểu chủ đề u xơ tử cung khi mang thai.
Tóm tắt nội dung
U xơ tử cung và mang thai
U xơ tử cung khi mang thai phổ biến hơn chúng ta tưởng. Ước tính có đến 1/5 phụ nữ trên thế giới bị u xơ tử cung khi mang thai. Nhưng hầu hết họ không nhận biết điều này vì khối u chỉ có kích thước nhỏ và gây những triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng bất thường nào.
Khối u xơ có bản chất là một nhóm các sợi cơ trơn của thành tử cung trở nên nhạy cảm hơn với các kích thích từ nội tiết tố nữ estrogen. Sự tăng trưởng về kích thước của khối u được thúc đẩy bởi tình trạng nồng độ estrogen trong máu cao. Điển hình cho hiện tượng này là trong thời kỳ mang thai, khi lượng estrogen tăng rất cao.
Đa số các u xơ tử cung khá lành tính với kích thước nhỏ, có thể không ảnh hưởng gì đến quá trình thụ thai, mang thai và sinh nở. Những khối u này theo tiến triển thông thường sẽ giảm kích thước dần sau tuổi mãn kinh, khi buồng trứng không còn duy trì lượng estrogen cao trong máu nữa.
Tuy nhiên, phụ nữ có u xơ tử cung cần được theo dõi sát sự phát triển của khối u trước và trong suốt thai kỳ. Cụ thể, phụ nữ có u xơ tử cung to và đang mang thai sẽ tiềm ẩn những biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi và cả mẹ.
Nguyên nhân
Nội tiết tố nữ estrogen được cho là nguyên nhân chính gây ra sự tăng sinh về mặt số lượng của nhóm tế bào cơ trơn trong thành tử cung, hình thành nên u xơ tử cung. Thật ra, tên gọi “u xơ tử cung” không thật sự chính xác vì bản chất của khối u lành tính này xuất phát từ tế bào cơ trơn, không phải các mô sợi.
Estrogen là hormon sinh dục nữ được sản xuất bởi buồng trứng. Trong thai kỳ, estrogen tăng cao và làm u xơ tử cung đã hiện diện sẵn thay đổi kích thước và mật độ.
Biểu hiện của u xơ tử cung khi mang thai
Phụ nữ có u xơ tử cung có thể không nhận biết sự hiện diện của khối u này trong cơ thể mình. Nhưng trong thời kỳ mang thai, khối u tăng trưởng đáng kể về kích thước, tạo ra sự cạnh tranh trực tiếp về không gian và chức năng với thai nhi và các cấu trúc giải phẫu xung quanh. Do đó, nhiều trường hợp phụ nữ chỉ đến khi mang thai và có một số triệu chứng thì mới phát hiện u xơ tử cung.
Một số dấu hiệu nhận biết u xơ tử cung khi mang thai bao gồm:
- Đau thắt lưng, đau vùng chậu
- Căng tức vùng bụng dưới
- Chảy máu và đau vùng âm đạo
- Đi tiểu thường xuyên hơn
- Đau khi quan hệ tình dục
U xơ tử cung có thể ảnh hưởng đến thai kỳ như thế nào?
U xơ tử cung khi mang thai tiềm ẩn những nguy cơ gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe của thai và mẹ, thậm chí là ảnh hưởng đến tính mạng. Tuy nhiên, không phải mẹ bầu nào có u xơ tử cung cũng trải qua những biến chứng này.
Nhiều trường hợp khối u xơ không ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển theo thời gian của thai nhi cũng như quá trình chuyển dạ. Điều này có thể được giải thích bởi sự thay đổi mật độ của khối u khi mẹ mang thai. Tuy giai đoạn này, khối u tăng trưởng về kích thước, nó cũng trở nên mềm hơn. Khối u có thể bị ép dẹp lại khi thai lớn dần và khi chuyển dạ.
Nhưng không vì thế mà các mẹ bầu trở nên chủ quan. Mọi thai kỳ đi kèm với u xơ tử cung cần được theo dõi sát. Một số biến chứng nguy hiểm có xảy ra bao gồm:
Nguy cơ trong thời kỳ có thai
- Sảy thai
- Sinh non
- Xoắn cuống nhân xơ
Nguy cơ trong thời kỳ chuyển dạ
- Rối loạn cơn gò tử cung khi chuyển dạ
- Khối u tiền đạo, làm sinh ngã âm đạo trở nên khó khăn
- Cản trở nhau bong ra do rối loạn cơn gò tử cung
- Băng huyết sau sinh do tử cung không co hồi tốt
- Hoại tử nhiễm khuẩn
Mẹ bầu nên làm gì khi phát hiện u xơ tử cung?
Tương tự như thái độ xử trí đối với phụ nữ mắc u xơ tử cung khi không mang thai, nội dung chính trong xử trí u xơ tử cung khi mang thai cũng là “chú ý theo dõi kỹ”. Không phải mẹ bầu nào có u xơ tử cung cũng cần can thiệp.
Nhiều trường hợp khối u diễn tiến rất lành tính, không ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe mẹ và thai. Tiến hành can thiệp loại bỏ khối u trong những tình huống này chỉ làm tăng nguy cơ gây hại cho mẹ và con.
Các mẹ bầu sẽ được tư vấn về tình trạng của mình và nguy cơ tiềm ẩn. Các chị em nên bình tĩnh và nghe theo hướng dẫn của bác sĩ. Mẹ bầu và gia đình không nên cảm thấy lo lắng về cách xử trí “chú ý theo dõi kỹ” này mà lại tìm đến những phương pháp chữa trị phản khoa học.
Thông thường, bà bầu chỉ cần nghỉ ngơi nhiều hơn và ăn uống hợp lý, tin tưởng và tuân thủ những chỉ dẫn của bác sĩ, theo dõi sự thay đổi của các triệu chứng liên quan u xơ tử cung. Nếu có bất kỳ bất thường nào, hãy gọi bác sĩ của bạn để được tư vấn hoặc đến cơ sở y tế chuyên khoa càng sớm càng tốt.
Phụ nữ u xơ tử cung khi mang thai nên ăn gì?
Phụ nữ u xơ tử cung mang thai cần đảm bảo một chế độ ăn uống lành mạnh. Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy yếu tố dinh dưỡng có tác động lớn tới sự phát triển của khối u xơ tử cung.
Mẹ bầu nên kiêng các thức ăn giàu chất béo, nhiều dầu mỡ, các loại thịt đỏ, nội tạng động vật. Đây là các thực phẩm chứa nhiều chất oxy hóa và nội tiết tố, tạo điều kiện thuận lợi cho sự tăng trưởng của u xơ.
Những thực phẩm được khuyến cáo dành cho phụ nữ u xơ tử cung khi mang thai bao gồm:
- Rau củ và trái cây, đặc biệt là bông cải xanh và các thực phẩm có màu cam, màu đỏ chứa nhiều vitamin A, vitamin C
- Thay vì thịt đỏ, hãy dùng thịt trắng như thịt gà, thịt vịt
- Các món cá
- Nước trà xanh giúp giải độc cơ thể
Điều cần lưu ý là khi mang thai, nhu cầu năng lượng của mẹ bầu tăng lên đáng kể so với trước khi mang thai. Mỗi bữa ăn của mẹ bầu cần đảm bảo đủ các thành phần dinh dưỡng và đủ lượng calo cần thiết.
Phụ nữ mắc u xơ tử cung khi mang thai là một tình huống phổ biến. Đa số trường hợp ảnh hưởng không đáng kể đến mẹ và thai, nhưng vẫn tồn tại những nguy cơ nhất định. Mẹ bầu cần bình tĩnh và làm theo những hướng dẫn của bác sĩ, tránh tìm đến những bài thuốc hay phương án chữa trị khác khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.