“Suy dinh dưỡng thể béo phì”, chắc hẳn rằng không ít phụ huynh bất ngờ khi nghe đến cụm từ này bởi thường suy dinh dưỡng chủ yếu chỉ xảy ra ở các bé ốm yếu, gầy gò. Thật vậy, trẻ đôi khi có thể trạng béo phì nhưng lại không được bổ sung đầy đủ các dưỡng chất, nguyên nhân là do chế độ ăn uống không khoa học và sự hiểu biết chưa đầy đủ về dinh dưỡng của cha mẹ. Vậy thể nào là suy dinh dưỡng thể béo phì? Mời bạn đọc cùng Docosan tìm hiểu về chủ đề này qua bài viết sau đây.
Tóm tắt nội dung
Suy dinh dưỡng thể béo phì là gì?
Suy dinh dưỡng thể béo phì là tình trạng mất cân bằng các nhóm dưỡng chất, trẻ được nuôi dưỡng chủ yếu từ thực phẩm có nguồn gốc chất béo, chất đạm, chất bột đường mà quên bổ sung các các thực phẩm chứa những vi chất thiết yếu quan trọng cho sự phát triển của trẻ như vitamin D, sắt, kẽm, canxi,… Tình trạng này rất khó phát hiện và thường chỉ được chẩn đoán khi mẹ đưa bé đi khám dinh dưỡng. Bởi cha mẹ thường cho rằng bé mũm mĩm, bụ bẩm là hoàn toàn khỏe mạnh, không đáng lo ngại.
Nguyên nhân suy dinh dưỡng thể béo phì
Trẻ bị suy dinh dưỡng thể béo phì có rất nhiều nguyên nhân gây nên, một trong số đó có thể kể đến là:
- Yếu tố di truyền: trẻ bị có thể mắc cách bệnh về chuyển hóa dấn đến không thể hấp thu đầy đủ các chất dinh dưỡng do di truyền nếu ở cả bố và mẹ đều mắc chứng bệnh này.
- Chế độ dinh dưỡng không khoa học: đây là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất. Yếu tố dinh dưỡng đóng vai trò quyết định trong vấn đề sức khỏe của trẻ. Một chế độ dinh dưỡng khoa học không chỉ bao gồm các dưỡng chất căn bản như chất đạm, chất béo, chất đường bột mà còn có cả các chất dinh dưỡng vi lượng. Trẻ cần cung cấp đầy đủ các nhóm chất để phát triển toàn diện chứ không chỉ trở nên bụ bẫm, mũm mỉm bởi các chất béo, đường bột, chất đạm.
- Không chú ý vận động thể lực: ngày nay các bậc cha mẹ thường không để tâm đến vấn đề sức khỏe thể lực của trẻ thông qua việc tập luyện thể dục thể thao hàng ngày. Việc trẻ ít vận động sẽ làm cho năng lượng bị tích trữ tạo thành những khối mỡ lưu lại trong cơ thể. Đặc biệt ở những phụ huynh dùng máy tính, điện thoại để trông trẻ, không dành thời gian các hoạt ngoài trời với con.
- Liên quan đến nội tiết: các vấn đề về nội tiết tố cũng cần được nhắc đến. Chúng ta không thể đổ lỗi hoàn toàn cho chế độ ăn hoặc vận động mà đôi khi trẻ mắc các bệnh về rối loạn nội tiết tố như tuyến giáp, tuyến thượng thận cũng có thể gây nên tình trạng suy dinh dưỡng thể béo phì.
Các nguyên nhân trên là những vấn đề thường gặp ở trẻ mắc chứng suy dinh dưỡng thể béo phì, tuy nhiên việc thực hiện một chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học lại là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng thể béo phì. Trẻ có thể mắc các bệnh hoặc hội chứng ảnh hưởng sức khỏe, tuy nhiên một chế độ ăn uống khoa học dưới sự hướng dẫn của bác sĩ có thể giúp bé có được thể trạng bình thường như bao đứa trẻ khác. Do đó cha mẹ cần chú trọng vấn đề dinh dưỡng càng sớm càng tốt.
Biển hiện của suy dinh dưỡng thể béo phì
Do tình trạng bụ bẫm, mủm mỉm của trẻ mà hầu hết các bậc phụ huynh đều nghĩ con em mình khỏe mạnh nên việc nhận biết trẻ bị suy dinh dưỡng thể béo phì rất khó khăn. Do đó trẻ thường được phát hiện khi bố mẹ đưa bé đến thăm khám bác sĩ dinh dưỡng. Tuy nhiên một số dấu hiệu chỉ điểm sau đây có thể giúp bố mẹ nghĩ đến tình trạng suy dinh dưỡng thể béo phì hiện hữu ở trẻ:
- Quá trình trường thành của trẻ thường chậm hơn so với các bé cùng trang lứa.
- Thóp mềm, chậm liền thóp.
- Trẻ hay quấy khóc, ngủ không yên giấc mà không giải thích được.
- Ra mồ hôi trộm.
- Da xanh, nhợt nhạt.
Hầu như trong giai đoạn đầu suy dinh dưỡng thể béo phì không thể hiện bất kỳ triệu chứng gì nghiêm trọng dễ nhận biết. Tuy nhiên tình trạng này có thể để lại di chứng lâu dài như biến dạng lồng ngực, chân vòng kiềng, gù vẹo cột sống,… từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của trẻ sau này.
Phòng ngừa suy dinh dưỡng thể béo phì
Điều đầu tiên giống như với bất kỳ loại suy dinh dưỡng nào, trẻ đều cần bổ sung đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng để phát triển toàn diện. Việc bổ sung dinh dưỡng cho trẻ không chỉ bắt đầu từ khi trẻ sinh ra mà nên được áp dụng ngày từ khi trẻ còn trong bụng mẹ bởi đây là giai đoạn quan trọng không kém trong quá trình phát triển cả về trí não lẫn thể trạng của bé. Một số phương pháp phòng ngừa mà chúng tôi đề cập sau đây có giúp con bạn tránh được suy dinh dưỡng thể béo phì:
- Trong thai kỳ, mẹ bầu cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng đặc biệt là các vi lượng cần thiết theo yêu cầu của bác sĩ và đặc biệt chú ý không tự ý bổ sung mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ bởi trong quá trình mang thai một số chất dinh dưỡng vi lượng như vitamin A liều cao có thể gây dị tật thai nhi.
- Sau khi chào đời, trong 6 tháng đầu tiên sữa mẹ luôn là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ. Do đó khuyến cáo các gia đình nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu.
- Ba mẹ nên xây dựng cho trẻ thực đơn cho trẻ gồm đầy đủ các nhóm chất như đạm, béo, đường bột và vitamin đồng thời tạo thói quen tập luyện thể dục thể thao đều đặn để duy trì cân nặng trong mức bình thường.
- Hạn chế các đồ ăn nhanh, đồ ăn dầu mỡ.
- Các hoạt động ngoài trời giúp trẻ phát triển trí não toàn diện đồng thời giúp tạo nên hệ miễn dịch khỏe mạnh đề kháng với các bệnh thường gặp.
- Đến thăm khám, theo dõi sức khỏe định kỳ tại các bác sĩ chuyên khoa nhi để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Suy dinh dưỡng thể béo phì là một trong những tình trạng dinh dưỡng hay gặp ở trẻ và thường do sự hiểu biết chưa đầy đủ về dinh dưỡng của các bậc phụ huynh. Tình trạng này hoàn toàn có thể cải thiện được thông qua việc thay đổi chế độ dinh dưỡng khoa học kết hợp với việc sinh hoạt lành mạnh.