Viêm phế quản ở người lớn và những điều cần biết

Viêm phế quản ở người lớn là một bệnh lý ở đường hô hấp khá thường gặp, quá trình viêm gây tăng tiết đàm và thu hẹp lòng phế quản, dẫn đến các triệu chứng ho khạc đàm, khò khè, có thể gây khó thở. Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu về căn bệnh viêm phế quản ở người lớn.

Phế quản nằm ở đâu trong cơ thể?

Phế quản là một hệ thống đường dẫn khí thuộc đường hô hấp dưới, tiếp nối với khí quản ở trên, ở dưới phân thành nhiều nhánh nhỏ tạo thành cây phế quản, đi vào hai bên phổi và tận cùng ở các phế nang. Phế nang chính là nơi diễn ra sự trao đổi khí-máu cho cơ thể, giúp đưa oxy đến khắp các tế bào trong cơ thế, và các phế quản có nhiệm vụ dẫn không khí đi đến. Khi có các bất thường xảy ra ở phế quản, sẽ làm tiết nhầy và giới hạn luồng khí đi vào các phế nang.

viêm phế quản ở người lớn
Vị trí phế quản

Phân loại viêm phế quản ở người lớn và triệu chứng

Có nhiều cách phân loại các thể viêm phế quản, nếu dựa vào thời gian diễn tiến bệnh thì có thể chia thành viêm phế quản cấp tính và viêm phế quản mãn tính

Viêm phế quản cấp tính

Viêm phế quản cấp tính thường có nguyên nhân chủ yếu là do virus, một số trường hợp là vi khuẩn. Nhìn chung bệnh giống như cảm cúm thông thường với các triệu chứng kéo dài khoảng 1 tuần đến 10 ngày, trước khi khởi bệnh vài ngày thường có các triệu chứng của viêm đường hô hấp trên như sổ mũi, nghẹt mũi,..

Các triệu chứng của viêm phế quản cấp tính là:

  • Sốt nhẹ
  • Mệt mỏi, đau nhức cơ
  • Ho khan hoặc ho có đàm
  • Thở khò khè, có thể có khó thở
  • Đau, nặng ngực
viêm phế quản ở người lớn
Viêm phế quản gây ho

Bệnh có thể tự phục hồi sau 7-10 ngày, tuy nhiên, mặc dù đã khỏi bệnh nhưng triệu chứng ho có thể tồn tại lâu hơn và khỏi sau cùng, khoảng 2-3 tuần sau đó. Bệnh thường gặp ở trẻ em nhiều hơn.

Viêm phế quản mãn tính

Viêm phế quản mãn tính gây ra những ảnh hưởng nặng nề đến chức năng phổi hơn là viêm phế quản cấp tính, vì quá trình viêm kéo dài có thể làm thay đổi cấu trúc của phế quản, dẫn đến tắc nghẽn không phục hồi. Viêm phế quản mãn tính đơn thuần thường ít gắp, mà thường nằm trong bệnh cảnh bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).

Khác với viêm phế quản cấp tính, viêm phế quản mãn tính có nguyên nhân hàng đầu là khói thuốc lá, kể cả hít chủ động hay thụ động. Bên cạnh đó, còn do các yếu tố môi trường như khói bụi ô nhiễm, các chất khí đốt trong sinh hoạt và nghề nghiệp, tùy theo liều lượng và thời gian tiếp xúc. Bệnh thường gặp ở người trung niên, đặc biệt có hút thuốc.

Viêm phế quản mãn tính được biểu hiện bằng các triệu chứng ho dai dẳng, khạc đàm kéo dài ít nhất 3 tháng trong 1 năm, và liên tục trong 2 năm liên tiếp. Bên cạnh đó, có thể xuất hiện các triệu chứng khác như:

  • Thở khò khè, khó thở
  • Nặng, đau ngực
viêm phế quản ở người lớn
Viêm phế quản mãn tính

Trong quá trình diễn tiến tự nhiên của bệnh, khi gặp các yếu tố thuận lợi như nhiễm virus, thời tiết thay đổi, sẽ gây ra các đợt viêm phế quản cấp tính, khiến các triệu chứng ban đầu trở nên nặng hơn, như khó thở hơn, ho nhiều hơn, đàm thay đổi màu, có sốt,..

Chẩn đoán viêm phế quản ở người lớn như thế nào?

Khi đến các cơ sở y tế, người bệnh sẽ được các bác sĩ thăm khám và có thể thực hiện một số xét nghiệm cần thiết để định bệnh, từ đó có hướng điều trị phù hợp.

Đối với viêm phế quản cấp tính

  • Xét nghiệm máu: để xem xét sự nhiễm trùng, dị ứng,..
  • Xquang phổi: để tìm các tổn thương ở đường hô hấp, phổi
  • Xét nghiệm đàm: thường không cần thiết, chỉ làm khi không đáp ứng với thuốc điều trị

Đối với viêm phế quản mãn tính

  • Chức năng phổi: đo hô hấp ký để kiểm tra chức năng phổi, cũng như biết được loại hình tổn thương ở phổi ( ví dụ như tắc nghẽn, hạn chế,..)
  • Xquang phổi: để tìm các tổn thương ở đường hô hấp, phổi
  • Một số xét nghiệm hình ảnh học khác tùy từng trường hợp, chủ yếu để chẩn đoán phân biệt với các bệnh khác: MRI, CT Scan,..
  • Nội soi tai mũi họng, dạ dày để loại trừ các bệnh lý về mũi xoang, trào ngược dạ dày thực quản,..
viêm phế quản ở người lớn

Hướng điều trị viêm phế quản ở người lớn

  • Ngưng hút thuốc và các yếu tố nguy cơ khác
  • Uống nhiều nước
  • Thuốc giảm đau, giảm sốt nếu có triệu chứng
  • Thuốc kháng sinh: chỉ dùng trong các trường hợp nghi ngờ hoặc có bằng chứng của nhiễm vi khuẩn như sốt cao, các triệu chứng nặng, thay đổi tính chất đàm,..
  • Thuốc kháng viêm: giảm phù nề và viêm của đường thở
  • Thuốc loãng đàm: giúp đàm loãng dễ tống xuất ra ngoài hơn
  • Thuốc giảm ho dùng rất hạn chế
  • Cung cấp Oxy nếu có khó thở, nồng độ oxy trong máu thấp
  • Thuốc giãn phế quản dạng hít: giúp mở rộng đường thở, dùng khi có các triệu chứng khò khè khó thở
viêm phế quản ở người lớn

Xem thêm: Chữa viêm phế quản bằng bài thuốc dân gian

Cách phòng ngừa viêm phế quản ở người lớn

  • Giữ ấm cơ thể khi thời tiết lạnh, thời tiết thay đổi
  • Ngưng hút thuốc lá
  • Che chắn kỹ khi tiếp xúc với khói bụi ô nhiễm, những người nghi đang mắc các bệnh đường hô hấp
  • Vệ sinh tay thường xuyên, hạn chế đưa tay lên mắt, mũi, miệng
  • Tránh tiếp xúc với các chất gây dị ứng
  • Điều trị tốt các bệnh lý mãn tính cũng như các bệnh lý về đường hô hấp sẵn có
  • Tiêm phòng các vaccine ngừa các chủng gây bệnh đường hô hấp như vaccine cúm,..
  • Vận động cơ thể, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để tăng cường sức khỏe
viêm phế quản ở người lớn
Ngưng hút thuốc lá để phòng ngừa viêm phế quản mãn tính

Lời kết

Viêm phế quản ở người lớn là bệnh lý hô hấp thường gặp, viêm phế quản cấp tính hầu hết là do virus gây nên, diễn tiến tốt và có thể tự phục hồi, tuy nhiên viêm phế quản mãn tính có thể ảnh hưởng đến chức năng phổi không phục hồi, và ngưng hút thuốc lá là một trong những biện pháp tốt nhất để ngăn ngừa. Hãy đến các cơ sở y tế khi có các triệu chứng đã được nêu trên để được thăm khám và đưa ra điều trị phù hợp.

Tài liệu tham khảo: nhs.uk, msdmanuals.com

Contact Me on Zalo