Viêm phế quản co thắt là một bệnh hô hấp thường gặp, trẻ nhỏ gặp nhiều hơn người lớn. Trong bài viết này, Docosan sẽ đem đến cho bạn thêm kiến thức về bệnh và cách phòng ngừa hiệu quả.
Tóm tắt nội dung
Phế quản nằm ở đâu trong cơ thể?
Phế quản là một hệ thống đường dẫn khí thuộc đường hô hấp dưới, tiếp nối với khí quản ở trên, ở dưới phân thành nhiều nhánh nhỏ tạo thành cây phế quản, đi vào hai bên phổi và tận cùng ở các phế nang. Phế nang chính là nơi diễn ra sự trao đổi khí-máu cho cơ thể, giúp đưa oxy đến khắp các tế bào trong cơ thế, và các phế quản có nhiệm vụ dẫn không khí đi đến. Khi có các bất thường xảy ra ở phế quản, sẽ làm tiết nhầy và giới hạn luồng khí đi vào các phế nang.
Bệnh viêm phế quản co thắt là gì?
Viêm phế quản co thắt, hay còn được gọi là viêm phế quản thể hen, là viêm phế quản kéo dài, giống như hen phế quản (suyễn) nhưng chưa đủ bằng chứng để chẩn đoán là hen. Bệnh thường xảy ra ở trẻ nhỏ, hơn là người lớn. Đây là tình trạng lòng phế quản bị thu hẹp, giảm đường kính lòng ống do sự co thắt các cơ trơn thành phế quản đáp ứng với phản ứng viêm.
Đồng thời, sự chít hẹp phế quản còn bị thúc đẩy bởi việc tăng tiết đàm nhớt, dẫn đến làm trầm trọng sự cản trở lưu thông không khí ra và vào phổi. Từ đó, tạo nên các triệu chứng điển hình của bệnh như sốt, khó thở, thở rít, khò khè, ho khạc đàm…
Nguyên nhân gây viêm phế quản co thắt
Các nguyên nhân gây bệnh có thể là một yếu tố nhiễm trùng đường hô hấp, hoặc một tác nhân dị nguyên kích hoạt phản ứng viêm trên một cơ địa dị ứng sẵn có:
- Nguyên nhân chiếm hàng đầu đó là do nhiễm siêu vi (virus) hợp bào hô hấp RSV, và sau đó bội nhiễm các vi khuẩn như tụ cầu vàng, phế cầu, liên cầu sống kí sinh trong vùng hầu họng, họng mũi của con người…
- Thời tiết: Sự thay đổi thời tiết, đặc biệt là vào những ngày giao mùa cuối đông – đầu xuân khi nhiệt độ thay đổi đột ngột.
- Phấn hoa, mùi nồng, khói thuốc lá, lông động vật nuôi trong nhà, bụi mịn…
- Stress trong cuộc sống, công việc,…
Dấu hiệu nhận biết viêm phế quản co thắt
- Các dấu hiệu của nhiễm siêu vi viêm long hô hấp trong vài ngày đầu, như: sốt nhẹ, ho, sổ mũi…
- Thở khò khè: Tiếng khò khè được phát ra do luồng khí đi qua lòng ống bị thu hẹp đột ngột và phát ra từ lồng ngực. Đối với trẻ nhỏ, bạn sẽ cảm nhận được khi bế áp lồng ngực bé và lồng ngực mình. Cần chú ý phân biệt với tiếng khụt khịt mũi do viêm mũi.
- Cảm thấy tức ngực.
- Khó thở hoặc thở nhanh. Ở trẻ nhỏ có thể quan sát thấy trẻ thở co lõm lồng ngực.
- Ho khạc đàm, đàm đổi màu (màu xanh, vàng, trắng…) hoặc ho nhiều, tiếng ho cảm giác vướng đàm ở cổ họng…
- Buồn nôn, nôn ói sau ăn.
Các triệu chứng trên thường tái đi tái lại nhiều lần, kèm theo các dấu hiệu của các bệnh lý dị ứng khác như chàm da, viêm da cơ địa, viêm mũi dị ứng, dễ hắt hơi nhảy mũi khi ngửi mùi nồng, khi tiết trời thay đổi…
Ở trẻ càng nhỏ, thì các triệu chứng càng mơ hồ, và chính vì vậy, bạn nên đưa trẻ đến khám bác sĩ ngay khi có các bất thường, hoặc khi bạn (người chăm sóc trực tiếp cho trẻ) cảm thấy rằng sức khỏe của trẻ không ổn.
Khi nào nên đến gặp bác sĩ?
Viêm phế quản co thắt thường không diễn tiến nặng, các triệu chứng cũng gần như thân thuộc và tái đi tái lại nhiều lần. Nếu các triệu chứng đột ngột trở nặng, hoặc xảy ra nhanh, bé tím tái, khó thở nặng, cần đưa đến ngay cơ sở y tế gần nhất và chú ý phân biệt với các nguyên nhân gây khó thở khác, như sặc thức ăn/dị vật đường thở, đợt cấp hen phế quản, viêm phổi…
Ngoài ra, một số triệu chứng khác, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám kỹ lưỡng hơn:
- Ho dai dẳng, không giảm.
- Ho có đàm, đàm đổi màu.
- Sốt cao liên tục, trẻ đừ và li bì hơn.
- Khó thở đột ngột, tiến triển nhanh, trẻ tím tái.
- Khó thở nặng dần, thở khò khè liên tục, thở nhanh. Ở trẻ nhỏ quan sát thấy trẻ thở co kéo lồng ngực, rút lõm ngực.
- Trẻ nhỏ quấy khóc vô cớ, bỏ ăn bỏ bú, nôn ói tất cả mọi thứ.
- Người lớn có kèm bệnh nền, đặc biệt là các bệnh tim mạch – chuyển hoá và hô hấp.
- Người lớn tuổi > 75 tuổi, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ.
Nguyên tắc điều trị bệnh viêm phế quản co thắt
Trong điều trị bệnh viêm phế quản co thắt gồm có 2 nhóm thuốc chính: điều trị nguyên nhân và điều trị triệu chứng bệnh.
Để điều trị nguyên nhân, đối với nhiễm siêu vi, hiện chưa có thuốc đặc hiệu, nhưng tình trạng nhiễm siêu vi này cũng thường sẽ giảm và lui dần trong 5-7 ngày. Một số thuốc kháng sinh có thể được chỉ định nếu bác sĩ nghĩ đến nguyên nhân nhiễm các vi khuẩn khác. Các nhóm kháng sinh thường dùng là nhóm beta-lactam, macrolide, cephalosporin…
Việc sử dụng kháng sinh cần có chỉ định của bác sĩ, bạn nên uống đúng liều lượng và đúng thời gian để đảm bảo hiệu quả cao nhất, cũng như tránh hiện tượng đề kháng kháng sinh về sau.
Một số triệu chứng thường gặp như ho đàm, sốt,… sẽ được điều chỉnh bằng các thuốc thông dụng giúp long đàm, giảm đau họng, hạ sốt. Đối với trẻ nhỏ, cần chú ý liều lượng phù hợp với cân nặng của trẻ khi sử dụng thuốc.
Các biện pháp phòng ngừa bệnh viêm phế quản co thắt hiệu quả
Để phòng ngừa bệnh, bạn cần lưu ý các điểm sau đây:
- Giữ nhà cửa, nơi ở sạch sẽ, thông thoáng. Giặt chăn, drap, gối, đệm thường xuyên và phơi khô dưới ánh nắng mặt trời.
- Hạn chế tiếp xúc với vật nuôi, thú cưng như chó mèo, với khói bụi, khói thuốc lá, hoặc các mùi/dược liệu có mùi nồng.
- Thường xuyên đeo khẩu trang khi đi ra đường hoặc tiếp xúc với khói, bụi.
- Giữ ấm vùng mũi họng khi thời tiết thay đổi.
- Không hút thuốc lá, tránh xa người hút thuốc.
- Chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Tăng cường các thực phẩm chứa nhiều vitamin và chất khoáng, đặc biệt là vitamin C.
- Tiêm vắc xin ngừa cúm và các bệnh đường hô hấp thường gặp hoặc đang lưu hành tại địa phương.
Lời kết
Viêm phế quản co thắt là một bệnh lý thường gặp, đặc biệt ở trẻ nhỏ có cơ địa dị ứng. Cách nhận biết bệnh và các nguyên nhân, cũng như từ đó chúng tôi đưa ra các biện pháp phòng ngừa bệnh, hy vọng đã đem đến những kiến thức bổ ích cho quý bạn đọc, giúp bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho bản thân cũng như những người xung quanh.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.
Nguồn tham khảo: nlm.nih.gov; lung.org