Hội chứng OCD là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Hội chứng OCD hay rối loạn ám ảnh cưỡng bức (OCD – Obsessive compulsive disorder) là một rối loạn sức khỏe tâm thần ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi và mọi tầng lớp xã hội. Bạn là người thích sự ngăn nắp, sắp xếp mọi thứ theo trật tự và gọn gàng, và tự hỏi liệu rằng mình có đang mắc chứng OCD? Hầu hết mọi người đều có những suy nghĩ ám ảnh và/hoặc hành vi cưỡng bức tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời, nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả chúng ta đều mắc “OCD”. Vậy OCD là gì? Hãy cùng Docosan tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Hội chứng OCD là hội chứng gì?

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là một bệnh tâm lý có thể nhận biết bằng những suy nghĩ (ám ảnh). OCD cũng có thể thôi thúc bạn thực hiện một số hành động lặp đi lặp lại một cách vô lý (cưỡng chế hay cưỡng bức).

OCD không phải là những thói quen như cắn móng tay hoặc suy nghĩ tiêu cực. Bạn có thể có những suy nghĩ ám ảnh như một số hoặc một màu sắc nhất định là “tốt” hoặc “xấu” ví dụ màu đen hoặc số 13 là xấu. Hay một thói quen cưỡng bức như rửa tay bảy lần sau khi chạm vào thứ gì đó có thể bị bẩn. Mặc dù bạn không muốn nghĩ hoặc làm những điều này, nhưng bạn cảm thấy mình không thể dừng lại.

OCD là một rối loạn tâm lý mạn tính, lâu dài, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn cũng nhưng những người xung quanh.

OCD là bệnh tâm lý có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày
OCD là bệnh tâm lý có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày

Nguyên nhân và các yếu tố rủi ro gây ra hội chứng OCD

Mặc dù nguyên nhân chính xác của OCD vẫn chưa được biết, nhưng có nhiều yếu tố rủi ro làm tăng khả năng mắc chứng rối loạn này.

  • Yếu tố di truyền: Mặc dù hiện nay chưa xác định được bất kỳ gen hoặc nhóm gen nào chắc chắn dẫn đến OCD, tuy nhiên các nghiên cứu đã chỉ ra rằng cha mẹ hoặc anh chị em ruột mắc OCD làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn này.
  • Yếu tố liên quan đến não bộ: Những người mắc OCD thường có sự khác biệt ở những vùng não ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát hành vi và phản ứng cảm xúc.
  • Yếu tố tâm lý: Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người có hành vi dè dặt, trải qua những cảm xúc tiêu cực và biểu hiện các triệu chứng lo lắng và trầm cảm khi còn nhỏ có nhiều khả năng mắc OCD hơn.
  • Chấn thương thời thơ ấu: Chấn thương thời thơ ấu cũng có mối liên hệ đến các triệu chứng ám ảnh cưỡng bức.

Hội chứng OCD có nguy hiểm không? Một số biến chứng

Các vấn đề do rối loạn ám ảnh cưỡng bức xảy ra không rõ ràng, tuy nhiên nếu các dấu hiệu này xảy ra trong thời gian dài có thể dẫn đến các biến chứng như:

  • Dành quá nhiều thời gian thực hiện các hành vi, hoạt động.
  • Các vấn đề sức khỏe, như viêm da tiếp xúc do rửa tay thường xuyên.
  • Gặp khó khăn khi đi làm hoặc đi học hoặc tham gia các hoạt động xã hội.
  • Ảnh hưởng đến các mối quan hệ trong cuộc sống.
  • Chất lượng cuộc sống kém.
  • Trầm cảm có thể dẫn đến các hành vi tiêu cực không mong muốn.

Dấu hiệu nhận biết mắc hội chứng OCD

Những người mắc chứng OCD có thể bị ám ảnh hoặc cưỡng bức hoặc cả hai.

Dấu hiệu, triệu chứng ám ảnh

Dấu hiệu của ý nghĩ ám ảnh là những suy nghĩ, thôi thúc hoặc hình ảnh tinh thần lặp đi lặp lại, liên tục trong thời gian dài và khiến hầu hết mọi người lo lắng. Những ám ảnh phổ biến bao gồm:

  • Sợ vi khuẩn.
  • Sợ quên, mất hoặc đặt nhầm chỗ thứ gì đó.
  • Sợ mất kiểm soát hành vi của mình.
  • Xuất hiện những suy nghĩ hung hăng đối với người khác hoặc bản thân.
  • Mong muốn mọi vật dụng xung quanh cân xứng hoặc theo thứ tự hoàn hảo.
OCD có thể có những suy nghĩ hung hăng
OCD có thể có những suy nghĩ hung hăng

Triệu chứng cưỡng bức

Hành vi cưỡng bức là những hành vi lặp đi lặp lại mà một người cảm thấy thôi thúc phải làm để giải tỏa nỗi ám ảnh và lo lắng cứ liên tục xuất hiện dồn dập. Những ám ảnh phổ biến bao gồm:

  • Vệ sinh môi trường xung quanh hoặc rửa tay quá nhiều .
  • Sắp xếp các vật dụng theo một cách cụ thể, chính xác.
  • Kiểm tra một việc ví dụ như khoá gas hoặc khoá cửa nhiều lần.
  • Đếm đồ vật lặp lại nhiều lần một cách cưỡng bức.

Không phải tất cả những suy nghĩ lặp đi lặp lại đều là ám ảnh hay tất cả các hành vi, thói quen đều là cưỡng bức. Tuy nhiên, những người mắc chứng OCD thường:

  • Không thể kiểm soát được nỗi ám ảnh hoặc hành vi cưỡng bức của mình, ngay cả khi họ biết rằng chúng quá mức.
  • Dành nhiều thời gian cho nỗi ám ảnh hoặc hành vi cưỡng bức của mình.
  • Gặp phải những vấn đề bất tiện trong cuộc sống hàng ngày do những suy nghĩ hoặc hành vi này.

Các triệu chứng của OCD có thể bắt đầu từ từ và có thể biến mất trong một thời gian hoặc trở nên tồi tệ hơn theo thời gian. Trong thời gian căng thẳng, các triệu chứng thường trở nên tồi tệ hơn.

Cách thức chẩn đoán về hội chứng OCD

Không có xét nghiệm chính xác nào cho OCD. Thông thường bác sĩ sẽ chẩn đoán chủ yếu dựa trên các biểu hiện lâm sàng sau khi thăm khám như các triệu chứng và tiền sử bệnh tật và sức khỏe tâm thần của bạn.

Ngoài ra, bác sĩ đánh giá dựa trên các tiêu chí trong Hướng dẫn chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders, 5th Edition) bao gồm:

  • Có ám ảnh, hành vi cưỡng chế hoặc cả hai.
  • Các ám ảnh hoặc hành vi cưỡng chế chiếm nhiều thời gian (hơn một giờ mỗi ngày).
  • Các ám ảnh hoặc hành vi cưỡng chế gây ra khó chịu hoặc ảnh hưởng đến việc bạn tham gia các hoạt động xã hội, trách nhiệm công việc hoặc các sự kiện khác trong cuộc sống.
  • Các triệu chứng không phải do chất gây nghiện, rượu, thuốc hoặc tình trạng bệnh lý khác gây ra.
  • Các triệu chứng không phải do tình trạng sức khỏe tâm thần khác gây ra, chẳng hạn như rối loạn lo âu tổng quát, rối loạn ăn uống hoặc rối loạn hình ảnh cơ thể.
Hành vi cưỡng bức là dấu hiệu điển hình của OCD
Hành vi cưỡng bức là dấu hiệu điển hình của OCD

Phương pháp điều trị hội chứng OCD

Kế hoạch điều trị phổ biến nhất cho OCD bao gồm liệu pháp tâm lý và thuốc. Nếu các phương pháp điều trị này không giúp cải thiện các triệu chứng OCD của bạn và các triệu chứng của bạn ngày càng nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện kích thích từ xuyên sọ (transcranial magnetic stimulation – TMS).

Thuốc điều trị OCD

Các loại thuốc thuộc nhóm ức chế tái hấp thu serotonin (SRI), SRI chọn lọc (SSRI) và thuốc chống trầm cảm ba vòng có thể giúp điều trị OCD. Bác sĩ thường kê đơn SSRI (Fluoxetine, Fluvoxamine …) với liều cao hơn so với liều dùng cho lo âu hoặc trầm cảm để điều trị OCD. Các loại thuốc này bắt đầu có tác dụng sau 8 đến 12 tuần.

Điều trị bằng liệu pháp tâm lý

Bác sĩ tâm lý trò chuyện và giúp bạn xác định, thay đổi những cảm xúc, suy nghĩ và hành vi không lành mạnh.

Các hình thức phổ biến và hiệu quả nhất để điều trị OCD bao gồm:

  • Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT): Trong quá trình CBT, bác sĩ tâm lý giúp bạn hiểu những suy nghĩ và cảm xúc của mình. Trải qua nhiều buổi trị liệu, CBT có thể giúp thay đổi những suy nghĩ có hại và ngăn chặn những thói quen tiêu cực và thay thế chúng bằng những hành vi lành mạnh.
  • Phòng ngừa tiếp xúc và phản ứng (ERP): ERP là một loại CBT. Trong quá trình ERP, bác sĩ tâm lý sẽ cho bạn tiếp xúc với những tình huống hoặc hình ảnh khiến bạn sợ hãi và yêu cầu bạn chống lại sự thôi thúc thực hiện hành vi cưỡng chế. Ví dụ, nhà trị liệu có thể yêu cầu bạn chạm vào những đồ vật bẩn nhưng sau đó lại ngăn bạn rửa tay. Bằng cách ở trong tình huống sợ hãi mà không có bất kỳ điều gì tiêu cực xảy ra, bạn sẽ học được rằng những suy nghĩ lo lắng của mình chỉ là suy nghĩ và không nhất thiết là hiện thực.
  • Liệu pháp chấp nhận và cam kết (ACT): ACT giúp bạn học cách chấp nhận những suy nghĩ ám ảnh chỉ là những suy nghĩ và học cách sống một cuộc sống có ý nghĩa bất chấp các triệu chứng OCD của bạn.

Hướng dẫn chăm sóc cá nhân trong thời gian điều trị

Bên cạnh việc tìm kiếm phương pháp điều trị y tế cho OCD, việc tự chăm sóc bản thân có thể giúp kiểm soát các triệu chứng của bạn:

  • Ngủ đủ giấc.
  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Ăn uống lành mạnh.
  • Dành thời gian cho những người thân yêu ủng hộ bạn và hiểu về OCD.
  • Thực hành các kỹ thuật thư giãn, chẳng hạn như thiền, yoga, massage.
  • Tham gia nhóm hỗ trợ trực tiếp hoặc trực tuyến dành cho những người bị OCD.
Thư giãn bằng các phương pháp như thiền, yoga được khuyến khích trong quá trình điều trị OCD
Thư giãn bằng các phương pháp như thiền, yoga được khuyến khích trong quá trình điều trị OCD

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Ám ảnh cưỡng chế thường không có những dấu hiệu cụ thể khi ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường người bệnh cần được can thiệp y khoa kịp thời. Điều trị sớm là yếu tố quan trọng để đạt hiệu quả cao hoặc làm chậm tiến độ của bệnh ám ảnh cưỡng chế. Nếu không được can thiệp tư vấn và đưa ra liệu pháp điều trị kịp thời, hậu quả từ tình trạng này có thể tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của người bệnh như: sự nghiệp, các mối quan hệ cá nhân và cả sức khỏe cơ thể.

Dấu hiệu bất thường mà bệnh nhân cần nhận biết

  • Rửa tay quá kỹ, quá nhiều lần trong ngày.
  • Lúc nào cũng mong muốn kiểm soát mọi thứ.
  • Dọn dẹp nhà theo nguyên tắc.
  • Ám ảnh về tình dục.
  • Dằn vặt về các mối quan hệ, lo sợ làm tổn thương đối phương.
  • Cực kỳ ghét soi gương do bị mặc cảm về ngoại hình của bản thân.

Ngoài ra, nếu nghĩ chứng lo âu của mình có liên quan tới một bệnh nền khác như tim mạch, đái tháo đường, ung thư, xương khớp,… hoặc có suy nghĩ hoặc hành vi tự tử, cần tới cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn cụ thể.

Hãy tìm sự giúp đỡ từ bác sĩ khi nhận thấy dấu hiệu tâm lý bất thường
Hãy tìm sự giúp đỡ từ bác sĩ khi nhận thấy dấu hiệu tâm lý bất thường

Một số bệnh viện chuyên khoa uy tín

Tỷ lệ mắc các vấn đề tâm lý ngày càng tăng cao trong những năm gần đây, trường hợp nhận thấy sự bất thường tâm lý của bản thân hay người thân đừng ngần ngại hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia ở bệnh viện, phòng khám tâm lý uy tín. Dưới đây là một số bệnh viện chuyên khoa uy tín Docosan gợi ý cho bạn:

Một số câu hỏi liên quan

Có cách nào phòng ngừa được hội chứng OCD không?

Bạn không thể ngăn ngừa OCD. Nhưng chẩn đoán và điều trị sớm có thể giúp giảm các triệu chứng và tác động tiêu cực của bệnh đến chất lượng cuộc sống của bạn.

Can thiệp y khoa sớm sẽ giúp hạn chế sự tiến triển của OCD
Can thiệp y khoa sớm sẽ giúp hạn chế sự tiến triển của OCD

Sự khác biệt giữa OCD và OCPD là gì?

Chúng ta thường nhầm lẫn hai rối loạn tâm lý có vẻ giống nhau, nhưng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (obsessive-compulsive disorder – OCD) và rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế (obsessive-compulsive personality disorder – OCPD) là những tình trạng khác nhau.

OCPD là một rối loạn nhân cách khiến bạn quan tâm quá mức với chủ nghĩa hoàn hảo, sự tổ chức và kiểm soát. Điểm khác biệt rõ ràng nhất là những người mắc OCD thường nhận thức được nỗi ám ảnh và sự cưỡng chế của họ là vấn đề cần sự trợ giúp của các chuyên viên y tế hay bác sĩ tâm lý để điều trị tình trạng này. Tuy nhiên, những người mắc OCPD thường tin rằng các hành vi của họ không có gì bất thường hay sai trái.

Xem thêm:

Chúng ta cần biết là rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là một rối loạn sức khỏe tâm lý đáng được quan tâm. Việc chúng ta sử dụng thuật ngữ này không phải là một cách hợp thời, dễ thương hay để thu hút sự chú ý vào bản thân. Cũng như tất cả các tình trạng sức khỏe tâm thần khác, việc tìm đến bác sĩ ngay khi các triệu chứng xuất hiện sẽ giúp giảm bớt sự bất tiện và nâng cao cuộc sống của bạn. Các chuyên gia sức khỏe tâm lý sẽ đưa ra những mục tiêu điều trị phù hợp, giúp bạn kiểm soát các ám ảnh và hành vi cưỡng chế của mình. Chia sẻ bài viết này cho những người xung quanh để cùng hiểu hơn về hội chứng OCD nhé.

Nguồn tham khảo:

1. Obsessive compulsive disorder

  • Link tham khảo: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/obsessive-compulsive-disorder/symptoms-causes/syc-20354432
  • Ngày tham khảo: 14/8/2024

2. Obsessive Compulsive Disorder (OCD)

  • Link tham khảo: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/9490-ocd-obsessive-compulsive-disorder
  • Ngày tham khảo: 14/8/2024

3. Obsessive-Compulsive Disorder (OCD): Signs and Treatment

  • Link tham khảo: https://www.webmd.com/mental-health/obsessive-compulsive-disorder
  • Ngày tham khảo: 14/8/2024
Contact Me on Zalo