Huyết áp cao là bao nhiêu? Chỉ số huyết áp bình thường, cách kiểm soát

Huyết áp là áp lực của máu tác dụng lên thành mạch. Huyết áp cao có thể do căng thẳng, chấn thương, sang chấn tâm lý hoặc là dấu hiệu của nhiều bệnh tim mạch nguy hiểm. Vậy huyết áp cao là bao nhiêu và làm thế nào để giữ huyết áp luôn ổn định? Hãy cùng Docosan tìm hiểu trong bài viết dưới đây. 

Giới thiệu tổng quát về huyết áp 

Huyết áp là chỉ số sức khỏe quan trọng và được theo dõi thường quy trong suốt quá trình khám, chữa bệnh hoặc tầm soát sức khỏe. 

Huyết áp là gì? 

Huyết áp là áp lực của máu tác dụng lên thành động mạch. Lực này xuất hiện do tim bơm máu vào các động mạch để đưa máu đi khắp cơ thể. Cần phân biệt nhịp tim (số lần tim đập trong một phút) với chỉ số huyết áp (áp lực của máu đập vào thành mạch). Huyết áp không ổn định mà có thể dao động tùy thuộc vào tuổi tác, thuốc đang sử dụng, thực phẩm và khi thay đổi tư thế, tâm trạng. 

Huyết áp là áp lực của máu tác dụng lên thành động mạch
Huyết áp là áp lực của máu tác dụng lên thành động mạch

Cách đo huyết áp

Đo huyết áp là xét nghiệm đo áp suất trong động mạch khi tim bơm máu. Huyết áp được thể hiện bằng hai chỉ số: 

  • Huyết áp tâm thu (Số đầu tiên): Áp suất bên trong động mạch khi tim đập. 
  • Huyết áp tâm trương (Số thứ hai): Áp suất bên trong động mạch khi tim nghỉ giữa các nhịp đập. 

Để dễ hình dung, chỉ số huyết áp 120/80 có nghĩa là huyết áp tâm thu là 120 mmHg và huyết áp tâm trương là 80 mmHg. Để kết quả đo huyết áp chính xác nhất, người bệnh cần thực hiện những điều sau: 

  • Không được hút thuốc, uống cafe hoặc hoạt động gắng sức trong vòng 30 phút trước khi đo huyết áp. 
  • Nghỉ ngơi, thư giãn và ngồi trên ghế tựa, hai chân đặt trên sàn ít nhất 5 phút trước khi đo. 
  • Đi tiểu trước khi đo huyết áp. Gỡ bỏ trang sức, xắn tay áo để quá trình đo huyết áp được thuận tiện hơn. 
  • Không nói chuyện trong quá trình nghỉ ngơi và đo huyết áp. 

Đối với bệnh nhân đo huyết áp lần đầu, cần thực hiện đo trên cả hai cánh tay, lấy cánh tay có trị số huyết áp cao hơn để đo cho những lần tiếp theo. Kết quả huyết áp là trị số huyết áp trung bình của 2 lần đo trở lên. Mỗi lần đo cách nhau 1 – 2 phút. Các bước đo huyết áp được thực hiện như sau:

  • Bước 1: Xác định vị trí động mạch cánh tay để đặt ống nghe. Quấn băng đo huyết áp sao cho vị trí giữa băng nằm ngang với nhĩ phải, mép dưới của băng ở phía trên khuỷu tay. Băng quấn cần có chiều dài tối thiểu 80% chu vi cánh tay. Cánh tay đo huyết áp được đặt trên mặt phẳng nằm ngang với tim. 
  • Bước 2: Dùng ống nghe để nghe tiếng mạch đập. Bắt đầu bơm hơi cho đến khi không còn nghe tiếng mạch đập, bơm thêm 20 – 30 mmHg nữa rồi dừng. 
  • Bước 3: Bắt đầu xả hơi với tốc độ 2 mmHg/giây và chú ý âm thanh Korotkoff để xác định chỉ số huyết áp tâm thu (thời điểm xuất hiện tiếng đập đầu tiên) và tâm trương (thời điểm mất hẳn tiếng đập). 
  • Bước 4: Tháo băng quấn đo huyết áp. Tính trị số huyết áp trung bình giữa ít nhất 02 lần đo để phân độ huyết áp. 
Cánh tay đo huyết áp được đặt trên mặt phẳng nằm ngang với tim
Cánh tay đo huyết áp được đặt trên mặt phẳng nằm ngang với tim

Vai trò của huyết áp trong sức khỏe

Huyết áp đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tuần hoàn của cơ thể. Không có huyết áp (lực di chuyển của máu từ tim vào động mạch), oxy và các chất dinh dưỡng không thể đến được các mô và cơ quan, đồng thời, tế bào bạch cầu cũng mất đi môi trường để phân phối khắp cơ thể. 

Mặt khác, bệnh tăng huyết áp được y học đánh giá là “kẻ giết người thầm lặng” do không biểu hiện triệu chứng rõ ràng mà để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Huyết áp cao có thể gây tổn thương tim, thận và não, là yếu tố nguy cơ chính dẫn đến các bệnh tim mạch nguy hiểm như thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA), đột quỵ, đau tim, tim to, suy tim, bệnh động mạch ngoại biên, phình động mạch, vỡ mạch máu trong mắt,…

Bệnh tăng huyết áp được y học đánh giá là "kẻ giết người thầm lặng"
Bệnh tăng huyết áp được y học đánh giá là “kẻ giết người thầm lặng”

Huyết áp bao nhiêu là bình thường? 

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, huyết áp từ 90/60 mmHg đến 120/80 mmHg được coi là bình thường ở người trưởng thành từ 20 tuổi trở lên. Huyết áp cao khi chỉ số huyết áp trên 135/85 mmHg (nếu đo ở nhà) hoặc trên 140/90 mmHg (nếu đo ở phòng khám, hiệu thuốc). Huyết áp thấp khi chỉ số huyết áp dưới 89/59 mmHg.

Đối với trẻ em và thanh thiếu niên (dưới 20 tuổi), chỉ số huyết áp bình thường thay đổi theo độ tuổi, được trình bày trong bảng sau đây:

Huyết áp bình thường ở trẻ em
Độ tuổi Huyết áp tâm thu Huyết áp tâm trương
Trẻ sơ sinh đến 1 tháng 60 – 90 mmHg 20 – 60 mmHg
Trẻ sơ sinh 87 – 105 mmHg 53 – 66 mmHg
Trẻ mới biết đi 95 – 105 mmHg 53 – 66 mmHg
Trẻ mẫu giáo 95 – 110 mmHg 56 – 70 mmHg
Trẻ em trong độ tuổi đi học 97 – 112 mmHg 57 – 71 mmHg
Thanh niên 112 – 128 mmHg 66 – 80 mmHg

Tuổi càng cao, huyết áp có xu hướng tăng do các mạch máu trở nên cứng hơn và chứa nhiều mảng xơ vữa. Theo một nghiên cứu phân tích được công bố trên Tạp chí Lancet năm 2015, huyết áp trung bình trên toàn thế giới là 127/79 mmHg ở nam giới và 122/77 mmHg ở nữ giới.

Bên cạnh độ tuổi, các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy có sự khác biệt về chỉ số huyết áp theo giới tính và theo chủng tộc, được thể hiện trong bảng sau: 

Chỉ số huyết áp theo độ tuổi và giới tính
Độ tuổi Nam giới Nữ giới
18 – 39 tuổi 119/70 mmHg 110/68 mmHg
40 – 59 tuổi 124/77 mmHg 122/74 mmHg
Trên 60 tuổi 133/69 mmHg 139/68 mmHg
Chủng tộc Chỉ số huyết áp
Người da trắng 122/71 mmHg
Người da đen 127/73 mmHg
Người Mỹ gốc Mexico 123/70 mmHg

Hiệp hội Tim mạch quốc tế phân loại chỉ số huyết áp thành 3 mức như sau: 

Phân loại huyết áp Huyết áp tâm thu Huyết áp tâm trương
Huyết áp tối ưu < 120 mmHg < 80 mmHg
Huyết áp bình thường 120 – 129 mmHg 80 – 84 mmHg
Huyết áp bình thường cao 130 – 139 mmHg 85 – 89 mmHg

Huyết áp từ 90/60 mmHg đến 120/80 mmHg được coi là bình thường ở người trưởng thành
Huyết áp từ 90/60 mmHg đến 120/80 mmHg được coi là bình thường ở người trưởng thành

Huyết áp cao là bao nhiêu?

Ở người trưởng thành, huyết áp cao được chia thành nhiều giai đoạn. Giai đoạn càng muộn, nguy cơ biến chứng do tăng huyết áp càng cao. Cơn tăng huyết áp đột ngột với chỉ số huyết áp từ 180/120 mmHg trở nên có thể gây ra đột quỵ và đe dọa tính mạng người bệnh. 

Phân độ huyết áp Huyết áp tâm thu Huyết áp tâm trương
Tiền tăng huyết áp 130 – 139 mmHg 85 – 89 mmHg
Tăng huyết áp độ 1 140 – 159 mmHg 90 – 99 mmHg
Tăng huyết áp độ 2 160 – 179 mmHg 100 – 109 mmHg
Tăng huyết áp độ 3 > 180 mmHg > 110 mmHg
Tăng huyết áp tâm thu đơn độc > 140 mmHg < 90 mmHg
Tăng huyết áp tâm trương đơn độc < 140 mmHg > 90 mmHg

Huyết áp cao gây áp lực quá mức lên thành động mạch có thể làm tổn thương mạch máu và các cơ quan trong cơ thể. Tổn thương càng nghiêm trọng khi huyết áp càng cao và không được kiểm soát trong thời gian dài.

Huyết áp cao không kiểm soát có thể dẫn đến các biến chứng sau: 

  • Đau tim, đột quỵ: Huyết áp cao làm cho động mạch bị dày lên và xơ cứng, có thể dẫn đến đau tim, đột quỵ hoặc các biến chứng tim mạch khác.  
  • Phình động mạch: Huyết áp cao làm mạch máu yếu đi và phình to ra. Nếu phình động mạch vỡ, bệnh nhân có thể bị đe dọa tính mạng. 
  • Suy tim: Huyết áp cao khiến tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu. Áp lực cao khiến thành tim dày lên, còn gọi là phì đại thất trái. Về lâu dài, tim không đủ sức bơm máu đáp ứng nhu cầu của cơ thể, gây ra suy tim.
  • Các bệnh lý về thận: Huyết áp cao có thể làm hẹp mạch máu trong thận, dẫn đến tổn thương thận.
  • Các bệnh lý về mắt: Huyết áp cao khiến cho mạch máu ở mắt dày lên, hẹp lại hoặc bị rách, gây nguy cơ cao mất thị lực cho bệnh nhân.
  • Hội chứng chuyển hóa: Đây là tên gọi của một nhóm các rối loạn chuyển hóa của cơ thể liên quan đến sự phân hủy bất thường của glucose. Hội chứng này bao gồm tăng kích thước vòng eo, tăng triglyceride, giảm HDL, tăng cholesterol, và tăng lượng đường trong máu. Người bệnh có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch và đột quỵ.
  • Suy giảm trí nhớ và nhận thức: Huyết áp cao không kiểm soát có thể ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ, ghi nhớ và học tập.
  • Mất trí: Hẹp hoặc tắc động mạch có thể hạn chế lưu lượng máu đến não. Tình trạng này có thể dẫn đến sa sút trí tuệ mạch máu não nếu không được điều trị. Đột quỵ làm gián đoạn lưu lượng máu đến não nên cũng có thể gây ra triệu chứng tương tự.
Huyết áp cao có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm
Huyết áp cao có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm

Dấu hiệu nhận biết cao huyết áp 

Hầu hết các bệnh nhân bị cao huyết áp đều không có triệu chứng rõ ràng, ngay cả khi chỉ số huyết áp đạt mức nguy hiểm. Người bệnh có thể bị huyết áp cao trong thời gian dài mà không có bất kỳ triệu chứng nào. Trong một vài trường hợp, một số bệnh nhân có thể biểu hiện vài dấu hiệu như đau đầu, hụt hơi, chảy máu mũi,…

Tuy nhiên, những triệu chứng này khá phổ biến và thường dễ nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường khác. Trên thực tế, dấu hiệu tăng huyết áp thường không xuất hiện cho đến khi chỉ số huyết áp đạt đến mức nghiêm trọng và đe dọa tính mạng người bệnh.

Ai có nguy cơ và yếu tố rủi ro mắc cao huyết áp?

Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến tăng huyết áp, bao gồm:

  • Tuổi tác: Nguy cơ mắc cao huyết áp tăng dần theo tuổi tác. Nam giới có nguy cơ mắc cao huyết áp sớm hơn so với nữ giới (trước năm 65 tuổi).
  • Chủng tộc: Huyết áp cao đặc biệt phổ biến ở người da đen với độ tuổi sớm hơn nhiều so với người da trắng.
  • Tiền sử gia đình: Có ba mẹ hoặc anh chị em ruột mắc bệnh tăng huyết áp.
  • Béo phì hoặc thừa cân: Cân nặng vượt kiểm soát có thể gây ra những thay đổi bất thường trên mạch máu, thận và các cơ quan khác.
  • Ít vận động: Lối sống ít vận động thể lực có thể gây tăng cân – yếu tố nguy cơ dẫn đến tăng huyết áp. Mặt khác, người ít vận động cũng có nhịp tim cao hơn bình thường.
  • Hút thuốc lá hoặc thuốc lá điện tử: Hút thuốc lá làm tăng huyết áp tức thời. Về lâu dài, các chất độc trong khói thuốc có thể làm tổn thương thành mạch, thúc đẩy quá trình xơ cứng động mạch.
  • Ăn mặn: Quá nhiều muối trong khẩu phần ăn có thể khiến cơ thể bị giữ nước và làm tăng huyết áp.
  • Hạ kali: Kali giúp cân bằng lượng muối trong tế bào. Nồng độ kali đóng vai trò quan trọng đối với sức khoẻ tim mạch do liên quan đến quá trình điều hoà điện thế của tim. Nồng độ kali trong máu thấp có thể do khẩu phần ăn thiếu kali, bệnh lý mạn tính hoặc mất nước.
  • Uống quá nhiều rượu: Sử dụng rượu làm tăng huyết áp, đặc biệt ở nam giới.
  • Stress: Căng thẳng có thể dẫn đến tăng huyết áp tạm thời. Mặt khác, các thói quen do căng thẳng gây ra như ăn nhiều, hút thuốc lá, uống rượu,… đều là yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp.
  • Bệnh mạn tính: Bệnh thận, tiểu đường hoặc ngừng thở khi ngủ có thể dẫn đến tăng huyết áp.
  • Mang thai: Đôi khi mang thai có thể dẫn đến huyết áp cao ở thai phụ.

Cả người lớn và trẻ em đều có thể mắc bệnh tăng huyết áp. Tăng huyết áp ở trẻ em có thể liên quan đến các bệnh lý về thận hoặc tim mạch. Tuy nhiên, việc đối tượng bị tăng huyết áp ngày càng trẻ hoá hiện nay phần nhiều là do lối sống ít vận động và chế độ ăn uống không lành mạnh.

Nguy cơ mắc cao huyết áp tăng dần theo tuổi tác
Nguy cơ mắc cao huyết áp tăng dần theo tuổi tác

Các biện pháp điều trị cao huyết áp

Thay đổi lối sống là ưu tiên hàng đầu trong điều trị và kiểm soát huyết áp cao. Các biện pháp thay đổi lối sống mà bệnh nhân tăng huyết áp nên áp dụng bao gồm:

  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế ăn mặn hoặc thức ăn nhiều muối.
  • Tăng cường hoạt động thể chất thường xuyên.
  • Giảm cân, duy trì cân nặng khoẻ mạnh.
  • Hạn chế uống rượu.
  • Không hút thuốc lá.
  • Ngủ đủ giấc, đảm bảo ngủ từ 7 – 9 tiếng mỗi ngày.

Đôi khi các biện pháp thay đổi lối sống không đủ để điều trị tăng huyết áp. Nếu chỉ số huyết áp không cải thiện sau khi đã áp dụng các biện pháp trên, bệnh nhân có thể được chỉ định điều trị bằng thuốc.

Tùy thuộc vào tình trạng sức khoẻ và phân độ huyết áp mà phác đồ dùng thuốc hạ huyết áp của mỗi người sẽ khác nhau, thường gồm 2 thuốc trở lên. Mức huyết áp mục tiêu có thể thay đổi tùy theo độ tuổi và tình trạng sức khỏe, đặc biệt là đối tượng trên 65 tuổi. Mục tiêu huyết áp điều trị dưới 130/80 mmHg cho những đối tượng sau:

  • Người trên 65 tuổi không có bệnh lý mắc kèm.
  • Người dưới 65 tuổi không có bệnh lý mắc kèm và nguy cơ bệnh tim mạch trên 10% trong 10 năm tới.
  • Bệnh nhân bị bệnh thận mạn, tiểu đường hoặc bệnh động mạch vành.

Các loại thuốc được chỉ định để điều trị tăng huyết áp bao gồm:

  • Thuốc lợi tiểu (Chlorthalidone, Hydrochlorothiazide): Tăng thải natri và nước khỏi cơ thể. Đây thường là nhóm thuốc đầu tiên được sử dụng để điều trị huyết áp cao. Tác dụng phụ thường gặp là đi tiểu nhiều và hạ kali máu. Do vậy, nếu bệnh nhân bị hạ kali trước đó, người bệnh có thể được chỉ định Spironolactone, Amilorid, Triamteren là những thuốc lợi tiểu giữ kali để hạn chế tác dụng phụ kể trên.
  • Thuốc ức chế men chuyển Angiotensin (ACEi) (Lisinopril, Benazepril, Captopril,…): Thuốc giúp giãn mạch máu bằng cách ức chế hoạt động của enzyme ACE, từ đó giảm sản xuất angiotensin II.
  • Thuốc chẹn thụ thể Angiotensin II (ARB) (Candesartan, Losartan): Thuốc giúp giãn mạch máu bằng cách ức chế hoạt động của Angiotensin II.
  • Thuốc chẹn kênh canxi (Amlodipin, Diltiazem): Thuốc giúp giãn cơ trơn mạch máu, một số thuốc trong nhóm có khả năng làm chậm nhịp tim. Thuốc chẹn kênh canxi có thể cho tác dụng hạ huyết áp tốt hơn đối với người lớn tuổi và người da đen so với thuốc ức chế men chuyển Angiotensin (ACEi). Người bệnh tuyệt đối không ăn bưởi hoặc sử dụng các sản phẩm từ bưởi khi dùng thuốc chẹn kênh canxi. Lý do là vì bưởi làm tăng nồng độ trong máu của một số thuốc thuộc nhóm này nên có thể gây nguy hiểm khi dùng thuốc.

Ngoài ra, trong quá trình điều trị, nếu bệnh nhân gặp khó khăn trong việc đạt được mục tiêu huyết áp đề ra, bác sĩ có thể kết hợp thêm một số thuốc khác như:

  • Thuốc chẹn kênh alpha (Doxazosin, Prazosin): Thuốc giảm dẫn truyền tín hiệu thần kinh đến mạch máu, từ đó giảm tác dụng của các chất làm hẹp mạch máu.
  • Thuốc chẹn kênh alpha-beta (Carvedilol, Labetalol): Thuốc chẹn kênh alpha-beta, chặn tín hiệu dẫn truyền thần kinh đến mạch máu và làm chậm nhịp tim.
  • Thuốc chẹn kênh beta (Atenolol, Metoprolol): Thuốc ức chế hoạt động của adrenaline và noradrenaline, giúp giãn mạch máu và làm chậm nhịp tim. Các thuốc thuộc nhóm này nên được kết hợp với thuốc khác để mang lại hiệu quả tốt nhất.
  • Thuốc đối kháng aldosterone (Spironolactone, Eplerenone): Thuốc được chỉ định cho các bệnh nhân tăng huyết áp kháng trị.
  • Thuốc ức chế renin (aliskiren): Thuốc làm chậm quá trình sản xuất renin – enzyme do thận sản xuất và là chất xúc tác của các phản ứng hoá học gây tăng huyết áp. Người bệnh không nên dùng aliskiren đồng thời với thuốc ức chế men chuyển ACEi hoặc ARB do nguy cơ gây đột quỵ cao.
  • Thuốc giãn mạch (Hydralazine và Minoxidil): Thuốc ức chế co thắt cơ trơn thành động mạch, ngăn ngừa hẹp động mạch.
  • Thuốc tác động lên hệ thần kinh trung ương (Clonidine, Guanfacine, Methyldopa): Thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương dẫn truyền tín hiệu tăng nhịp tim và/hoặc co mạch.

Bệnh nhân phải dùng thuốc điều trị huyết áp theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không bỏ liều hoặc ngừng dùng thuốc đột ngột. Đột ngột ngưng dùng thuốc, đặc biệt là thuốc chẹn kênh beta, có thể dẫn đến tăng huyết áp đột ngột (tăng huyết áp hồi phục), đe doạ tính mạng người bệnh.

Người bệnh được chẩn đoán tăng huyết áp kháng trị nếu:

  • Dùng ít nhất ba loại thuốc trị tăng huyết áp khác nhau, bao gồm thuốc lợi tiểu nhưng chỉ số huyết áp vẫn không cải thiện.
  • Bệnh nhân đang dùng bốn loại thuốc khác nhau để kiểm soát huyết áp.

Điều trị tăng huyết áp kháng trị có thể bao gồm các bước sau:

  • Thay đổi thuốc điều trị huyết áp để tìm ra phác đồ điều trị tốt nhất.
  • Đánh giá lại tất cả các thuốc đang sử dụng, kể cả những thuốc không kê đơn.
  • Kiểm tra huyết áp tại nhà để loại trừ nguyên nhân tăng huyết áp áo choàng trắng.
  • Ăn uống lành mạnh, kiểm soát cân nặng và thực hiện thay đổi lối sống theo khuyến nghị của bác sĩ.
  • Phụ nữ mang thai khi bị huyết áp cao nên thông báo ngay cho bác sĩ để kiểm tra, chẩn đoán và có hướng kiểm soát huyết áp kịp thời.
Bệnh nhân tăng huyết áp phải tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ, không được tự ý ngưng thuốc
Bệnh nhân tăng huyết áp phải tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ, không được tự ý ngưng thuốc

Cách chăm sóc bệnh nhân bị cao huyết áp

Bệnh nhân bị tăng huyết áp cần cam kết thực hiện lối sống lành mạnh theo các biện pháp sau:

  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh: Người bệnh có thể thử chế độ ăn DASH (Dietary Approaches to Stop Hypertension). Với chế độ ăn này, người bệnh sẽ ăn trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, gia cầm, cá và các sản phẩm từ sữa ít béo. DASH khuyến khích người bệnh bổ sung kali từ các thực phẩm tự nhiên, đồng thời, hạn chế thức ăn giàu chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa.
  • Khẩu phần ăn ít muối hơn: Hạn chế ăn các loại thực phẩm có hàm lượng muối cao như thịt đã qua chế biến, thực phẩm đóng hộp, súp nấu sẵn, thức ăn đông lạnh và một số loại bánh mì. Người bệnh nên kiểm tra thành phần dinh dưỡng để nắm rõ hàm lượng natri trước khi mua thực phẩm, hạn chế sử dụng thức ăn và đồ uống có hàm lượng natri cao. Lượng natri tối đa cho cơ thể hấp thu là 1.500 mg/ngày đối với người trưởng thành.
  • Hạn chế uống rượu: Nên uống rượu ở mức độ vừa phải: 1 ly mỗi ngày đối với nữ và 2 ly mỗi ngày đối với nam. 1 ly có thể tích tương đương với 12 ounce bia, 5 ounce rượu vang và 1,5 ounce rượu mạnh 80 độ.
  • Không hút thuốc lá: Thuốc lá gây tổn thương thành mạch và đẩy nhanh quá trình xơ cứng động mạch. Do đó, nếu bệnh nhân cao huyết áp có hút thuốc, hãy cai thuốc càng sớm càng tốt.
  • Duy trì cân nặng ở mức bình thường: Giảm cân nếu BMI của người bệnh ở mức thừa cân, béo phì (BMI > 24,0). Giảm cân giúp người bệnh kiểm soát huyết áp tốt hơn và ngăn ngừa biến chứng. Theo các nghiên cứu, giảm 1 kg cân nặng sẽ giúp giảm chỉ số huyết áp khoảng 1 mmHg, và con số này có xu hướng giảm đáng kể ở những bệnh nhân tăng huyết áp mức độ nặng.
  • Tập thể dục thường xuyên: Tăng cường hoạt động thể chất không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn góp phần làm giảm huyết áp, giảm căng thẳng, kiểm soát cân nặng và giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính. Người bệnh nên đặt mục tiêu tập thể dục cường độ vừa phải ít nhất 150 phút/tuần, hoặc tập thể dục cường độ cao ít nhất 75 phút/tuần, hoặc kết hợp cả hai. Đặc biệt, người bị tăng huyết áp mức độ nặng nếu thường xuyên tập thể dục cường độ vừa phải trở lên có thể giúp giảm huyết áp tâm thu khoảng 11 mmHg, và giảm huyết áp tâm trương khoảng 5 mmHg.
  • Ngủ đủ giấc và đảm bảo chất lượng giấc ngủ: Chất lượng giấc ngủ kém có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và các bệnh mạn tính khác. Người trưởng thành nên cố gắng ngủ từ 7 đến 9 tiếng mỗi ngày, đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm, kể cả vào cuối tuần.
  • Kiểm soát căng thẳng: Người bệnh cần học cách kiểm soát cảm xúc cá nhân, tập thể dục nhiều hơn, thiền định và kết nối với mọi người xung quanh.
  • Hít thở chậm và sâu: Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, tập hít thở là lựa chọn điều trị không dùng thuốc hợp lý để hạ huyết áp. Thực hành hít thở sâu và chậm giúp người bệnh cảm thấy thư giãn. Một số nghiên cứu cho thấy, hít thở chậm theo nhịp (5 – 7 lần hít thở sâu mỗi phút) kết hợp với thiền định có thể giúp giảm huyết áp.
Hít thở chậm theo nhịp kết hợp với thiền định có thể giúp giảm huyết áp
Hít thở chậm theo nhịp kết hợp với thiền định có thể giúp giảm huyết áp

Các phương pháp phòng ngừa cao huyết áp

Để phòng ngừa tăng huyết áp, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau:

  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn nhiều trái cây và rau tươi, tăng cường các thực phẩm giàu Kali, chất xơ và protein. Hạn chế muối, chất béo bão hoà trong khẩu phần ăn. Bạn có thể tham khảo chế độ ăn DASH để thiết kế thực đơn cá nhân của mình.
  • Duy trì cân nặng ổn định, giảm cân nếu cần thiết: Theo dõi chỉ số BMI thường xuyên để có các biện pháp điều chỉnh cân nặng phù hợp.
  • Tăng cường hoạt động thể chất: Người trưởng thành nên tập thể dục cường độ vừa phải (đi bộ nhanh, đạp xe,…) ít nhất 150 phút mỗi tuần (tối thiểu 30 phút/ngày, 5 ngày/tuần). Trẻ em và thanh thiếu niên nên vận động thể chất ít nhất 1 giờ mỗi ngày.
  • Không hút thuốc: Hút thuốc làm tăng huyết áp và tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ. Nếu bạn đang hút thuốc, hãy bỏ thuốc ngay hôm nay.
  • Hạn chế uống rượu bia: Rượu bia có thể làm tăng huyết áp tức thời. Nam giới nên uống tối đa 2 ly rượu/ngày, nữ giới uống không quá 1 ly rượu/ngày.
  • Ngủ đủ giấc: Người trưởng thành nên ngủ đủ 7 – 9 tiếng mỗi ngày và đảm bảo chất lượng giấc ngủ để cơ thể được phục hồi một cách tối đa.
Người trưởng thành nên ngủ đủ 7 - 9 tiếng mỗi ngày
Người trưởng thành nên ngủ đủ 7 – 9 tiếng mỗi ngày

Khi nào cần uống thuốc hạ huyết áp?

Huyết áp là chỉ số quan trọng không thể thiếu khi thăm khám sức khoẻ định kỳ. Tần suất đo huyết áp tùy thuộc vào độ tuổi và tình trạng sức khoẻ. Bạn nên đo huyết áp ít nhất 2 năm/lần bắt đầu từ năm 18 tuổi. Người trưởng thành từ 40 tuổi trở lên hoặc người có nguy cơ cao bị tăng huyết áp cần đo huyết áp ít nhất mỗi năm một lần. Trẻ em từ 3 tuổi trở lên có thể đo huyết áp trong khi khám sức khỏe định kỳ hàng năm.

Dấu hiệu bất thường 

Cơn tăng huyết áp đột ngột xảy ra khi chỉ số huyết áp trên 180/120 mmHg. Lúc này, người bệnh cần được cấp cứu ngay lập tức để tránh nguy hiểm đến tính mạng. Nếu bạn bị tăng huyết áp kèm theo các dấu hiệu dưới đây, hãy liên hệ ngay với nhân viên y tế để được cấp cứu kịp thời:

  • Đau ngực hoặc đau lưng.
  • Gặp khó khăn khi giao tiếp.
  • Hụt hơi.
  • Mờ mắt, chóng mặt.
  • Yếu hoặc tê liệt tay chân.

Các biện pháp xét nghiệm, chẩn đoán cao huyết áp

Sau khi được chẩn đoán mắc bệnh tăng huyết áp, người bệnh cần thực hiện một vài xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây bệnh. Cụ thể như sau:

  • Theo dõi ngoại trú: Đo huyết áp đều đặn sau mỗi 6 tiếng và 24 tiếng.
  • Xét nghiệm máu hoặc nước tiểu để kiểm tra nồng độ cholesterol, nồng độ đường huyết, chức năng tim – gan – thận – tuyến giáp.
  • Điện tâm đồ (ECG/EKG): Đo điện tim để đánh giá hoạt động của tim.
  • Siêu âm tim: Xem xét cấu tạo tim, đánh giá cách thức tim đang hoạt động và bơm máu.
Hình ảnh điện tâm đồ cho phép đánh giá chức năng tim
Hình ảnh điện tâm đồ cho phép đánh giá chức năng tim

Một số bệnh viện uy tín 

Dưới đây là một số bệnh viện tim mạch uy tín để người bệnh tầm soát sức khoẻ và đo huyết áp:

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo một số phòng khám Tim mạch tại Docosan để chủ động đặt lịch hẹn tại phòng khám gần nhất nhé!

Một số câu hỏi liên quan

Huyết áp bao nhiêu là phải uống thuốc?

Tùy vào phân độ huyết áp và tình trạng sức khoẻ hiện tại mà bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị dùng thuốc hay không dùng thuốc hoặc kết hợp cả hai. Nhìn chung, bệnh nhân tăng huyết áp giai đoạn 2 (chỉ số huyết áp từ 140/90 mmHg trở lên) có thể phải dùng thuốc để điều trị, kết hợp với các biện pháp thay đổi lối sống.

Huyết áp bao nhiêu là huyết áp thấp?

Theo Hiệp hội Tim mạch Việt Nam, huyết áp thấp là khi chỉ số huyết áp dưới 90/60 mmHg.

Cao huyết áp nên làm gì? 

Người bệnh cao huyết áp nên duy trì cân nặng khỏe mạnh với chỉ số BMI từ 18,5 – 24,9 kg/m2, giảm cân nếu người bệnh thừa cân hoặc béo phì. Đồng thời, tăng cường hoạt động thể chất tối thiểu 150 phút/tuần, xây dựng lối sống và chế độ ăn lành mạnh, hạn chế ăn mặn. Tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ, không được ngừng thuốc đột ngột và thông báo ngay cho bác sĩ nếu xuất hiện các dấu hiệu bất thường trong quá trình điều trị. 

Huyết áp bình thường của phụ nữ là bao nhiêu? 

Chỉ số huyết áp bình thường của người trưởng thành nói chung và phụ nữ nói riêng là dưới 120/80 mmHgtrên 90/60 mmHg.

Huyết áp 138 có cao không?

Muốn đánh giá mức độ tăng huyết áp thì phải dựa vào cả chỉ số huyết áp tâm thu và tâm trương. Chỉ số huyết áp bình thường là dưới 120/80 mmHg. Do đó, nếu huyết áp tâm thu 138 mmHg, con số này được xem là cao và có thể xếp vào tăng huyết áp độ 1. Nếu huyết áp tâm trương 138 mmHg, chỉ số này là rất cao và được xếp vào cơn tăng huyết áp đột ngột, có thể gây tử vong cho bệnh nhân. 

Huyết áp 160/90 có cao không? 

Theo phân độ huyết áp của Hiệp hội Tim mạch Việt Nam, chỉ số huyết áp 160/90 mmHg là rất cao và được xếp vào tăng huyết áp độ 2. Bệnh nhân cần được theo dõi huyết áp thường xuyên, dùng thuốc điều trị kết hợp với thay đổi lối sống để kiểm soát huyết áp tốt hơn. 

Huyết áp 140/90 có cao không?

Theo phân độ huyết áp của Hiệp hội Tim mạch Việt Nam, chỉ số huyết áp 140/90 mmHg là cao và được xếp vào tăng huyết áp độ 2. Người bệnh có nguy cơ mắc các bệnh lý nghiêm trọng hơn như đột quỵ hoặc suy tim.

Xem thêm:

Bài viết trên đây đã cung cấp cho bạn những thông tin đầy đủ về bệnh tăng huyết áp, chỉ số huyết áp cao là bao nhiêu và cách điều trị cũng như phòng ngừa tình trạng này. Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám tim mạch với bác sĩ có chuyên môn để điều trị. Hãy chia sẻ với mọi người nếu thấy bài viết hữu ích nhé!

Mời bạn tham khảo Gói xét nghiệm tim mạch có tại Docosan

Link tham khảo: 

1. Blood Pressure

  • Link tham khảo: https://my.clevelandclinic.org/health/diagnostics/17649-blood-pressure.
  • Ngày tham khảo: 28/08/2024.

2. Measuring Blood Pressure 

  • Link tham khảo: https://medlineplus.gov/lab-tests/measuring-blood-pressure/. 
  • Ngày tham khảo: 28/08/2024. 

3. Blood pressure test

  • Link tham khảo: https://www.nhs.uk/conditions/blood-pressure-test/.
  • Ngày tham khảo: 28/08/2024.

4. High blood pressure (hypertension)

  • Link tham khảo: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/high-blood-pressure/symptoms-causes/syc-20373410.
  • Ngày tham khảo: 28/08/2024. 

5. Preventing High Blood Pressure

  • Link tham khảo: https://www.cdc.gov/high-blood-pressure/prevention/index.html.
  • Ngày tham khảo: 28/08/2024.

6. How to Lower Blood Pressure Quickly

  • Link tham khảo: https://www.medicinenet.com/how_to_lower_my_blood_pressure_immediately/article.htm.
  • Ngày tham khảo: 28/08/2024.
Contact Me on Zalo