Thận là một cặp cơ quan nằm trong ổ bụng ở cả hai bên trái và phải của cơ thể. Thận hỗ trợ quá trình xử lý chất thải, sau đó bài tiết qua nước tiểu. Đau thận trái có thể do nhiễm trùng hoặc một số bệnh khác. Hãy cùng Doctor có sẵn xem xét các nguyên nhân đau thận trái, cũng như các triệu chứng và các lựa chọn điều trị đau thận trái trong bài viết này.
Tóm tắt nội dung
Mở đầu
Thận là một bộ phận quan trọng trong hệ tiết niệu, thông thường, mỗi người có hai quả thân nằm trong khoang bụng phía sau phúc mạc đối xứng nhau qua cột sống. Chúng có vai trò lọc máu và các chất thải, tham gia quá trình bài tiết nước tiểu.
Khi thận bị tổn thương, suy yếu, quá trình bài tiết bị ảnh hưởng khiến người bệnh mắc phải các bệnh lý về thận khác nhau, trong đó có đau thận trái. Khi bị đau thận trái, thay vì chủ quan đợi bệnh tự khỏi, hoặc tự ý mua thuốc sử dụng. Người bệnh nên đi khám bác sĩ tiến hành kiểm tra qua các xét nghiệm, xác định nguyên nhân gây bệnh để có phương pháp điều trị phù hợp, hiệu quả.
Bị đau thận trái có thể do 1 trong 6 nguyên nhân sau:
Đau thận trái do mất nước
Đau thận trái có thể do không uống đủ nước. Nếu không uống đủ nước, cơ thể không được cung cấp đủ lượng nước cần thiết hoặc bị mất nước quá nhiều (hoạt động mạnh, thời tiết nóng nực, tiêu chảy, nôn mửa…) sẽ khiến chất thải tích tụ trong thận và gây tắc nghẽn.
Triệu chứng
Mất nước nghiêm trọng có thể gây ra các triệu chứng sau:
- Thay đổi tâm trạng, suy nghĩ mông lung
- Đau hoặc khó chịu ở lưng và hông
- Mệt mỏi, kiệt sức, khô miệng
- Nhiệt độ tăng cao, cảm thấy chóng mặt
- Táo bón
Điều trị
Uống nhiều nước hơn là phương pháp điều trị mất nước thông thường. Trong chế độ ăn uống hàng ngày bạn nên bổ sung đủ lượng nước, hoặc ăn các thực phẩm chứa nhiều nước như hoa quả, rau củ tươi… Trong những trường hợp nghiêm trọng, có thể phải truyền dịch tĩnh mạch để bù nước cho bệnh nhân.
Đau thận trái do nhiễm trùng thận
Vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng thận nếu chúng xâm nhập vào thận trái. Đường tiết niệu có thể cho phép vi khuẩn xâm nhập vào thận. Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) nếu không được điều trị đặc hiệu, vi khuẩn có thể xâm nhập và gây nhiễm trùng thận trái.
Triệu chứng
Sau đây là một số dấu hiệu phổ biến nhất của nhiễm trùng ở thận trái:
- Đau dai dẳng và dữ dội ở bụng, lưng hoặc vùng bẹn, bên hông
- Buồn nôn, nôn mửa
- Đi tiểu thường xuyên và có cảm giác mắc tiểu liên tục
- Nước tiểu đục và có mùi khó chịu
- Nóng rát hoặc đau khi đi tiểu
- Tiểu ra máu hoặc mủ
- Ớn lạnh hoặc sốt
Điều trị
Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào được liệt kê ở trên, bạn nên tìm kiếm sự trợ giúp từ nhân viên y tế. Bác sĩ thường sẽ thu thập mẫu nước tiểu để xác định loại nhiễm trùng mà người bệnh mắc phải.
Thuốc kháng sinh thường được sử dụng để điều trị nhiễm trùng thận. Người bệnh có thể cần đến bệnh viện để tiêm thuốc kháng sinh và truyền dịch trong các tình huống nghiêm trọng hơn.
Đau thận trái do sỏi thận
Nguyên nhân đau thận trái có thể do sỏi thận. Nếu thận bị tổn thương hoặc lượng nước tiểu quá thấp, chất thải (muối và khoáng chất) sẽ không được đẩy ra ngoài hết mà ứ đọng, tích tụ tạo thành sỏi thận. Theo thời gian, những viên sỏi này có thể lớn hơn. Một số sỏi thận kích thước nhỏ có thể tự đào thải ra ngoài theo nước tiểu, những sỏi lớn hơn cần phải được điều trị y tế để lấy sỏi.
Triệu chứng
- Sỏi thận nhỏ đi qua thận mà không gây ra triệu chứng.
- Sỏi thận lớn hơn có thể gây đau ở đường tiết niệu khi chúng đi từ thận đến bàng quang và chúng cũng có thể bị mắc kẹt trong thận. Chúng có thể gây ra nhiều triệu chứng, bao gồm:
- Nước tiểu có lẫn máu, có mùi hôi
- Tiểu khó, tiểu đau buốt
- Buồn nôn và nôn
- Đau lưng hoặc bụng dữ dội, nam giới có thể thấy đau ở đầu dương vật
Điều trị
Uống nhiều nước để thải sỏi và dùng thuốc giảm đau được bác sĩ kê đơn là những phương pháp điều trị sỏi thận phổ biến nhất.
Khi có triệu chứng đau thận trái, bạn nên đi khám để được kiểm tra để có hướng điều trị phù hợp, tránh để lâu khiến cho bệnh nặng thêm, khó chữa. Bác sĩ có thể đề xuất một trong những phương pháp điều trị sỏi thận lớn hơn sau đây:
- Tán sỏi bằng sóng xung kích là một thủ thuật sử dụng sóng xung kích để phá vỡ sỏi thận.
- Nội soi niệu quản: Nội soi niệu quản là một công cụ cho phép bác sĩ quan sát và đôi khi loại bỏ những viên sỏi thận nhỏ qua ống soi.
- Thuốc: Một số loại thuốc hỗ trợ làm tan sỏi.
Đau thận trái do u nang thận
U nang là những túi chứa đầy chất lỏng và không phải là u ác tính. Chúng có thể hình thành và phát triển ở một hoặc cả hai thận và thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào.
Triệu chứng
U nang có thể gây đau và các triệu chứng ở thận nếu u nang trở nên quá lớn, viêm hoặc bị nhiễm trùng:
- Sốt
- Đau cấp tính ở bụng trên, bên hông hoặc lưng
- Đau dai dẳng hoặc đau dữ dội
Điều trị
Điều trị hiếm khi cần thiết đối với các u nang nhỏ. Nếu cần chăm sóc y tế, có các lựa chọn sau:
- Liệu pháp điều trị xơ cứng là một thủ thuật trong đó bác sĩ sử dụng một cây kim dài để dẫn lưu u nang trước khi làm cứng nó bằng chất cồn.
- Phẫu thuật nội soi loại bỏ u nang.
Đau thận trái do bệnh thận đa nang
Bệnh thận đa nang (PKD) là một bệnh di truyền, trong đó một hoặc cả hai thận phát triển nhiều u nang. PKD có thể thay đổi cấu trúc của thận, dẫn đến suy thận hoặc các biến chứng khác.
Triệu chứng
- Máu trong nước tiểu
- Cao huyết áp
- Đau ở một hoặc cả hai thận
- Sỏi thận UTI
- Nhiễm trùng đường tiết niệu
Các triệu chứng có thể không xuất hiện cho đến khi các u nang PKD phát triển đến kích thước lớn.
Điều trị
Điều trị PKD thường bao gồm việc dùng thuốc để giảm tổn thương thận do huyết áp cao gây ra.
Các đề xuất khác bao gồm sửa đổi lối sống của một người, chẳng hạn như:
- Cai thuốc lá hoặc không hút thuốc
- Mỗi ngày, hãy dành ít nhất 30 phút để tập thể dục hoặc tham gia các hoạt động thể chất.
- Ngủ đủ giấc từ 7 đến 8 giờ mỗi đêm
- Xây dựng một chế độ ăn uống bổ dưỡng và cân bằng
- Giảm căng thẳng
- Giảm cân nếu bạn bị thừa cân, béo phì hoặc duy trì cân nặng hợp lý.
Đau thận trái do viêm cầu thận
Viêm cầu thận là hội chứng các rối loạn có thể gây viêm thận và làm tổn thương các cầu thận có chức năng lọc máu. Thận bị tổn thương khiến chúng hoạt động kém hiệu quả hơn, có thể dẫn đến suy thận. Viêm cầu thận cấp và mãn tính là hai dạng của bệnh viêm cầu thận.
Triệu chứng
Viêm cầu thận cấp tính phát triển nhanh chóng và thường kết hợp với các bệnh như viêm họng hạt. Các dấu hiệu và triệu chứng gồm:
- Tiểu máu
- Vào buổi sáng, thức dậy với khuôn mặt sưng tấy.
- Đi tiểu ít thường xuyên hơn.
Viêm cầu thận mãn tính xảy ra dần dần và có thể do thay đổi hệ thống miễn dịch hoặc các yếu tố không xác định. Các dấu hiệu và triệu chứng gồm:
- Cao huyết áp
- Tiểu ra máu
- Tiểu đêm nhiều
- Sưng mắt cá chân hoặc mặt
- Nước tiểu nhiều bọt
Điều trị
Bệnh viêm cầu thận cấp có thể tự khỏi. Nếu không, bác sĩ có thể kê đơn thuốc để hỗ trợ hệ thống miễn dịch đang bị suy yếu. Họ cũng có thể khuyên người bệnh uống nhiều nước hơn để lọc thận.
Các lựa chọn điều trị cho bệnh viêm cầu thận mãn tính bao gồm:
- Duy trì huyết áp ổn định
- Uống bổ sung canxi
- Dùng thuốc lợi tiểu
- Tránh ăn quá nhiều đạm, kali và natri
Biện pháp phòng ngừa đau thận trái
Thận có chức năng quan trọng giúp lọc máu và đào thải độc tố ra ngoài, giúp cho cơ thể hoạt động, phát triển khỏe mạnh. Khi thận bị tổn thương, dù là nguyên nhân nào cũng khiến chức năng thận suy giảm, ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh. Phòng ngừa để thận khỏe mạnh là điều tất cả mọi người nên quan tâm, tránh những nguy hiểm có thể xảy ra. Các biện pháp bạn có thể thực hiện thường xuyên, hàng ngày đó là:
- Thường xuyên tập luyện thể dục giúp tăng cường sức khỏe, sức đề kháng cũng như khả năng miễn dịch: Cố gắng dành tối thiểu 30 phút hàng ngày để tập những bài tập nhẹ nhàng như: đi bộ, bơi lội, yoga,…
- Kiểm soát huyết áp, đường huyết, tim mạch của cơ thể.
- Duy trì cân nặng ở mức hợp lý, không để cơ thể bị thừa cân, béo phì
- Kiểm soát căng thẳng: Có thể bao gồm tập thể dục, nâng cao chất lượng giấc ngủ , tập thiền, có thời gian, không gian nghỉ ngơi điều độ, hợp lý, thoải mái
- Không hoạt động, vận động, làm việc quá sức với cường độ cao, không tập những bài tập mạnh, mất sức.
- Không hút thuốc lá cũng như sử dụng các chất có cồn như rượu bia, chất kích thích như cà phê.
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân. Chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp kiểm soát tốt huyết áp, cân nặng, cholesterol, lượng đường trong máu, làm chậm quá trình tiến triển của bệnh. Hạn chế ăn muối, các thực phẩm chứa đạm (thịt bò, ức gà, trứng, tôm, chuối, các loại hạt…), kali (các loại đậu, trái cây sấy khô, khoai tây, sữa…), photpho (phô mai, da, nội tạng độc vật…), các thực phẩm, chế biến sẵn…
- Tuy nhiên vẫn phải đảm bảo chế độ ăn giàu năng lượng, giúp cơ thể không bị thiếu chất, mệt mỏi, gầy yếu. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có chế độ ăn hợp lý, phù hợp với tình hình sức khỏe của bản thân.
- Uống đủ lượng nước mỗi ngày (2-2,5l) hoặc tùy vào tình trạng sức khỏe, thể chất của cơ thể để đào thải các độc tố, các cặn bã ra ngoài một cách hiệu quả nhất.
- Thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ (6 tháng/lần), kiểm tra tổng quát và làm các xét nghiệm kiểm tra hoạt động của thận bằng các xét nghiệm protein niệu, mức lọc cầu thận và các xét nghiệm khác để đánh giá chức năng thận
Đau thận trái có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Nếu mọi người cảm thấy đau thường xuyên hoặc đau nhói, hoặc nếu họ có các triệu chứng ở thận khác, thì nên đi khám bác sĩ ngay. Bác sĩ có thể giúp bạn tìm ra nguyên nhân gây ra cơn đau của bạn và đề xuất cách chữa đau thận trái.
Khi chưa tìm ra được nguyên nhân, bạn không nên tự ý sử dụng thuốc hay các mẹo dân gian, truyền miệng. Những cách này rất nguy hiểm và có thể khiến tình trạng bệnh nặng hơn. Việc điều trị có hiệu quả hay không còn phụ thuộc rất nhiều ở bản thân bạn. Hãy đảm bảo thực hiện đúng phác đồ điều trị, tích cực, chủ động phối hợp với phương pháp bác sĩ đưa ra cũng như thay đổi thói quen, chế độ ăn uống sinh hoạt lành mạnh, hợp lý để tình trạng bệnh thuyên giảm không phát triển nặng hơn.
Đau thận trái biểu hiện như thế nào?
Triệu chứng đau thận trái mà bạn có thể nhận thấy được là: tiểu nhiều lần và có cảm giác đau buốt khi đi tiểu, nước tiểu có thể có màu vàng thẫm, có lẫn máu, mùi hôi; sốt, buồn nôn và nôn…Triệu chứng đau thận trái có thể khác nhau phụ thuộc vào nguyên nhân đau thận trái.
Đau thận trái ở vị trí nào?
Khi bị đau thận trái, cơn đau xuất hiện ở vùng lưng dưới, có thể lan xuống vùng đùi và vùng bụng dưới bên trái.
Đau thận trái có nguy hiểm không?
Tùy vào nguyên nhân mà bệnh đau thận trái có thể điều trị được. Tuy nhiên, có những trường hợp, bị đau thận trái nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời, thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn uống sẽ ảnh hưởng tới chức năng thận, gây ra những biến chứng nguy hiểm .
Bị đau thận trái nên làm gì?
Khi có những triệu chứng đau thận trái, bạn cần đi khám, kiểm tra để xác định nguyên nhân gây bệnh. Sau khi đã được chẩn đoán, bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị phù hợp với tình trạng bệnh cũng như sức khỏe của người bệnh.
Điều quan trọng là bạn phải tích cực phối hợp với phác đồ điều trị, giữ tinh thần thoải mái cũng như có chế độ ăn uống, sinh hoạt, lối sống lành mạnh, hợp lý. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc hay sử dụng các mẹo truyền miệng khi chưa biết chính xác nguyên nhân đau thận trái
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.
Nguồn: www.medicalnewstoday.com