Các bài tập phục hồi giãn dây chằng đầu gối luôn là mối quan tâm của các vận động viên hoặc những người có thói quen vận động khớp gối thường xuyên, vì đây là những đối tượng dễ bị giãn dây chằng đầu gối. Vậy giãn dây chằng đầu gối là gì? Cách tập luyện phục hồi giãn dây chằng đầu gối như thế nào? Hãy cùng Docosan tìm hiểu trong bài viết dưới đây!
Tóm tắt nội dung
Tổng quan về giãn dây chằng đầu gối
Giãn dây chằng đầu gối có nguyên nhân chủ yếu do chấn thương trong các môn thể thao (bóng chuyền, bóng đá, chạy nhảy..) hoặc do tai nạn lao động, tai nạn giao thông, tai nạn trong việc sinh hoạt làm va đập trực tiếp lên đầu gối, hay chấn thương theo cơ chế xoắn (khi chạy bộ hoặc chạy honda… bất ngờ bị ngã, bệnh nhân dồn hết lực vào một chân để chống đỡ và trụ gây ra chấn thương xoắn cho khớp gối).
Giãn dây chằng đầu gối thường gồm những triệu chứng sau:
- Tiền sử chấn thương vùng khớp gối
- Đau nhức khớp gối, nghe tiếng lạo xạo bất thường khi cử động
- Khớp gối lõng lẽo, mất sự vững chắc: đi lại khó khăn, dễ bị té ngã.
Điều trị giãn dây chằng khớp gối
Bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp với mức độ nặng của tình trạng chấn thương hoặc phần bị tổn thương của khớp gối.
Thuốc giảm đau
Bác sĩ có thể lựa chọn các loại thuốc giảm đau như acetaminophen, và sẽ cân nhắc lựa chọn những loại thuốc có tác dụng giảm đau mạnh hơn nếu tình trạng đau của bệnh nhân không được cải thiện.
Nghỉ ngơi
Khi bị giãn dây chằng đầu gối, tốt nhất bệnh nhân cần hạn chế tối đa những hoạt động tạo áp lực thêm lên khớp gối (bao gồm cả việc chơi thể thao), việc đó có thể gây tổn thương nghiêm trọng hơn cho dây chằng. Trong nằm nghỉ hoặc khi ngồi, nên kê cao chân để ngăn ngừa tình trạng sưng phù.
Chườm lạnh
Việc chườm lạnh bằng những túi đá lên khớp gối khoảng 20 phút và lặp lại mỗi lần cách nhau vài giờ thực sự cho thấy tác dụng cải thiện tình trạng sưng đau do giãn dây chằng gây ra (tuy nhiên, phương pháp này vẫn cần được tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng, nhất là khi bạn mắc đái tháo đường). Ngoài tác dụng giảm đau, đá lạnh còn có thể cầm máu nếu đang có tình trạng chảy máu bên trong khớp gối/
Băng ép
Một phương pháp giúp giảm sưng khác được biết đến là băng ép. Tuy nhiên cần lưu ý không nên quấn băng ép quá chặt vì có thể ngăn máu lưu thông xuống vùng dưới khớp gối (cẳng chân), có thể gây thiếu máu thậm chí hoại tử. Vì thế trong lúc băng ép nếu cảm giác đau nhiều hơn, sưng nề hoặc tê bì ở phần dưới băng thì nên nới lỏng hoặc tháo bỏ băng ngay lập tức.
Bất động khớp gối
Bác sĩ sẽ dùng nẹp để cố định vùng khớp gối ở tư thế bất động, nhằm giúp những tổn thương dây chằng có thể phục hồi tốt hơn, ngoài ra còn ngăn ngừa dây chằng bị co giãn thêm.
Các bài tập phục hồi dây chằng đầu gối
Các bác sĩ hoặc chuyên viên vật lý trị liệu có thể hướng dẫn cho bạn những bài tập phục hồi giãn dây chằng đầu gối thích hợp với tình trạng, mức độ của tổn thương và khả năng vận động của cá nhân mỗi người bệnh.
Các bài tập phục hồi giãn dây chằng đầu gối có hiệu quả tương đối tốt hiện nay bao gồm:
Gập bàn chân
- Người bệnh nằm ngửa, kê 1 chiếc gối mềm ngay dưới khớp gối;
- Gập mặt mu bàn chân cùng với các ngón chân tối đa về phía thân người, khớp gối đè xuống duỗi thẳng;
- Giữ nguyên tư thế trong 10s, lặp đi lặp lại khoảng 20 lần.
Tập ưỡn hông
- Nằm ngửa, đầu gối gấp nhẹ, gót chân chống xuống đất ở tư thế chuẩn bị.
- Ưỡn hông lên, sao cho phần cơ thể chạm đất chỉ còn gót chân và phần lưng (bả vai)
- Giữ nguyên tư thế đó trong 10 giây và cũng lặp lại động tác tối đa 20 lần.
Nâng cẳng chân ở tư thế nằm hoặc ngồi ghế tựa
- Ngồi thẳng lưng trên ghế, hoặc nằm ngửa với gối gập nhẹ ở tư thế chuẩn bị.
- Duỗi cẳng chân mỗi bên ra, sao cho khớp gối thẳng, nâng lên khoảng 40cm sau đó hạ từ từ xuống trong 10 giây
- Thư giãn cơ đùi và lặp lại tối đa 20 lần.
Nhón chân
- Đứng tựa tay hoặc vịn vào bàn, ghế hoặc bất kì vật dụng chắc chắn nào;
- Nhón bàn chân lên sao cho cơ thể đứng bằng những ngón chân;
- Giữ tư thế đó trong vòng 2 đến 3 giây rồi hạ xuống, lặp lại 25 lần;
Phẫu thuật
Nếu tình trạng giãn dây chằng quá mức, gây ra đứt dây chằng, phẫu thuật là phương pháp điều trị duy nhất. Bác sĩ sẽ loại bỏ phần dây chằng bị đứt và thay thế nó bằng mảnh gân khác chắc khỏe hơn, hoặc nối 2 mảnh bị đứt của dây chằng lại.
Để người bệnh quay trở lại với các hoạt động sinh hoạt bình thường sẽ mất từ vài tuần đến vài tháng. Tiếp đó, người bệnh còn phải tiếp tục tập vật lý trị liệu với các bài tập phục hồi giãn dây chằng đầu gối để lấy lại phạm vi chuyển động tối đa của khớp gối của mình.
Các tổn thương giãn dây chằng mức độ 1 và 2 thường sẽ hồi phục khoảng từ 2 đến 4 tuần kể từ khi bị tổn thương. Ở những bệnh nhân phải điều trị phẫu thuật sẽ phải chờ đợi lâu hơn, khoảng 4 đến 6 tháng.
Khoảng 80 % bệnh nhân bị tổn thương dây chằng chéo sau và 80 – 90% người tổn thương dây chằng chéo trước sẽ được hồi phục hoàn toàn sau khi điều trị, mặt khác cũng có một số trường hợp ngoại lệ, việc hồi phục không được thuận lợi, có thể diễn tiến thành các tình trạng viêm khớp gối sau đó.
Kết luận
Khớp gối là nơi chống đỡ tải trọng của cả phần thân trên và giúp cơ thể có thể chạy nhảy, đi lại bình thường. Do đó, có cho mình những biện pháp bảo vệ khớp gối và ngăn ngừa tình trạng giãn dây chằng khi chơi thể thao hay những hoạt động tạo áp lực lên khớp gối là vô cùng quan trọng và cần thiết. Khi nhận ra những triệu chứng bệnh, hãy liên hệ ngay cơ sở y tế gần nhất. Vật lý trị liệu đóng vai trò quan trọng giúp hồi phục lại chức năng của khớp gối bị tổn thương.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc và tìm hiểu về 1 số bài tập phục hồi giãn dây chằng đầu gối cực kì hiệu quả tại Docosan. Chúng tôi rất vinh hạnh chào đón và nhận được sự tín nhiệm từ các bạn.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.
Xem thêm:
- Bong gân: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
- Giãn dây chằng chân: Nguyên nhân, triệu chứng và cách sơ cứu
- Tổng quan về giãn dây chằng chéo sau
- Giãn dây chằng lưng: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Nguồn tham khảo: healthline.com, webmd.com