Áp xe vú sau sinh là tình trạng viêm tuyến vú không được can thiệp điều trị kịp thời ở phụ nữ trong giai đoạn cho con bú sau sinh. Bệnh được nhận biết bằng tình trạng sưng tấy, viêm đỏ, khối sưng đau ở vú. Bệnh ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe người mẹ và chất lượng sữa cho con bú. Hãy cùng Docosan tìm hiểu về áp xe ngực sau sinh trong bài viết này nhé!
Tóm tắt nội dung
Áp xe vú sau sinh là gì?
Áp xe vú sau sinh là hiện tượng viêm với các triệu chứng sưng, nóng, đỏ, đau do tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn, tích tụ mũ trong mô vú. Yếu tố gây bệnh thường gặp là tụ cầu, liên cầu và một số vi khuẩn khác như phế cầu, vi khuẩn kị khí… Các ổ áp xe vú có thể hình thành ở nhiều vị trí cạnh tuyến vú hoặc nằm ngoài tuyến vú. Đa số các ổ áp xe sẽ tiến triển qua 3 giai đoạn: viêm, tạo áp xe, hoại tử. Do đó phát hiện và điều trị sớm sẽ hạn chế biến chứng hoại tử.
Nguyên nhân thường gặp nhất của áp xe vú sau sinh là do hiện tượng tắc tia sữa, bên cạnh đó còn các yếu tố nguy cơ khác như suy giảm hệ miễn dịch, nứt núm vú, trầy xước núm vú. Các yếu tố này sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập trực tiếp từ da vào tuyến vú, qua các ống dẫn sữa… gây nhiễm trùng và hình thành ổ áp xe.
Cơ chế chính gây tắc tia sữa: sự bít tắc lòng ống dẫn sữa hoặc yếu tố chèn ép từ bên ngoài, sữa không thể chảy ra ngoài được dưới tác động kích thích từ động tác bú mút của trẻ. Sữa không chảy ra ngoài sẽ tạo thành hòn cục trong khi đó cơ thể người mẹ vẫn tiếp tục tạo ra sữa, lâu dài làm căng giãn các ống dẫn sữa, chèn ép các ống dẫn sữa chưa bị bít tắc, hậu quả tạo thành vòng xoắn bệnh lý, cuối cùng dẫn đến viêm tuyến vú nếu không can thiệp điều trị sẽ tạo áp xe tuyến vú sau sinh.
Bên cạnh đó, một số thói quen không đúng về chăm sóc tuyến vú trong thời kỳ cho con bú cũng có thể khiến cơ thể người mẹ bị áp xe ngực sau sinh như: sau khi sinh không day đều bầu sữa để giúp lưu thông tia sữa, không vắt bỏ sữa dư thừa khi trẻ bú không hết hậu quả gây ứ đọng sữa, không vệ sinh lau rửa đầu vú sạch trước và sau khi cho trẻ bú.
Dấu hiệu nhận biết áp xe vú sau sinh
Các dấu hiệu giúp mẹ bỉm nhận biết tình trạng áp xe vú sau sinh thường gặp:
- Cảm giác đau nhức: thường xuất hiện cơn đau sâu bên trong do áp xe vú sau sinh là tình trạng nang tuyến vú chứa dịch mủ và các mô bị viêm. Cảm giác đau sẽ xuất hiện rõ ràng nhất khi dùng tay ấn vào vùng áp xe (khối cứng, chắc) hay khi cử động vai, cánh tay.
- Vú sưng và căng to: người mẹ sẽ thấy vú sưng to và căng tức hơn bình thường, nếu không được điều trị sớm thì tình trạng này ngày một tăng dần.
- Sờ nắn vú thấy khối cứng bên trong: là triệu chứng điển hình của áp xe vú sau sinh và cũng là lý do khiến phụ nữ thăm khám bác sĩ. Khi bạn dùng tay sờ nắn ngực có thể cảm nhận được một hoặc nhiều khối cứng, chắc bên trong vú. Tại vị trí sờ được những cục này sẽ thấy hiện tượng viêm sưng đỏ.
- Đau vú khi cho con bú: đây là một trong những than phiền chính thường gặp khi cho con bú của phụ nữ khi mắc phải bệnh lý áp xe vú.
- Sốt, ớn lạnh: tình trạng sốt có thể gặp hoặc không, thường gặp trong giai đoạn đầu khi mới khởi phát hiện tượng viêm, sốt có thể sốt nhẹ từ khoảng 38 độ hay sốt cao lên đến 39 – 40 độ, đi kèm với sốt có thể có cảm giác ớn lạnh.
- Biến chứng hoại tử: hoại tử do áp xe vú là biến chứng nặng nề và nguy hiểm nhất, với các biểu hiện thường gặp: cơ thể mệt mỏi, hạ huyết áp, vú căng to sưng phù, da trên ổ áp xe vàng nhạt, hạch nách sưng to, ổ áp xe vỡ có thể có hiện tượng chảy mủ chảy dịch tanh hôi.
Cách điều trị và phòng ngừa áp xe vú sau sinh
Ngay khi phát hiện hoặc nghi ngờ bản thân mắc áp xe vú sau sinh, bạn nên tiến hành thăm khám càng sớm càng tốt tại các bệnh viện, cơ sở y tế chuyên khoa sản để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đối với ổ áp xe, phương pháp điều trị thường là chích, rạch và dẫn lưu mủ. Phương pháp chích lấy mủ thường được áp dụng với áp xe nông. Với áp xe thể tuyến, áp xe ở sâu, cần can thiệp mổ gây mê để dẫn lưu mủ ra ngoài.
Bên cạnh biện pháp can thiệp tại cơ sở y tế, phụ nữ cần thực hiện các biện pháp điều trị tại nhà sau để nâng cao hiệu quả điều trị:
- Nghỉ ngơi điều độ, tránh cho con bú bên vú bị tổn thương trong thời gian điều trị chờ hồi phục.
- Vắt kiểm tra sữa trước mỗi khi cho con bú để kiểm tra màu sắc sữa, khi phát hiện màu khác thường như màu vàng nên ngưng cho con bú tại bên vú đó.
- Chườm nóng xoa bóp để nâng cao hiệu quả điều trị, phục hồi vết thương nhanh hơn.
- Các loại thuốc kháng sinh giảm đau nên được bác sĩ kê toa, người mẹ không được tự ý mua thuốc ở ngoài uống. Trường hợp áp xe gây đau nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được chỉ định thuốc giảm đau.
Các biện pháp phòng ngừa áp xe vú sau sinh
- Giữ gìn vệ sinh vùng vú và núm vú sạch sẽ trước và sau khi cho trẻ bú, trong qua trình bé bú tránh làm trầy xước, rạn nứt đầu núm vú.
- Tập cho trẻ thói quen bú no, bú hết từng bên vú trước khi đổi bên, nếu trẻ bú chưa hết thì vắt sữa lượng sữa ra dự trữ ở ngăn đông của tủ lạnh, tránh ứ đọng sữa, tắc tia sữa là nguyên nhân gây áp xe vú.
- Nâng cao đề kháng của cơ thể bằng cách ăn uống đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng, tránh thức khuya, căng thẳng, làm việc quá sức.
Cảm ơn bạn đã tìm đọc bài viết “Dấu hiệu áp xe vú sau sinh và cách điều trị mà bạn cần biết”. Hy vọng qua bài viết bạn đã có thêm những thông tin bổ ích về bệnh lý áp xe vú sau khi sinh.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước.
Nguồn tham khảo: NHS