Sùi mào gà giai là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến và tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu không điều trị kịp thời. Do đó, việc phát hiện sùi mào gà giai đoạn đầu có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy lùi những tác động tiêu cực này. Hãy cùng Docosan tìm hiểu về sùi mào gà giai đoạn đầu và cách nhận biết căn bệnh này qua bài viết dưới đây.
Tóm tắt nội dung
Tổng quan về bệnh sùi mào gà
Sùi mào gà là gì?
Sùi mào gà là một bệnh lý truyền nhiễm lây qua đường tình dục và mức độ phổ biến cao. Bệnh gây ra bởi virus HPV (Human Papillomavirus), hay còn được gọi là virus gây u nhú ở người. Đến nay, người ta đã tìm thấy hơn 200 chủng HPV khác nhau và hầu hết những người đã từng quan hệ đều sẽ bị nhiễm ít nhất một loại HPV tại một thời điểm nào đó.
Một số chủng HPV sau khi lây nhiễm không gây bất cứ triệu chứng nào và tồn tại suốt cuộc đời của người bệnh, một số chủng gây ra mụn cóc thông thường, những chủng khác có thể gây ra mụn cóc sinh dục (sùi mào gà) hoặc thậm chí là gây ung thư.
Trong số đó, sùi mào gà biểu hiện dưới dạng các mụn cóc hoặc nốt sùi nhỏ màu da có hình dạng súp lơ ở bộ phận sinh dục, hậu môn và các khu vực tiếp xúc với virus. Bệnh tiến triển qua 5 giai đoạn bao gồm: giai đoạn ủ bệnh, giai đoạn khởi phát (sùi mào gà giai đoạn đầu), giai đoạn phát triển, giai đoạn có biến chứng, giai đoạn tái phát.
Nguyên nhân và các yếu tố rủi ro gây bệnh sùi mào gà
Nguyên nhân chính gây ra bệnh sùi mào gà là do virus HPV xâm nhập vào cơ thể qua tiếp xúc trực tiếp với da hoặc màng nhầy của người bị nhiễm trong khi quan hệ tình dục. Vì thế, quan hệ tình dục không an toàn là con đường lây lan chính của căn bệnh này, bao gồm cả hành vi giao hợp trực tiếp, quan hệ bằng miệng hay tiếp xúc kề da bộ phận sinh dục mà không xuất tinh.
Ngoài ra, các yếu tố rủi ro khác gây ra bệnh sùi mào gà bao gồm:
- Không tiêm vacxin ngừa HPV.
- Mẹ mang thai nhiễm HPV lây bệnh cho thai nhi.
- Người có hệ miễn dịch suy yếu.
- Người có nhiều bạn tình.
- Người tiếp xúc gần với bệnh nhân (ăn uống chung, dùng chung đồ đạc,…).
Điều quan trọng cần lưu ý là người bị nhiễm HPV cũng có thể không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào hoặc triệu chứng khó phát hiện trong giai đoạn ủ bệnh (2 – 9 tháng) hoặc sùi mào gà giai đoạn đầu. Điều đó khiến người bệnh không biết mình nhiễm HPV và do đó có thể vô tình làm lây lan virus cho người khác.
Mời bạn tham khảo Bộ Xét Nghiệm Các Bệnh Xã Hội (STD) Phổ Biến từ Docosan.
Các đối tượng dễ mắc sùi mào gà
Cả nam và nữ giới đều có nguy cơ mắc sùi mào gà tuy nhiên một số tài liệu cho rằng nam giới có nguy cơ cao hơn so với nữ giới. Điều này có thể do sự khác biệt về thói quen sinh hoạt giữa nam và nữ.
Sùi mào gà thường phổ biến ở thanh thiếu niên và người trẻ tuổi. Đặc biệt, những người có quan hệ tình dục không an toàn (không sử dụng bao cao su), người có nhiều bạn tình hoặc người đã từng mắc các bệnh lây qua đường tình dục khác thường dễ mắc sùi mào gà cao hơn.
Sùi mào gà có nguy hiểm không? Các biến chứng nguy hiểm
Mặc dù triệu chứng của sùi mào gà giai đoạn đầu thường không gây đau đớn cho bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu để lâu, bệnh không chỉ gây ra những phiền toái về thẩm mỹ và sinh hoạt mà còn tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm, bao gồm:
- Nguy cơ ung thư: Một số loại HPV, đặc biệt là HPV-16 và HPV-18 đã được cho là có nguy cơ cao gây ra ung thư cổ tử cung ở phụ nữ. Ngoài ra, HPV cũng có thể gây ra ung thư dương vật ở nam giới, ung thư hậu môn và thậm chí là ung thư vòm họng khi bệnh lây lan đến các khu vực này qua quan hệ tình dục bằng miệng.
- Nhiễm trùng và viêm loét: Khi bệnh tiến triển, các nốt sùi có thể phát triển lớn hơn và gây ra nhiễm trùng, viêm loét, tổn thương mô xung quanh. Điều này đặc biệt nguy hiểm ở những khu vực nhạy cảm như bộ phận sinh dục, hậu môn hoặc miệng. Các tổn thương này có thể khiến việc vệ sinh khó khăn, tăng nguy cơ nhiễm trùng và lây lan sang các khu vực khác của cơ thể.
- Ảnh hưởng đến thai kỳ: Phụ nữ mang thai mắc sùi mào gà có thể gặp các vấn đề nghiêm trọng như: tắc nghẽn đường sinh có nốt sùi lớn, lây truyền sang con trong quá trình sinh qua ngã âm đạo, u nhú đường hô hấp tái phát ở trẻ sơ sinh (Recurrent Respiratory Papillomatosis),…
- Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống: Bệnh sùi mào gà không chỉ gây ra các vấn đề về thể chất mà còn ảnh hưởng lớn đến tinh thần và tâm lý của người bệnh. Các nốt sùi ở vùng kín có thể khiến người bệnh tự ti, lo lắng, thậm chí dẫn đến trầm cảm. Việc điều trị kéo dài và nguy cơ tái phát cao cũng làm tăng thêm gánh nặng tâm lý cho người bệnh.
- Khả năng lây lan và tái phát cao: Virus HPV có thể tồn tại trong cơ thể một thời gian dài mà không gây triệu chứng, khiến người bệnh vô tình lây nhiễm cho bạn tình mà không hay biết. Bên cạnh đó, dù đã điều trị, sùi mào gà vẫn có khả năng tái phát cao do virus vẫn còn tồn tại trong cơ thể, đòi hỏi sự kiểm soát chặt chẽ và tái khám định kỳ.
Tầm quan trọng khi phát hiện bệnh sùi mào gà ở giai đoạn đầu
Việc phát hiện sớm bệnh sùi mào gà giai đoạn đầu là rất quan trọng. Trong giai đoạn đầu, các nốt sùi còn nhỏ và dễ điều trị hơn, vì thể có thể giúp giảm thiểu nguy cơ lây lan virus và ngăn chặn những biến chứng nghiêm trọng kể trên. Do đó việc quan sát và nhận biết triệu chứng sớm đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị.
Dấu hiệu, hình ảnh nhận biết sùi mào gà giai đoạn đầu
Dấu hiệu nhận biết triệu chứng sùi mào gà giai đoạn đầu ở nữ
Sùi mào gà giai đoạn đầu là giai đoạn khởi phát của nhiễm HPV. Khi đó, người bệnh bắt đầu có các triệu chứng nổi bật của bệnh. Những dấu hiệu nhận biết bao gồm:
- Xuất hiện các nốt sùi nhỏ hay mụn cơm, có đầu nhân nhọn, mềm và có nhiều màu (đỏ, hồng hoặc nâu), có đường kính khoảng 1 – 2 mm mọc riêng lẻ hoặc thành cụm, hơi nhô cao như những nhú gai.
- Nốt sùi mào gà giai đoạn đầu mềm, dễ vỡ, dễ chảy máu khi cọ xát.
- Nốt sùi có thể xuất hiện bên trong âm đạo, mép âm đạo, xung quanh hậu môn, niệu đạo, một số trường hợp ghi nhận có nốt sùi ở cổ tử cung.
- Bệnh nhân có thể cảm thấy ngứa hoặc có dịch tiết bất thường, nhưng thường thì các triệu chứng này rất nhẹ.
Dấu hiệu nhận biết triệu chứng sùi mào gà giai đoạn đầu ở nam
Các triệu chứng sùi mào gà giai đầu ở nam cũng tương tự như nữ giới, với sự xuất hiện của các nốt sùi nhỏ trên niêm mạc. Những u nhú này có thể xuất hiện trên dương vật, bìu, niệu đạo hoặc xung quanh hậu môn của nam giới. Chúng thường không đau nhưng có thể gây ngứa hoặc khó chịu nếu phát triển to hơn.
Ngoài ra, các nốt sùi nằm ở vị trí đường niệu đạo hoặc bao quy đầu có thể sẽ làm chèn ép đường ra của nước tiểu, khiến nam giới tiểu khó, tiểu rát.
Dấu hiệu nhận biết sớm sùi mào gà ở các bộ phận khác
Mặc dù hiếm gặp nhưng đôi khi nốt sùi mào gà giai đoạn đầu có thể xuất hiện ở cả niêm mạc miệng, họng và trên môi nếu có tiếp xúc với khu vực bị nhiễm virus. Sau khi qua giai đoạn ủ bệnh, Bệnh ban đầu có thể chỉ là những đốm đỏ hoặc xám trên môi và không gây đau đơn nên nhiều người thường bỏ qua.
- Ở môi: Bệnh nhân thường xuyên có cảm giác ngứa, nóng rát trên môi, đặc biệt là nổi các mụn nhỏ li ti, màu trắng hoặc hồng nhạt, không đau, đôi khi các nốt mụn liên kết với nhau thành mảng lớn. Ngoài ra, có thể có cả các vùng bị sưng, viêm đỏ và có mùi khó chịu, gây khó khăn khi bệnh nhân giao tiếp hoặc ăn uống.
- Ở niêm mạc miệng: Các nốt sùi mào gà có thể xuất hiện trong khoang miệng, bên trong má, nướu và lưỡi. Chúng thường có kích thước nhỏ, màu hồng hoặc trắng, mềm và có bề mặt sần sùi. Người bệnh có thể cảm thấy khó chịu khi ăn uống, cảm giác đau rát trong miệng, hoặc xuất hiện mùi hôi do nhiễm trùng. Các nốt sùi ở lưỡi và miệng thường dễ bị nhầm lẫn với nhiệt miệng hoặc viêm loét miệng.
- Ở họng: Sùi mào gà ở họng thường không có biểu hiện rõ rệt trong giai đoạn đầu, nhưng theo thời gian, người bệnh có thể gặp khó khăn khi nuốt, cảm giác vướng víu, hoặc có những cơn đau họng kéo dài mà không rõ nguyên nhân. Virus HPV có thể làm xuất hiện các nốt sùi tại amidan, vòm họng hoặc thanh quản. Trong một số trường hợp, các u nhú này có thể phát triển gây ảnh hưởng đến giọng nói.
Các phương pháp xét nghiệm, chẩn đoán sùi mào gà
Các phương pháp chẩn đoán sùi mào gà bao gồm:
- Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ quan sát kỹ các triệu chứng bên ngoài như nốt sùi, mụn cóc ở các khu vực như bộ phận sinh dục, hậu môn, miệng,… Đồng thời, bác sĩ có thể khai thác lịch sử quan hệ tình dục, các triệu chứng bất thường và yếu tố nguy cơ liên quan nhằm giúp cho việc chẩn đoán.
- Xét nghiệm Acid acetic: Đây được coi là một phương pháp phụ trợ để phát hiện các nốt sùi nhỏ khó nhìn thấy bằng mắt thường khi thực hiện khám lâm sàng. Bác sĩ bôi dung dịch axit acetic (dung dịch giấm) lên khu vực nghi ngờ có sùi mào gà. Sau vài phút, nếu có sự hiện diện của nốt sùi, chúng sẽ chuyển sang màu trắng và trở nên rõ ràng hơn.
- Xét nghiệm HPV DNA: Mẫu dịch hoặc mô từ các nốt sùi hoặc từ cổ tử cung (ở phụ nữ) sẽ được thu thập và phân tích để tìm DNA của virus HPV. Xét nghiệm này giúp xác định sự hiện diện của virus HPV, đặc biệt là các chủng HPV nguy cơ cao liên quan đến ung thư.
- Xét nghiệm Pap: Bác sĩ sẽ sử dụng một chổi lấy mẫu đặc biệt để lấy mẫu tế bào cổ tử cung của phụ nữ và kiểm tra tế bào học. Xét nghiệm giúp phát hiện sớm các tế bào bất thường ở cổ tử cung, một dấu hiệu liên quan đến nhiễm HPV và nguy cơ ung thư cổ tử cung.
- Sinh thiết mô: Trong những trường hợp khó chẩn đoán hoặc khi cần loại trừ khả năng ung thư, bác sĩ có thể chỉ định sinh thiết mô để kiểm tra chi tiết bằng cách lấy một mẫu nhỏ từ nốt sùi hoặc vùng da bị nghi ngờ và gửi mẫu đến phòng thí nghiệm để phân tích dưới kính hiển vi.
- Kiểm tra tổn thương tại các vị trí khác (như miệng, hậu môn): Trong trường hợp người bệnh có quan hệ tình dục qua đường miệng hoặc hậu môn, các xét nghiệm kiểm tra tại các khu vực này cũng rất quan trọng để phát hiện sùi mào gà.
Các phương pháp điều trị sùi mào gà
Hiện nay chưa có thuốc đặc trị virus HPV, do đó không thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh sùi mào gà, người nhiễm HPV sẽ phải chung sống suốt đời với virus ở tình trạng có hoặc không biểu hiện triệu chứng bệnh. Tuy nhiên nhân không nên tự điều trị bệnh tại nhà và tránh để lâu vì bệnh sẽ tiến triển nặng và khó chữa trị hơn.
Do đó điều trị sùi mào gà giai đoạn đầu chủ yếu là điều trị và làm thuyên giảm triệu chứng bệnh như loại bỏ các nốt sùi, nâng cao thể trạng, tăng sức đề kháng để chống chọi với virus và điều trị các đợt bội nhiễm vi khuẩn. Một số phương pháp để loại bỏ mụn cóc sinh dục bao gồm:
- Đốt điện.
- Đông lạnh bằng nitơ lỏng.
- Điều trị bằng laser.
- Quy trình cắt bỏ bằng dao điện vòng (LEEP).
- Thuốc bôi ngoài da.
- Phẫu thuật.
Người bệnh cũng cần đảm bảo vệ sinh cá nhân như thường xuyên rửa sạch bộ phận sinh dục hay nơi có nốt sùi, mặc quần áo thoáng mát tránh bí bách, tạo điều kiện để vi khuẩn sinh sôi. Không nên gãi ngứa để tránh làm chảy máu nốt sùi. Tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ và tái khám thường xuyên cũng là việc hết sức quan trọng.
Cần lưu ý rằng bệnh có thể tái phát và ngay cả khi mụn cóc đã được loại bỏ, bạn vẫn có thể lây truyền HPV cho người khác.
Các biện pháp phòng tránh lây nhiễm sùi mào gà
Hiện nay, có thể phòng ngừa một số chủng HPV phổ biến bằng cách tiêm ngừa vacxin HPV, vacxin có thể tiêm cho cả nam và nữ để phòng ngừa bệnh ung thư cổ tử cung, ung thư dương vật, sùi mào gà,…
Bên cạnh đó, nếu bạn quan hệ tình dục, hãy hạn chế số lượng bạn tình và học cách quan hệ tình dục an toàn. An toàn nhất là khi bạn chỉ có một bạn tình và người đó chỉ quan hệ với bạn. Bạn cũng nên sử dụng bao cao su mỗi khi quan hệ, điều này giúp hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp với virus. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng HPV vân có thể lây nhiễm vào các bộ phận khác của cơ thể mà bao cao su không bao phủ.
Cuối cùng, các chuyên gia khuyên rằng nên xét nghiệm thường quy các bệnh lây truyền qua đường tình dục để phát hiện sớm và hãy báo cho bạn tình biết nếu bạn bị HPV hoặc mụn cóc sinh dục để họ kịp thời đi xét nghiệm và điều trị.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Các dấu hiệu, triệu chứng bất thường
- Xuất hiện các nốt sùi nhỏ màu trắng hoặc xám ở bộ phận sinh dục hoặc hậu môn.
- Cảm giác ngứa ngáy, khó chịu hoặc đau nhức khi quan hệ tình dục.
- Các nốt sùi có thể phát triển thành cụm lớn, có hình dạng như mào gà hoặc hoa súp lơ.
- Đôi khi có cảm giác đau, tiết dịch âm đạo bất thường, chảy máu hoặc khó chịu khi tiểu tiện.
- Ở một số trường hợp, các nốt sùi có thể xuất hiện ở miệng nếu có quan hệ tình dục qua đường miệng.
Nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào kể trên, người bệnh nên nhanh chóng tìm kiếm sự tư vấn và điều trị từ bác sĩ chuyên khoa.
Docosan là một trong số ít đơn vị cung cấp dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tại nhà. Mời bạn tham khảo Gói xét nghiệm 12 tác nhân gây bệnh đường tình dục từ Docosan.
Một số bệnh viện chuyên khoa uy tín
Nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào kể trên, người bệnh nên nhanh chóng tìm kiếm sự tư vấn và điều trị từ các khoa khám truyền nhiễm. Việc chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giúp ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng và cải thiện chất lượng sống của người bệnh. Dưới đây là những gợi ý bạn có thể tham khảo:
- Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương
- Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới
- Bệnh viện FV – ThS.BS Vũ Trường Sơn
- Phòng Khám Đa Khoa Medlatec
Xem thêm:
- HIV lây qua đường nào nhiều nhất? 7 con đường lây nhiễm bạn nên biết
- Bệnh lậu là gì? Có nguy hiểm không? Nguyên nhân, cách điều trị
- Bệnh STD là gì? Dấu hiệu, triệu chứng 10 bệnh thường gặp
- Virus Nipah – Loại virus có khả năng gây tử vong cao
Cảm ơn bạn đã tìm đọc bài viết “Sùi mào gà giai đoạn đầu ở nam, nữ có chữa khỏi không? Cách nhận biết”. Mong rằng bài viết đã cung cấp những thông tin thiết thực và hữu ích đến bạn. Nếu có các dấu hiệu kể trên, đừng ngần ngại đến gặp bác sĩ da liễu uy tín để được chẩn đoán và chữa trị ngay từ sớm bạn nhé.
Nguồn tham khảo:
1. Genital warts
- Link tham khảo: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/genital-warts/symptoms-causes/syc-20355234
- Ngày tham khảo: 07/09/2024
2. Genital Warts
- Link tham khảo: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/4209-genital-warts
- Ngày tham khảo: 07/09/2024