Bệnh tả là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm có thể gây tử vong cho người và tạo nên dịch bệnh. Các ca bệnh tả đã được ghi nhận khắp nơi trên thế giới từ những năm trước Công Nguyên và hiện tại vẫn còn xuất hiện rải rác nhiều nơi, cả ở Việt Nam. Tại bài viết này, Doctor có sẵn sẽ cung cấp một số thông tin về căn bệnh lâu đời này nhé.
Tóm tắt nội dung
Tổng quan về bệnh tả
Bệnh tả (cholerae) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây dịch ở đường tiêu hoá do phẩy khuẩn tả Vibrio cholerae gây ra. Trong quá khứ bệnh đã từng gây ra nhiều trận đại dịch tả, gây tử vong hàng triệu người, được liệt vào một trong những đại dịch khủng khiếp nhất trong lịch sử.
Mặc dù dịch tả đã được xóa sổ phần lớn tại các quốc gia phát triển nhưng nó vẫn là kẻ giết người thầm lặng ở những quốc gia đang phát triển do nhiều nguyên nhân như: thiếu hệ thống xử lý chất thải phù hợp, hạn chế trong việc tiếp cận nguồn nước uống sạch, hệ thống y tế còn yếu,… Ở Việt Nam bệnh tả vẫn còn xảy ra những trường hợp tản phát, thường vào mùa hè ở các tỉnh ven biển.
Phẩy khuẩn tả Vibrio cholerae
Vibrio cholerae là vi khuẩn cong hình dấu phẩy, gram âm, di động nhanh nhờ có một lông, có khả năng tồn tại trong nước và thức ăn khoảng một tuần. Vi khuẩn có thể tồn tại nhiều năm trong các động vật thân mềm ở vùng ven biển, sống tốt trong môi trường nước, thức ăn như cá, cua; chịu được lạnh tốt. Vi khuẩn tả bị tiêu diệt ở nhiệt độ cao hoặc các chất diệt khuẩn thông thường.
Độc tố của vi khuẩn tả: vi khuẩn sinh độc tố ruột là kháng nguyên có bản chất protein. Độc tố này khi vào ruột non người gây ra phản ứng làm giảm ion Na+ và tăng tiết ion Cl- gây tiêu chảy.
Khả năng gây bệnh tả: vi khuẩn gây bệnh cho người ở điều kiện tự nhiên. 90% bệnh biểu hiện nhẹ, không cần nhập viện điều trị, 10% còn lại có những triệu chứng nguy hiểm đe doạ tính mạng.
Bệnh tả lây qua đường nào?
Bệnh tả lây theo đường tiêu hoá, qua đường nước bị nhiễm bẩn bởi phân người hoặc phân động vật và qua thực phẩm bị nhiễm các tác nhân gây bệnh trong quá trình chế biến hoặc bảo quản, bởi nước bẩn, qua bàn tay bẩn và ruồi, nhặng nhiễm phẩy khuẩn tả. Một nghiên cứu bệnh chứng của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho thấy các thực phẩm nguy cơ cao gây bệnh tả là: thịt chó, mắm tôm, rau sống, tiết canh.
Những người có nguy cơ cao mắc tả là: những người tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân tả; dân cư tại vùng sử dụng hố xí không hợp tiêu chuẩn vệ sinh (đổ thẳng ra cống, mương, kênh, sông); sử dụng nước bề mặt (ao, hồ, kênh, mương, sông,…) bị ô nhiễm; có tập quán ăn uống không hợp vệ sinh, ăn rau sống, thực hành vệ sinh chưa tốt, ăn hải sản chưa chín, dùng phân tươi trong trồng trọt; khu vực cửa sông, ven biển; vùng bị ngập lụt và sau ngập lụt.
Triệu chứng của bệnh tả
Vibrio Cholerae gây bệnh dịch tả ở người bằng cách xâm nhập qua hệ tiêu hóa. Nếu vượt qua được lớp axit dạ dày, vi khuẩn tả sẽ xuống được ruột non là nơi có môi trường pH kiềm thuận lợi cho sự sinh sôi và phát triển của chúng và sản xuất ra nhiều độc tố để gây bệnh tả.
Thời kỳ ủ bệnh: Từ vài giờ đến 5 ngày, trong thời gian này người bệnh chưa có triệu chứng gì.
Thời kỳ khởi phát: Biểu hiện bằng sôi bụng, đầy bụng, tiêu chảy vài lần.
Thời kỳ toàn phát:
- Tiêu chảy liên tục rất nhiều lần với khối lượng lớn, có khi hàng chục lít một ngày. Phân đặc trưng của bệnh tả: toàn nước, màu trắng lờ đục như nước vo gạo, không có nhầy máu. Một số người gọi bệnh tả lị là chưa chính xác vì khuẩn tả không gây đi cầu ra máu.
- Nôn dễ và nhiều, lúc đầu nôn ra thức ăn, sau chỉ toàn nước trong hoặc vàng nhạt
- Không sốt, ít khi đau bụng.
- Tình trạng mất nước và điện giải gây mệt lả, chuột rút,… Người bệnh chết thường vì mất nước nặng.
Thời kỳ hồi phục: Bệnh nhân khoẻ lại từ 1-3 ngày nếu được bù đủ nước và điều trị kháng sinh.
Chẩn đoán xác định khi phân lập được phẩy khuẩn tả V. cholerae nhóm huyết thanh O1 hoặc O139 từ mẫu phân hoặc chất nôn của bệnh nhân tiêu chảy.
Phòng ngừa bệnh tả
Phòng ngừa bệnh tả không để bệnh phát triển thành dịch là trách nhiệm của người dân và nước.
- Tuyên truyền giáo dục cộng đồng trên các phương tiện thông tin đại chúng các kiến thức về bệnh tả và tiêu chảy cấp, các biện pháp thực hành vệ sinh cá nhân (rửa tay bằng xà phòng thường xuyên trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh), vệ sinh môi trường (sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, không vứt rác xuống các ao, hồ gây ô nhiễm nguồn nước, diệt ruồi); an toàn vệ sinh thực phẩm (ăn chín, uống chín); bảo vệ nguồn nước và dùng nước sạch.
- Khi có người bị tiêu chảy cấp, nhanh chóng báo cáo cho cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn và điều trị kịp thời.
- Tăng cường cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường.
Tăng cường việc thanh kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là tại các cơ sở chế biến thực phẩm, chợ, nhà hàng, bếp ăn tập thể, trường học, thức ăn đường phố,… - Duy trì thường xuyên việc giám sát các trường hợp tiêu chảy cấp, đặc biệt chú ý các vùng trọng điểm và vào mùa dịch, kịp thời phát hiện các ca bệnh đầu tiên.
Luôn sẵn sàng có đội cơ động phòng chống dịch ở từng tuyến. Chuẩn bị các cơ số dự trữ cho chống dịch tả. - Gây miễn dịch chủ động bằng vắc xin những khu vực khẩn cấp, có dịch.
Cảm ơn bạn đã tìm đọc bài viết “Bệnh tả là bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị”. Ngày nay bệnh tả không còn là vấn đề nghiêm trọng ở Việt Nam do chúng ta đã thực hiện tốt khá y tế công cộng, tuy nhiên ở một số nơi trên thế giới và một vài địa phương vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh tả. Do đó trang bị kiến thức về bệnh để bảo vệ bản thân và người chung quanh là vô cùng cần thiết.
Mời bạn tham khảo Bộ Xét Nghiệm Các Bệnh Xã Hội (STD) Phổ Biến.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.
Nguồn tham khảo: CDC