Viêm amidan ở người lớn: Triệu chứng và cách điều trị

Viêm amidan ở người lớn là một bệnh lý tai mũi họng thường gặp, hầu hết ai cũng từng trải qua ít nhất một lần trong đời. Đối với một số người, bệnh còn có thể diễn tiến mạn tính gây không ít khó khăn trong đời sống, sinh hoạt hằng ngày và có thể phải cắt amidan. Ở bài viết này hãy cùng Docosan đi tìm hiểu sâu hơn về căn bệnh này nhé.

Tổng quan về amidan

Cấu tạo amidan

Amidan (tên tiếng Anh: tonsils) là những đám tổ chức bạch huyết lớn nhất của cơ thể, nằm phía dưới niêm mạc hầu tạo thành vòng bạch huyết Waldayer. Vòng Waldayer gồm 6 khối: 1 amidan vòm, 2 amidan vòi, 2 amidan khẩu cái và 1 amidan đáy lưỡi.

Trong số 6 amidan trên thì amidan khẩu cái có kích thước lớn nhất, nằm ở hai bên thành họng nên dễ bị viêm nhất so với các amidan còn lại. Do đó khi nói đến viêm amidan ở người lớn, thường là viêm amidan khẩu cái.

Chức năng của amidan

Amidan có chức năng miễn dịch do là một cơ quan lympho, là cơ quan miễn dịch chính và quan trọng nhất trong những năm đầu đời. Khi cơ thể bị xâm nhập bởi các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus qua đường hô hấp và đường miệng, amidan bắt giữ các tác nhân, tiết ra các kháng thể để chiến đấu, từ đó ngăn chặn sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh đi vào cơ thể.

Tại sao amidan bị viêm?

Bình thường amidan có kích thước vừa đủ, không gây cản trở đến sinh hoạt. Tuy nhiên khi thực hiện vai trò của mình là ngăn cản tác nhân gây bệnh, lượng virus ồ ạt xâm nhập vào cơ thể có thể làm amidan bị quá tải, hoạt động quá mức khiến amidan sưng to và bị viêm.

Trẻ nhỏ thường dễ bị viêm amidan do amidan hoạt động mạnh mẽ trong những năm đầu đời vì cơ thể chưa có nhiều kháng thể. Càng lớn, hệ thống miễn dịch khác của cơ thể càng hoàn chỉnh và thay thế amidan nên amidan sẽ teo dần và thoái hóa. Tuy nhiên viêm amidan ở người lớn vẫn có thể xảy ra do các nguyên nhân sau:

  • Sức đề kháng kém: Một số người có cơ địa dễ bị dị ứng hoặc nhạy cảm với thay đổi của thời tiết hay bị viêm amidan.
  • Môi trường: Tiếp xúc với môi trường khói bụi, ô nhiễm, kém vệ sinh kéo dài có thể gây viêm amidan ở người lớn.
  • Vệ sinh răng miệng kém tạo điều kiện cho vi khuẩn trú ngụ và sinh sôi làm sâu răng, viêm lợi, viêm xoang, viêm amidan.
  • Một số hoạt động thể chất như la hét, nói chuyện, hát với cường độ cao cũng có thể gây viêm amidan.

Tác nhân gây bệnh viêm amidan thường là virus (khoảng 70% các trường hợp), có thể là herpes simplex, virus cúm, virus cự bào, adenovirus, virus sởi, virus Epstein-Barr; khoảng 30% là vi khuẩn, thường là Streptococcus pyogenes; và số ít còn lại là do các tác nhân khác như dị nguyên của không khí như khói bụi, phấn hoa, lông chó mèo,…

Dấu hiệu viêm amidan ở người lớn

Triệu chứng của viêm amidan ở người lớn chủ yếu đến từ việc amidan sưng to và viêm tấy.

Viêm amidan cấp

  • Sốt cao đột ngột, có thể lên đến 38-39 độ C
  • Đau họng, đau tăng khi nuốt thức ăn, nước uống hay nuốt nước bọt
  • Khó nuốt, nuốt vướng
  • Amidan đỏ, phồng to, tiết dịch
  • Lưỡi gà phù
  • Miệng và hơi thở có mùi hôi
  • Khàn tiếng, thay đổi giọng nói
  • Nổi hạch ở cổ, sau tai
  • Ho khan hay có đàm
  • Chán ăn, ăn không ngon
  • Nhức đầu, mệt mỏi, đau nhức xương khớp
  • Nghẹt mũi, chảy nước mũi
  • Khó thở do amidan sưng to chèn ép đường thở hay nghẹt mũi.

Các dấu hiệu amidan cấp thường kéo dài 3-5 ngày rồi thuyên giảm khi bệnh nhân điều trị bằng thuốc và nghỉ ngơi đầy đủ. Tuy nhiên viêm amidan ở người lớn cũng có thể diễn tiến mạn tính, là khi tình trạng viêm kéo dài trên 3 tháng nếu không được điều trị thích hợp.

Viêm amidan mạn

  • Không sốt, không đau họng
  • Nuốt vướng
  • Hay ho húc hắc
  • Amidan hốc mủ
  • Amidan có thể xơ teo
  • Những đợt viêm cấp cũng có thể xảy ra trên nền mạn

Viêm amidan ở người lớn thường ít có triệu chứng rầm rộ hơn trẻ nhỏ, tuy nhiên người bệnh nên đến khám bác sĩ nếu có các triệu chứng trên để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, đầy đủ để tránh bệnh tiến triển mạn tính sẽ khó khăn hơn trong điều trị.

Điều trị viêm amidan ở người lớn

Biện pháp không dùng thuốc

  • Nghỉ ngơi hợp lý
  • Tránh tiếp xúc dị nguyên đường hô hấp như khói bụi, lông chó mèo, phấn hoa,…
  • Uống nhiều nước, ít nhất 2 lít/ngày
  • Súc miệng thường xuyên bằng nước muối loãng
  • Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, nên ăn thức ăn lỏng, ấm.

Biện pháp dùng thuốc

Thuốc hạ sốt, giảm đau, kháng viêm có thể được kê đơn bởi bác sĩ để làm giảm triệu chứng bệnh. Bác sĩ cũng có thể cho kháng sinh nếu xác định tác nhân gây bệnh là vi khuẩn. Không nên tự ý mua kháng sinh tại các nhà thuốc vì sử dụng kháng sinh bừa bãi có thể làm tăng nguy cơ đề kháng kháng sinh trên cơ thể.

Biện pháp phẫu thuật

Chỉ định cắt amidan tuyệt đối được đặt ra khi:

  • Amidan quá phát tắc nghẽn đường hô hấp trên khiến bệnh nhân rối loạn giấc ngủ (ngáy, ngưng thở,…), rối loạn nuốt, bất thường phát âm, bệnh lý tim do phổi,…
  • Áp xe quanh amidan 
  • Bất thường khớp cắn và tăng trưởng sọ mặt
  • Viêm amidan tái phát: ≥ 7 đợt/năm, ≥ 4 đợt/ năm trong 2 năm hay ≥ 3 đợt/năm trong 3 năm
  • Viêm amidan mạn không đáp ứng điều trị: đau họng, nuốt vướng kéo dài, viêm sưng hạch cổ kéo dài, hơi thở hôi
  • Amidan quá phát to 1 bên

Cảm ơn bạn đã tìm đọc bài viết “Viêm amidan ở người lớn: triệu chứng và cách điều trị”. Hy vọng qua bài viết này quý bạn đọc đã có những thông tin bổ ích để nhận biết và điều trị thích hợp căn bệnh này và không nên coi thường sốt viêm amidan ở người lớn. Phòng ngừa bệnh bằng cách đeo khẩu trang khi ra đường, thường xuyên rửa tay, súc họng và tránh tiếp xúc với người đang có triệu chứng đường hô hấp.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước.

Nguồn tham khảo: NIH

Contact Me on Zalo