Cách trị nổi mề đay tại nhà: 10 mẹo giảm ngứa hiệu quả, an toàn

Mề đay thường xảy ra do phản ứng dị ứng với vật nào đó bạn tiếp xúc trong môi trường xung quanh hoặc thành phần trong một số loại thực phẩm, hay vết côn trùng đốt, ánh sáng mặt trời và thuốc gây ra. Tuy nhiên, đôi khi nổi mề đay có thể xảy ra do vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Mề đay có thể biến mất nhanh chóng hoặc kéo dài trong thời gian dài làm ảnh hưởng đến chất lượng sống của bạn.Vậy làm sao để hết nổi mề đay? Hãy cùng tìm hiểu 10 cách trị nổi mề đay tại nhà đơn giản và hiệu quả, phù hợp với cả trẻ em và người lớn nhé!

Giới thiệu tổng quan về nổi mề đay

Nổi mề đay là gì?

Mề đay là những nốt sưng đỏ (vết sưng) hoặc các mảng phát ban trên da, thường rất ngứa, đôi khi bạn cũng có thể cảm thấy nóng rát hoặc châm chích. Khi hệ thống miễn dịch tiếp xúc với chất gây dị ứng sẽ sản xuất ra histamin. Đây là một loại protein do cơ thể giải phóng để phản ứng với tác nhân gây dị ứng. Những tác nhân này thường vô hại nhưng lại gây ra phản ứng dị ứng ở những người nhạy cảm.

Hầu hết các vết nổi mề đay xuất hiện nhanh chóng và thường biến mất trong vòng 24 giờ (cấp tính). Trong một số trường hợp, nổi mề đay mãn tính có thể kéo dài trong nhiều tháng, nhiều năm. Phù mạch là phản ứng tương tự như nổi mề đay nhưng ảnh hưởng đến các lớp cấu trúc da sâu hơn. Phù mạch có thể xuất hiện kèm với nổi mề đay hoặc chỉ xuất hiện riêng lẻ.

Mề đay là những vết sưng đỏ hoặc các mảng phát ban trên da
Mề đay là những vết sưng đỏ hoặc các mảng phát ban trên da

Dấu hiệu, triệu chứng nhận biết nổi mề đay

Hiện tượng mề đay có những biểu hiện khác nhau ở từng người và tuỳ từng trường hợp. Có thể là vết sưng liên quan đến mề đay như:

  • Màu da, hơi đỏ trên da trắng hoặc hơi tím trên da đen và nâu.
  • Ngứa, từ nhẹ đến dữ dội.
  • Vết ngứa hình tròn, hình bầu dục, có thể nhỏ hoặc lớn

Ngoài ra triệu chứng phù mạch cũng có thể xuất hiện. Các dấu hiệu và triệu chứng phù mạch bao gồm:

  • Các vết sưng hình thành trong vài phút đến vài giờ.
  • Sưng tấy, đặc biệt là xung quanh mắt, má hoặc môi.
  • Đau nhẹ và nóng rát ở các vùng da bị ảnh hưởng.

Nguyên nhân gây nổi mề đay

Trong hầu hết các trường hợp, ta thường không xác định được nguyên nhân rõ ràng gây ra phản ứng dị ứng này. Nổi mề đay có thể xảy ra do:

  • Nhiễm trùng.
  • Dị ứng với vết đốt hoặc vết cắn của côn trùng.
  • Dị ứng thuốc.
  • Dị ứng thời tiết (Do không khí hoặc ánh sáng mặt trời).
  • Dị ứng một số loại thực phẩm và đồ uống, chẳng hạn như đồ ăn cay, rượu hoặc cà phê.

Đặc biệt ở trẻ em, nổi mề đay có thể do nhiễm virus. Đây là lý do tại sao ở trẻ em đôi khi nổi mề đay đi kèm với cảm lạnh hoặc tiêu chảy.

Trẻ em có thể nổi mề đay do virus
Trẻ em có thể nổi mề đay do virus

Top 10 cách trị nổi mề đay tại nhà an toàn, hiệu quả nhanh chóng

Trong hầu hết các trường hợp, nổi mề đay sẽ tự khỏi mà không cần can thiệp điều trị. Các biện pháp khắc phục tại nhà và thuốc có thể giúp điều trị phát ban nhanh chóng và hiệu quả.

Cách ly với yếu tố nguy cơ

Hãy cố gắng tránh bất kỳ chất gây kích ứng hoặc dị ứng tiềm ẩn nào có thể gây ra tình trạng nổi mề đay. Một số tác nhân gây nổi mề đay như nước hoa, xà phòng thơm hoặc kem dưỡng ẩm, chất bảo quản thực phẩm…

Chườm lạnh

Chườm lạnh là một trong các cách trị nổi mề đay tại nhà đơn giản. Bệnh nhân có thể bọc đá viên trong khăn vải hoặc nhúng khăn ướt trong nước lạnh rồi chườm lên vùng da nổi mề đay và lặp lại nhiều lần cho đến khi triệu chứng giảm đi. Phương pháp này giúp hạ nhiệt, làm mát vùng da đang nổi mề đay, giúp giảm ngứa và giảm viêm.

Chườm lạnh có thể giảm bớt cảm giác ngứa
Chườm lạnh có thể giảm bớt cảm giác ngứa

Tắm dung dịch giảm ngứa

Nếu triệu chứng nổi mề đay vẫn còn nhiều dù đã chườm lạnh, chúng ta có thể tắm bằng yến mạch và baking soda giúp làm dịu da và giảm kích ứng. Cần lưu ý không nên áp dụng biện pháp này khi bạn bị dị ứng do thời tiết hoặc có làn da nhạy cảm vì có thể làm tình trạng mề đay trở nên trầm trọng và lan rộng hơn.

Giữ cơ thể mát mẻ

Thân nhiệt quá cao cũng khiến cơ thể xuất hiện mề đay. Chúng ta nên duy trì nhiệt độ phòng phù hợp và mặc quần áo chất liệu cotton thoáng mát và rộng rãi.

Thân nhiệt cao cũng có thể là nguyên nhân nổi mề đay
Thân nhiệt cao cũng có thể là nguyên nhân nổi mề đay

Tránh dùng sản phẩm gây kích ứng

Mề đay thường do phản ứng dị ứng với các chất kích thích. Do đó, việc lựa chọn sản phẩm phù hợp đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát và làm dịu triệu chứng. Hãy ưu tiên sử dụng các sản phẩm không chứa hương liệu, dịu nhẹ, và chứa các thành phần thân thiện với làn da nhạy cảm.

Cụ thể:

  • Sản phẩm tắm gội: Nên chọn loại dịu nhẹ, không chứa sulfate, paraben, hương liệu nhân tạo.
  • Kem dưỡng ẩm: Tìm loại không chứa dầu, không gây bít tắc lỗ chân lông, có thành phần tự nhiên như lô hội, nha đam, dầu dừa.
  • Sản phẩm trang điểm: Ưu tiên loại không chứa dầu, không gây kích ứng, có thành phần khoáng chất, không chứa hương liệu.
  • Chọn quần áo: Sử dụng quần áo bằng chất liệu cotton mềm mại, thoáng khí, tránh mặc đồ bó sát, chất liệu tổng hợp có thể gây kích ứng.

Nước cây phỉ

Chất tannin tự nhiên có trong cây phỉ có thể giúp làm giảm kích ứng nhưng cũng có thể gây ra viêm da tiếp xúc. Cách tốt nhất là bạn nên thoa thử lên một vùng da nhỏ trước khi thoa lên toàn khu vực bị nổi mề đay. Bạn có thể thoa nước cây phỉ lên da như một loại mặt nạ trong khoảng 20 phút, sau đó rửa sạch và thực hiện vài lần mỗi ngày.

Lô hội:

Lô hội hay nha đam là chất kháng viêm có nguồn gốc tự nhiên. Sử dụng lô hội thoa lên da có thể giúp giảm tình trạng mụn trứng cá, herpes, bệnh vảy nến và nổi mẩn ngứa, mề đay. Bạn nên thử thoa lên một vùng da nhỏ trước và cần tránh các sản phẩm lô hội có thêm hương liệu hoặc các hóa chất khác, đặc biệt khi bạn có làn da nhạy cảm.

Lô hội là chất kháng viêm có nguồn gốc tự nhiên
Lô hội là chất kháng viêm có nguồn gốc tự nhiên

Nghệ

Nghệ là một phương thuốc tự nhiên phổ biến được biết đến với công dụng chống viêm và thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương. Curcumin, hoạt chất chính trong nghệ, có khả năng ức chế các phản ứng viêm, giúp làm dịu triệu chứng mề đay.

Cách sử dụng:

  • Thoa trực tiếp: Bạn có thể nghiền nghệ tươi thành bột mịn hoặc sử dụng bột nghệ khô. Trộn bột nghệ với một chút nước hoặc dầu dừa để tạo thành hỗn hợp sền sệt. Thoa nhẹ nhàng lên vùng da bị mề đay.
  • Uống nghệ: Bạn có thể thêm nghệ vào thức ăn, nước uống hoặc sử dụng viên nang nghệ.

Lưu ý:

  • Sử dụng vừa phải: Sử dụng quá nhiều nghệ có thể gây tác dụng phụ như buồn nôn, chóng mặt.
  • Kiểm tra dị ứng: Trước khi sử dụng nghệ, hãy thử một lượng nhỏ lên vùng da nhỏ để kiểm tra phản ứng. Nếu xuất hiện bất kỳ dấu hiệu dị ứng nào, hãy ngừng sử dụng.
  • Lưu ý khi dùng với thuốc: Nghệ có thể tương tác với một số loại thuốc. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng nghệ nếu bạn đang sử dụng thuốc.

Bổ sung vitamin và dưỡng chất

Bổ sung dầu cá, quercetin, vitamin B12, vitamin Cvitamin D được chứng minh là có lợi trong việc giảm triệu chứng khó chịu do nổi mề đay. Tuy nhiên, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng để được tư vấn về liều lượng cũng như loại dưỡng chất cần bổ sung, nhất là khi bạn bị mề đay tái phát.

Thuốc kháng histamin

Thuốc kháng histamin ngăn chặn tác dụng của histamin giúp giảm ngứa và làm cho các phản ứng dị ứng biến mất hoặc trở nên ít nghiêm trọng hơn. Thuốc kháng histamin có thể dùng bằng đường uống hoặc bôi lên vùng da bị ảnh hưởng. Một số thuốc kháng histamin phổ biến như Diphenhydramine hoặc Loratadine, Fexofenadine, Cetirizine hoặc Levocetirizine.

Bác sĩ có thể chỉ định thuốc histamin dạng bôi cho bệnh nhân nổi mề đay
Bác sĩ có thể chỉ định thuốc histamin dạng bôi cho bệnh nhân nổi mề đay

Các biện pháp phòng ngừa nổi mề đay hiệu quả

Đối với mề đay cấp tính, bạn cần tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng:

  • Không ăn các thức ăn gây dị ứng.
  • Tránh tiếp xúc với các chất gây dị ứng trong không khí.
  • Sử dụng chất tẩy rửa và xà phòng không có mùi thơm hoặc dành cho da nhạy cảm.
  • Tránh nơi có thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột (ví dụ đi từ ngoài nắng vào phòng lạnh).
  • Thư giãn và nghỉ ngơi khi bạn căng thẳng hoặc làm việc quá sức.
  • Mặc quần áo rộng rãi, thoải mái.

Đối với mề đay mạn tính có thể là một phần của tình trạng bệnh lý và trong một số trường hợp, bác sĩ có thể không tìm được nguyên nhân chính xác. Bạn vẫn có thể áp dụng những biện pháp trên để hạn chế tình trạng nổi mề đay.

Bệnh nhân điều trị mề đay cần phải tránh các tác nhân gây dị ứng
Bệnh nhân điều trị mề đay cần phải tránh các tác nhân gây dị ứng

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Dấu hiệu bất thường

Hầu hết các triệu chứng nổi mề đay có thể kiểm soát được tại nhà, nhưng trong một số trường hợp bạn cần gặp bác sĩ nếu:

  • Các triệu chứng kéo dài hơn một vài ngày.
  • Các triệu chứng ngày càng trầm trọng hơn.
  • Phát ban gây đau hoặc đi kèm với vết bầm tím.
  • Các triệu chứng này gây khó chịu và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày
  • Chóng mặt.

Đặc biệt lưu ý nếu nổi mề đay đi kèm với các triệu chứng sau, bạn cần được chăm sóc y tế ngay lập tức:

  • Bất kỳ tình trạng sưng xảy ra ở lưỡi, miệng hoặc cổ họng.
  • Khó thở, thở gấp thậm chí cảm thấy nghẹt thở.
  • Tức ngực.
  • Đau quặn bụng, nôn ói, tiêu chảy.
Hãy đến gặp bác sĩ ngay khi tình trạng mề đay kéo dài nhiều ngày
Hãy đến gặp bác sĩ ngay khi tình trạng mề đay kéo dài nhiều ngày

Các biện pháp xét nghiệm, chẩn đoán bệnh

Thông qua các triệu chứng và vết mề đay trên da, bác sĩ có thể chẩn đoán tình trạng nổi mề đay và phù mạch. Ngoài ra, một số xét nghiệm dị ứng được chỉ định giúp xác định nguyên nhân gây dị ứng bao gồm:

  • Xét nghiệm da: Trong quá trình xét nghiệm, nhân viên y tế sẽ xét nghiệm các chất gây dị ứng khác nhau trên da của bạn. Nếu da bạn chuyển sang màu đỏ hoặc sưng lên, điều đó có nghĩa là bạn bị dị ứng với chất đó.
  • Xét nghiệm máu: Cơ thể bạn tạo ra kháng thể để chống lại các chất gây dị ứng gây ra hiện tượng nổi mề đay và sưng tấy. Xét nghiệm máu cho phép kiểm tra nồng độ các kháng thể cụ thể trong máu của bạn.

Các bệnh viện chuyên khoa da liễu uy tín

Mề đay không phải là bệnh nguy hiểm, tuy nhiên tình trạng này ảnh hưởng trực tiếp đến ngoại hình và gây khó chịu cho người bệnh nếu xảy ra trong thời gian dài. Vì vậy, Docosan sẽ gợi ý cho bạn một số bệnh viện và phòng khám chuyên khoa da liễu uy tín sau đây:

Một số câu hỏi liên quan

Mề đay mẩn ngứa uống thuốc gì?

Thông thường bác sĩ da liễu sẽ chỉ định bệnh nhân bị nổi mề đay do dị ứng sử dụng thuốc kháng histamin như Loratadine, Fexofenadine. Trong trường hợp nổi mề đay cấp tính kèm phù mạch, bệnh nhân sẽ được chỉ định sử dụng thêm thuốc Corticoid.

Trường hợp mề đay cấp bác sĩ có thể chỉ định thêm thuốc nhóm corticoid cho bệnh nhân
Trường hợp mề đay cấp bác sĩ có thể chỉ định thêm thuốc nhóm corticoid cho bệnh nhân

Nổi mề đay khi nào mới hết?

Thông thường, các triệu chứng của mề đay sẽ tự khỏi sau vài ngày đến vài tuần. Tuy nhiên, mề đay mạn tính có thể kéo dài lâu hơn thế, nhiều tháng hoặc lâu hơn và cần được điều trị. Hãy trao đổi với bác sĩ nếu bạn bị phát ban kéo dài và không tự khỏi.

Nổi mề đay sau sinh bao lâu thì hết?

Thông thường, mề đay sau sinh không phải là vấn đề quá nghiêm trọng và thường sẽ tự khỏi trong vòng vài ngày đến vài tuần. Bạn có thể liên hệ với bác sĩ để được tư vấn cách chăm sóc, điều trị bệnh đúng cách giúp giảm tình trạng này, hạn chế nguy cơ xuất hiện những biến chứng nguy hiểm và kéo dài hơn.

Bị dị ứng nổi mề đay nên kiêng gì?

Để tăng hiệu quả điều trị và giảm bớt tình trạng khó chịu khi nổi mề đay, bên cạnh tuân theo phác đồ điều trị và các phương pháp nêu trên, người bệnh cần kiêng các loại thực phẩm nhiều đạm, cay nóng, dầu mỡ, các chất kích thích và hải sản…

Để tăng hiệu quả điều trị khi điều trị bệnh nhân cần kiêng một số thực phẩm dễ gây dị ứng
Để tăng hiệu quả điều trị khi điều trị bệnh nhân cần kiêng một số thực phẩm dễ gây dị ứng

Xem thêm:

Như vậy, nổi mề đay là tình trạng phản ứng dị ứng xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nổi mề đay có thể được điều trị tại nhà bằng các loại thảo dược, phương pháp chườm mát và sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ. Người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán nguyên nhân khi có các dấu hiệu nổi mề đay, mẩn ngứa. Hy vọng rằng bài viết này đã giúp bạn biết thêm một số phương pháp giúp giảm nhanh triệu chứng mề đay.

Tài liệu tham khảo:

1. Hives:

  • Link bài viết: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/8630-hives
  • Ngày tham khảo: 27/8/2024

2. How to treat hives:

  • Link bài viết: https://www.medicalnewstoday.com/articles/320268#medical-treatments
  • Ngày tham khảo: 27/8/2024.

3. 15 Ways to get rid of hives:

  • Link bài viết: https://www.healthline.com/health/skin-disorders/how-to-get-rid-of-hives
  • Ngày tham khảo: 27/8/2024
Contact Me on Zalo