Răng cấm bị sâu: Nguyên nhân và cách điều trị hiện nay

Răng cấm bị sâu là một tình trạng bệnh lý của răng miệng rất thường gặp hiện nay và gây ra nhiều cơn đau nhức dai dẳng. Vậy nguyên nhân của răng cấm bị sâu và có nên nhổ để điều trị dứt điểm bệnh không? Hãy cùng Docosan tìm hiểu câu trả lời trong bài viết sau đây nhé!

Răng cấm bị sâu là bệnh gì?

Các răng cấm chính là răng số 6 và số 7 trong bộ răng vĩnh viễn tính từ ngoài và trong, còn có tên gọi khác là răng cối lớn số 1 và số 2. Người lớn sẽ có tổng là 8 răng cấm chia đều cho mỗi hàm trên và hàm dưới. Những chiếc răng cấm này có diện tích bề mặt nhai rộng, nhiều múi và hố rãnh, và thân răng to khỏe để thực hiện chức năng.

Răng cấm bị sâu
Răng cấm bị sâu là bệnh gì?

Răng cấm đóng vai trò chủ yếu trong động tác nhai, nghiền nát thức ăn và chịu lực cắn của toàn hàm. Các răng này thường mọc ở độ tuổi từ 6 – 13 tuổi và không bao giờ thay được nữa nên nếu vì một lý do nào đó mà răng này bị rụng đi thì chúng sẽ vĩnh viễn không mọc lại. Vì vậy, răng cấm sẽ được các bác sĩ nha khoa lưu ý nhiều phải bảo tồn một cách tối ưu. Trong trường hợp răng cấm bị sâu gây hậu quả mất răng, người bệnh cần trồng răng giả càng sớm càng tốt để tránh gây ảnh hưởng xấu có hại đến toàn bộ hàm.

Nguyên nhân răng cấm bị sâu 

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng bệnh răng cấm bị sâu và sau đây là các nguyên nhân chính được Docosan tìm hiểu từ các chuyên gia hàng đầu thống kê:

Vị trí mọc răng không thuận lợi 

Do răng cấm thường nằm trong cùng của cung hàm nên không dễ quan sát khiến cho việc vệ sinh chúng cũng khó khăn hơn rất nhiều. Mảnh nhỏ thức ăn thừa sẽ dính trên bề mặt răng và cả trong các khe răng khi không được làm sạch. Lâu ngày không giải quyết sẽ hình thành mảng bám, tạo điều kiện cho vi khuẩn hình thành, tấn công men răng và gây răng cấm bị sâu. 

Hình thái răng cấm không tốt

Răng cấm có cấu tạo giải phẫu là mặt nhai rất rộng, nhiều hố rãnh và múi nên trong quá trình ăn nhai vụn thức ăn dễ dàng bị mắc kẹt rồi nhồi nhét vào. Lâu ngày, vi khuẩn sẽ hình thành bên trong và phát triển gây sâu răng.

Ít vệ sinh răng miệng 

Sau khi ăn uống, nếu răng của bạn không được làm sạch thì các chất đường, tinh bột và acid có trong thức ăn sẽ bám lại trên bề mặt răng, làm cho tổn thương men răng yếu đi. Điều này góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn tấn công vào răng gây răng cấm bị sâu.

Đánh răng không đúng cách

Nếu bạn đánh răng theo chiều ngang với lực mạnh sẽ làm cho men răng bị mài mòn nhanh hơn bình thường, khiến chúng mỏng dần đi và giảm khả năng bảo vệ răng cấm.

Răng cấm bị sâu
Nguyên nhân răng cấm bị sâu có thể là vệ sinh răng miệng không đúng cách

Chế độ ăn uống thiếu khoa học

Ăn nhiều thực phẩm có hàm lượng đường cao vừa không có lợi cho sức khỏe toàn thân mà vừa làm tăng nguy cơ mắc phải các bệnh lý răng miệng. Bởi chất đường của các thực phẩm này rất dễ bị bám lại trên men và gây răng cấm bị sâu.

Giảm tiết nước bọt

Nước bọt có vai trò rất quan trọng trong việc ngăn ngừa sâu răng vì không chỉ giúp rửa sạch vụn thức ăn còn sót lại trên răng, nước bọt còn giúp trung hòa các chất acid gây hại và hạn chế sự phát triển của vi khuẩn. Nếu tình trạng khô miệng do giảm tiết nước bọt kéo dài sẽ là yếu tố nguy cơ cao của răng cấm bị sâu. 

Điều trị răng cấm bị sâu 

Cách duy nhất để điều trị dứt điểm được bệnh răng cấm là sử dụng các phương pháp điều trị chuyên khoa, với mục đích là loại bỏ hoàn toàn các mô răng bị sâu hỏng, ổ vi khuẩn và khôi phục, tái tạo lại hình dáng ban đầu của răng. Các kỹ thuật phục hình răng sâu thường được sử dụng phổ biến hiện nay là trám răng và bọc răng sứ thẩm mỹ.

Hàn trám răng cấm bị sâu

Kỹ thuật phục hình răng đơn giản, nhanh chóng, và hoàn thành trong một lần điều trị. Miếng trám răng cấm có tác dụng như một tấm chắn, bảo vệ các mô răng chưa bị tổn thương khỏi sự tấn công của vi khuẩn gây sâu răng. Tuy nhiên, khả năng chịu lực ăn nhai của miếng trám thường không cao như răng thật. Do đó, sau khi bạn trám răng cấm bị sâu thì chỉ nên ăn nhai với một lực vừa phải để tránh làm vỡ miếng trám và cũng nên đi khám nha khoa theo dõi tình trạng của miếng trám.

Răng cấm bị sâu
Điều trị răng cấm bị sâu hiện nay có phương pháp trám răng

Bọc sứ cho răng cấm bị sâu

Bọc răng sứ là một kỹ thuật phục hình răng sâu tối ưu hơn khi mang lại hiệu quả sử dụng lâu dài. Theo đó thì tuổi thọ trung bình của một chiếc răng sứ là 8 – 10 năm, có loại có thể lên đến hơn 20 năm. Phương pháp này, răng sứ sẽ được tạo hình cho phù hợp rồi chụp lên trên các răng thật và cố định bằng chất gắn. Chiếc răng sứ không chỉ giúp khôi phục lại hình dáng chuẩn cho răng cấm bị sâu cần điều trị mà còn bảo vệ khỏi sự tấn công của vi khuẩn cũng như các kích thích từ bên ngoài.

Răng cấm bị sâu
Phương pháp bọc răng sứ có độ dài hiệu quả điều trị tốt hơn

Nếu răng cấm bị sâu nặng dẫn đến tình trạng viêm tủy, bác sĩ sẽ chỉ định chữa tủy nếu cần thiết sẽ đóng chốt răng hoặc gắn thêm cùi giả trước khi bọc sứ để bảo tồn tủy răng.

Cách điều trị khác

Trường hợp răng cấm bị sâu nhẹ và vừa, đánh giá số lượng mô răng bị ảnh hưởng không quá lớn, thì có thể bạn không cần phải phục hình răng. Bác sĩ sẽ chỉ định loại bỏ các mô sâu, đồng thời hướng dẫn bệnh nhân cách chăm sóc, vệ sinh răng miệng đúng cách.


Bài viết trên đây giới thiệu các nguyên nhân và hai cách điều trị răng cấm bị sâu tốt nhất hiện nay. Nếu răng cấm của bạn bị sâu quá nghiêm trọng mà không thể điều trị phục hình được nữa, bác sĩ nha khoa sẽ chỉ định nhổ răng và tư vấn cho bạn các phương pháp trồng lại phù hợp như răng giả tháo lắp, cầu răng sứ hoặc cấy ghép Implant.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Nguồn tham khảo: Mayoclinic.

Contact Me on Zalo