“Bệnh loãng xương nên kiêng ăn gì” là câu hỏi ngày càng nhiều người cần tìm hiểu. Ngoài việc tuân điều trị loãng xương theo chỉ định của bác sĩ, việc có chế độ dinh dưỡng hợp lý, biết được thực phẩm nên tránh là việc không thể thiếu. Bài viết dưới đây của Docosan sẽ gửi đến bạn “bệnh loãng xương nên kiêng ăn gì để tốt cho sức khỏe?”
Tóm tắt nội dung
Loãng xương là bệnh gì và có nguy hiểm không?
Loãng xương là một bệnh lý rất phổ biến, nhất là ở người lớn tuổi. Đây là hiện tượng xương bị xốp, yếu, trở nên giòn và dễ gãy hơn do mật độ xương ngày một giảm dần. Loãng xương có thể gây nên hậu quả nặng nề như gãy xương, tàn tật, làm mất khả năng lao động và thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Chính vì vậy, người bệnh loãng xương cần tuân thủ các biện pháp điều trị, duy trì chế độ ăn uống khoa học với các thực phẩm tốt cho xương và các biện pháp sinh hoạt hợp lý để làm chậm tiến triển của bệnh và giảm nguy cơ gãy xương trong tương lai.
Dấu hiệu nhận biết bệnh loãng xương
Bệnh loãng xương thường không có biểu hiện hay triệu chứng rõ ràng gì. Chỉ đến khi bạn thấy xương yếu đi, dễ gãy dù chỉ va chạm nhẹ, đi bộ dễ vấp ngã hơn.
Tình trạng giảm mật độ xương khiến xương ở cột sống có thể bị xẹp hay còn gọi là gãy lún. Biểu hiện của tình trạng này bao gồm có cơn đau lưng cấp, giảm chiều cao, dáng đi khom và gù lưng. Triệu chứng tiếp theo là đau nhức đầu xương. Những cơn đau sẽ tăng lên khi bạn vận động, đi lại, đứng ngồi lâu và sẽ thuyên giảm khi nằm nghỉ. Ở những người ở lứa tuổi trung niên, loãng xương thường đi kèm với các dấu hiệu của bệnh giãn tĩnh mạch, thoái hoá khớp,…
Nguyên tắc dinh dưỡng cần nhớ khi bị bệnh loãng xương
Chế độ dinh dưỡng không chỉ giúp bạn khỏe mạnh mà còn góp phần không nhỏ trong việc cung cấp canxi cho cơ thể, phòng chống và điều trị loãng xương. Để chế độ dinh dưỡng có thể bổ sung canxi hiệu quả bạn cần chú ý những nguyên tắc sau:
- Đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng đặc biệt là canxi trong bữa ăn hàng ngày.
- Bổ sung đầy đủ lượng vitamin cần thiết cho xương như vitamin D, vitamin K2 và vitamin C.
- Ăn đủ chất béo cơ thể cần từ 15 – 25% tổng năng lượng khẩu phần.
- Ăn muối vừa đủ, dưới 5gr/ngày.
- Không ăn đồ ăn nhanh, đồ hộp, thực phẩm chế biến sẵn.
- Không uống rượu bia, nước ngọt, nước có gas và cà phê.
Người bị loãng xương nên ăn gì?
Thực phẩm giàu canxi
Canxi là khoáng chất rất quan trọng đối với xương và răng. Mỗi ngày, Đối với người trưởng thành cần 1000mg canxi/ngày, người lớn tuổi 51 tuổi cần cung cấp 1200mg canxi/ngày mới đủ lượng cơ thể cần. Để đáp ứng được lượng canxi này, ngoài việc dùng thuốc bổ sung canxi theo chỉ định của bác sĩ thì trong chế độ ăn dành cho người loãng xương nên ưu tiên những thực phẩm sau:
- Sữa và các thực phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai…
- Các loại rau có lá màu xanh như bắp cải, bông cải xanh, cải xoăn, rau bina…
- Các loại đậu cũng như các loại sữa thực vật như sữa hạnh nhân, sữa hạt óc chó…
- Các chế phẩm từ đậu nành như sữa đậu nành, đậu hủ…
- Các loại ngũ cốc như yến mạch, mè, gạo tẻ,…
- Các loại cá như cá mòi, cá hồi…
Thực phẩm giàu vitamin D
Vitamin D có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe của xương bởi dưỡng chất này giúp cơ thể hấp thụ canxi, từ đó giúp xương luôn chắc khỏe. Mỗi ngày, người trưởng thành cần cung cấp cho cơ thể khoảng 600 IU vitamin D, với người từ 70 tuổi trở lên là 800 IU.
Cơ thể con người có thể tạo ra vitamin D khi da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Chính vì vậy, người bị loãng xương nên tắm nắng khoảng 30 phút mỗi ngày trước 9 giờ sáng. Bên cạnh đó, để bổ sung đủ lượng vitamin D mà cơ thể cần, trong chế độ ăn cũng cần phải có những thực phẩm như:
Các loại béo như cá mòi, cá ngừ đóng hộp, sữa bò, sữa có nguồn gốc thực vật và nước trái cây. Bên cạnh đó, Lòng đỏ trứng, gan bò, thịt lợn và pho mát là những thực phẩm dù chỉ cung cấp một lượng nhỏ vitamin D (20 đến 40 IU mỗi khẩu phần) nhưng có thể đóng góp vào tổng lượng tiêu thụ chung trong ngày.
Người bệnh loãng xương kiêng ăn gì?
Thực phẩm chứa nhiều muối
Ăn lượng muối quá nhiều có thể dẫn đến mất canxi và khiến xương yếu đi theo thời gian. Không những vậy, ăn nhiều muối cũng có thể dẫn đến cao huyết áp và bệnh tim mạch. Theo khuyến cáo, bạn chỉ nên ăn khoảng 6g muối. Bạn nên theo dõi lượng muối sử dụng, hạn chế sử dụng gia vị quá mặn vào các món ăn, tránh ăn các thực phẩm chứa nhiều muối như mì gói, thực phẩm đóng hộp, thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm muối chua…
Chế độ ăn uống ít calo
Theo nhiều nghiên cứu, chế độ ăn ít calo (khoảng 500 calo mỗi ngày) có thể mất đi một lượng canxi đáng kể. Điều này khiến cơ, xương và các mô mềm khác trở nên yếu, tình trạng và hậu quả của bệnh loãng xương gây ra sẽ nghiêm trọng hơn.
Tuy nhiên điều đó không phải rằng bạn nên sử dụng thực phẩm nhiều dầu mỡ và dễ gây tăng cân không kiểm soát. Bạn cần có chế độ ăn có lượng chất béo phù hợp, chế độ luyện tập đều đặn để duy trì cân nặng hợp lý.
Đồ uống có gas
Các loại đồ uống có gas có chứa axit photphoric, chất làm tăng bài tiết canxi qua nước tiểu. Đối với người bị loãng xương, tốt nhất nên hạn chế dùng đồ uống có gas. Nước lọc, nước trái cây hoặc các loại sữa là những loại nước thay phù hợp cho sức khỏe của người bệnh loãng xương.
Thực phẩm và đồ uống chứa caffeine
Người bị loãng xương nên tránh xa các thực phẩm, đồ uống chứa caffein như cà phê, trà, sô cô la, các loại nước tăng lực…Tuy nhiên, trà ít gây hại hơn cà phê. Nếu là người có thói quen uống cà phê, bạn nên cố gắng chuyển từ cà phê sang các loại thức uống khác như nước lọc, nước trái cây, sữa.
Bia rượu
Tiêu thụ quá nhiều bia rượu có thể dẫn đến mất xương và loãng xương. Vì vậy, bạn cần hạn chế lượng rượu bia tiêu thụ mỗi ngày.
Cùng với chế độ dinh dưỡng hàng ngày, bạn cũng có thể cải thiện tình trạng loãng xương nhờ thói quen sinh hoạt lành mạnh và khoa học hàng ngày. Kiểm soát cân nặng, tập thể dục phù hợp thường xuyên, tắm nắng thời điểm hợp lý và khám xương định kỳ là những phương pháp để điều trị và hạn chế những biến chứng của bệnh loãng xương.
Tóm lại, chế độ dinh dưỡng không chỉ giúp bạn khỏe mạnh mà còn góp phần không nhỏ trong việc phòng chống loãng xương và điều trị loãng xương. Để chế độ dinh dưỡng có thể bổ sung canxi hiệu quả bạn cần đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng đặc biệt là canxi trong bữa ăn hàng ngày, ăn đủ chất béo cơ thể cần, ăn muối vừa đủ, không ăn đồ ăn nhanh, đồ hộp, thực phẩm chế biến sẵn và không uống rượu bia, nước ngọt, nước có gas và cà phê.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.