Sốt là tình trạng tăng thân nhiệt bệnh lý do nhiều nguyên nhân khác nhau. Hãy cùng Docosan tìm hiểu một số thông tin về tình trạng này trong bài viết dưới đây nhé!
Sốt là gì?
Sốt là một tình trạng tăng thân nhiệt bệnh lý (khác với tăng sinh nhiệt sinh lý) do tác dụng của các tác nhân làm rối loạn hoạt động của trung tâm điều nhiệt ở vùng dưới đồi khiến thân nhiệt của cơ thể phải tăng đến một điểm định nhiệt mới. Cơ chế tăng thân nhiệt có thể bao gồm tình trạng tăng sinh nhiệt (gây ớn lạnh hay lạnh run) và cả sự giảm thải nhiệt (gây co mạch ngoại vi biểu hiện là da tái nhợt, nổi da gà).
Vị trí đo thân nhiệt có độ chính xác cao là ở miệng và trực tràng, tuy nhiên không phải lúc nào cũng có thể đo được do các bất tiện về vị trí đặt nhiệt kế. Do đó thường đo thân nhiệt ở nách tuy đo ở nách nhiệt độ thường dao động nhiều hơn so với nhiệt độ chính xác (thường thấp hơn 0,5 độ C). Đây cũng là cách đo được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam.
Nhiệt độ của cơ thể bình thường dao động từ 36 cho tới 37 độ tùy vào thời điểm được đo trong ngày. Thường thấp hơn vào buổi sáng và cao hơn vào buổi trưa – chiều. Nếu nhiệt kế đo được mức nhiệt là 37 độ có sốt không? Câu trả lời là không, vì nếu đo ở miệng vào lúc sáng sớm thì phải lớn hơn 37,2 độ C. Nhiệt kế 38 độ có thể nghĩ bạn đã bị sốt.
Sốt 38 độ đến 39 độ thì được định nghĩa là mức độ vừa. Vậy sốt bao nhiêu độ là cao? Sốt cao được định nghĩa khi thân nhiệt cơ thể từ 39 độ đến 40 độ, trên mức này là tình trạng bị sốt rất cao. Sốt bao nhiêu độ cần đưa trẻ đi khám?
Khi đo nhiệt kế cho trẻ thấy tăng hơn mức bình thường và loại trừ các nguyên nhân gây tăng thân nhiệt như mặc quần áo kín, thời tiết nắng nóng, đang ở trong không gian mát mẻ không có vận động thể lực trước đó thì cha mẹ cần đưa trẻ đi khám, đặc biệt là khi không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt.
Nguyên nhân gây sốt thường gặp
Tình trạng này có thể là triệu chứng thường gặp của các bệnh lý nhiễm trùng, nhưng sốt không phải lúc nào cũng do nhiễm trùng. Những nguyên nhân không phải nhiễm trùng như bệnh lý ác tính, bệnh tự miễn cũng thể gây ra sự tăng thân nhiệt bệnh lý. Thậm chí, thân nhiệt có thể bị giảm trong trường hợp sốc nhiễm trùng do trực khuẩn gram âm.
Tại Việt Nam nguyên nhân tăng thân nhiệt cấp tính hay gặp có thể do Chikungunya (59,4%), sốt xuất huyết (28,2%), thương hàn (37,5%), nhiễm cúm Influenza (18,8%). Một nghiên cứu khác thì nguyên nhân sốt xuất huyết Dengue (21,1%), còn lại không rõ nguyên nhân. Để tìm được nguyên nhân gây bệnh cần kết hợp thêm các triệu chứng kèm theo khác.
Các nguyên nhân như nhiễm trùng, siêu vi,… có thể tác động đến cơ thể gây hội chứng đáp ứng viêm toàn thân trong đó có tình trạng sốt. Để xác định tổn thương ở đâu, nguyên nhân là gì, cần đánh giá thêm các tổn thương tại cơ quan đích như đau bụng nôn ói (đường niệu), lơ mơ rối loạn ý thức (hệ thần kinh trung ương), tiểu gắt buốt tiểu máu (tiết niệu),…
Các dấu hiệu kèm theo có thể gặp để có thể chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh:
- Kèm với xuất huyết: sốt xuất huyết Dengue, nhiễm Leptospira, nhiễm não mô cầu, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm Hantavirus…
- Kèm với triệu chứng thần kinh trung ương: viêm màng não mủ, viêm màng não do lao, não mô cầu, viêm màng não siêu vi,…
- Kèm với triệu chứng tiêu hóa: viêm dạ dày ruột cấp, viêm ruột thừa, viêm tụy cấp, nhiễm trùng đường mật,…
- Kèm với triệu chứng hô hấp: viêm phổi, lao phổi, áp xe phổi, nấm phổi,…
- Kèm tăng bạch cầu đơn nhân: Siêu vi (nhiễm Epstein-Barr virus, nhiễm CMV, Human Herpes virus 6, HSV, HIV, Adenovirus,…), ký sinh trùng (Toxoplasma gondii…)
- Kèm với hội chứng giảm ba dòng tế bào máu: hội chứng thực bào máu (hậu nhiễm EBV hoặc các siêu vi herpes khác, HIV, nhiễm nấm Histoplasma, nhiễm lao,…), bệnh ác tính (bạch cầu cấp, đa u tủy, lymphoma,…), vi khuẩn nội bào (nhiễm Brucella mellitensis, nhiễm Salmonella typhi, nhiễm lao cấp tính lan tỏa)…
- Kèm với phát ban: ban đỏ kèm với bong da (nhiễm Streptococci nhóm A, Staphylococcus aureus, S. pyogenes, viêm họng do Archanobacterium haemolyticum, dị ứng thuốc,…), ban xuất huyết (nhiễm não mô cầu, sốt xuất huyết do virus, nhiễm khuẩn huyết do Gram âm, viêm nội tâm mạc cấp do Staphylococcus aureus, Enterovirus, EBV,…); ban dát sẩn: nhiễm Ehrlichia, thương hàn, Rubella, bệnh sởi,…
- Kèm với sang thương da dạng nốt: nấm (Candida, Mucor, Fusarium…), Mycobacterial (Mycobacterium haemophilum, Mycobacterium chelonae), vi khuẩn (S. aureus, Nocardia spp)
- Kèm mụn nước hoặc bóng nước: Varicella-Zoster virus (VZV), Enterovirus, Rickettsia akari lan tỏa, Vibrio vulnificus…
- Kèm với phát ban và mụn nước, mụn mủ hay loét: phát ban dạng thủy đậu của Kaposi (có thể do HSV-1, HSV-2, ở bệnh nhân có tiền sử dị ứng; chốc lở bóng nước (viêm da bội nhiễm S. aureus); viêm nang lông do S. aureus; viêm mô tế bào do Streptococci nhóm A hoặc Streptococci nhóm B; thủy đậu (Varicella–Zoster virus)
Cách hạ sốt an toàn tại nhà
Phần lớn tình trạng tăng thân nhiệt bệnh lý cấp tình đều do các tác nhân nhiễm trùng gây ra và có khả năng tự giới hạn, chẳng hạn như bệnh sốt do siêu vi. Việc sử dụng thuốc hạ sốt không có chống chỉ định trong những trường hợp nhiễm trùng này. Tuy nhiên, cần cân nhắc điều trị hạ sốt sau khi đã người bệnh đã thăm khám cẩn thận vì có thể làm che lấp các triệu chứng đặc hiệu của bệnh, hậu quả có thể làm chậm trễ trong việc chẩn đoán của bác sĩ điều trị.
- Biện pháp vật lý: làm ẩm không khí, cởi hết quần áo hoặc mặc đồ mỏng nhẹ, lau mát,…
- Thuốc hạ sốt: Aspirin đường uống và Acetaminophen có tác dụng hạ nhiệt như nhau ở người. Nhưng Aspirin có nhiều tác dụng phụ như kích ứng đường tiêu hóa, rối loạn đông máu, đặc biệt là gây ra hội chứng Reye ở trẻ em nên ít được sử dụng để điều trị. Sử dụng các loại này cần sự chỉ định và tư vấn của bác sĩ để có liều lượng và cách dùng thích hợp.
Như vậy, sốt là tình trạng tăng thân nhiệt bệnh lý có thể được gây ra bởi nhiều tác nhân khác nhau như nhiễm trùng (vi khuẩn, siêu vi, ký sinh trùng, nấm,…), các bệnh tự miễn, bệnh ác tính, đôi khi không tìm được nguyên nhân.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước.
Nguồn tham khảo: NHS