Sa trực tràng ở trẻ em là một bệnh lành tính nhưng có thể gây nhiều khó khăn trong sinh hoạt cho trẻ em, chính vì vậy việc hiểu và biết về bệnh sẽ giúp cho các bậc cha mẹ biết cách xử lý khi con mình không may mắc bệnh này. Sau đây hãy cùng Docosan tìm hiểu rõ hơn về sa trực tràng ở trẻ em qua bài viết dưới đây nhé!
Bài viết được tham khảo ý kiến chuyên môn của Bác sĩ Nguyễn Chí Thành, chuyên khoa Tiêu hóa, Tim mạch, hiện đang công tác tại Phòng khám Đa khoa Quốc tế Golden Healthcare.
Tóm tắt nội dung
Sa trực tràng ở trẻ em là gì?
Sa trực tràng là tình trạng một phần hay toàn bộ thành trực tràng bị lộn ngược ra ngoài qua lỗ hậu môn.
Bệnh sa trực tràng ở trẻ em do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên và có nhiều mức độ tiến triển bệnh nên các biện pháp điều trị cũng rất khác nhau tùy thuộc vào hai yếu tố trên.
Trên thực tế, sa trực tràng ở trẻ em lại là tình trạng khá thường gặp và bố mẹ không cần quá lo lắng vì tình trạng này không quá nghiêm trọng hay gây ra ảnh hưởng xấu đối với sức khỏe của bé. Tuy nhiên vẫn không nên để bệnh tiến triển quá lâu mà không điều trị vì bệnh sa trực tràng có thể gây ra những xáo trộn không đáng có trong sinh hoạt hàng ngày. Thậm chí, trong một số hiếm trường hợp, do tình trạng sa trực tràng khá nghiêm trọng nên trẻ có nguy cơ bị tắc nghẽn ruột, ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa.
Sa trực tràng có thể được chia làm 3 loại chính: sa lớp niêm mạc trực tràng, sa vùng lồng ruột hoặc sa toàn bộ trực tràng,… Tùy từng loại mà triệu chứng sẽ khác nhau, gây khó khăn mỗi khi bé đi đại tiện.
Nguyên nhân gây sa trực tràng ở trẻ em
Sa trực tràng là một vấn đề thường xảy ra đối với người trưởng thành hơn những có rất nhiều nguyên nhân vẫn có thể gây ra tình trạng sa trực tràng ở trẻ em nên các bậc phụ huynh hãy lưu ý và chăm sóc bé thật cẩn thận.
- Các nguyên nhân làm tăng áp lực ổ bụng đột ngột và kéo dài như trẻ thường xuyên táo bón, ỉa chảy, ho gà, hẹp bao quy đầu.
- Suy yếu các cơ giữa hậu môn-trực tràng: suy yếu cơ thắt, cơ nâng hậu môn hay suy yếu các cân cơ đáy chậu tự nhiên.
- Các khuyết tật về giải phẫu chỗ gập góc giữa bóng trực tràng và ống hậu môn:
- Không đầy đủ phương tiện cố định nhất là ở phía sau trực tràng.
- Mất độ cong sinh lý của trực tràng, mất góc hậu môn – trực tràng.
- Đại tràng sigma dài quá mức.
- Túi cùng Douglas quá sâu và rộng.
- Doãng rộng hậu môn.
- Trùng nhão cơ nâng và hệ thống cơ thắt.
- Trẻ bị suy dinh dưỡng cũng có nguy cơ sa trực tràng cao hơn so với bạn bè đồng trang lứa.
- Có tiền căn từng phẫu thuật hậu môn khi mới sinh thì khả năng bị sa trực tràng khá cao.
Triệu chứng sa trực tràng ở trẻ em
Thông thường, sa trực tràng thường xảy ra chủ yếu đối với các bé dưới 3 tuổi, những dấu hiệu, hình ảnh sa trực tràng ở trẻ em dễ nhận biết nhất gồm:
- Niêm mạc trực tràng sẽ nhô ra ngoài khu vực hậu môn của trẻ.
- Phần nhô ra thường có màu đỏ sẫm, có thể có một chút chất nhầy xuất hiện kèm theo.
- Sa niêm mạc xuất hiện khi bé đi đại tiện rồi sẽ co lên như bình thường, đây là mức độ nhẹ nhất của bệnh.
- Sa niêm mạc sau khi đi đại tiện và phải đẩy lên, sa niêm mạc khi hắt hơi hoặc vận động.
- Nghiêm trọng hơn cả là khi bé trực tràng thường xuyên sa ra khỏi vùng hậu môn của bé gọi là sa mạn tính. Sa mạn tính được định nghĩa là sa tự phát khiến cho việc đi bộ, đứng lâu, ho và hắt hơi trở nên khó khăn vì có thể khiến khối sa nhô ra ngoài.
- Không đem lại cảm giác đau đớn đối với trẻ em, tuy nhiên bé sẽ phải đối mặt với sự khó chịu trong sinh hoạt hàng ngày.
- Ngứa ngáy vùng hậu môn.
- Khó kiểm soát mỗi khi đi đại tiện ở nhiều mức độ, có thể chỉ có tiết dịch nhầy.
- Tiền sử sa trực tràng.
- Táo bón cũng được mô tả như buốt mót (cảm giác đi tiêu không hết phân) và tắc nghẽn đại tiện.
- Chảy máu trực tràng.
- Tiêu chảy và thói quen tiêu thất thường.
Sa trực tràng ở trẻ em có nguy hiểm không?
Sa trực tràng ở trẻ em là một bệnh lành tính, ít có biến chứng nặng nề, nhưng gây cho bệnh nhi nhiều sự khó chịu trong sinh hoạt. Chính vì vậy vẫn không nên để khối sa tồn tại quá lâu và nên xử trí khi có thể.
Xử trí sa trực tràng ở trẻ em
Bên cạnh việc chữa trị theo y lệnh của bác sĩ, cha mẹ nên duy trì những thói quen sinh hoạt lành mạnh để tăng cường sức khỏe cho bé, hạn chế những chuyển biến xấu của bệnh sa trực tràng.
Những việc phụ huynh hoàn toàn có thể làm được tại nhà để hỗ trợ xử trí sa trực tràng ở trẻ em:
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp, đảm bảo đầy đủ chất cho bé, bổ sung protein, canxi để trẻ lớn nhanh, khỏe mạnh thì bạn đừng quên thêm chất xơ, vitamin vào bữa ăn hàng ngày.
- Nên ăn các loại thực phẩm này dễ tiêu hóa, hạn chế hoặc kiêng ăn các thức ăn có thể gây tình trạng táo bón hoặc tiêu chảy ở trẻ nhỏ.
- Nên cho trẻ nhỏ ăn sữa chua hoặc dùng men tiêu hóa để bổ sung lợi khuẩn cho cơ thể.
- Nên chủ động theo dõi các dấu hiệu, triệu chứng bất thường trẻ gặp phải như: tiêu hóa kém, thường xuyên bị táo bón hay tiêu chảy, đi đại tiện không kiểm soát,…
- Cha mẹ nên duy trì thói quen cho trẻ đi kiểm tra sức khỏe định kỳ từ 3 – 6 tháng.
- Cha mẹ có thể theo dõi trẻ tại nhà và trợ giúp bé đẩy khối sa trực tràng lên. Cách đẩy khối sa trực tràng lên giúp trẻ như sau:
- Cho bé nằm ngửa, mông kê cao, 2 chân dạng và được một người phụ nắm vào vùng kheo, giữ và giơ chân cao lên.
- Đứng đối diện mông trẻ, dùng nước ấm vệ sinh sạch khối sa trước khi đẩy vào, các ngón bàn tay phải nắm gọn khối sa, ngón cái bàn tay trái đặt vào giữa khối sa trực tràng, từ từ nhẹ nhàng đẩy lên (lưu ý rằng tay của người đẩy phải được vệ sinh sạch sẽ và không để móng tay dài).
- Trong khi đẩy, người phụ từ từ hạ thấp dần chân xuống và khép dần hai chân của bé lại.
- Khi khối sa vừa đẩy lên hết cũng là lúc hai chân cháu bé duỗi thẳng, hai nếp mông khép kín.
- Giữ chân ở tư thế ấy trong một lúc, vì trẻ có thể quấy khóc làm khối sa tụt ra trở lại.
Sa trực tràng ở trẻ em hiếm gặp hơn người lớn nhưng không có nghĩa là không gặp và có rất nhiều nguyên nhân có thể gây sa trực tràng ở trẻ em như: thường xuyên táo bón, ỉa chảy, ho gà, hẹp bao quy đầu, suy yếu cơ thắt, cơ nâng hậu môn hay suy yếu các cân cơ đáy chậu tự nhiên, dị tật về giải phẫu chỗ gập góc giữa bóng trực tràng và ống hậu môn, … Cách xử trí khi thấy trẻ bị sa trực tràng cũng rất quan trọng, bố mẹ nên biết để hỗ trợ cho quá trình điều trị được tốt hơn.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.