Bệnh áp xe não là một bệnh lý nguy hiểm có thể gặp ở bất cứu ai. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển thành các di chứng của bệnh áp xe não hoặc thậm chí đe dọa tính mạng của bệnh nhân. Vậy áp xe não là gì? Điều trị bệnh như thế nào? Hãy cùng Docosan tìm hiểu trong bài viết dưới đây!
Tóm tắt nội dung
Tổng quan về áp xe não
Áp xe não là hậu quả của tình trạng nhiễm trung trong não, tạo thành các ổ mủ trong nhu mô não, ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ các chức năng của hệ thần kinh trung ương, đe dọa tính mạng của người bệnh.
Não bộ là cơ quan chủ chốt điều hành tất cả các hoạt động và chức năng của cơ thể. Não được bảo vệ bởi cấu trục sọ não ở bên ngoài cùng, nhu mô mạch máu xung quanh và các hệ thống miễn dịch.
Tình trạng nhiễm trùng xảy ra khi một lượng vi khuẩn hoặc vi sinh vật nhất định có thể vượt qua hàng ràng bảo vệ (hàng rào máu não), xâm nhập vào não và gây viêm não. Sự phản kháng lại đối với hành vi xâm nhập của các vi sinh vật bên ngoài diễn ra dưới hình thức huy động các tế bào bạch cầu lại, tiêu diệt vi khuẩn, giới hạn ổ viêm và cuối cùng đưa đến việc hình thành áp xe não.
Các nguyên nhân gây ra áp xe não
Nguyên nhân gây ra áp xe não bao gồm:
- Những tình trạng nhiễm trùng ở các cơ quan khác lân cận, vi khuẩn đi vào đường máu và lên đến, xâm nhập vào não như: viêm tai xương chũm, viêm xoang, viêm tai giữa, nhiễm trùng mặt hoặc da đầu, áp xe răng miệng hoặc các bệnh viêm phổi, nhiễm trùng huyết…
- Biến chứng sau khi phẫu thuật hở chấn thương sọ não, hoặc phẫu thuật não
Tuy đây là bệnh hiếm gặp, lứa tuổi nào cũng có nguy cơ bị áp xe não, vì độ tuổi chiêm đa số các trường hợp bệnh chủ yếu vào khoảng từ 30 đến 45 tuổi.
Các yếu tố nguy cơ làm gia tăng tỷ lệ bị áp xe não ở bệnh nhân bao gồm:
- TIền sử chấn thương đầu, chấn thương sọ não
- Nhiễm trùng đầu mặt cổ
- Đái tháo đường, tăng huyết áp
- Bệnh lý tim bẩm sinh
- Tiền sử viêm màng não
- Người bị suy giảm chức năng hệ miễn dịch như người bị ung thư, suy dinh dưỡng nặng, người bị nhiễm HIV/ AIDS…
Triệu chứng của bệnh áp xe não
Mỗi bệnh nhân khác nhau sẽ biểu hiện các triệu chứng áp xe não hoàn toàn khác nhau, phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh cũng như các bệnh lý nền kèm theo. Một số trường hợp diễn biến từ từ, một số lại tiến triển rất nhanh gây tổn thương nặng nề cấu trúc nhu mô não. Thường áp xe não sẽ gây ra 3 triệu chứng chính dưới đây:
- Hội chứng nhiễm trùng: sốt cao 39 đến 40 độ C. Ổ áp xe càng lan tỏa bao nhiêu thì triệu chứng sốt càng rầm rộ bấy nhiêu. Khi ổ áp xe đã khu trú thì bệnh nhân sẽ giảm sốt. Ngoài ra, người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, có thể thấy môi khô, lưỡi dơ, sụt cân nhanh trong thời gian ngắn.
- Hội chứng tăng áp lực nội sọ: bệnh nhân đau âm ỉ vùng đầu, lan ra khắp đầu nhất là nơi ổ áp xe đang khu trú. Tình trạng đau đầu có thể thay đổi như tăng lên vào ban đêm hoặc khi bệnh nhân thay đổi tư thế, kèm theo cảm giác buồn nôn, nôn vọt. Nếu càng để lâu không điều trị, người bệnh sẽ trở nên lú lẫn, mất phương hướng, thậm chí là co giật, hôn mê…
- Hội chứng thần kinh khu trú:
Nếu ổ áp xe ở một bên não, bệnh nhân bị liệt ½ người
Nếu ổ áp xe ở cả hai bên não, bệnh nhân bị liệt tứ chi
Liệt các dây thần kinh sọ
Xảy ra những cơn động kinh cục bộ
Điều trị áp xe não như thế nào
Việc chẩn đoán xác định áp xe não chủ yếu dựa vào các dấu hiệu vừa nêu, phối hợp với kết quả chụp CT scan sọ não hoặc chụp MRI cộng hưởng từ não bộ để tìm ổ áp xe. Điều trị phụ thuộc vào vị trí mà ổ áp xe đang khu trú, kích thước và số lượng các ổ áp xe hiện tại có trong não, cũng như sức khỏe tổng trạng của người bệnh. Tùy tình huống mà bác sĩ có thể điều trị nội khoa trước để ổn định tổng trạng của bệnh nhân trước khi kết hợp với điều trị ngoại khoa (phẫu thuật loại bỏ ổ áp xe ra khỏi não).
Điều trị nội khoa bao gồm dùng các loại thuốc kháng sinh có thể khuếch tán qua hàng rào máu não. Người bệnh sẽ dùng kháng sinh dưới dạng tiêm hoặc uống hoặc phối hợp cả hai, liều cao và trong thời gian dài, tất cả tùy thuộc vào kết quả trên kháng sinh đồ. Khi điều trị, cần theo dõi liên tục người bệnh, chụp CT scan MRI sọ não mỗi 3 đến 4 ngày để theo dõi diễn tiến của bệnh cũng như hiệu quả điều trị cho đến khi cải thiện được hầu hết các triệu chứng lâm sàng.
Khi sử dụng thuốc kháng sinh không có hiệu quả, bệnh nhân sẽ được tiến hành phẫu thuật, chọc hút hoăc dẫn lưu ổ áp xe, và có thể loại bỏ hoàn toàn nó ra khỏi nhu mô não, tùy thuộc vào các trường hợp sau:
- Nếu ở vị trí sâu thì ưu tiên chọc hút.
- Nếu ở vị trí nông, kích thước > 3cm và đơn thuần 1 ổ duy nhất thì có thể phẫu thuật loại bỏ ổ áp xe.
Với những trường hợp áp xe não do tiền sử có phẫu thuật sọ não hoặc các bệnh nhiễm trùng như viêm tai giữa, viêm phổi, viêm xoang,.. thì người bệnh cũng cần được điều trị các bệnh lý đó để điều trị tận gốc căn nguyên của bệnh. Chú ý cần kết hợp với nghỉ ngơi đầy đủ, chế độ ăn hợp lý…
Kết luận
Tóm lại, khi có các triệu chứng nghi ngờ áp xe não, nhất là khi bản thân người bệnh có nhiều yếu tố nguy cơ dễ mắc bệnh hơn người khác thì cần chủ động đi khám càng sớm càng tốt. Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời áp xe não có thể làm giảm thiểu tối đa nguy cơ tiến triển thành các biến chứng sau này cũng như giảm tỷ lệ tử vong xuống mức thấp nhất.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.
Nguồn tham khảo: healthline.com