Polyp trực tràng là bất cứ khối tổn thương có nguồn gốc từ thành trực tràng lồi vào lòng ruột. Triệu chứng polyp ít gặp, thường chỉ gây chảy máu nhẹ và diễn tiến âm thầm. Polyp nguy hiểm khi chuyển thành dạng ác tính, phát sinh ung thư trực tràng có nguồn gốc polyp trực tràng lành tính. Căn bệnh này thường được chẩn đoán và điều trị qua nội soi. Hãy cùng Docosan tìm hiểu một số thông tin về bệnh polyp trực tràng trong bài viết dưới đây nhé!
Tóm tắt nội dung
Polyp trực tràng là bệnh lý gì?
Polyp được định nghĩa là các tổ chức tăng sinh từ lớp niêm mạc, mọc lồi vào trong lòng ống tiêu hóa. Polyp trực tràng mọc chung quanh một trục gồm các tổ chức liên kết và mạch máu. Polyp có thể bắt nguồn từ lớp biểu mô hoặc lớp dưới biểu môn tuy nhiên trong một số trường hợp xuất phát từ lớp dưới niêm mạc được phân vào nhóm u dưới niêm mạc.
Polyp trực tràng có thể bị nhầm lẫn với tổn thương giả polyp. Điểm khác nhau giữa hai dạng tổn thương này đó là tổn thương giả polyp thường gặp trong quá trình viêm như viêm loét đại trực tràng có chảy máu hoặc trong bệnh Crohn. Bản chất của tổn thương giả polyp trực tràng là vùng niêm mạc bình thường giữa một vùng bị loét hoặc tổ chức hạt tại vùng niêm mạc bị loét.
Các dạng polyp trực tràng có thể gặp bao gồm 2 dạng là polyp tăng sản và polyp tuyến. Polyp tăng sản có tỉ lệ gặp ít hơn so với polyp tuyến. Polyp tuyến hay gặp với hơn 70% trường hợp polyp trực tràng, kích thước càng lớn càng dễ bị ác hóa. Hình ảnh polyp trực tràng dạng tuyến có kích thước thay đổi khác nhau trên nội soi, có thể có cuống hoặc không có cuống, màu sắc thường gặp là màu đỏ.
Thường hay gặp polyp dạng tăng sản tại trực tràng hơn so với đoạn cuối của đại tràng. Tuổi càng cao càng dễ mắc các bệnh lý polyp. Hình ảnh polyp trực tràng dạng tăng sản trên nội soi thường ghi nhận kích thước nhỏ, không có cuống, màu nhạt. Giải phẫu bệnh – mô học cho kết quả tăng sinh tế bào biểu mô biệt hóa cao, không có loạn sản tế bào.
Polyp trực tràng có nguy hiểm không? Một số loại polyp tuyến có khả năng chuyển dạng thành ung thư, trong khi những loại khác (polyp tăng sản hoặc viêm) hầu như không gặp các tình huống chuyển thành ung thư. Tuy nhiên cần lưu ý rằng polyp là bệnh lý phổ biến, có thể gặp cả ở người lớn và trẻ nhỏ. Không phải dạng polyp nào cũng trở thành ung thư và việc chuyển dạng thành ung thư cần một khoảng thời gian nhiều năm. Polyp là bệnh lý có thể điều trị cắt bỏ hoàn toàn.
Nguyên nhân gây polyp trực tràng
Polyp có thể gặp ở cả nam và nữ, mọi lứa tuổi, mọi chủng tộc. Tình trạng này được gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác với những yếu tố nguy cơ đa dạng như chế độ ăn uống, yếu tố môi trường, yếu tố di truyền. Một trong những yếu tố quan trọng trong việc hình thành polyp bao gồm:
- Thực đơn có quá nhiều chất béo
- Thực đơn nhiều thịt đỏ
- Ăn ít chất xơ như rau xanh, củ quả, trái cây tươi,..
- Hút thuốc lá
- Thừa cân/ béo phì
Yếu tố có thể giúp chẩn đoán polyp đó là tuổi, vì đa số polyp hay gặp ở người lớn, thường là sau 40 tuổi và gặp nhiều sau 50 tuổi với tỉ lệ 90%. Nam giới hay gặp phụ nữ do đó sàng lọc các bệnh lý u polyp được khuyến cáo thực hiện trên nam và nữ ở độ tuổi sau 50. Thời gian để polyp có nguy cơ chuyển thành ung thư thường là trên 10 năm.
Yếu tố di truyền đóng vai trò nhất định trong việc tạo thành các polyp trực tràng. Polyp có xu hướng gặp ở nhiều người trong cùng gia đình, điều này được ghi nhận qua các nghiên cứu và báo cáo lâm sàng. Nguyên tắc chung để sàng lọc các bệnh lý ung thư và polyp trực tràng có thể bắt đầu ở độ tuổi sớm hơn ở những người có yếu tố nguy cơ tiền sử gia đình có người thân mắc bệnh ung thư hoặc polyp.
Một trong những bằng chứng cho thấy yếu tố di truyền đóng vai trò cho sự phát triển trong bệnh lý polyp đó là hội chứng đa polyp tuyến có tính chất gia đình. Đây là một bệnh lý di truyền trên gen trội do sự đột biến gen APC. Biểu hiện triệu chứng thường gặp là đi ngoài ra máu, tiêu chảy nhiều lần, gầy sút do chuyển tiến thành ung thư. Nếu không điều trị kịp thời có thể diễn tiến thành ung thư trực tràng.
Tuổi mắc bệnh sớm hơn các bệnh lý polyp khác do đó có thể tầm soát sớm với đối tượng có nguy cơ. Hình ảnh trên nội soi có thể thấy hình ảnh nhiều polyp dạng tuyến ở đại tràng, ruột non, dạ dày,… Điều trị polyp trực tràng do hội chứng đa polyp dựa vào mức độ của tổn thương như có hình thành ung thư chưa, nếu polyp xuất hiện dày đặc ở trực tràng có thể phải cắt toàn bộ trực tràng hoặc cắt một phần và tiến hành theo dõi tái khám định kỳ.
Có thể mắc polyp trực tràng triệu chứng gì?
- Hầu hết thường phát hiện tình trạng polyp qua triệu chứng đi ngoài phân có máu đỏ hoặc phân có vệt đen. Khi đi tiêu người bệnh sẽ thấy máu phủ bên ngoài hoặc máu dính trên giấy vệ sinh.
- Cuống polyp sa ra ngoài (sa trực tràng): Trường hợp polyp trực tràng có cuống dài có thể sa ra ngoài hậu môn lúc rặn khi đi vệ sinh, tình trạng này có thể gây cảm giác khó chịu.
- Soi kiểm tra trực tràng có thể phát hiện thấy bề mặt niêm mạc của polyp tuyến có dạng tròn, màu sắc có thể nhạt hoặc có màu đỏ, kích thước đa dạng, thường là 0.5 – 1 cm.
- Đau buốt hậu môn: polyp trực tràng hậu môn có thể gây ra tình trạng đau buốt hậu môn xuất hiện, đi ngoài ra máu kèm dịch nhầy có thể báo hiệu tình trạng viêm cần phải kiểm tra gấp.
Polyp trực tràng lành tính thường gặp hơn cả, không phải lúc nào cũng có thể chuyển thành ung thư và cần thời gian nhiều năm mới có thể hóa thành ung thu được. Người bệnh nếu phát hiện các triệu chứng nghi ngờ có polyp cần tiến hành đi khám để được kiểm tra toàn diện, đặc biệt là nhóm có yếu tố nguy cơ mắc polyp đại trực tràng.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước.
Nguồn tham khảo: NHS