Tác nhân gây ra bệnh sốt xuất huyết là gì? Cách phòng tránh?

Nhận biết được các tác nhân gây ra bệnh sốt xuất huyết có thể giúp chúng ta phòng ngừa được căn bệnh truyền nhiễm này. Hãy cùng Docosan tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh sốt xuất huyết trong bài viết dưới đây nhé!

Sốt xuất huyết là bệnh gì?

Sốt do Dengue là một căn bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus với trung gian là muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Nhiễm virus Dengue có thể gây các triệu chứng lâm sàng khác nhau ở từng cá thể. Sốt xuất huyết Dengue có thể có biểu hiện như nhiễm cúm nặng, đôi khi gây ra biến chứng làm tử vong. Tỉ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết đã tăng hơn 30 lần trong suốt 50 năm qua. Theo một số nghiên cứu ước tính có tới 50-100 triệu trường hợp nhiễm bệnh ở hơn 100 quốc gia khiến cho gần một nửa dân số thế giới đối mặt với nguy cơ mắc bệnh.

Dengue chủ yếu xuất hiện và gây bệnh ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa do muỗi phát triển tốt vào khoảng thời gian này. Bệnh xuất hiện ở cả trẻ em và người lớn. Vòng đời của tác nhân gây bệnh sốt xuất huyết – virus Dengue liên quan đến trung gian truyền bệnh là muỗi và con người vừa là nạn nhân chính và cũng là nguồn lây bệnh.

Tác nhân gây ra bệnh sốt xuất huyết là virus Dengue

Sốt Dengue (Dengue fever) là một bệnh được nghiên cứu từ rất lâu. Vào thế kỷ 18 và 19, khi ngành công nghiệp vận chuyển toàn cầu phát triển mạnh, các thành phố cảng tăng trưởng và đô thị hóa đã tạo điều kiện thuận lợi cho vector truyền bệnh (muỗi Aedes aegypti). Cả muỗi và virus – nguyên nhân sốt xuất huyết, đã được lan sang các vùng địa lý khác và gây ra dịch bệnh nghiêm trọng.

Dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue có tác động lên các quốc gia và cộng đồng với quy mô tương tự như sốt rét và các bệnh truyền nhiễm quan trọng khác, tổn thất về kinh tế cũng như con người. Hiện tại không có vaccine hoặc thuốc kháng virus đặc hiệu nào cho Dengue; cách ngăn ngừa hiệu quả duy nhất đối với sốt Dengue đó là kiểm soát vector truyền bệnh – muỗi Aedes aegypti.

Bệnh sốt xuất huyết Dengue nặng được nhận biết lần đầu tiên vào những năm 1950 trong các trận dịch sốt xuất huyết tại Philippines và Thái Lan. Ngày nay, căn bệnh truyền nhiễm này lan rộng và ảnh hưởng đến các quốc gia châu Á và châu Mỹ Latin. Sốt xuất huyết Dengue đã trở thành nguyên nhân nhập viện và tử vong cao nhất ở trẻ em và người lớn ở các khu vực này.

Tác nhân gây ra bệnh sốt xuất huyết là gì?

Tác nhân gây ra bệnh sốt xuất huyết là virus Dengue, thuộc chi Flavivirus, họ Flaviviridae, mang đặc điểm của Arbovirus (Arthropod born virus). Virus Dengue là virus RNA có kích thước nhỏ khoảng 40-60nm, hình dạng giống hình cầu. Bên trong có vỏ capsid bao quanh acid nucleic tạo thành nucleocapsid.

Bên ngoài được bao bọc bởi một lớp vỏ lipid kép, lớp lipid kép chứa glycoprotein và protein có nguồn gốc từ màng sinh chất của tế bào. Virus bị phá huỷ bởi tia cực tím, bị tiêu diệt ở 600 độ C trong 30 phút hoặc 40 độ C trong vài giờ. Các protein E và M gắn vào virus xuyên qua lớp lipid kép. Những protein này tạo thành một lớp bảo vệ bên ngoài có chức năng kiểm soát sự xâm nhập của virus tiến vào tế bào trong cơ thể người.

Tác nhân gây ra bệnh sốt xuất huyết Dengue có các kháng nguyên kết hợp bổ thể, trung hòa và ức chế ngưng kết hồng cầu. Dựa vào sự khác biệt giữa các điểm quyết định kháng nguyên, người ta chia virus Dengue ra làm 4 loại huyết thanh khác nhau (DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4).

Mặc dù 4 týp Dengue có tính chất kháng nguyên khác nhau nhưng chúng có một số quyết định kháng nguyên chung, trong đó cần lưu ý đến các kháng nguyên ức chế ngưng kết hồng cầu, do đó chúng có hiện tượng ngưng kết chéo giữa các týp khác nhau. Mỗi týp huyết thanh có nhiều kiểu gen khác nhau, điều này cho thấy các týp huyết thanh của virus dengue có sự biến đổi di truyền rất phong phú.

Trong số đó, các kiểu gen DEN-2 và DEN-3 thường liên quan mức độ bệnh nặng trong bệnh cảnh sốt xuất huyết thứ nhiễm (secondary infection). Cả 4 týp huyết thanh của virus đều có mặt ở Việt Nam. Theo số liệu của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, tại các tỉnh thuộc khu vực phía Nam thì huyết thanh DEN-1 và DEN-2 bắt đầu chiếm ưu thế rõ rệt so với các loại khác.

Ngoài muỗi, tác nhân gây ra bệnh sốt xuất huyết có thể được lây truyền bởi tiêm chích. Ở những vùng dịch lưu hành, tần suất nhiễm bệnh của những ca có truyền máu có thể gợi ý khả năng lây truyền qua đường truyền máu. Nhưng cũng trong nhóm dân số này thì miễn dịch ở người được truyền máu tương đối cao cao, do đó khó phân biệt một trường hợp lây truyền do truyền máu với một ca nhiễm tự nhiên.

Cách phòng tránh tác nhân gây ra bệnh sốt xuất huyết

Muỗi Aedes hoạt động chủ yếu vào ban ngày, thường nhiều nhất vào sáng sớm và đôi khi cũng có thể chích người vào chiều tối. Muỗi Aedes thường đậu ở những nơi tối trong nhà. Chỉ có muỗi cái có khả năng đốt người và truyền bệnh sốt xuất huyết. Cách phòng tránh tác nhân gây ra bệnh sốt xuất huyết hiệu quả là hạn chế sự tồn tại của loại muỗi này trong môi trường sống và làm việc của con người.

Hiện nay, ở Việt Nam, bệnh sốt xuất huyết Dengue chưa có vaccine dự phòng. Biện pháp phòng tác nhân gây ra bệnh sốt xuất huyết chủ yếu là kiểm soát trung gian truyền bệnh như tránh muỗi đốt, giăng mùng khi ngủ, diệt lăng quăng – bọ gậy, diệt muỗi, vệ sinh môi trường, loại bỏ các ổ chứa nước đọng trong khu vực.

Tác nhân gây ra bệnh sốt xuất huyết Dengue là virus Dengue, có trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes. Mỗi người đều có thể mắc bệnh sốt xuất huyết một hoặc nhiều lần, do đó việc phòng chống các tác nhân gây ra bệnh sốt xuất huyết giúp ngừa bệnh đồng thời hạn chế nguy cơ tái mắc.

Mời bạn tham khảo sản phẩm Xét nghiệm sốt xuất huyết tại nhà – Fastep

Contact Me on Zalo