Rối loạn tiêu hóa ở người lớn gây cảm giác khó chịu, nó ảnh hưởng rất tiêu cực đến cuộc sống sinh hoạt và cả tinh thần của bệnh nhân. Các biểu hiện của chứng rối loạn tiêu hóa vô cùng đa dạng, được gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Vậy rối loạn tiêu hóa ở người có nguyên nhân là gì? Hãy cùng Docosan tìm hiểu trong bài viết dưới đây!
Tóm tắt nội dung
Tổng quan về rối loạn tiêu hóa ở người lớn
Định nghĩa
Rối loạn tiêu hóa ở người lớn được hiểu là tình trạng rối loạn hoạt động co thắt của các cơ trơn đường tiêu hóa, gây đau bụng quặn từng cơn, rối loạn thói quen đi cầu (tiêu chảy, táo bón hoặc xen kẽ nhau) và hàng loạt các biểu hiện khác.
Triệu chứng rối loạn tiêu hóa ở người lớn
Đây là 1 hội chứng, tập hợp của rất nhiều các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như sau:
Đau bụng
Đây là triệu chứng tuy phổ biến nhất nhưng không đặc hiệu, vị trí đau thường là ở thượng vị (vùng mũi xương ức), hoặc có thể ở bên phải hoặc trái vùng bụng, thậm chí có thể đau lan khắp bụng. Nếu đau bụng mạn tính (trên 6 tháng) thì có thể xuất hiện những cơn đau đột ngột, kịch phát. Những cơn đau này thường liên quan chủ yếu đến ăn uống, hoặc những tổn thương về tinh thần, tâm lý, tình cảm. Tuy nhiên vẫn có những đợt đau bụng tự phát mà không rõ nguyên nhân.
Triệu chứng ở dạ dày
Biểu hiện của rối loạn tiêu hóa chủ yếu ở dạ dày, bên cạnh triệu chứng đau bụng còn kèm theo các biểu hiện khác như Buồn nôn, nôn ói, ợ đắng, ợ chua, đầy hơi, chướng bụng….
Cảm giác ăn không tiêu thường xảy ra chủ yếu sau khi tiêu thụ các loại thức ăn chiên xào, nhiều dầu mỡ khó tiêu, thức ăn không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Cảm giác này khá phổ biến và gây nhiều phiền phức cho bệnh nhân. Đôi khi người bệnh khó chịu đến mức trằn trọc không thể ngủ được và cần phải nôn ra thì mới dễ chịu.
Những triệu chứng khác
Ngoài đau bụng và các biểu hiện ở dạ dày trên, các triệu chứng có thể xuất hiện đơn độc, phối hợp hoặc kèm theo những triệu chứng khác sau đây:
- Rối loạn đại tiện: táo bón, tiêu chảy hoặc xen kẽ lúc thì tiêu chảy, lúc thì táo bón. Đôi khi đại tiện phân có lẫn nhầy, máu tươi hoặc đi tiêu phân đen. Người bệnh khó đi tiêu, mỗi lần đi ngoài luôn có cảm giác chưa hết phân hoàn toàn (cảm giác mót rặn).
- Chán ăn: Người bị rối loạn tiêu hóa thường chán ăn, có thể có tính chọn lọc ngán cụ thể 1 vài món ăn.
Tổng trạng sức khỏe của người bệnh
Tổng trạng sức khỏe của người bệnh có thể bình thường chưa bị ảnh hưởng hoặc suy nhược nhiều ít, phụ thuộc vào tùy theo: tính chất bệnh là thực thể hay cơ năng, bệnh lành hay ác tính. Tiếp theo là mức độ nghiêm trọng và thời gian kéo dài của bệnh. Cuối cùng là sự điều trị nâng đỡ, bổ sung dinh dưỡng để nâng cao thể trạng của người bệnh theo y lệnh bác sĩ.
Các biểu hiện rối loạn cơ năng thường rất đa dạng, đôi khi rầm rộ, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến người bệnh. Trái lại, các triệu chứng về thực thể (lúc bác sĩ thăm khám) đôi khi rất nghèo nàn, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của các bệnh lý.
Nguyên nhân rối loạn tiêu hóa ở người lớn
Bệnh lý ở ống tiêu hóa (dạ dày, ruột)
Rối loạn tiêu hóa ở người lớn có thể do các bệnh lý tại ống tiêu hóa (dạ dày, ruột non, ruột già) gây nên.
Bệnh dạ dày
- Rối loạn chức năng dạ dày (khó tiêu cơ năng).
- Viêm dạ dày cấp tính và mạn tính
- Đợt tiến triển của bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng.
- Ung thư biểu mô dạ dày.
Bệnh lý ở ruột non
- Viêm ruột non (đặc hiệu, không đặc hiệu)
- Các bệnh lý ruột non khác.
Bệnh lý ở ruột già
- Bệnh rối loạn chức năng đại tràng (tên gọi khác là hội chứng ruột kích thích).
- Viêm đại tràng đặc hiệu như Lao vùng hồi manh tràng.
- Viêm đại tràng không đặc hiệu như Viêm loét đại trực tràng, Bệnh Crohn
- Ung thư đại trực tràng.
Các bệnh lý khác gây rối loạn tiêu hóa ở người lớn
Bên cạnh các bệnh lý tại ống tiêu hóa, tình trạng rối loạn tiêu hóa ở người lớn còn có thể do các bệnh lý khác gây nên, chúng bao gồm:
- Bệnh lý về tụy như viêm tụy mạn tính, Ung thư đầu tụy, ung thư tụy.
- Bệnh lý gan như Viêm gan do virus, Viêm gan mạn, Xơ gan hoặc Ung thư gan.
- Bệnh lý về hệ thống đường mật như Viêm túi mật mạn tính, Sỏi túi mật đường mật, rối loạn chức năng đường mật.
- Bệnh lý Ổ bụng như Lao màng bụng, Ung thư màng bụng, những bệnh lý nổi hạch mạc treo.
- Các bệnh lý toàn thân như bệnh tuyến giáp, đái tháo đường,…
Chẩn đoán rối loạn tiêu hóa ở người lớn
Lưu ý khi chẩn đoán
Chẩn đoán rối loạn tiêu hóa ở người lớn thường gặp khó khăn vì bộ máy tiêu hóa rất phức tạp, trải dài qua nhiều cấu trúc. Mỗi một cấu trúc lại có những bệnh lý riêng biệt đều có thể có chung các triệu chứng rối loạn tiêu hóa này. Vì thế cần phải hỏi kỹ về bệnh sử để kịp thời phát hiện thêm các thông tin quan trọng bên cạnh các triệu chứng đã khám được để chẩn đoán bệnh.
Đồng thời bác sĩ đặc biệt lưu ý các trường hợp bệnh nhân sau đây
- Thiếu máu, rối loạn đông máu
- Vàng da, phù, chú ý những trường hợp kín đáo, mức độ nhẹ có thể bỏ sót.
- Gan to, túi mật to.
- Ứ dịch trong ổ bụng (bệnh cổ chướng), hoặc nổi hạch trong ổ bụng.
Phương tiện chẩn đoán
Các xét nghiệm cận lâm sàng quan trọng giúp chẩn đoán nguyên nhân rối loạn tiêu hóa ở người lớn như sau:
- Xét nghiệm phân tìm ký sinh trùng, trứng sán, trứng giun, tìm máu ẩn trong phân.
- Xét nghiệm máu tổng quát, sinh hoá men gan, men tụy, định lượng hormone tuyến giáp.
- Chọc dò lấy dịch màng bụng làm xét nghiệm để tính chất dịch ổ bụng và có thể cấy dịch để định danh vi khuẩn (nếu có) hiện diện trong dịch ổ bụng.
- Siêu âm bụng tổng quát: Đánh giá kích thước gan, túi mật, khảo sát sỏi mật hoặc dịch ứ trong ổ bụng.
- Nội soi đường tiêu hóa (dạ dày, ruột non, đại tràng) để sớm phát hiện những tổn thương viêm, loét, hoặc nghi ngờ ung thư.
Việc chẩn đoán đúng nguyên nhân góp phần quan trọng cho hiệu quả của cách chữa rối loạn tiêu hóa ở người lớn, giúp định hướng điều trị cụ thể và giúp giải quyết tận gốc vấn đề sức khỏe của người bệnh.
Kết luận
Tóm lại, bài viết đã giới thiệu khái quát 1 số thông tin cơ bản về tình trạng rối loạn tiêu hóa ở người lớn. Điều cần lưu ý là phải kịp thời nhận biết được các biểu hiện của đường tiêu hóa để đi khám bác sĩ ngay, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị cũng như đề phòng những biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe có thể xảy ra.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.
Nguồn tham khảo: healthline.com