Phương pháp cắt amidan được thực hiện khi có chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa đối với các trường hợp viêm amidan tái đi tái lại nhiều lần, amidan phù đại gây tắc nghẽn đường thở. Mục đích nhằm giúp giảm thiểu số lần bị nhiễm trùng và loại bỏ triệu chứng khó chịu cho người bện Để biết chi tiết hơn vấn đề này, mời bạn đọc tham khảo ngay bài viết được Docosan chia sẻ dưới đây.
Bài viết được tham khảo ý kiến chuyên môn của bác sĩ Tô Vũ Thủy Tiên, chuyên khoa Tai Mũi Họng, đang công tác tại Phòng khám Đa khoa Quốc tế Golden Healthcare.
Tóm tắt nội dung
Cắt amidan là gì?
Cắt amidan là một thủ tục phẫu thuật để loại bỏ amidan – hai miếng mô có hình bầu dục ở phía sau cổ họng. Đây là một trong những phương pháp điều trị nhiễm trùng và viêm amidan. Người bệnh sẽ được bác sĩ chuyên khoa cân nhắc đưa ra chỉ định thực hiện sau khi kết thúc việc thăm khám lâm sàng.
Ngày nay, cắt amidan thường được thực hiện với mục đích điều trị dứt điểm bệnh viêm amidan, ngăn chặn tình trạng khó thở khi ngủ và hạn chế biến chứng nguy hiểm có khả năng khởi phát trong tương lai. Ngoài ra, cắt amidan cũng có thể được áp dụng để điều trị hô hấp và các vấn đề khác liên quan đến amidan.
Khi nào cắt amidan?
Chỉ định cắt amidan thường được áp dụng cho các trường hợp sau:
- Bệnh viêm amidan tái phát nhiều lần trong năm, khoảng 5 – 7 lần/năm hay tần suất 1 – 2 tháng bùng phát một lần, xuyên suốt 2 năm liên tục.
- Bệnh nhân gặp các vấn đề về hô hấp, ngủ ngáy, ngưng thở khi ngủ liên quan đến amidan quá phát.
- Viêm amidan đã gây ra biến chứng như áp xe quanh amidan, nhiễm trùng huyết,…
- Viêm amidan mạn tính, có khả năng cao xuất hiện biến chứng tại các cơ quan quanh amidan như: viêm tai giữa, viêm xoang, viêm cầu thận, viêm khớp,…
- Một số chỉ định khác (u amidan,…)
Có thể thấy, cắt amidan là phương pháp điều trị giúp bệnh nhân có thể kiểm soát tốt hơn biến chứng của viêm amidan. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng được bác sĩ chỉ định phương pháp này. Nếu tình trạng viêm amidan ở mức độ nhẹ, bác sĩ có thể kê đơn thuốc cho bệnh nhân điều trị mà không cần đến phẫu thuật. Ngoài ra, còn một số trường hợp khác:
- Trẻ em dưới 5 tuổi nên được cân nhắc trước khi cắt amidan. Việc cắt amidan khi trẻ còn quá nhỏ có thể ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch của trẻ, khiến trẻ dễ mắc các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp hơn.
- Người trên 45 tuổi cần hạn chế cắt amidan. Đối tượng này có khả năng cao bị chảy máu do amidan xơ dính.
- Người bị nhiễm trùng do virus, vi khuẩn gây viêm amidan không được điều trị bằng thuốc.
- Người mắc chứng rối loạn đông máu bẩm sinh hoặc đang mắc một số bệnh lý như tim mạch, huyết áp, tiểu đường, xuất huyết giảm tiểu cầu, suy tủy, ung thư máu,…
Để biết bản thân có phù hợp để cắt amidan hay không, hãy trao đổi thêm với bác sĩ. Tuyệt đối không được tự ý tìm đến cơ sở y tế để yêu cầu thực hiện amidan khi chưa được thăm khám và đánh giá bệnh.
Các phương pháp cắt amidan từ truyền thống đến hiện đại
Vì nền y học ngày càng phát triển nên phần lớn các cơ sở y tế đều áp dụng các phương pháp cắt amidan hiện đại với kỹ thuật cao, ít gây đau. Điển hình nhất là 3 phương pháp cắt amidan sau:
Phương pháp cắt amidan bằng dao điện
Đây là một trong những phương pháp cắt amidan điển hình có sử dụng dao cắt kết nối với nguồn điện có điện năng ở mức độ phù hợp để loại bỏ tổ chức amidan bị viêm.
– Quy trình thực hiện:
- Kiểm tra và đánh giá tình trạng sức khỏe của bệnh nhân trước khi phẫu thuật.
- Bệnh nhân được gây mê trước khi phẫu thuật.
- Phẫu thuật viên dùng thiết bị điện để tạo ra sóng điện từ có tần suất cao để thực hiện cắt amidan.
- Kết thúc ca phẫu thuật, phẫu thuật viên kiểm tra lại vết mổ và theo dõi vết thương.
– Ưu điểm:
- Hạn chế tình trạng chảy máu trong và sau quá trình thực hiện.
- Quy trình thực hiện nhanh chóng.
- Tiết kiệm thời gian và chi phí.
– Nhược điểm:
- Dễ để lại sẹo nên đòi hỏi phẫu thuật viên có nhiều năm kinh nghiệm, khéo léo trong từng thao tác để cắt đúng vị trí và không gây tổn thương cho các vùng mô khác.
- Nhiệt dùng để cắt amidan bằng phương pháp dùng dao điện lên tới 400oC nên có thể khiến bệnh nhân bị bỏng sâu, khả năng cao làm tổn thương mô xung quanh.
- Thời gian hồi phục lâu.
Phương pháp cắt amidan bằng laser
Phương pháp cắt amidan bằng laser được khá nhiều bệnh nhân lựa chọn bởi tính an toàn cao, quy trình thực hiện nhanh chóng và hiệu quả. Phương pháp này sử dụng bước sóng ánh sáng laser để cắt bỏ amidan bị viêm.
– Quy trình thực hiện:
- Bác sĩ kiểm tra sức khỏe tổng quát, nắm được kích thước và mức độ viêm của amidan, đồng thời xét nghiệm cận lâm sàng để đảm bảo có đủ điều kiện phẫu thuật cắt amidan.
- Bệnh nhân được gây mê nội khí quản.
- Phẫu thuật viên điều chỉnh độ rộng/hẹp của tia laser sao cho phù hợp với vùng amidan cần cắt. Quy trình cắt amidan được thực hiện lần lượt từ bờ trụ ra phần ngoài, xuống cực dưới và cuối cùng là lên cực trên.
- Cầm máu cho bệnh nhân và theo dõi sức khỏe tại phòng hồi sức.
– Ưu điểm:
- Độ chính xác cao, không gây ảnh hưởng đến các bộ phận khác.
- Ít chảy máu trong và sau khi phẫu thuật.
- Ít đau.
- Hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm trùng bởi phương pháp cắt amidan bằng laser có tính diệt khuẩn tốt.
– Nhược điểm:
- Chỉ phù hợp với bệnh nhân có kích thước amidan to ở mức trung bình.
- Dễ để lại sẹo.
- Có khả năng ảnh hưởng đến dây thanh hoặc gây khàn giọng.
Phương pháp cắt amidan bằng coblator
Thêm một phương pháp cắt amidan khác cũng đang được áp dụng rộng rãi hiện nay là cắt amidan bằng coblator. Nguyên tắc của phương pháp này là sử dụng năng lượng từ sóng radio để tạo dịch trường plasma, ngăn cách giữa mô và điện cực. Khi có dòng điện chạy qua lớp dịch này kết hợp với đầu dò đa chức năng sẽ tác động đến mô amian bị viêm, khiến chúng bị oxy hóa rồi phá hủy dần.
– Quy trình thực hiện:
- Xét nghiệm cận lâm sàng để biết sức khỏe của bệnh nhân có đáp ứng phương pháp điều trị này hay không.
- Bác sĩ gây mê cho bệnh nhân và tiến hành phẫu thuật với các trang thiết bị máy móc được chuẩn bị sẵn.
- Ngay sau phẫu thuật, kiểm tra lại các hốc amidan đã được cắt để đảm bảo không sai sót xảy ra.
- Theo dõi quá trình phục hồi của bệnh nhân.
– Ưu điểm:
- Không đau và ít chảy máu.
- Thời gian phẫu thuật nhanh, khoảng 10 – 15 phút đã bao gồm thời gian gây mê.
- Ít xâm lấn.
- Thời gian phục hồi nhanh, người bệnh sớm trở lại đời sống thường ngày.
- Có khả năng biến chứng hậu phẫu thuật xảy ra nhưng thấp hơn so với các phương pháp khác.
– Nhược điểm:
- Chi phí cao.
Ngoài ra còn nhiều phương pháp cắt amidan khác cũng đang được áp dụng hiện nay như:
- Phương pháp cắt amidan bằng Sluder
- Phương pháp cắt amidan bằng Plasma
- Phương pháp bóc tách và thòng lọng (Anse)
Cắt amidan có đau không?
Bên cạnh phương pháp cắt amidan thì cắt amidan có đau không cũng chính là thắc mắc được nhiều người quan tâm. Đặc biệt là bệnh nhân có chỉ định từ bác sĩ.
Trên thực tế, bệnh nhân sẽ ít có cảm giác đau đớn trong và sau khi cắt amidan, phẫu thuật cắt amidan không phải là một phẫu thuật phức tạp và được thực hiện chỉ trong thời gian ngắn. Hơn thế, với nền y học ngày càng phát triển, ngày càng có nhiều phương pháp cắt amidan mới giúp giảm đau và giảm các biến chứng sau mổ.
Kết thúc phẫu thuật cắt amidan, bệnh nhân có thể đối mặt với cơn đau. Tuy nhiên, mức độ đau ít hay nhiều còn tùy thuộc vào phương pháp cắt amidan đã sử dụng, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Do đó, việc chăm sóc sức khỏe sau phẫu thuật đóng vai trò quan trọng giúp bệnh nhân giảm thiểu cơn đau vừa sớm hồi phục sức khỏe.
Một số lưu ý trước và sau khi cắt amidan
Khi có chỉ định cắt amidan, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau để không làm ảnh hưởng đến ca phẫu thuật:
- Tạm ngưng việc sử dụng thuốc chống đông (bao gồm aspirin, ibuprofen,…). Các loại thuốc này có thể làm tăng nguy cơ chảy máu trong và sau phẫu thuật. Ngoài ra, hãy thông báo với bác sĩ tất cả loại thuốc Tây y, thuốc Đông y, thực phẩm chức năng,… mà bạn đang sử dụng.
- Cho bác sĩ biết nếu bạn bị dị ứng với thuốc gây mê.
- Cần nhịn ăn tối thiểu 6 – 8 giờ đồng hồ trước khi cắt amidan. Dạ dày trống rỗng sẽ giúp bạn làm giảm nguy cơ buồn nôn do thuốc mê gây ra.
- Chuẩn bị tinh thần thoải mái, không quá căng thẳng, lo lắng nhiều.
- Lập kế hoạch cho việc phục hồi sức khỏe tại nhà.
Sau khi cắt amidan, bệnh nhân cần có chế độ nghỉ dưỡng hợp lý nhằm giúp sức khỏe sớm hồi phục theo các biện pháp sau:
- Bệnh nhân sẽ được bác sĩ kê đơn thuốc giảm đau với lộ trình ngắn. Hãy tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.
- Báo ngay với bác sĩ nếu cơ thể xuất hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào không rõ nguyên do, đặc biệt là khi chảy máu tại vùng mổ, sốt, mất nước, khó thở,… Tuyệt đối không được xử lý nếu chưa có sự tư vấn từ bác sĩ.
- Uống nhiều nước sau khi cắt amidan để tránh mất cân bằng điện giải. Ưu tiên dùng nước lọc thay vì đồ uống có gas, đồ uống chữa cồn.
- Ăn thức ăn nhạt, dễ nuốt như cháo, cơm loãng trong những ngày đầu sau phẫu thuật. Tránh thức ăn chua cay, cứng, giòn vì có thể gây đau hoặc chảy máu.
- Có chế độ nghỉ ngơi phù hợp để lấy lại sức, tránh vận động mạnh.
Với những thông tin được chia sẻ trong bài viết hy vọng giúp bạn đọc biết được các phương pháp cắt amidan với những ưu và nhược điểm. Qua đó, bạn có thể lựa chọn phương pháp điều trị viêm amidan phù hợp với tình trạng sức khỏe, mức độ bệnh lý, tài chính cá nhân,… Tuy nhiên, cần trao đổi thêm ý kiến của bác sĩ, không được tự ý đi đến cơ sở y tế để phẫu thuật khi chưa có chỉ định.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.