Cortisol là một loại hormon được tiết ra bởi tuyến thượng thận, thường được biết đến là một loại hormon chống stress của cơ thể. Tuy nhiên, cortisol cũng đảm nhận nhiều vai trò quan trọng khác. Cùng Doctor có sẵn tìm hiểu những thông tin xoay quanh loại hormon này.
Tóm tắt nội dung
- 1 Cortisol là gì?
- 2 Vai trò của cortisol đối với cơ thể
- 3 Cơ chế điều hòa nồng độ cortisol của cơ thể
- 4 Xét nghiệm nào liên quan đến cortisol?
- 5 Thuốc chứa cortisol là thuốc nào?
- 6 Câu hỏi thường gặp
- 6.0.0.1 u003cstrongu003eĐịnh lượng cortisol là gì?u003c/strongu003e
- 6.0.0.2 u003cstrongu003eCortisol là xét nghiệm gì?u003c/strongu003e
- 6.0.0.3 u003cstrongu003eCortisol có tác dụng gì?u003c/strongu003e
- 6.0.0.4 u003cstrongu003eCortisol máu bình thườngu003c/strongu003e
- 6.0.0.5 u003cstrongu003eCortisol làm tăng đường huyếtu003c/strongu003e
- 6.0.0.6 u003cstrongu003eĐiều trị tăng cortisol máuu003c/strongu003e
Cortisol là gì?
Hormone cortisol là một loại hormon steroid được tổng hợp từ cholesterol. Trong cơ thể, cortisol được tổng hợp tại lớp giữa của vùng vỏ tuyến thượng thận. Hormone cortisol đóng vai trò trung tâm trong quá trình chuyển hóa glucose và phản ứng của cơ thể với căng thẳng. Sản xuất cortisol tuyến thượng thận được điều hòa bởi trục hạ đồi – tuyến yên – tuyến thượng thận.
Vai trò của cortisol đối với cơ thể
Thụ thể của hormon cortisol có mặt ở hầu hết các cơ quan trong cơ thể. Do đó, cortisol dường như là một hormon ảnh hưởng đến mọi hệ cơ quan, bao gồm: tim mạch, hô hấp, sinh sản, cơ xương khớp, miễn dịch, phản ứng stress,…
Đáp ứng với stress (căng thẳng)
Khi gặp stress, các tín hiệu thần kinh sẽ kích thích tuyến thượng thận giải phóng các catecholamin (như epinephrin) để đáp ứng bằng cách tăng nhịp tim và tăng hô hấp. Nếu cơ thể vẫn tiếp tục cảm thấy stress, tuyến thượng thận sẽ được kích thích để tiết ra cortisol. Khi đó, cortisol khiến cơ thể tiếp tục duy trì trạng thái cảnh giác cao độ bằng cách huy động nguồn dự trữ glucose để tạo năng lượng, ức chế cơn đau và các hệ cơ quan không quan trọng (như tiêu hóa), đồng thời thúc đẩy sự tăng nhịp tim, tăng hô hấp của cơ thể.
Điều hòa quá trình trao đổi chất
Cortisol có vai trò quan trọng trong chuyển hóa đường glucose, protein và lipid.
- Đối với chuyển hóa glucose, sự hiện diện của cortisol gây ra các tác dụng như: đối kháng với insulin (hormon làm giảm đường huyết), giảm sản xuất insulin và tăng glucagon (một hormon đối kháng insulin khác), tăng quá trình tân tạo đường và giảm sự tổng hợp glycogen tại gan, giảm quá trình vận chuyển glucose từ máu vào tế bào mỡ và tế bào cơ,…
- Với chuyển hóa protein, cortisol làm tăng ly giải protein ở cơ.
- Với chuyển hóa lipid, cortisol gây tăng ly giải mỡ trong các mô mỡ, phóng thích các acid béo vào máu nhưng đồng thời cũng tăng tích mỡ mạnh.
Kết quả của tổng hợp những quá trình này là việc cortisol làm tăng lượng đường glucose trong máu để giúp cung cấp năng lượng cho não hoạt động.
Tác dụng trên phản ứng viêm và miễn dịch
Cortisol có tác dụng chống viêm do ức chế quá trình tổng hợp acid arachidonic, dẫn đến ức chế tổng hợp các chất trung gian gây viêm khác. Ngoài ra, cortisol còn có một số tác động trong hệ thống miễn dịch. Cortisol gây ra quá trình chết theo chương trình của các tế bào T tiền viêm, ức chế sản xuất kháng thể tế bào B và giảm sự di chuyển của bạch cầu trung tính trong quá trình viêm, cuối cùng dẫn đến suy giảm miễn dịch..
Điều chỉnh huyết áp
Trên hệ tim mạch, vai trò của cortisol liên quan đến việc duy trì huyết áp bằng cách giữ cho chức năng bơm máu của tim bình thường, tăng khả năng đáp ứng giao cảm trên mạch máu (co mạch) và đồng thời gây giữ muối và nước ở thận. Nhìn chung, nồng độ cortisol tăng cao có thể gây ra huyết áp cao và nồng độ cortisol thấp hơn bình thường có thể gây ra huyết áp thấp.
Tác dụng khác
Cortisol cũng tạo điều kiện cho sự trưởng thành của hệ thần kinh trung ương, võng mạc, da, đường tiêu hóa và phổi của bào thai. Đặc biệt, cortisol quan trọng trong quá trình tổng hợp chất hoạt động bề mặt phế nang xảy ra trong những tuần cuối của thai kỳ. Trẻ sinh non có thể bị hội chứng suy hô hấp và những bà mẹ sinh non có thể được điều trị bằng glucocorticoid để kích thích sự tổng hợp chất hoạt động bề mặt của thai nhi.
Cơ chế điều hòa nồng độ cortisol của cơ thể
Sự giải phóng quá mức hay thiếu hụt cortisol đều dẫn tới rối loạn ở nhiêu cơ quan. Tại mỗi thời điểm, nhu cầu cortisol của cơ thể lại khác nhau. Do đó, sự bài tiết cortisol luôn được kiểm soát chặt chẽ thông qua các cơ chế điều hòa bao gồm cơ chế điều hòa ngược trên trục hạ đồi – tuyến yên – tuyến thượng thận và chu kỳ ngày đêm.
Cơ chế điều hòa ngược.
Sự giải phóng cortisol nằm dưới sự kiểm soát của trục hạ đồi – tuyến yên – tuyến thượng thận.
Khi có kích thích hoặc khi nồng độ cortisol hạ xuống thấp, vùng hạ đồi sẽ giải phóng hormon corticotropin để tác động lên thùy trước tuyến yên. Sau đó, tuyến này sẽ giải phóng hormon hướng vỏ thượng thận và tác động đến tuyến thượng thận. Tại tuyến thượng thận, cortisol được sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu của cơ thể.
Tuy nhiên, khi lượng cortisol được tiết ra ở một mức nào đó sẽ tác động ức chế ngược trở lại tuyến yên và vùng dưới đồi, ngăn chặn sự giải phóng các hormon hướng thượng thận và corticotropin ở 2 tuyến này.
Nhịp ngày – đêm
Trục hạ đồi – tuyến yên – tuyến thượng thận cũng tuân theo nhịp sinh học. Vào buổi sáng, cơ thể cần thực hiện các quá trình trao đổi chất tạo năng lượng cho một ngày làm việc, do đó nồng độ cortisol sẽ được tiết đỉnh điểm để phù hợp với nhu cầu của cơ thể. Nồng độ cortisol sẽ giảm dần trong ngày và xuống thấp vào ban đêm.
Xét nghiệm nào liên quan đến cortisol?
Khi nào cần xét nghiệm cortisol?
Có 3 loại xét nghiệm nồng độ cortisol là xét nghiệm cortisol trong máu, trong nước tiểu hoặc trong nước bọt. Tuy nhiên, phổ biến nhất vẫn là xét nghiệm cortisol trong máu. Nồng độ cortisol quá cao hoặc quá thấp phản ánh việc bệnh nhân đang có một tình trạng rối loạn tuyến thượng thận. Những rối loạn này có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm nồng độ cortisol máu trong trường hợp nghi ngờ hội chứng Cushing (tăng cortisol quá mức) hoặc suy thượng thận (giảm cortisol quá mức).
Ngoài ra, trong trường hợp bệnh nhân cấp cứu với triệu chứng tụt huyết áp, nôn ói nặng nề, đau bụng dữ dội, tiêu chảy, dấu mất nước trên da rõ, lơ mơ, lú lẫn, mê man,… bác sĩ cũng có thể chỉ định xét nghiệm cortisol để xác định có phải cơn suy thượng thận cấp hay không.
Kết quả xét nghiệm cortisol
Kết quả xét nghiệm cortisol sẽ thay đổi tùy thuộc vào độ tuổi, thời điểm xét nghiệm, mức độ căng thẳng và một số loại thuốc mà bạn đã dùng trước đó,… Do đó, bác sĩ sẽ cân nhắc và giải thích kết quả dựa trên thông số xét nghiệm và tình hình thực tế của bạn, tùy trường hợp có thể sẽ cần phối hợp với một số xét nghiệm khác nữa.
Thông thường, chỉ số nồng độ cortisol trong máu bình thường dao động ở 5 – 23 mcg/dL (hoặc 138 – 635 nmol/L theo chuẩn SI) vào buổi sáng 8h ở người lớn.
Nồng độ cortisol cao quá mức
Nồng độ cortisol cao trong các bệnh lý/ tình trạng sau:
- Khối u ở tuyến thượng thận dẫn đến sản xuất quá nhiều cortisol
- Khối u trong tuyến yên dẫn đến sản xuất quá mức hormon hướng vỏ thượng thận, kích thích sản xuất cortisol
- Các khối u sản xuất hormon hướng thượng thận lạc chỗ
- Stress (stress tâm lý hoặc stress do chấn thương)
- Tăng huyết áp
- Cường giáp
- Phụ nữ mang thai
Nồng độ cortisol cao gây ra tình trạng gọi chung là hội chứng Cushing, với các biểu hiện điển hình như tăng cân (béo bụng), da mỏng, dễ tổn thương, chậm liền sẹo, dễ nhiễm trùng, mặt trăng rằm, gù trâu, tăng huyết áp, loãng xương, rối loạn kinh nguyệt (nữ), rối loạn cương dương (nam), dễ kích động, giảm ham muốn tình dục,…
Nồng độ cortisol thấp quá mức
Nồng độ cortisol thấp có thể do một số nguyên nhân sau:
- Bệnh Addison (suy thượng thận nguyên phát)
- Suy tuyến yên làm giảm sản xuất hormon hướng thượng thận trong trục hạ đồi – tuyến yên – tuyến thượng thận
- Hạ đường huyết
- Suy chức năng tuyến giáp
- Bệnh gan
- Một số loại thuốc như phenytoin hay thuốc androgen
Nồng độ cortisol thấp biểu hiện một số triệu chứng trên lâm sàng như sụt cân, mất nước, yếu mệt, tăng sắc tố da ở các vùng da nhiều nếp gấp, giảm lông/tóc, hạ huyết áp, hạ đường huyết, vô kinh (nữ), bồn chồn, cáu gắt, không chịu được lạnh,…
Thuốc chứa cortisol là thuốc nào?
Thuốc chứa cortisol hay các dẫn xuất tổng hợp của cortisol (gọi chung là corticoid) đã trở thành một nhóm thuốc không thể thay thế trong nhiều bệnh lý. Các corticoid thường gặp trên thị trường bao gồm: prednison, methylprednisolon, dexamethason, betamethason, hydrocortison với nhiều dạng bào chế khác nhau.
Corticoid có nhiều công dụng: giúp giảm viêm (kháng viêm), ngăn các phản ứng miễn dịch hoạt động quá mức (còn gọi là ức chế miễn dịch), cân bằng nội tiết tố, chống stress, tăng hưng cảm (cho nên corticoid được xếp vào loại thuốc doping, cấm các vận động viên sử dụng). Đặc biệt, đáp ứng của corticoid thường xảy ra nhanh nên rất hữu ích trong điều trị các triệu chứng nghiêm trọng, đột ngột và giúp cơ thể cảm thấy giảm đau nhanh chóng.
Một số bệnh lý và tình trạng có thể sử dụng corticoid bao gồm: hen suyễn, dị ứng, chàm, phát ban, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), bệnh viêm ruột, bệnh Crohn, viêm loét đại tràng, bệnh đa xơ cứng, bệnh lupus, bệnh Addison, viêm khớp dạng thấp, bệnh nhân được ghép tạng,…
Tuy nhiên, việc sử dụng corticoid lâu dài có thể làm ảnh hưởng đến sự sản xuất hormon cortisol của cơ thể, dẫn đến các tác dụng phụ nghiêm trọng trên nhiều cơ quan khác nhau như: tăng cân, yếu cơ, mờ mắt, đục thủy tinh thể, suy giảm miễn dịch, loãng xương, tăng đường huyết, tăng huyết áp, đau dạ dày, bồn chồn, khó ngủ, giữ nước và phù,… Sử dụng corticoid ngắn ngày sẽ an toàn hơn nhưng vẫn có rủi ro. Do đó khi sử dụng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để điều trị hợp lý, tránh lạm dụng corticoid chỉ vì những tác dụng tức thì mà thuốc mang lại.
Một số khuyến cáo chung được đưa ra nhằm hạn chế tác dụng phụ của corticoid như sau:
- Sử dụng corticoid khi cần thiết với liều thấp có hiệu quả.
- Sử dụng dạng bào chế phù hợp để tránh các tác dụng phụ toàn thân.
- Thận trọng khi giảm liều hoặc ngừng điều trị: không giảm liều hoặc ngừng thuốc đột ngột để tuyến thượng thận có thời gian phục hồi khả năng tiết cortisol bình thường, tránh các biến chứng do cơ thể không đủ cortisol..
- Đề phòng các nguy cơ nhiễm trùng.
- Khám mắt định kỳ tại các phòng khám uy tín.
- Giữ cho xương chắc khỏe bằng cách vận động hợp lý, bổ sung canxi và vitamin D khi cần thiết.
- Cẩn thận trước các dấu hiệu giữ nước (ví dụ như sưng mắt cá chân).
Lưu ý, người bệnh không được tự ý sử dụng thuốc khi chưa có sự cho phép của bác sĩ chuyên khoa. Việc sử dụng thuốc bừa bãi hoặc không đúng cách có thể khiến thuốc sai tác dụng, từ đó gây ra một số tác dụng phụ không tốt cho sức khỏe, nghiêm trọng hơn là khiến bệnh tình trở nên nặng nề hơn.
Câu hỏi thường gặp
u003cstrongu003eĐịnh lượng cortisol là gì?u003c/strongu003e
Định lượng cortisol là xác định nồng độ cortisol trong máu, nước tiểu hoặc nước bọt tùy theo loại xét nghiệm.
u003cstrongu003eCortisol là xét nghiệm gì?u003c/strongu003e
Là xét nghiệm xác định nồng độ cortisol trong máu, nước tiểu hoặc nước bọt nhằm giúp chẩn đoán một số bệnh lý liên quan đến tuyến thượng thận.
u003cstrongu003eCortisol có tác dụng gì?u003c/strongu003e
Cortisol được xem là một hormonehormon chống stress, ngoài ra cortisol cũng có tác dụng làm tăng huyết áp, tăng đường huyết, chống viêm và ức chế miễn dịch.
u003cstrongu003eCortisol máu bình thườngu003c/strongu003e
Thông thường, chỉ số nồng độ cortisol trong máu bình thường dao động ở 5 – 23 mcg/dL (hoặc 138 – 635 nmol/L theo chuẩn SI) vào buổi sáng 8h ở người lớn.
u003cstrongu003eCortisol làm tăng đường huyếtu003c/strongu003e
Cortisol có tác dụng làm tăng đường huyết thông qua nhiều cơ chế: đối kháng với insulin, tăng quá trình tân tạo đường và giảm sự tổng hợp glycogen tại gan, giảm quá trình vận chuyển glucose từ máu vào tế bào mỡ và tế bào cơ
u003cstrongu003eĐiều trị tăng cortisol máuu003c/strongu003e
Trong chứng tăng cortisol máu, bệnh nhân cần được điều chỉnh điện giải, bổ sung thuốc ức chế tuyến thượng thận hoặc thuốc ức chế thụ thể glucocorticoid, ngoài ra trong trường hợp cần thiết có thể cần phẫu thuật để loại bỏ khối u.
Trên đây là những thông tin tổng quan về vai trò của cortisol đối với cơ thể, kèm theo đó, tác giả cũng muốn cung cấp thêm kiến thức về những khía cạnh khác xoay quanh loại hormon rất quan trọng này. Hy vọng bạn đọc sẽ tìm thấy những thông tin mà bạn mong muốn tại bài viết này.
Bài viết được Doctor có sẵn tham khảo từ ý kiến của bác sĩ cũng như các nguồn thông tin tin cậy trong và ngoài nước. Docosan Team khuyến khích bạn hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị nếu có những dấu hiệu tăng hoặc giảm nồng độ cortisol trong cơ thể.
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4263906/
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK538239/
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK26/
- https://www.medicalnewstoday.com/articles/322330
- https://www.medicalnewstoday.com/articles/corticosteroids
- https://www.webmd.com/a-to-z-guides/what-is-cortisol
- https://emedicine.medscape.com/article/2088826-overview
- https://www.mayoclinic.org/steroids/art-20045692