Tỷ lệ người mắc bệnh phong thấp ngày một gia tăng và đang có dấu hiệu trẻ hóa dần. Tỷ lệ mắc bệnh này thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới. Bệnh có liên quan đến tuổi tác, ví dụ thường gặp ở các chị em sau độ tuổi mãn kinh hay những người cao tuổi. Vậy, bệnh phong thấp có triệu chứng gì, điều trị bệnh như thế nào cho an toàn và hiệu quả? Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu qua bài viết này.
Tóm tắt nội dung
- 1 Bệnh phong thấp là bệnh gì?
- 2 Nguyên nhân gây ra phong thấp
- 3 Bệnh phong thấp có triệu chứng gì?
- 4 Bệnh phong thấp gây ra biến chứng gì không?
- 5 Chẩn đoán bệnh phong thấp theo y học cổ truyền
- 6 Điều trị bệnh phong thấp bằng thảo dược
- 7 Điều trị bệnh phong thấp bằng châm cứu
- 8 Điều trị bệnh phong thấp bằng vật lý trị liệu
- 9 Điều trị bệnh phong thấp ở đâu?
- 10 Phòng ngừa bệnh phong thấp bằng cách nào?
- 11 Câu hỏi thường gặp
Bệnh phong thấp là bệnh gì?
Trong y khoa, bệnh phong thấp (tê thấp hay phong tê thấp) gọi là bệnh viêm đa khớp hay viêm khớp dạng thấp. Thuật ngữ này được dùng cho những chứng bệnh lý gây đau nhức các vị trí cơ xương khớp ở khắp cơ thể, bao gồm bệnh viêm khớp dạng thấp, bệnh thấp khớp, loãng xương,… Bệnh phong thấp xảy ra thường do ảnh hưởng bởi tuổi tác, yếu tố di truyền, bản chất công việc, suy giảm nội tiết tố ở phụ nữ sau mãn kinh.
Trong y học cổ truyền, bệnh phong thấp là thuật ngữ được dùng để mô tả tình trạng đau nhức xảy ra ở các khớp xương, bắp thịt và gân. Bệnh phong thấp xảy ra khi phần khí cơ thể bị suy giảm khiến phong và thấp xâm nhập qua da, nang lông rồi đến các kinh lạc, di chuyển khắp cơ thể gây nên tình trạng cơ thể nhức mỏi ê ẩm, nhất là ở các khớp xương. Ngoài ra, sự sụt giảm phần khí cũng dẫn đến tình trạng bệnh phong thấp ra mồ hôi tay chân.
Bệnh phong thấp không có yếu tố lây nhiễm nhưng thường gặp phổ biến ở nhiều nhóm tuổi và đối tượng khác nhau. Trong đó, những người ở độ tuổi trung niên và người cao tuổi là nhóm đối tượng dễ mắc bệnh phong thấp nhất. Bên cạnh đó, những người liên tục tiếp xúc với không khí lạnh, lao động chân tay nặng, ngồi làm việc liên tục nhiều giờ, người có cơ thể gầy yếu hoặc suy nhược,… cũng dễ mắc phải căn bệnh này.
Theo báo cáo dịch tễ bệnh phong thấp, bệnh phong thấp ảnh hưởng đến khoảng 1% dân số. Tỷ lệ mắc bệnh ở nữ giới cao hơn nam giới từ 2 – 3 lần. Bệnh phong thấp có thể khởi phát thường ở độ tuổi từ 35 – 50 tuổi, nhưng cũng có thể gặp ở giai đoạn trẻ hơn.
Nguyên nhân gây ra phong thấp
Theo lý luận của y học cổ truyền, bệnh phong thấp hay tý chứng gây nên do cơ thể suy yếu (phần vệ khí sụt giảm) dẫn đến các tà khí như phong và thấp xâm nhập cơ nhục, kinh lộ và khớp xương làm tổn thương tâm và huyết mạch gây đau nhức, tê bì ở khớp xương, tay chân, vai gáy, lưng. Đồng thời, đây cũng là nguyên nhân bệnh phong thấp ra mồ hôi tay chân.
Trong Tây y, cho đến nay vẫn chưa xác định rõ ràng nguyên nhân gây ra bệnh phong thấp. Theo nhận định của các chuyên gia y tế, tình trạng bệnh có thể do một số nguyên nhân phản ứng miễn dịch tự thân sau đây gây nên:
- Thay đổi hormone:
Nhiều cuộc khảo sát đã nhận thấy rằng, tỷ lệ mắc bệnh phong thấp ở phái đẹp thường cao hơn ở phái mạnh. Nhiều nhất là phụ nữ trước hoặc sau khi sang thời kỳ mãn kinh thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới ở cùng độ tuổi.
Nguyên nhân có thể có sự suy giảm nội tiết tố nữ – estrogen ở phái đẹp. Dẫn đến giảm khả năng hấp thu canxi trong xương, gây loãng xương dễ xuất hiện các cơn đau nhức xương khớp kéo dài – dấu hiệu của bệnh phong thấp.
- Yếu tố truyền nhiễm:
Chưa có nhiều bằng chứng chính xác nhưng các nhà nghiên cứu đã nghi ngờ sự xâm nhập của vi khuẩn, virus truyền nhiễm vào tổ chức xương chính là nguyên nhân gây bệnh phong thấp. Một số virus như Epstein – Barr, Parvovirus B19,… được xem là có thể tấn công vào khớp và gây viêm.
- Yếu tố di truyền:
Theo một số nghiên cứu đã phát hiện ra sự biểu hiện tính trạng của gen HLA – DK4 ở những người mắc bệnh phong thấp chiếm 40 – 71%. Ngoài ra, các nhà khoa học nhận thấy sự biểu hiện tính trạng của hai gen PTPN22 và PADI4 cũng có liên quan đến sự khởi phát của bệnh phong thấp.
Ngoài ra, các nguyên nhân gây bệnh phong thấp có thể là:
- Do các chấn thương ở cơ xương khớp như té ngã, va đập mạnh,…
- Các bệnh lý về xương khớp: Loãng xương, thoái hóa khớp, Palindromic,…
- Hút thuốc lá, nhiễm silic.
- Béo phì gây chèn ép, tăng áp lực lên các khớp xương.
- Thuốc: Sử dụng corticoid kéo dài dễ dẫn đến loãng xương.
- Những thay đổi về hệ vi sinh vật ở ruột, miệng và phổi.
- Bệnh nha chu dễ gây nhiễm trùng ở các tổ chức xương vùng đầu, cổ.
- Stress hoặc tinh thần bị kích động.
Bệnh phong thấp có triệu chứng gì?
Dựa trên các triệu chứng lâm sàng, là dấu hiệu để nhận biết bệnh phong thấp. Những triệu chứng bệnh phong thấp phổ biến thường gặp có thể kể đến như:
- Đau nhức xương khớp:
Thường thì các triệu chứng đau nhức xương khớp do phong thấp gây ra thường không xuất hiện một các đột ngột. Các cơn đau nhức thường diễn ra âm ỉ ngay cả khi vận động hoặc bất động. Bên cạnh đó, còn kèm theo các biểu hiện sưng tấy, đỏ, nóng ở các khớp cổ tay, bàn tay, ngón tay và chân,… Trong trường hợp nặng hơn, bệnh phong thấp có thể gây co cứng các khớp không thể gập duỗi được.
Các khớp bị đau nhức chủ yếu ở:
- Cổ tay và khớp ngón số 2 và 3.
- Khớp đốt ngón gần.
- Khớp bàn chân và ngón chân.
- Khớp vai.
- Khớp khuỷu tay.
- Khớp háng.
- Khớp gối.
- Khớp cổ chân.
- Xuất hiện hạt dưới da:
Khoảng 15 – 25% những người mắc bệnh phong thấp có thể sờ thấy dưới da xuất hiện các hạt nhỏ kích thước từ 0,2 – 0,3cm. Bệnh nhân có thể tìm thấy hạt dưới da ở những vùng da ở gót chân, khuỷu tay hay đầu gối. Đôi khi, chúng còn xuất hiện ở các cơ quan nội tạng như phổi, màng tim, não,…
- Tê cứng vào buổi sáng:
Bệnh phong thấp thường gây co cứng xương khớp, khó khăn khi co duỗi nhất là khi mới thức dậy vào buổi sáng. Bệnh nhân khó khăn khi di chuyển, đi lại. Thậm chí không thể thực hiện các sinh hoạt hàng ngày như mặc quần áo hoặc chải đầu,…
- Hội chứng giảm tiết dịch:
Khi bị bệnh phong thấp, người bệnh có thể gặp phải một số triệu chứng như khô miệng, khô mắt,…
- Một số triệu chứng khác:
Ngoài các biểu hiện kể trên, bệnh nhân còn gặp phải những triệu chứng khác của bệnh phong thấp:
- Tim đập nhanh, loạn nhịp tim.
- Khó thở, thiếu máu khiến da tái nhợt, xanh xao, mạch lạnh.
- Tay chân ra nhiều mồ hôi.
- Tay chân khi sờ thấy vào thấy lạnh.
- Chán ăn, cơ thể mệt mỏi đôi khi sốt nhẹ.
Bệnh phong thấp gây ra biến chứng gì không?
Với nền y học ngày càng hiện đại và phát triển, bệnh phong thấp hiện nay có thể được đẩy lùi, hạn chế bệnh tái đi tái lại nhiều lần khiến người bệnh mệt mỏi và suy nhược. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện, chữa trị kịp thời và đúng cách, bệnh phong thấp có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến hệ cơ xương khớp hoặc là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nghiêm trọng khác, chẳng hạn như:
- Tổn thương xương khớp cao, có khả năng bị biến dạng ở các khớp ngón tay – bàn tay như biến dạng cổ thiên nga, biến dạng boutonniere.
- Dấu hiệu viêm xuất hiện trên nhiều bộ phận có thể dẫn đến các bệnh lý nguy hiểm khác như: bệnh xơ phổi, hội chứng ống cổ tay, viêm khớp sụn nhẫn gây khàn giọng và thở rít, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim,…
- Nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch như đau tim, đột quỵ, huyết khối tĩnh mạch sâu,…
- Gây tổn thương cột sống như mất khớp đội trục và chèn ép cột sống dẫn đến mất vững khi ngửa cổ.
- Giảm khả năng vận động, thậm chí bị liệt hoàn toàn nếu bệnh trở nặng.
- Tiềm ẩn các bệnh loãng xương, thiếu xương, ung thư phổi, ung thư da, rối loạn tăng sinh tế bào lympho,…
- Ảnh hưởng đến khả năng mang thai ở phụ nữ.
Chẩn đoán bệnh phong thấp theo y học cổ truyền
Theo chẩn đoán bệnh phong thấp trong Đông y, đây là loại bệnh thuộc chứng tý thuộc thể phong thấp.
- Các triệu chứng bệnh phong thấp trên lâm sàng:
- Các khớp và cơ nhục đau mỏi, co duỗi khó khăn, cảm giác nặng nề.
- Đau có tính chất lan sang các khớp nhỏ và vừa.
- Trong đợt bệnh tiến triển khiến các khớp sưng đau, bì phù, cảm giác tê bì.
- Thời kỳ đầu có biểu hiện sợ gió, phát sốt.
- Chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi mỏng trắng hay dính nhớt.
- Mạch phù hoãn hoặc nhu hoãn.
- Chẩn đoán:
- Chẩn đoán bát cương: Biểu thực hàn.
- Chẩn đoán nguyên nhân: Ngoại nhân (phong, thấp).
- Pháp chữa:
- Khu phong, trừ thấp, thông lạc, chỉ thống.
Ngoài ra, vệ khí trong cơ thể hư tổn do phần dương khí thoát ra ngoài bởi hệ thống kinh lạc ở tay và chân bị tắc nghẽn hoặc rối loạn cũng là nguyên nhân bệnh phong thấp ra mồ hôi tay chân. Dựa trên thăm khám lâm sàng, một số triệu chứng điển hình của bệnh phong thấp ra mồ hôi tay chân thường kể đến:
- Ra mồ hôi ở lòng bàn tay và lòng bàn chân, bệnh có xu hướng thường xuyên và nhiều hơn khi gặp lạnh, trạng thái lo lắng, căng thẳng,…
- Đầu ngón tay và chân thường bị rộp, bong tróc.
- Da bàn tay có màu nhợt nhạt, lòng bàn tay lạnh dù thời tiết bình thường.
- Khi bệnh nặng, mồ hôi liên tục ra không tự chủ, có khi ra nhiều ở da đầu hoặc thậm chí toàn thân.
Điều trị bệnh phong thấp bằng thảo dược
Trong đông y, từ lâu đời đã dùng nhiều loại thảo dược được phối ngũ thành các phương thuốc có tác dung khu phong trừ thấp, chỉ thống hoạt lạc để điều trị bệnh phong thấp. Dưới đây là một số loại dược liệu tiêu biểu:
Cẩu tích
Là thân rễ của cây lông cu li, dược liệu có vị đắng ngọt, tính ấm, có tác dụng trừ phong thấp, bổ can thận, mạnh gân xương. Trong đông y, cẩu tích dùng chữa phong thấp gây đau lưng, nhức mỏi chân tay, đau dây thần kinh tọa. Ngày dùng 10 20g dưới dạng thuốc sắc phối hợp với các vị thuốc khác.
Độc hoạt
Trong thành phần hóa học của độc hoạt chứa các hợp chất coumarin như umbelliferon, bergapten, columbieanetin,… có tác dụng khử phong thấp, giảm tê đau. Do đó, dược liệu này được dùng trị bệnh phong thấp đau khớp, trúng phong co quắp, lưng gối mỏi đau, chân tay tê cứng. Ngày dùng 4 – 12g, dạng thuốc sắc. Thường phối hợp với các vị đương quy, xuyên khung, phòng phong, tục đoạn,…
Phòng kỷ
Phòng kỷ hay còn gọi là phấn phòng kỷ hoặc hán phòng kỷ, chứa nhiều hoạt chất alkaloid như tetrandrine, fenchinoline, berbamine,… với công dụng khu phong trừ thấp, tán ứ chỉ thống nên ở Trung Quốc, phòng kỷ được dùng chữa chứng phong thấp tê đau, đau thần kinh dưới liều dùng từ 5 – 15g, dưới dạng thuốc sắc.
Ngoài ra, trong dân gian, người dân thường dùng phòng kỷ sắc nước uống để chữa đau lưng, mỏi nhức chân, đau hông, đau bụng (uống vào ngủ rất say).
Phòng phong
Theo chuyên luận phòng phong – dược điển Việt Nam, phòng phong có công năng giải biểu trừ phong hàn, khử phong thấp, trừ co thắt nên chủ trị trong các trường hợp đau đầu do hàn, bệnh phong thấp tê đau, mày đay và uốn ván. Ngày dùng từ 5 – 12g, thường phối hợp trong các phương thuốc với thương nhĩ tử, bạch chỉ, độc hoạt,…
Tang chi
Theo đông y, tang chi hay còn gọi là cành non cây dâu tằm, có vị đắng, tính bình. Dược liệu có tác dụng trừ bệnh phong thấp, thông lợi các khớp, thông kinh lạc, giảm đau nên dùng chủ trị các chứng đau nhức cơ khớp, chân tay co duỗi khó khăn. Ngày dùng từ 9 – 15g, dưới dạng thuốc sắc.
Tần giao
Theo công dụng của tần giao, thảo dược có vị đắng tính bình, có công năng trừ bệnh phong thấp, thanh thấp nhiệt, ngừng tê đau. Vì vậy, dùng chủ trị chứng phong thấp đau khớp, gân mạch co rút, khớp đau bứt rứt, chân tay co quắp, sốt vào buổi chiều, trẻ cam tích phát sốt. Dược liệu dùng sắc hoặc hoàn tán với liều dùng từ 6 – 9g/ ngày, hay phối hợp với các vị ngưu tất, phòng phong, độc hoạt,…
Tục đoạn
Trong thành phần hóa học của tục đoạn có chứa alkaloid, tanin và một ít tinh dầu, tác dụng bổ can thận, bổ gân cốt, liền xương, thông huyết mạch, giảm đau. Thảo dược thường dùng chữa đau lưng, thắt lưng và đầu gối đau yếu, gân cốt đứt gãy. Tửu tục đoạn thường dùng cho người phong thấp, sang chấn. Ngày dùng 10 – 20g dưới dạng thuốc sắc, có thể ngâm rượu hoặc tán bột.
Thiên niên kiện
Trong thiên niên kiện có chứa nhiều tinh dầu khoảng 40% linalol, một ít terpinol và 2% linalyl acetate nên dược liệu có vị đắng, cay, mùi thơm, tính ấm. Vị thuốc có tác dụng khử phong thấp, bổ gân cốt, chỉ thống tiêu thũng. Vì vậy, thường dùng chữa phong hàn thấp nhức mỏi các gân xương, co quắp tê bại.
Trong nhân dân, thiên niên kiện dùng chữa thấp khớp, đau nhức khớp. Ở Vân Nam (Trung Quốc), dược liệu dùng trị gãy xương, tứ chi tê bại, gân mạch khó co duỗi, phong thấp đau lưng, phong thấp đau nhức khớp xương. Ngày dùng 6 – 12g để sắc uống hoặc ngâm rượu. Có thể phối ngũ với ngưu tất, thổ phục linh, độc lực trị tê thấp, nhức mỏi.
Điều trị bệnh phong thấp bằng châm cứu
Châm cứu là cách trị bệnh phong thấp hàng đầu không sử dụng thuốc, thực hiện thủ thuật châm tả các huyệt đạo:
- Tại chỗ: Huyệt tại các khớp sưng đau và vùng lân cận.
- Toàn thân:
Đại chùy (GV.14) | Phong môn (BL.12) |
Phong trì (GB.20) | Hợp cốc (LI.4) |
Túc tam lý (ST.36) | Huyết hải (SP.10) |
- Lưu kim 20 – 30 phút/lần/ngày, từ 15 – 20 ngày liệu trình.
- Các kỹ thuật châm: Điện nhĩ châm, điện mãng châm, ôn điện châm, ôn châm.
- Điện nhĩ châm:
Nếu sưng đau khớp chi trên: Châm tả vùng cột sống, vai gáy, cánh tay, khuỷu tay.
Nếu sưng đau chi dưới: Châm tả vùng bánh chè, cẳng chân, bàn chân, đầu gối. Châm bổ thần môn. Thời gian từ 20 – 30 phút/lần. Một liệu trình từ 10 – 15 lần.
Điều trị bệnh phong thấp bằng vật lý trị liệu
Ngoài châm cứu, vật lý trị liệu cũng là một trong những cách trị bệnh phong thấp mà không dùng thuốc. Các thủ thuật: Xát, xoa, day, vê, bóp vùng khớp bị đau nhức. Ấn các huyệt: A nhị, hợp cốc (LI.4), nội đình (ST.44). Vận động khớp nhẹ nhàng. Liệu trình 30 phút/lần/ngày, một liệu trình điều trị từ 10 – 15 ngày, tùy theo mức độ và diễn biến bệnh, có thể tiến hành từ 2 – 3 liệu trình liên tục.
Điều trị bệnh phong thấp ở đâu?
Hiện nay, các bệnh cơ xương khớp nói chung hay bệnh phong thấp nói riêng có thể được điều trị và thăm khám ở các cơ sở y tế. Tuy nhiên, việc chọn lựa các cơ sở uy tín, chất lượng là điều quan trọng giúp điều trị bệnh hiệu quả, an toàn, tránh các biến chứng nguy hiểm xảy ra. Một số cơ sở y tế uy tín có thể tham khảo dưới đây:
- Phòng khám Đa khoa Quốc tế Victoria Healthcare – Quận 7, TPHCM: Chuyên khoa Cơ Xương Khớp của phòng khám là đơn vị chuyên tiếp nhận các trường hợp khám và điều trị bệnh phong thấp. Bệnh nhân sẽ được bác sĩ chuyên khoa thăm khám kỹ lưỡng trước khi đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
- Phòng khám Đa khoa FV Sài Gòn – Quận 1, TPHCM: Là một trong những phòng khám tư nhân hiện đại do Bệnh viện FV thành lập. Phòng khám cung cấp đa dạng dịch vụ khám chữa bệnh ngoại trú, chẩn đoán hình ảnh, cơ xương khớp,… Phần lớn các bệnh nhân đều cảm thấy hài lòng khi lựa chọn nơi đây để khám chữa bệnh.
- Việt Mỹ Clinic – Tây Hồ, Hà Nội: Là phòng khám chuyên khám và điều trị bệnh cơ xương khớp theo nhiều phương pháp khác nhau. Trực tiếp thăm khám và điều trị là bác sĩ Nguyễn Văn Phúc với hơn 20 năm kinh nghiệm lâm sàng về trị liệu cơ xương khớp tại Bệnh viện Bạch Mai.
Phòng ngừa bệnh phong thấp bằng cách nào?
Nâng cao sức khỏe xương khớp và tăng sức đề kháng là cách tốt nhất giúp giảm bớt rủi ro mắc bệnh phong thấp. Để đạt tình trạng sức khỏe tốt cần thực hiện các biện pháp sau:
- Bổ sung dưỡng chất hỗ trợ bảo vệ xương khớp: Collagen type II, chondroitin sulfate, glucosamine, acid hyaluronic, chiết xuất vỏ trứng, canxi gluconat, vitamin D, vitamin K2,…
- Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng: Bổ sung thêm nhiều thực phẩm giàu canxi, vitamin D giúp xương chắc khỏe như trứng, hải sản, rong biển,…
- Tập luyện thể dục đều đặn mỗi ngày giúp nâng cao sức khỏe cho xương khớp, hạn chế nguy cơ bệnh phong thấp.
- Hạn chế tiếp xúc các yếu tố độc hại trong công việc như bụi silic, chì, mangan, cadimi dễ gây mất chất khoáng cho xương.
- Bỏ thuốc lá để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh phong thấp.
- Thăm khám y tế định kỳ để thăm khám, phát hiện và chữa trị bệnh kịp thời.
Câu hỏi thường gặp
Bệnh phong thấp kiêng ăn gì?
Thực phẩm chế biến sẵn nhiều muối, đường.
Thịt đã qua chế biến.
Nội tạng động vật.
Rượu và đồ uống chứa cồn.
Các gia vị cay như ớt, tiêu, mù tạt,…
Bệnh phong thấp có lây không?
Bệnh phong thấp không lây từ người sang người như các bệnh truyền nhiễm khác.
Bệnh phong thấp có nguy hiểm không?
Đây không phải là bệnh gây chết người, nhưng làm giảm chất lượng cuộc sống nặng nề.
Bệnh phong thấp có di truyền không?
Bệnh phong thấp có liên quan đến yếu tố di truyền.
Bệnh phong thấp tiếng anh là gì?
Bệnh phong thấp tiếng anh là rheumatoid arthritis, gọi tắt là RA.
Bệnh phong thấp có đi nghĩa vụ không?
Bệnh không được liệt kê trong diện được miễn nghĩa vụ quân sự, nên người bệnh vẫn đi thực hiện nghĩa vụ bình thường.
Bệnh phong thấp lây qua đường nào?
Bệnh không lây nhiễm từ người sang người như các bệnh truyền nhiễm khác.
Như vậy, thông qua bài viết này, hi vọng các bạn có thêm nhiều thông tin quý giá về bệnh phong thấp. Nếu bạn hoặc người thân của bạn có những dấu hiệu của bệnh phong thấp, xin vui lòng đặt lịch khám với bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp .